Ghi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢI

18.01.2012

Ghi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢI

Tháng Tư 1975, Đà Nẵng mới giải phóng, tôi vớ được cuốn tạp chí Văn ở nơi người ta thu gom sách báo cũ gần chợ Cồn. Đó là số đặc biệt trích đăng hồi ký của nhà văn Mỹ Erskin Caldwell (tác giả tiểu thuyết Con đường thuốc lá nổi tiếng). Ông kể cứ đến mùa thu, ông tới khu nghỉ mát mùa hè của giới thượng lưu, xin cuốc đất trồng khoai, đốn củi. Khi tuyết rơi, ông đốt lò sưởi, đào khoai ăn và viết văn. Ông viết rất khỏe, hết mùa đông trong va li đã có một chồng bản thảo rồi xách nó về New York. Đến một tòa soạn, Caldwell nộp thử năm truyện ngắn. Người Tổng biên tập nhận bài rồi sắp xếp cho ông nghỉ ở một nhà khách và dặn hãy chờ điện thoại. Suốt ngày ông không rời cái điện thoại, kể cả việc ông phải chạy thật nhanh để mua ổ bánh mì rồi trở về phòng ngay vì trên toàn thế giới chỉ có ông Tổng biên tập biết được số máy này. Sau vài ngày thì có chuông đổ. Caldwell để nó reo mấy cái cho sướng tai mới bắt máy. Đầu dây bên kia có tiếng nói: "Năm truyện của ông đều đạt cả, nhưng báo chỉ in hai truyện thôi, được chứ?”. Vì quá vui Caldwell không trả lời được. Lại có tiếng nói: "Chúng tôi trả anh hai năm mươi một truyện được không?”. Lúc này Caldwell đã tỉnh. "Hai năm mươi làm sao tôi đủ tiền về” - "Anh nói sao, mỗi truyện hai trăm năm mươi đô la, hai truyện là năm trăm, anh về đâu mà không đủ tiền?”. Lúc ấy giọng Caldwell run run: "Tôi tưởng hai đô la rưỡi”.

Sau khi dằn túi 500 đô la (vào những năm 30 thế kỷ trước đó là số tiền không nhỏ), Caldwell đáp tàu lửa về Hannibal, bên bờ sông Mississippy, quê hương nhà văn nổi tiếng Mark Twain. Đang lang thang trên phố, ông nhìn thấy khách sạn Mark Twain, vội xách hành lý vào. Sau khi đặt cái máy chữ vào một góc ông đến thuê phòng ngủ. Người lễ tân lắc đầu. Ông hỏi có phải khách sạn hết phòng không? Người lễ tân trả lời: "Còn nhiều phòng lắm, nhưng không cho các ông nhà văn với cái máy chữ trọ được. Họ ở cả tuần, bỏ đi không trả tiền, chỉ để lại cái máy chữ”. Caldwell nói là ông có tiền cũng không thuyết phục được người lễ tân cho đến khi ông móc túi lấy ra một tệp đô la thì mới có được chỗ nghỉ.

Còn bây giờ vào tháng 6-2011, tôi đã đứng trước khách sạn ấy, trông bề ngoài, có cảm tưởng nó cũng chẳng có thay đổi gì nhiều so với 80 năm trước.

