Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh Đào

18.01.2012

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh Đào

Sáng sớm mùa xuân thanh tao, tôi đã có một ngày đằm mình trong dòng nhạc mùa xuân đang rạo rực trên phố phường Đà Nẵng. Khi nhìn khóm hoa hồng trước nhà đã đơm đầy những bông màu hồng phấn, màu trắng bạc lấp lánh trong sương mai trong vắt. Một mùi hương quyện vào tôi, mùi hương của đất trời trong dòng chảy mùa xuân mầu nhiệm. Tôi biết mùa xuân đã vừa chạm ngõ. Mùa xuân về, Đà Nẵng mới hơn, vui hơn và cũng đằm sâu hơn với chút nhẹ tênh của nắng, gió sông Hàn.

Rồi sáng sớm hôm nay, khi mở tung cánh cửa sổ có màu thiên thanh, tôi gặp một luồng gió mát rượi thổi lên từ phía cảng biển Tiên Sa. Sống ở Đà Nẵng mãi có đôi khi chính Đà Nẵng lại làm tôi bất chợt buồn vui, mưa nắng. Không hẳn nhiên khi tôi một mình đi trên con đường mang tên Hoàng Sa, đi về phía biển với những dải mây trời non biếc của bán đảo Sơn Trà. Một bên núi, một bên sông, bên kia là những cánh buồm đang dong khơi trong mùa trăng mới. Có một nỗi nhớ đằm sâu trong lòng tôi khi chiêm ngưỡng những bức ảnh nghệ thuật của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Ngọc Hợi, ở đó Đà Nẵng được chụp trong một mối tổng hòa, là sự giao thoa giữa cái đẹp và sự hồn hậu của vùng đất và con người, của những sợi nhớ giăng mắc trong từng con đường, từng bóng cây. Ở đó mang hơi thở của nguồn mạch cảm xúc, rân rấn chảy vào lòng người, quyện giao giữa tâm hồn và biển trời Đà Nẵng.

Có thể, đôi khi tôi thành chủ quan trong cách nghĩ đó, nhưng cũng đã rất may mắn khi được tận mắt chứng kiến nhiều thay đổi trên mảnh đất sông biển quyện hòa này. Có một lần, như bao lần khác tôi qua sông, chạy xe thật chậm trên cầu sông Hàn, tôi vẫn gặp lại những gánh hàng hoa từ bên kia sông đi về phố xá trung tâm thành phố. Những chiếc xe xích lô chở khách du lịch điềm nhiên trong nắng gió sông Hàn. Chảy theo dòng người đó, đôi lần tôi vẫn hình dung về những điều chưa bao giờ lặp lại trên đất Đà Nẵng, nơi mà đã đi đầu trong nhiều chương trình, nhiều mục tiêu, nhiều đề án để phục vụ cho sự phát triển, dựng xây, mang lại những đổi thay thực sự cho một Đà Nẵng trên con đường vươn mình ra biển lớn như hôm nay.

Trong một lần nói chuyện cùng đông đảo học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ của thành phố Đà Nẵng, có bạn sinh viên đã hỏi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, rằng Đà Nẵng trong tương lai gần có thể phát triển được như một Singapore không. Cả hội trường Trường Lê Quý Đôn hôm ấy rộ lên những tràng pháo tay vì câu hỏi đó nghe có phần táo bạo quá. Nhưng rồi, khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đồng ý rằng, nếu ai trong số những người ngồi trong hội trường hôm nay đồng suy nghĩ này, đồng hướng phấn đấu này, thì tương lai gần thành phố Đà Nẵng sẽ là một điểm đến đầy hấp dẫn của Việt Nam. Không thể so sánh Đà Nẵng với Singapore, nhưng có thể tự hào vì sự phát triển đi lên đầy nội lực của Đà Nẵng. Nằm trong luồng suy nghĩ đó, đứng trước mỗi mùa xuân, khi chạm vào Đà Nẵng trong những thời khắc giao mùa, tôi lại đặt ra những câu hỏi, đôi khi đó là những dấu chấm bỏ ngang, vì ít nhiều vẫn còn thấy Đà Nẵng chưa khai thác tận dụng hết những lợi thế về chiều sâu văn hóa. Có thể, diện mạo đô thị Đà Nẵng mà chúng ta nhìn thấy hôm nay đã khác xa với nhiều năm trước. Đà Nẵng đang định hình từng nét đặc trưng và khẳng định sự đi đầu, làm đầu trong nhiều chương trình hành động vì sự phát triển chung, về an dân và sức mạnh đồng thuận. Không thể nói tất cả mọi chương trình hành động đều thu lại được kết quả mỹ mãn, vì làm đầu tiên, thử nghiệm đầu tiên, có cái thành công, có cái thì rút ra kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Từ những quyết sách về an dân, đến những thành tựu về kinh tế - văn hóa - xã hội, đến định hình phát triển vững bền cho một Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mà để có được một bệ phóng vững chắc, ngoài nội lực, còn phải có những sự tương tác, hỗ trợ từ bên ngoài, mà trong đó, Đà Nẵng đang đặt mục tiêu phát triển theo hướng du lịch - dịch vụ. Nhiều những dự án đầu tư với kinh phí lớn, đang được triển khai trên toàn thành phố trong những năm qua đã từng bước hình thành, khoanh vùng những lát cắt cho Đà Nẵng định hình một diện mạo đầy đặn. Điều phải nói đến và ghi nhận đầu tiên là những nhịp cầu đã được hối hả bắc qua sông Hàn để kéo ngắn khoảng cách đôi bờ Đông - Tây thành phố. Và hơn thế, để kéo gần hơn lòng người với lòng người - trong một hướng đi chung.

