Tản mạn... Ngày cuối năm; Bông cỏ may - Bùi Tiến Sĩ
Tản mạn... Ngày cuối năm
Thích Ngày cuối năm, như thích một vòng tay...
Thường thì ngày cuối năm, như lúc này, đất trời vẫn không có quá nhiều thay đổi. Vẫn có sự giao thoa của cái giá lạnh của những ngày cuối đông và chút tươi mới của ngày xuân sắp đến. Đi trong lằn ranh của hai mùa đương gối vào nhau như thế, tiết trời bây giờ đưa bạn trở về tháng ngày xa xưa. Nghe dịu êm rung động qua những lông tơ bé nhỏ phủ khắp thân thể, trên từng lớp da thớ thịt. Hương quê quyện khắp thân hình đứa con ly hương đang tất tả cảm nhận rét ngọt mà như cảm nhận hơi ấm của người truyền sang! Là vì, giống như vòng tay ôm lấy một người thương, chạm nhẹ lên môi nàng. Thấy ngay sự dịu ngọt làm thức tỉnh mọi ngõ ngách của tất cả các giác quan. Bạn bâng khuâng, lâng lâng trôi và rơi vào một nỗi niềm khó tả. Và, nỗi niềm ấy, nếu, nó có một màu sắc, thì chắc rằng nó không bao giờ bị phai lạt! Đơn giản chỉ vì, chẳng hạn như tôi: vẫn giữ cho riêng mình và bảo quản nó trong một miền tha nhân sâu thẳm.
Thương Ngày cuối năm, như thương một tình nhân...
Thương, vì không gọi đó là Yêu! Yêu là bất chấp tất cả, vứt bỏ tất cả, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ. Còn Thương thì không như thế! Thương nhau là cảm nhận! Cảm nhận đến nỗi biết và thấy rõ cả hai đều có hoàn cảnh riêng cũng mong manh dễ vỡ. Mà vỡ rồi thì khó tránh khỏi làm cho nhau tan nát. Giả sử có ở được với nhau thì cũng không thể xóa bỏ được vết thương không có đáy trong cõi lòng! Vậy nên, thương, là vì chỉ có thể đồng cảm với nhau được mà thôi. Giống như khi nghe một câu nói, thấy một nụ cười, nhìn một ánh mắt là biết có gì ở trong đó! Nghe đó, thấy đó, nhìn đó nhưng cũng xa cách đó! Biết rõ rằng đang hiện hữu nhưng không phải vì thế mà có thể vội vã hay ồn ào chạy đến với nhau được! Thương, vì cũng có khi thấy cả hai như đang bị tác động bởi thời cuộc và biết rằng ở một phương diện nào đó cả hai đang bị xâm hại, bị tổn thương... Biết là vậy nhưng rất khó để có thể bảo vệ cho nhau, có chăng chỉ là sự phản kháng trong âm thầm mà thôi, thậm chí, có lúc cố nén tiếng thở dài. Thương, vì làm “tình nhân” như thế, chỉ có thể tan vào nhau trong những thời khắc nhất định mà không thể đi song hành, không thể tan vào nhau mãi mãi! Thêm nữa: Thương, là vì cũng có lần giận dỗi! Nhưng giận dỗi chỉ vừa đủ làm cho nhau bứt rứt mà không trở thành đổ vỡ! Và, Thương, là vì thấy nhau rất dễ thương!
Tiếc Ngày cuối năm, như tiếc một phôi phai...
Thấy tiếc? Dĩ nhiên rồi! Vì nó ngắn quá đỗi. Vòng tay khẽ ôm, đôi môi chạm nhẹ đâu phải là một sự bất biến. Mỗi một thời khắc trôi qua là thêm một lần gián cách. Nhiều lúc, nghe rõ tiếng con lắc dao động của cuộc đời đang vang lên như nghe rõ nhịp đập của chính con tim mình. Thấy nó có xu hướng cạn dần mà chẳng thể níu kéo gì thêm. Tiếc, là vì cả hai đã đặt chân vào thời khắc chuyển mình: Người sang tuổi mới, ngày sang ngày mới và rồi năm mới. Sang ngang như thế, thì chỉ biết xốn xang nhìn nhau! Tiếc, là vì đó như một nguyên cớ để mà kiểm lại những điều đã qua, nhất là khi còn rất nhiều việc còn dang dở. Tiếc, là để nhắc nhở những luyến lưu!