Cái thị trấn thật nên thơ này cái gì cũng gắn với Mark Twain. Nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, quán cà phê, thư viện, hiệu sách, siêu thị... tất tật đều mang tên nhà văn. Người Mỹ là bậc thầy đánh thức các giá trị trong đó có văn chương thành tiền. Ngôi nhà của Mark Twain thành bảo tàng, họ dựng lại căn nhà của Tom Sawyer, nhân vật trong tác phẩm cùng tên như những gì nhà văn tả trong sách. Khách phải bỏ ra 9 đô la để thăm mấy ngôi nhà nhỏ này trong một không gian hẹp chỉ bằng một phần mấy chục lần Bảo tàng Nghệ thuật Chicago mà ở đó chỉ phải trả 18 đô la. Trong Bảo tàng người ta còn trưng bày cái máy in sản xuất ở Chicago thời Mark Twain làm báo. Nói chung họ tận dụng tối đa những gì gợi nhớ đến nhà văn. Có thể nói ở Hannibal ở đâu cũng có sự hiện diện của Mark Twain. Trước mặt thị trấn là sông Missisippy, con sông hùng vĩ của nước Mỹ và thế giới vẫn lững lờ trôi, mang theo trong nó những xà lan chở hàng, chắc đã có từ sinh thời Mark Twain. Cũng có một con đê để chống lũ. Bình thường, xe hơi có thể chạy ra tận mép nước, khi nước sông dâng cao người ta chỉ việc cẩu các cực chắn nước để nối hai đoạn đê lại với nhau, không cho nước sông tràn vào thị trấn. Nhìn nó thật đơn giản so với những gì rối rắm mà thành phố Hồ Chí Minh phải đối phó với triều cường.

Ở Hannibal người ta truyền tụng một câu chuyện rằng: Cô giáo dạy văn hỏi một học sinh: Sao em viết sai ngữ pháp nhiều quá vậy. Cậu học sinh trả lời rất dõng dạc: Em viết theo Mark Twain. Cô giáo nói: Vậy là chưa ổn rồi. Khi nào nổi tiếng như Mark Twain, em muốn viết sao cũng được, nhưng hiện tại em phải viết đúng ngữ pháp.

Lại nhớ trước khi phỏng vấn vào Mỹ, con trai tôi có dặn rằng: Bố cứ nói đến thăm gia đình con đang học ở Đại học Missouri, gần Hannibal, quê hương Mark Twain thì sẽ dễ thuyết phục người phỏng vấn hơn. Nhưng khi phỏng vấn người ta lại hỏi: Con gái của mày đã có con chưa? Rồi sau đó cho visa, chẳng dính dáng gì đến văn chương cả. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhiều lần đi Mỹ, có một lần được hỏi: Mày đi giày số mấy? Một câu hỏi hơi bị ít chất thơ.

VN Bão lụt

Anh Nhật Thành, Bí thư quận ủy Sơn Trà năm 2006, thời cơn siêu bão Xangsane đổ vào Đà Nẵng nói với tôi: "Khi nào tiến sĩ Trần Tiễn Khanh về Đà Nẵng, anh báo cho tôi biết, tôi muốn gặp anh Khanh để nói lời cảm ơn”. Anh Thành kể:

- Một ngày trước khi bão đổ bộ, dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn là bão mạnh cấp 12 và trên cấp 12, nhưng tôi cũng chưa hình dung được sức mạnh tàn phá của bão. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đóng Sở chỉ huy tại khách sạn Bạch Đằng nhắc nhở suy nghĩ phương án sơ tán dân ở bán đảo Sơn Trà. Cả trăm năm qua, bão vào Đà Nẵng nhiều, nhưng ít khi phải sơ tán dân, vì người ta tin vào sự che chắn của núi Sơn Trà. Tôi đang rất lưỡng lự vì sơ tán mấy chục ngàn người đâu phải chuyện đơn giản. Đang trong tâm trạng ấy, tôi mở VN Bão lụt của anh Khanh. Trang dự báo này đã dịch sang tiếng Việt và tải về dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới như Hải quân Mỹ, Hồng Kông... và nhiều đài khác. Các dự báo gần như giống nhau về tốc độ gió, tọa độ, thời gian đổ bộ vào Đà Nẵng. Nhìn các thông số tôi hiểu ngay đây là một trận bão khủng khiếp. Tôi báo cáo về Sở chỉ huy đề nghị sơ tán gấp trên 30 ngàn dân của các phường ven biển. Chiều hôm ấy và cả trong đêm cuộc di tản lớn nhất từ trước đến giờ ở Sơn Trà được làm khẩn trương và quyết liệt, đến gần sáng thì xong. 9 giờ bão đổ bộ vào. Nhà cửa cấp 3, cấp 4 đổ sập hàng loạt, cả quận như vừa qua một trận B52 rải thảm. Thật may mắn không có một người nào thiệt mạng. Tôi phải nói lời cảm ơn tới anh Khanh.