Ở Đà Nẵng, có những buổi sáng mùa Xuân mát trong đến bất ngờ, có mùi hương ngát thơm đậu lên từng sợi tóc, có những nỗi niềm đã chan lên màu mưa, màu nắng. Rồi bỗng nhiên, một thoáng tim tôi bình yên. Không để lòng mình trôi đi trong một buổi chiều sông Hàn lấp lánh nắng, hay một trưa biển sóng non tràn bờ bãi. Tôi có người bạn ngược từ miền sông nước Cửu Long ra du xuân Đà Nẵng. Đón bạn ở sân bay, rồi chở bạn đi từ đường Nguyễn Văn Linh, về đường Bạch Đằng rồi qua cầu sông Hàn để về bên kia sông. Bạn cứ tấm tắc khen sao đường phố nơi này sạch và đẹp. Bạn cứ hỏi, vì sao những ngày xuân ở đây không khí cứ nửa miền Bắc, nửa miền Nam như thế. Tôi hỏi bạn, có muốn du xuân Đà Nẵng trong đêm 30 tết để có thể tìm cho mình một chút lộc đầu năm. Bạn gật đầu. Tôi và bạn bắt đầu hành trình xông đất đầu năm trên đường phố Đà Nẵng. Tôi chở bạn qua nhiều con đường quen, cả hai đã không bỏ quên việc chọn cho mình một cành lộc Trầu đầu năm. Tôi nói với mẹ già bán lá Trầu lộc bên đường Ngô Quyền, rằng con mong một mùa xuân thật bình yên đối với bản thân và gia đình, và cũng không quên chúc bà có thêm một năm mới an lành, may mắn. Năm nào ở lại Đà Nẵng đón xuân, tôi cũng tìm đến bà và mua lộc Trầu đầu năm. Có người nói rằng, phải có duyên thì mới gặp được bà già đó. Vì bà chỉ bán tầm hơn 0 giờ, sau khi màn trình diễn pháo hoa chào mừng năm mới trên sông Hàn đã tan vào không gian, lòng người Đà Nẵng. Bạn tôi thủ thỉ, năm nay cầu mong sao ta lấy được lộc, và...lấy được chồng. Tôi như vui hơn, lạc vào một cảm giác vừa gần, vừa thân quen lại vừa lạ lẫm trong lòng Đà Nẵng. Và chính những nhánh trầu tươi rói, lá xanh mỡn của Hội An mà mẹ già ấy đã cất công mang ra Đà Nẵng giờ trở thành nỗi nhớ của tôi mỗi độ xuân về. Cùng với nhúm muối trắng nho nhỏ được bà gói kèm với lá trầu trước khi trao cho những người hái lộc đầu xuân đã trở nên quá thân thương trong không khí đất trời vào xuân. Thời gian như minh chứng lên trên gương mặt người bán trầu phúc hậu đó, nét nhân gian đã bao năm rồi ẩn chứa trong cả nụ cười, lời chào trong những phút giây giao thừa tươi mới. Để rồi ngày hôm qua sẽ tiếp nối ngày hôm nay, ngày hôm nay lại tiếp thêm sức mạnh và độ bền dẻo cho ngày mai và nhiều ngày sau nữa...

