○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt
Hoàng Hương Việt
1.
Những năm 1971 - 1973, ở Sài Gòn và miền Nam người đọc báo, nhất là trên mặt báo Điện Tín biết tên tuổi "Họa sĩ Ớt” ký dưới những bức tranh biếm họa độc đáo, hơn tên thật của Ớt là Huỳnh Thanh Tâm. Còn Huỳnh Bá Thành là bút danh của Ớt, làm báo sau ngày miền
Huỳnh Bá Thành sinh năm 1942, qua đời năm 1993, vì một cơn bạo bệnh ngặt nghèo, để lại nhiều thương tiếc nơi bạn bề, đồng đội của anh. Huỳnh Bá Thành, quê làng Khái Đông, huyện Hòa Vang, nay là xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngay ở quê nhà Hòa Vang, Đà Nẵng cũng không mấy người biết anh, một chiến sĩ tình báo cách mạng hào hoa, từ ngày anh lặng lẽ rời trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng vào Sài Gòn hoạt động những năm 1963 cho đến sau này.
Trong những ngày đi tìm tư liệu để biên soạn cuốn "Đà Nẵng - mảnh đất con người”, tôi càng thật sự bất ngờ và cảm phục tính cách, phong cách của một "thư sinh” trong bão táp cách mạng sống động ở miền Nam. Nhất là khi tôi đọc được các tập sách thuộc loại tư liệu lịch sử như "Điệp báo A10” của Nông Huyền Sơn, "Hồi ký không tên” của Lý Quý Chung, trong từng nơi, từng lúc, bằng tình cảm trân trọng, các tác giả đã viết về Huỳnh Bá Thành khá chi tiết. Mới đây, trong một lá thư phản hồi của ông Võ Vân, cháu ruột của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, ông là cựu thành viên Cụm Điệp báo A10, hiện đang công tác ở Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, được tác giả Nguyễn Lê ghi lại, càng hiện rõ chân dung người con của Đà Thành, đã có một thời lặng lẽ cùng đồng nghiệp, đồng đội góp phần khuấy động chính trường Sài Gòn vốn chao đảo bằng nhiều hình thức đấu tranh đa dạng, quyết liệt với kẻ thù cho đến ngày toàn thắng.
2.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ vùng Hòa Hải, Non Nước có nhiều căn cứ của địch đóng chốt đánh phá, đồng thời nơi đây cũng là vùng ngoại vi, vành đai thành phố có nhiều cơ sở hoạt động của ta trong thế giằng co ác liệt. Huỳnh Bá Thành công tác và trưởng thành trong chiếc nôi cách mạng đó, rồi tham gia phong trào học sinh, sinh viên Đà Nẵng cho đến lúc vào Sài Gòn tiếp tục học tập, móc nối cơ sở, được tổ chức đưa vào mạng lưới tình báo nội thành, mang mật danh Ban An ninh T4 (Sài Gòn - Gia Định)
Không gì tốt hơn, khoác áo họa sỹ, nhà báo, là điều kiện để Ớt (Huỳnh Bá Thành) che mắt kẻ thù, có quan hệ rộng rãi với nhiều đối tượng xã hội và đi lại hợp pháp dễ dàng. Huỳnh Bá Thành cùng làm việc trong nhóm các nhà báo uy tín, có lập trường, tư tưởng tiến bộ, yêu nước, chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, tập hợp ở nhật báo Điện Tín, như Lý Quý Chung, Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Cung Văn (Nguyễn Vạn Hồng), Minh Đỗ, do Lý Quý Chung làm chủ bút.
Sở dĩ tờ báo thu hút đông đảo người đọc ở miền Nam lúc bấy giờ là nhờ các chuyên mục nóng bỏng tính thời sự như "Văn tế sống” của Cung Văn, "Ký sự nhân vật” của Trần Trọng Thức, "Ăn thua đủ” ký tên Hai Mã Tấu, "Tin trời đánh” ký tên Năm Trật Búa của Ớt. Đặc biệt, là những bức biếm họa bằng bút pháp tả thực lợi hại, sắc sảo của Họa sỹ Ớt. Có thể nói hầu hết các nhân vật tai to mặt lớn, tướng lĩnh háo danh, khát máu, tay sai của Mỹ ở "Phủ đầu rồng”, thượng, hạ viện Sài Gòn, đến bôn - ke đại sứ quán Mỹ, Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ như Johnxon, Nixon, H.Kissinger, kể cả những sự kiện chính trị đen tối như vụ Watergate; việc tướng Mỹ Fred Weyand cuốn cờ ở sân bay Tây Sơn Nhất... đều là đối tượng, mục tiêu để Ớt đả kích, vạch trần, tố cáo.