Hân hoan Ngày cuối năm, như tâm thức đứa trẻ thêm một tuổi. Vẫy tay, vừa để chào năm cũ đang qua cũng là đón năm mới đang tới. Không bỏ quên hay chôn vùi những dở dang, trắc ẩn, và, cũng sẵn sàng đón đợi dư vị ở nhiều cung bậc của những tháng ngày còn dài phía trước.
Ngày cuối năm, được về nhà!
Chân bước nhẹ trên con đường
tuổi cũ
Nghe trong lòng chồi biếc gọi
mùa sang.
Bông cỏ may
Tản văn
Có lẽ, mùa này, ngoài quê, đang bắt đầu vào mùa bông cỏ may!
Nói là “ngoài quê” như thế, là vì đương sống ở phố, muốn nhìn thấy cái đám bông may cũng không phải là dễ! Mặc dù, nếu thích, chỉ cần chạy xe lòng vòng ra khỏi đô thành, đến một vùng ven là có thể gặp ngay. Nhưng thôi! Chúng ta vẫn thích nhìn và suy tưởng về cái gì đó ở xa. Có lẽ là vì nó sẽ thú vị hơn! Đặt vấn đề như thế cho nó… đơn giản! C'est simple!
...
Bông cỏ may,
Cái giống hoa mà chưa thấy ai mang về cắm vào bình bao giờ! Nơi nào có ruộng đồng, nó mọc đầy. Rất nhiều khi, mang đến những phiền phức! Nhưng đôi khi, nó cũng khiến cho người ta cảm thấy thật nhiều nỗi niềm. Như những ngày chớm hạ thế này!
Còn nhớ, ngày nhỏ, có những buổi chiều chăn bò trên triền đê, để mặc chúng đi rong, cả đám con nít lau nhau cùng chơi cái trò câu sâu đất bằng bông cỏ may. Tìm thấy một cái hang của sâu đất bé như cái ống hút ở ly nước mía như bây giờ, dùng một bông cỏ may còn non, bóc cái bẹ lá ra khỏi cuống hoa, tay cầm phần bông cỏ, khéo léo đưa cái đầu non nơi cuối cuống xuống hang - nơi có một sinh vật bé chút đang án ngữ - rồi để nguyên như thế và chờ. Đến khi thấy bông hoa động đậy là biết ngay con sâu đất đã cắn câu! Chẳng biết là do háu ăn cái phần đọt cỏ ngon ngọt kia hay do bực tức vì bỗng nhiên đang yên lành lại có kẻ xâm nhập lãnh địa của mình, hay là do đột nhiên thấy một hình thù trắng ngần y như mình nên sinh lòng đố kị ghen ghét theo kiểu “ai cho phép mi đẹp bằng ta?”... để rồi y-thị lập tức cắn chặt hàm răng vào cái cuống của bông cỏ may và hăm hở nhúc nhắc cái thân hình. Lúc ấy, khe khẽ, khe khẽ kéo cái bông cỏ may lên một chút. Nhắm chừng lên được một nửa thì nhanh tay giật mạnh, thế là một con sâu bé tí, trắng nõn rơi ngay trên mặt đất, chỗ gần kề cái miệng hang, mà chỉ trước đó chút thôi là nhà của nó! Một buổi chiều như thế, cũng phải được vài chục con. Khum khum trong lòng bàn tay sẽ thấy chúng bò lổm ngổm. Cuối buổi câu, đem so sánh với nhau xem đứa nào được nhiều, đứa nào được ít, bằng không thì... phủi tay vứt sạch.
Khi đã chán cái trò câu kéo kia thì nằm ngay trên đám bông may mà nhìn mây nhìn trời. Ngậm một bông cỏ trong miệng, khoanh tay ra phía sau để đầu gối lên tay, chân bắt chữ “ngũ”, mắt nhìn lên. Lúc thì thấy những đám mây xếp hình vây cá từng lớp từng lớp chạy thành những rẻo dài, lúc thì thấy có một chòm mây cuộn lại, bứt ra khỏi cả một tảng mây đồ sộ rồi trôi về phía cuối trời. Khi ấy, tưởng tượng rằng mình là nó, được tách ra và mặc sức ly phôi...