Nhưng mấy lần tiến sĩ Khanh về Đà Nẵng, do chưa đủ cơ duyên mà hai con người này vẫn chưa gặp được nhau.

Tôi đến Las Vegas, ở nhà anh Khanh 10 ngày. Anh chị giao cho tôi cả tầng hai, gồm một phòng khách, hai phòng ngủ với hàng ngàn bản sách tiếng Việt, tiếng Anh. Tôi để ý có một phòng trong đó máy móc chạy ù ù suốt ngày. Anh Khanh nói đó là VN Bão lụt.

- Mấy năm trước tôi giành nhiều thì giờ cho trang dự báo này. Nhưng bây giờ thì rảnh rỗi hơn có thì giờ kiếm tiền nuôi vợ con. Thứ nhất là dự báo trong nước đã tốt lên rất nhiều. Vả lại tôi đã lập các phần mềm tự động để tìm kiếm tin tức và dịch sang tiếng Việt đều đặn mỗi ngày 4 lần, nếu có bão lụt ảnh hưởng đến Việt Nam thì cập nhật dày hơn.

Thời nhà báo Đặng Ngọc Khoa còn sống, mỗi lần về Việt Nam, anh Khanh thường đề xuất nhiều ý tưởng để giúp ngư dân bám biển mà có thông tin chính xác mỗi khi có bão tố. Anh muốn mỗi tàu có một điện thoại vệ tinh và anh tích cực cho dự án này. Nhưng không phải ý tưởng nào cũng có thể thực hiện được vì đụng nhiều cản trở có lý và vô lý. Nhưng anh không nản lòng. Anh nói:

- Mình có lòng với quê hương đất nước thì cứ làm hết sức mình. Còn thành tựu hay không đâu phải mình quyết định được, nên tôi lúc nào cũng lạc quan, công việc đến thì lại vui vẻ làm hăng hái như lúc ban đầu vậy.

Và vào một buổi sáng anh lái xe đưa tôi đến thăm hồ Lake Mead và đập thủy điện Hoover Dam, một công trình vĩ đại của nước Mỹ thời kinh tế suy thoái những năm 1930. Con đập chặn sông Colorado từ phía đông sang và các sông Nevddy Virgin từ phía bắc xuống làm nên công trình thủy điện lớn nhất nước Mỹ. Ngoài việc phát điện nó còn cung cấp nước ngọt cho ba bang California, Arizona, Nevada vốn là vùng đất khô cằn, hoang mạc. Anh mang theo một bao bánh mì để cho cá ăn. Những con cá chép lớn cả chục ki-lô-gam nhào lên mặt nước khi có người cho ăn. Chúng rất dạn với người vì ở hồ này người ta không bắt cá. Anh Khanh nói:

- Không làm được việc gì to tát thì làm việc nhỏ cho cá ăn vậy.

Tôi biết ngoài VN Bão lụt, anh Khanh còn làm những chuyện khác cũng không phải là nhỏ, nhưng anh không thích nói về nó.

Nước Mỹ - Người Mỹ

Tám mươi năm trước, nhà viết kịch Anh gốc Ireland Bernard Shaw giải Nobel văn chương 1925, sau một chuyến đi Mỹ về được hỏi quan niệm của ông về người Mỹ, ông trả lời không đắn đo: "Một người Mỹ là một thằng đểu 99%, tôi đã nói thẳng với họ như vậy, nhưng họ rất thích tôi”.

Tám mươi năm sau chuyến đi Mỹ của Bernard Shaw, nhà văn Nguyễn Quang Lập hỏi nhà thơ Nguyễn Duy, người đi Mỹ nhiều lần, có lần ở cả 6 tháng và không phải là cưỡi ngựa xem hoa: "Ông hãy nói cho tôi biết chỉ một câu về nước Mỹ”. Nguyễn Duy cũng trả lời không cần suy nghĩ: "Đó là đầy đủ tất cả những điều mà Mác mơ ước”.