Bức biếm họa trên báo Điện Tín, Ớt đặc tả cảnh Tổng thống Mỹ Nixon nằm trong quan tài không đậy nắp, thò tay ra ngoài kéo Nguyễn Văn Thiệu (Tổng thống ngụy) cùng vào.
Bức tranh đã làm Nguyễn Văn Thiệu tức giận lộn ruột, nhưng đành phải im lặng, ngậm bồ hòn làm ngọt để cho qua. Rồi như vụ thảm sát đẫm máu tội ác ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Tên Trung úy đồ tể William Calley, đã xả súng giết hơn 400 thường dân là cụ già, đàn bà, em bé vô tội, được Ớt cho mặc một bộ đồ sỹ quan đại lễ, với từng cái cúc áo là sọ người.
Ớt còn cộng tác vẽ cho các tờ Tin Sáng, Bút Thần, nhiều tranh theo hướng trực diện đó. Tờ Điện Tín bị đóng cửa, rồi phục hồi, về sau chuyển sang cho các nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành, tiếp tục mục đích: Tăng cường tiếng nói độc lập, chống chiến tranh xâm lược, vận động hòa bình, tẩy chay chính quyền ngụy, gây ảnh hưởng phản kháng trong nhiều giới độc giả Sài Gòn về tình hình đất nước, về thân phận người dân dưới chế độ mục rã của Mỹ - ngụy. Nhiều tác phẩm của Họa sỹ Ớt, được các báo ở Mỹ, Pháp, Austrailia, Canada, Tây Đức, Nhật Bản trích đăng lại. Trong vỏ bọc nhà báo, hầu hết các sự kiện, vụ việc lớn nhỏ xảy ra trong nội đô, Huỳnh Bá Thành đều có mặt trực tiếp viết bài, vẽ tranh, nhanh chóng cung cấp tình hình, tin tức về trên, nắm bắt diễn biến tư tưởng, động thái của giới tri thức, văn nghệ sĩ để có cách hướng dẫn dư luận, đối phó kịp thời. Người ta nhớ đến cuộc nhà báo bị gậy, nón lá, khẩu hiệu xuống đường trong "Ngày ký giả đi ăn mày”, tẩy chay sắc luật 007/72 của chính quyền ngụy năm 1974, đàn áp báo chí, đã làm xôn xao, rúng động bộ máy đàn áp của an ninh, cảnh sát Thiệu - Kỳ. Trong đó có sự tham gia, gần như nòng cốt của các nhà báo cách mạng, hoạt động hợp pháp. Đặc biệt là lực lượng An ninh T4, trực tiếp là Cụm A10 của ta. Cuộc ra quân đó, có hàng chục ngàn người bao vây trụ sở Hạ viện, rồi tỏa ra các đường phố chính gồm giới tài xế taxi, xích lô, công nhân của hàng Mic, Xakibomi, ViFomico, sinh viên, học sinh, phật tử, ni cô, linh mục, trí thức, tiểu thương, thương phế binh, các nhà báo, hãng tin nước ngoài ủng hộ, hưởng ứng cổ vũ. "Đường dây H3, chịu trách nhiệm vận động, kích thích các nghệ sĩ dân biểu hỗ trợ cuộc tuần hành "Ký giả ăn mày” trong đó nhân tố chính là Họa sỹ Ớt” (Điệp báo A10 trang 321). Có thể nói, cây cọ biếm họa và viết biếm luận của Ớt trên báo chí công khai ở miền Nam trong những năm đầu thập niên 70, bằng cách đánh tìm tòi, sáng tạo, đầy hiểm hóc, được người đọc hả hê, tán thưởng, có vị trí nhất định, đáng được ghi nhận trong làng báo của "lực lượng thứ ba, yêu nước” lúc bấy giờ.