Bông cỏ may với ấu thơ là thế!
Lớn lên một chút, học trường huyện, kết bạn rồi thành thân quen với những người mới lạ! Nhớ có lần xuống chơi nhà cô bạn cùng lớp nhưng khác huyện, hình như vào cái ngày sắp hết tuổi đi học. Cái khoảng cách tiếp nối giữa hai địa điểm ấy khá xa, áng chừng cũng phải tới... 3 quãng đồng! Một lần xuống chơi, khi ra về, đi ngang qua những ruộng lúa xanh ngút ngàn ở hai bên triền đê cũ của con đường không mới. Con đường mà thi thoảng có những vũng nước sình lầy khó qua do xe thồ đi lại nhiều lần mà người ta quên sửa... Bỗng dưng bất giác nhận ra khi ấy bông cỏ may nhiều vô kể, mọc ken lối về và cũng kịp găm vào người những tẻ hoa nhức nhối. Nhưng, ở cái khoảnh khắc ấy, thay vì thấy ngứa ngáy khó chịu như thường lệ thì đột nhiên lại nhớ tới bài thơ chỉ vẻn vẹn hai câu của cụ Bính:
“Hồn anh như hoa cỏ may,
Một chiều gió cả bám đầy áo em”
Thực ra mà nói, cái trò “bám” hay “găm” vào áo, quần của đám bông may kia chả phải là cái gì cao siêu hay tình tứ, mà đích thị là “cái bản chất cơ hội” để nhân giống ở các loài cỏ cây hoa lá. Khi vương vào áo quần của con người hay vào lông của động vật, hoặc bay theo gió... là lúc hạt giống của nó được dịp phân bổ đi nhiều nơi, và nhờ thế mà giống loài cứ vậy sinh sôi nảy nở hết nơi này đến nơi khác. Hiện tượng này, sinh học người ta gọi là “phát tán”. Đâu riêng gì cái giống cỏ may!
Nhưng nói gì thì nói, bình thường thì không sao, nhưng sự vật hiện tượng qua cái nhìn của những người có tâm hồn thì tự nhiên nó quyến rũ đến lạ! Cái giống phàm phu hoặc những gã thuần lý trí thì không có được cái tinh tế này đâu! Đấy! Cứ nhìn vào cách ví von của các cụ! Mới thấy cái sự đời nó khéo làm sao! Cái sự vương vào áo kia, hoặc là sự quyến luyến thương yêu đến ngút ngàn, hoặc là ẩn dụ về sự cám dỗ ở “khắp nẻo”, mà như Xuân Quỳnh đã viết:
“Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dày
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?”
“Lòng anh” hay “lòng em”? “Đổi thay” hay “không đổi thay”? Có trời mới biết được!
Ở thành phố, muốn nhìn một bông may, cách nhanh nhất là lên mạng internet để tìm! Nhưng như thế thì nói làm gì!
Nhớ có lần, uống cà phê với một người em. Ở một cái quán cạnh bờ sông Hàn của Đà Nẵng, cái quán tới giờ chỉ đặt chân đến một lần. Chuyện trò trên trời dưới biển đủ các chủ đề. Đang rôm rả, tự nhiên, nhìn mái tóc không quá ngắn mà cũng chẳng đủ dài của cô ấy đang khẽ nâng lên, khẽ hạ xuống theo cái chu kỳ của làn gió thổi ra từ chiếc quạt gắn trên tường, cộng thêm cái ánh nắng hắt lên từ lòng sông Hàn, hôm đấy xanh biếc, rọi sang... Bất giác, cười tủm tỉm khi liên tưởng mái tóc ấy với chùm bông cỏ may! Dĩ nhiên là cô ấy hỏi “Vì sao anh cười?”. Nhưng đành giả lảng sang chuyện khác! Chứ sao nữa! Không lẽ lại buông một câu rất sến “Tóc em như bông cỏ may” à? Ai lại dại dột thế!!! Biết là sẽ bị mang tiếng “vô duyên” mà vẫn sẵn sàng chấp nhận! Đôi khi, ngồi với một cô gái đẹp, bạn nhìn cô ấy rồi bạn mỉm cười, nhưng, cũng nên... kiên quyết không nói rõ vì sao!