Kỹ sư Hoàng Văn Quang, người đã chỉ cho tôi một cách chi tiết những điều gặp trên đất Mỹ từ luật lệ giao thông, các cách mua hàng trong siêu thị, cách đánh bài từng xu ở Las Vegas để có các em chân dài đưa bia đến uống miễn phí cho đến cách tìm đồ ăn trong hai cái tủ lạnh to đùng trong căn bếp khi anh vắng nhà. Nói chung là Quang biết nhiều "ngõ ngách” ở đây nhưng khi ở Việt Nam không bao giờ anh nói một câu về nước Mỹ, mà năm nào anh cũng về chừng một tháng. Có ai hỏi chuyện Mỹ anh thường nói lảng sang chuyện khác, thường là chuyện ăn chơi nhậu nhẹt ở Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Trung Dân nhiều lần đến Mỹ, có lần rong ruổi bằng ô tô từ Florida đến San Francisco tức là từ đông nam đến tây bắc nước Mỹ cả tháng, mỗi lần trở về có ai hỏi: Nước Mỹ có gì vui không, anh thường trả lời: Nước Mỹ chẳng có gì mà nói.

Con trai tôi nhiều lần gợi ý tôi qua Mỹ, tôi hơi ngại vì tuổi tác, ngôn ngữ, tiền bạc. Tôi nói hãy kể cho bố nghe vài điều về nước Mỹ, nó nói bố phải sang đây, không kể được.

Vì những lẽ đó, khi đến Mỹ tôi tìm cách đi đây đi đó, chỉ mấy nơi thôi, không nhiều vì nước Mỹ rộng gấp ba mươi lần nước Việt ta. Không như các đoàn nhà văn được đưa rước trọng thị và sang trọng như báo đưa tin, tôi di chuyển trên đất Mỹ theo kiểu đi trên đường giao liên Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước. Nghĩa là ở một trạm nào đó, anh em mua cho cái vé xe đò hoặc máy bay, soạn cho một ít đồ ăn rồi lên đường, như ở trạm giao liên người ta phát cho một nắm cơm trước khi rời trạm, chỉ khác là đi một mình, không có người dẫn đường, vì vậy phải giữ kỹ cái hộ chiếu và điện thoại đừng để hết pin, nhất là đừng để mất. Tất nhiên các "trạm trưởng” liên lạc trao đổi với nhau để tôi khỏi thất lạc ở cái nước Mỹ rộng lớn và lạ lẫm này, mà mỗi lần di chuyển thường mất bốn, năm giờ bay hay tám, chín giờ xe chạy trên trăm cây số/giờ. Vả lại dân Mỹ rất quan tâm giúp đỡ người khác nhất là những người lớ ngớ như tôi. Nếu có nhu cầu cần giúp đỡ họ rất tận tình, chỉ vẽ cặn kẽ với một tràng tiếng Anh nghe ù cả tai. Những lúc như vậy tôi không dại gì cố sức để nghe hay méo mồm nói thứ tiếng Anh nửa mùa của mình mà phải tụng thần chú. Tôi có mang sang Mỹ hai câu thần chú. Tôi tụng câu thứ nhất: I can not understand English (Tôi không hiểu tiếng Anh). Đã là thần chú, tụng xong linh nghiệm ngay. Người ta nắm tay tôi: Follow me (Theo tôi) và tận tình thỏa mãn điều cần giúp đỡ. Nếu vì điều gì đó, như không thể rời xa nơi đang làm việc chẳng hạn, họ sẽ giao tôi cho người khác. Sau khi hoàn mãn mọi việc, tôi tụng câu thần chú thứ hai: Thank you very much (Cảm ơn nhiều). Thế là ổn.