Buổi sáng, chở bạn về hướng biển, đi trên đường Hoàng Sa, rồi lên cầu Thuận Phước ngắm phố phường Đà Nẵng trong nắng sớm. Bạn tôi nói rằng, ước chi cảng biển Tiên Sa thoải dốc hơn chút nữa, để mình nhìn no con mắt. Bên phía núi Sơn Trà, những hàng điện đường như những đôi mắt gió, thả vào không gian cái mát rượi của biển và trời. Những con tàu xa hơn đang hướng buồm ra đại dương trong chuyến đi biển đầu năm. Bạn bảo, Đà Nẵng có điều gì đó thật gần mà mình chưa cầm nắm được, có chút gì đó làm mình ngại ngần chăng. Tôi cười, nói trong gió thoảng, vì Đà Nẵng đang giấu mình trong những điều bình dị để rồi tự mình bứt lên, xóa tan cái khoảng cách vùng - miền bằng những mục tiêu cụ thể. Đà Nẵng ngoài là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của miền Trung, Tây Nguyên, còn có một Đà Nẵng còn là một thành phố với bề dày truyền thống. Với những đặc tính riêng có, những bứt phá nhất định, những mục tiêu hành động vì một thành phố năng động, tạo nên điểm nhấn độc đáo và phát triển theo chiều rộng hướng về phía Nam. Trước một mùa xuân mới, điểm lại những dấu ấn trên thành phố Đà Nẵng, tôi không quên nhắc cho bạn tôi về những cây cầu, những cây cầu như sợi dây vững bền được kết nên từ sự đồng thuận của hàng ngàn người dân Đà Nẵng. Sông Hàn trở nên ý nghĩa, ấn tượng, thong dong và kiêu sa hơn khi được ngắm lại những thành tựu đó của người Đà Nẵng qua những cây cầu. Và vì thế, khoảng cách giữa quận trung tâm và các quận vùng ven của Đà Nẵng được nối gần thêm, khi việc đầu tư cho hệ thống giao thông đô thị được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đặt lên hàng đầu. Để rồi vượt qua bao rào cản khó khăn, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố nơi đầu biển cuối sông mà khi nhắc tới, gắn liền với những cú huých thực sự.

Lòng chợt rưng rưng khi những vòng xe lăn trên đường phố, có nỗi nhớ mơ hồ cũng về theo đôi bàn chân quen. Phảng phất đâu đây mùi hương quen, lại nhớ đôi câu thơ trong bài thơ Phố vàng của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm trong một chiều xuân diễm lệ:

ly cà phê nhạc Trịnh

mưa gieo nhộn sông Hàn

ai vừa qua rất nhẹ:

- em và nắng phố vàng!

Đầu xuân đi trên những cung đường rộng rãi, thoáng đãng và hai bên đường đã hình thành nhiều khu vực trồng cây xanh. Tương lai Đà Nẵng không chỉ là nơi được nhắc đến như một thành phố trung tâm của miền Trung, mà còn là thành phố môi trường xanh sạch đẹp với những đường phố sạch, xanh, với những cụm dân cư mới được xây dựng để bổ sung thêm đủ đầy Đà Nẵng. Như những nhánh mùa xuân đang hiện rõ trên từng con đường, góc phố, trên mỗi mặt người tôi đã gặp sáng nay. Những hân hoan đợi chờ từ bao ngày đã quyện hòa vào không gian phố biển mênh mang nắng vàng, mênh mang gió mang từ biển những nồng nàn và khát vọng. Ở đâu trên mảnh đất này đang dấy lên một niềm mê đắm, như những đôi lứa đang yêu nhau trong ngày đầu xuân, như đất trời đã và đang ban tặng cho Đà Nẵng những cơ hội mới, thách thức mới để bước sang một năm mới gặt hái thêm nhiều thành quả mới.

Sáng xuân Đà Nẵng. Ướm thử đôi hài vạn dặm của nàng Xuân và đi trong miên man khai sắc Đà Nẵng. Sẽ là thiếu sót, nếu không ghé vào chợ hoa để vãn cảnh đầu năm, sẽ là thiếu sót nếu không tìm cho mình một góc quán yên bình và thưởng thức một ly cà phê đầu năm trong giọt thời gian đang rơi loãng, sẽ là thiếu sót nếu không nghe lại bản nhạc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sỹ La Hối... Để có thể thảnh thơi nhìn ngắm đất trời Đà Nẵng và cảm nhận những đổi thay đang dần hé mở trước một sớm xuân lành.

N.T.A.Đ

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