Tranh biếm họa của họa sĩ Ớt vẽ năm 1971
3.
Sinh ra ở vùng quê nghèo kháng chiến, từ nhỏ Huỳnh Bá Thành không ngại khó khăn gian khổ. Được giao làm nhiệm vụ giao liên đã khéo léo, mưu trí giữ vững tốt đường dây liên lạc giữa các cơ sở cách mạng. Nhưng nhiều lần Ớt muốn được thoát ly cầm súng chiến đấu. Lại nhận được lời khuyên của lãnh đạo: "Một người chiến sĩ cầm súng giỏi chỉ có thể giết vài tên địch trong một trận đấu. Một người chiến sĩ tri thức giỏi có thể giết được cả chế độ địch”. Khi Ớt vào Sài Gòn, không cưỡng được khí thế đấu tranh, biểu tình trực diễn với địch, của học sinh sinh viên và đồng bào, đã nhanh chóng tham gia và chủ động tìm gặp Ba Khoa - một đồng hương xứ Quảng, mà Ớt biết chắc là người của tổ chức, để xin được nhận nhiệm vụ công tác. Đã biết nhau, Ba Khoa cùng Ớt tìm cách đánh địch ngay giữa sào huyệt đầu não của kẻ thù, không chỉ có ngấm ngầm khích động biểu tình, rải truyền đơn chống chế độ mà bằng nhiều hình thái đa dạng.
Công việc đầu tiên là tìm việc làm và đi học. Nhờ có năng khiếu và tính hài hước Ớt vẽ những bức tranh châm biếm kể tội ác Mỹ dán ở trường học, rồi thử gửi một vài tờ báo. Tranh được sử dụng và có tiếng vang. Ớt lao vào khai thác thế mạnh này, vừa vẽ, vừa viết tin bài cho các báo và trở thành cộng tác viên có tên tuổi. Lúc cộng tác với tuần báo Đại Dân Tộc, có một lần tay chủ bút yêu cầu Ớt vẽ một biếm họa chống Cộng thật cụ thể. Nếu từ chối, chúng sẽ nghi ngờ Ớt "có liên can đến Cộng sản”. Còn thực hiện thì lương tâm không cho phép. Ớt tự tạo một tai nạn giao thông té gãy chân để có cớ từ chối.
Được nằm trong mạng lưới của Ban An ninh, Ớt có đồng đội, quan hệ, giao việc qua các mật danh như H1, H2, H3 (mà sau nầy Ớt mới biết là các bạn thân như Mười Thăng, Năm Quang, Ba Hoàng, Hai Phương, Ba Vũ, người cùng quê hoặc cùng học, cùng làm báo) Ớt càng thấy trách nhiệm nặng nề. Có thời gian, như trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, người chỉ huy trực tiếp của Ớt bị địch bắt. Ớt mất liên lạc. Trong khi chờ đợi móc nối trở lại, Ớt vẫn tiếp tục chiến đấu bằng vũ khí ngòi bút của mình. Đến khi được trở về với đơn vị Cụm A10, Ớt được giao một công việc cực kỳ khó khăn - Với tư cách ký giả trong nhóm đối lập, có nhiều nhà báo, nghị sĩ, thân thiết với tướng Dương Văn Minh chống Thiệu, Ớt đã tìm cách vào dinh Hoa Lan (biệt thự tướng Minh) tìm hiểu các thế lực chính trị đang bao quanh vị tướng này, đồng thời kết thân với ông ta đàm đạo thời cuộc rồi vẽ tranh viết bài đưa lên mặt báo đập lại luận điệu kéo dài chiến tranh, trì hoãn ký kết hòa đàm Paris về Việt Nam của Nguyễn Văn Thiệu. Ớt đã thực hiện hoàn hảo.