Nhớ hôm nhập cảnh Mỹ ở sân bay Chicago, còn phải bay một chặng nội địa nữa đến Saint Louis thì miền Missouri có tố lốc, chuyến bay chậm 5 giờ. Tôi đến đổi lấy tiền xu để gọi điện cho con trai, nhưng máy cũng nói một tràng dài không hiểu gì cả. Tôi thấy mấy người Mỹ cũng không đổi được tiền, chắc là máy hỏng. Nhớ bài viết "Một mình đến Mỹ” của nhà văn Cao Duy Thảo, khi đến sân bay Saint Louis ông đi lạc ra cửa sau, vội tìm tờ bảo bối ghi sẵn tiếng Anh để mượn máy điện thoại. Tôi chỉ vừa quay ra chưa kịp mở miệng thì có hai người chìa điện thoại, hình như họ theo dõi mọi hành động của tôi. Sau khi gọi điện cho con, tôi đi tìm cái gì để ăn, ngồi ở quầy hơi lâu, nên một trong hai người cho mượn điện thoại đã đến gọi tôi ra máy bay. Tất nhiên là tôi phải tụng câu thần chú thứ hai.

- Ở Mỹ chẳng ai phục vụ ai. Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh vừa nấu ăn vừa nói với tôi như vậy. Anh kể hồi bà mẹ mới từ Huế sang thấy anh rửa bát nói: Tao cho mày ăn học đến tiến sĩ mà phải làm việc này. Anh Khanh nói ở đây tổng thống ăn trưa trong Nhà trắng cũng phải rửa bát. Bà cụ giận anh cho là thằng con nói xạo mình. Cả năm sau cụ hiểu ra.

Một trí thức Phật tử người Việt nói sống ở đất Mỹ này mà không biết sám hối thì kiếp sau nai lưng mà trả nghiệp. Họ phí phạm vật thực quá. Đồ ăn thừa của Mỹ có thể cứu đói cho cả châu Phi. Tiêu thụ điện thì khỏi phải nói, nhất nhì thế giới. Xe hơi toàn loại phân khối lớn, uống xăng như "pháp”. Còn nếu chỗ ở như tiêu chuẩn người Mỹ thì nhân loại phải cần thêm 5 trái đất nữa. Tài sản trên hành tinh này đâu phải của riêng người Mỹ. Vợ chồng vị trí thức này có thu nhập vào loại cao ở Mỹ mỗi lần về Việt Nam chỉ ở khách sạn bình dân. Ông nói cần tiết kiệm, dôi ra ít tiền để giúp đỡ người khác, còn nhiều người khó khăn. Tôi đã nhìn thấy ở một nhà hàng tự chọn, khi hết giờ bán, họ dùa tất cả thức ăn vào thùng rác đủ các thứ từ của hoàng đế đến bít-tết bò. Còn trên xa lộ từ Las Vegas về gần Los Angeles, một chiều bảy làn xe, xe nào chở hai người trở lên thì được đi vào làn ưu tiên. Nhưng nhìn quanh những xe 3, 4, 5 chấm thậm chí cả xe 6 chấm 12 máy cũng chỉ có một mạng ngồi trên đó.

Một kỹ sư cao cấp chỉ tòa nhà nơi anh làm việc nói: Tôi đố ông có bao nhiêu người làm việc trong đó? Tôi đoán chắc cả chục ngàn người. Anh khen tôi nói gần đúng, khoảng 10 ngàn kỹ sư như anh và hơn anh đang làm việc trong đó. Tôi hỏi: Các ông làm việc gì ở cái hộp khổng lồ này. Anh đáp: "Nhiệm vụ của bọn tôi trong cái hộp đó là nghĩ ra những điều mà trên đời này chưa có. Như cái Iphone 4 hay cái máy bay B2 to đùng mà lại tàng hình được thì đã nghĩ hàng chục năm trước, hoặc lâu hơn nữa. Ông thông cảm, nước Mỹ là như vậy”.