Bông cỏ may, cái loài hoa đồng quê ấy cũng âm thầm đi vào nhạc điệu. Nhớ ngày xưa, cái hồi từ nhỏ đã nghe nhạc vàng, từng nghe (và đến giờ vẫn nghe) một bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương (Nguyễn Thiên Lộc), sáng tác vào khoảng thập niên 1960 gì đó, ở miền Nam! Đấy là một bài tình ca đầy chất hiện sinh. Ca từ là những lời nhắn nhủ của người lính ở chiến trường với người con gái anh yêu. Sẽ là thừa khi nói rằng nó rất hay:
“Những ngày chưa nhập ngũ/Anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may/ Ở đây im vắng thưa người, còn ta với trời...”
Tưởng tượng rằng, cô gái mà chàng trai đang dẫn đi trên lối đầy bông cỏ may ấy, chắc hẳn cô là một thiên sứ! Nàng mang đến cho người trai trẻ cả một trời thanh xuân mộng tưởng: “Tóc mây thơm mùi cỏ, đưa anh thoát xa dần vùng trần gian với những ưu tư/ Cỏ may đan dấu chân tròn, đường đi ướt mòm/ Sợ khi người đi, để thương, để nhớ tiếng yêu đương ai nỡ chối từ”. Ai chối từ được nhỉ? Bởi thế, khi yêu, dẫu xa cách, một mình nằm nhớ người yêu, tâm trạng chàng trai kia cũng đầy lo lắng. Hiển nhiên rồi! Nhưng dẫu vậy, anh cũng nhắn nhủ tới nàng, và, cũng là nói với chính lòng mình: “Ngủ trên cỏ may, thường khi vào tối, nhớ hương may, nhớ cả người”!
Cuộc sống, tùy từng giai đoạn, mỗi người mỗi ý, mỗi lối đi, và ngay cả khi ai cũng có thể mặc sức lập ngôn, thì, ở đời, cứ hễ cái gì có chiều sâu nhân sinh, tất là một điều có giá trị và đáng trân quý!
Có lần tò mò đi tra từ điển, mới biết thêm rằng, ngoài cái tên thuần Việt là “cỏ may”, thì nó còn được gọi là “trúc tiết thảo” hay “ngô công thảo” gì đó theo Hán tự (!?), còn tên khoa học của nó là “Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin., họ: Poaceae. Kể ra cũng lý thú! Nhưng đấy là chuyện giống loài theo các nhà sinh vật học.
Còn, ở những cánh đồng nước Việt, cỏ may là cái giống cỏ mọc dày đặc triền sông, dày đặc ở các lối đi trên các cánh đồng. Chúng mọc ken vào nhau, khi nở hoa thì nhất loạt các bông đều vươn lên thẳng tắp. Những dải hoa tím ngút ngàn luôn có những cách gắn vào người ta: hoặc là vương trên áo quần, hoặc là găm vào nỗi nhớ về những tháng ngày xa xưa...
...
Này, Em ơi! Nếu em đã từng có một triền đê, một con đường nhỏ ở cánh đồng ruột thịt, nơi gắn những giấc mơ em thả mình trên cỏ non, khuôn mặt em và bông cỏ may cùng hướng về một phía là bầu trời với những chòm mây trắng mang muôn hình vạn trạng do em tưởng tượng ra... thì em đừng bao giờ quên nó! Những triền đê, những lối đi thân quen ở một cánh đồng có ở khắp mọi nẻo trên đất nước mình, đều chất chứa trong lòng nó những ấu thơ của biết bao con người, và, dĩ nhiên sẽ luôn có những con người mang theo nó bằng những ý niệm thơ cũ...
Hoa cỏ may. Nhìn xa thì thấy tẻ nhạt. Gần quá thì thấy có phần xác xơ. Nhưng nếu đứng ở độ vừa đủ thì sẽ thấy một màu trầm tưởng. Người ta, đôi khi gom cho mình chút ít bấy nhiêu nào đó, để rồi chững lại.
Viết đến đây, chợt nhớ: tháng rồi, dẫn con trai về quê để dự đám cưới một người bạn. Tranh thủ thời gian, dắt cậu con ra đồng, cha con chạy dọc triền sông, lúc đó, mùa hoa còn chưa đến...
“Nhớ hương may,
nhớ cả người!”
B.T.S