Trong giới chính trị Sài Gòn kháo nhau về 3 nỗi sợ khi hoạt động "Ám sát, số 1, Lột quyền, số 2, Cay ớt, số 3”. "Cay ớt” là cụm từ ám chỉ Họa sĩ Ớt đưa chân dung, nội tình chế độ Mỹ - ngụy vào biếm họa, luôn ám ảnh họ.
Tôi xin được trích trong "Thêm câu chuyện về A10” của ông Võ Vân:... "Lúc đó, A10 phân công tôi hoạt động ở Lõm chính trị Bảy Hiền, còn Huỳnh Bá Thành (Ớt) hoạt động ngay trong dinh Hoa Lan bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh. Thực tế, với vai trò một điệp viên cách mạng, anh Thành đã trở thành người nhà của ông Minh, lúc đó là người đứng đầu lực lượng 3, có xu hướng ôn hòa... Nhiệm vụ của anh Huỳnh Bá Thành là tác động để đưa ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống, chi phối ông ta để có lợi cho cách mạng... Chiều tối 28/4, anh Huỳnh Huề (Ba Hoàng, nay là Thiếu tướng, Giám đốc công an tỉnh Đắc Lắc, lúc đó là cán bộ phụ trách A10), cùng tôi đến gặp anh Huỳnh Bá Thành, đang về nhà, tiệm may Tuấn ở đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn, ăn cơm tối với mẹ, vợ và con gái Huỳnh Bá Lai Vu, chưa đầy 1 tuổi. Khi chúng tôi đến thì đã thấy bà con Bảy Hiền ở đó rất đông. Anh Thành nói, Tổng thống Minh đang thương lượng để ngừng bắn, bà con yên tâm. Tôi nhớ lúc đó, mẹ anh Thành nói xen vô, giọng Quảng đặc sệt: "Còn cái chi mô mà thương với lượng; Mi vô nói ông Minh đầu hàng cái là xong, chớ cách mạng có xe tăng, canh nông, tau thấy ở ngoài Trung vô số, lại còn máy bay thả bom nữa”. Sau cuộc gặp, chúng tôi cùng anh Thành đã vào dinh Hoa Lan...”.
Thêm một tư liệu quý về Cụm Điệp báo A10 và Huỳnh Bá Thành. Suốt thời gian hoạt động ra, vô nội thành bưng biền mà không bị lộ, bị địch tình nghi, bắt bớ, bảo toàn được mạng lưới giữa hang ổ địch. Có người nghi Huỳnh Bá Thành làm việc cho tình báo Mỹ - ngụy, hay công an chìm, mà không biết anh là điệp viên Cụm Điệp báo A10, thuộc Ban An ninh T4, nhận chỉ đạo của trên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
4.
Hòa bình năm 1975, Huỳnh Bá Thành được về làm việc ở Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh trong quân hàm Trung tá. Huỳnh Bá Thành có công tham gia đề xuất chuyển tờ tin nội bộ của Sở, thành tờ báo Công An khi sang công tác ở đây, Huỳnh Bá Thành được cử làm Phó tổng biên tập, rồi Tổng biên tập, đã mày mò xây dựng, cải tiến từ nội dung đến hình thức, tìm ra công thức làm báo hiện đại, cho ra tờ Công An giữa làng báo Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Tờ báo trở thành hiện tượng báo chí có số lượng phát hành rất cao, rộng khắp, được người đọc đón nhận, hoan nghênh, từ khi Huỳnh Bá Thành quản lý, điều hành.
Họa sỹ Ớt - Huỳnh Bá Thành không phải là nhà báo nổi tiếng, mà là một họa sỹ tài hoa, độc đáo, gây được tiếng vang ở miền
Ớt là một nhà báo hết lòng với nghề, lấy ngòi bút tiến công kẻ thù. Nhưng trước hết, Ớt là một nhà hoạt động tình báo trầm tĩnh, gan dạ trong đội ngũ chiến sĩ tình báo cách mạng luôn làm kẻ thù run sợ, bị động đối phó, và Ớt là một người Cộng sản, trung thành với lý tưởng mà Ớt đã chọn và cống hiến.
Ớt - Huỳnh Bá Thành, có một thời tuổi trẻ đẹp và đáng sống như thế.
Viết để nhớ Ớt
Xuân 2012
H.H.V