Người Mỹ có vẻ dễ tin người. Nếu anh khai đã lái xe an toàn 5 năm, họ tin ngay và hạ mức bảo hiểm cho anh, hay anh nói thu nhập nhà tao dưới mức nghèo, họ phát ngay cho anh cái thẻ nhận hàng cho người nghèo, tất nhiên muốn kiểm tra họ chỉ cần nhấc chuột là xong, nhưng họ chẳng cần làm điều đó vì tin nhau, tin vào sự trung thực của nhau. Vả lại luật pháp của họ chặt chẽ đến mức nếu anh nói láo thì hậu quả khôn lường. Bạn tôi làm việc ở một công ty Mỹ có nhiều người Việt nói rằng những người Việt ở đó ít khi nói chuyện với nhau, gặp nhau cũng chẳng chào hỏi. Anh nói vì người Việt không tin nhau. Cháu Hưng, năm tuổi, con một nghiên cứu sinh, một hôm đi học về nói với các chú: "Việt Nam đánh thắng Mỹ”. Các chú hỏi: "Ai nói với con điều đó. Ở đây mình tế nhị không nên nhắc đến việc đó”. Cháu Hưng dõng dạc: "Cô giáo Mỹ nói với con như vậy.”. Nếu đúng là kẻ thua trận còn niềm tin vào con người, còn người thắng trận không còn niềm tin vào ai, kể cả đồng bào mình thì cái giá cho chiến thắng đó phải trả hơi bị không phải là rẻ.

Buổi chiều ở thị trấn Rocheport, bên bờ sông Missouri, vốn là một ga xe lửa tuyến đường sắt viễn tây qua các bang Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas bây giờ đã thành khu bảo tồn thiên nhiên. Sau khi tháo dỡ tuyến đường sắt nổi tiếng này người ta thành lập công viên quốc gia Katy Trail dài 225 dặm từ Clinton đến St.Charles chạy dọc sông Missouri. Rocheport ở dặm thứ 178,3. Đường sắt cũ thành đường cho người đi xe đạp, đi bộ. Các nhà ga nhộn nhịp được xây dựng từ năm 1865 giờ thành các điểm du lịch, có phòng trưng bày lịch sử của tuyến đường sắt với nhiều ký ức của cuộc chinh phục miền tây. Đến đây dễ làm ta nhớ ra cảnh những cao bồi trên lưng ngựa đuổi theo đoàn tàu phì phò hơi nước trong các phim của Holywood. Bây giờ không còn cảnh ồn ào đó nữa, chỉ có tiếng xào xào của những cánh rừng hai bên đường, lâu lâu lại thấy một đoàn lữ khách đạp xe hoặc cuốc bộ đủ cả nam, phụ, lão, ấu vui vẻ trên đường. Đường sắt ở Mỹ đã hết thời rồi chăng?

Ở một nhà hàng bán thứ rượu vang địa phương, một nghiên cứu sinh, chưa đến tuổi 30 tâm sự:

- Những chuyện của nước Mỹ như quản lý xã hội, an sinh, y tế, giáo dục, môi trường họ đã phải làm hơn hai trăm năm mới được như bây giờ, mình cũng có thể học hỏi để áp dụng ở Việt Nam. Ngặt một điều là mình nghèo quá. Thời suy thoái của họ mà cách biệt quá lớn. 1/47 tính theo thu nhập đầu người. Bây giờ mình phải làm giàu cái đã. Làm giàu bằng cách nào? Nếu bình thường phải làm hàng trăm năm như họ nếu không có chiến tranh và tham nhũng. Còn mình đi tắt đón đầu, con đường đi đó có đúng không? Trong khi ở đây người ta tháo dỡ đường xe lửa, thì bên nhà định làm đường sắt cao tốc Bắc Nam tốn 56 tỷ đô la có phải một dạng đi tắt đón đầu không? Mà đất nước mình bây giờ hình như còn nghèo hơn. Tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, ngay đến học vấn cũng có vấn đề. Những người Việt được các viện nghiên cứu, các trường đại học cử sang đây học là những người xuất sắc, cứ gọi là tinh hoa nhưng so với những nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc...họ cử đại trà hàng trăm hàng nghìn người ở mỗi trường đại học mình cũng chẳng hơn kém họ bao nhiêu, nhất là những phát minh. Chắc chú sẽ hỏi: Ngô Bảo Châu thì sao? Đúng anh ấy là niềm tự hào của Việt Nam mình nên nhà nước tổ chức tôn vinh anh ấy ở trung tâm hội nghị quốc gia. Như chú biết đấy, ở đây mà làm như vậy thì phải cần bao nhiêu cái trung tâm...

8. 2011

T.B.L

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