Đặc điểm của tiểu thuyết mới - Nguyễn Thanh Tuấn

28.11.2017

Đặc điểm của tiểu thuyết mới - Nguyễn Thanh Tuấn

1. Giới thuyết thuật ngữ        

Tiểu thuyết mới là một trào lưu văn học xuất hiện vào đầu những năm 1950, ở Pháp với các nhà văn trẻ như: Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, đặc biệt là Alain Robbe Grillet. Khi nghiên cứu về tiểu thuyết mới, mặc dù khẳng định rằng: “Những văn bản này không nhằm tạo dựng cho một lý thuyết về tiểu thuyết, chúng chỉ thử lấy ra vài nét về sự vận động mà tôi cho là quan trọng trong văn học đương đại” [1, tr 10] nhưng Alain Robbe Grillet đã phát hiện ra rằng: sáng tác của các nhà tiểu thuyết mới đầy mâu thuẫn và nghịch lý, lề thói, khuôn thước bị phá bỏ. Nó bỏ qua ý nghĩa của thực tại để tìm ra những ý nghĩa riêng biệt của chính nó. Không cần biên giới của sự thể, không đắn đo về nội dung diễn tả, không cần đến quá khứ, thực tại, đạo đức, thời gian, không gian... chỉ chú trọng đem lại cho người đọc những diễn biến. “Nhân vật tiểu thuyết bị hạ xuống độ không: thường thì nhân vật không có tên (có thể đó là một “tôi” vô danh, có thể là một chữ cái đầu), không có quá khứ, không có gia đình: tóm lại là không có bản sắc, không thể tra cứu lịch sử cũng như địa lý, không hiện thực. Sự có mặt của nhân vật biện minh bởi nhu cầu duy nhất về ngôn ngữ” [2, tr 138]. Không có giới hạn giữa người viết và người đọc mà điều cốt yếu là tạo nên một không gian khách quan để ẩn mình vào trong không gian nội tại. Đó là sự thức tỉnh nội giới biến cái nhìn sự vật như đã được nội tâm hóa nhằm dễ khám phá ý nghĩa cuộc sống. Tiểu thuyết mới mô tả ngoại vật có sự hiện diện của con người nằm trong không gian ấy, nó từ chối nhân vật. Nội dung của tiểu thuyết mới không cầu kỳ, phức tạp mà cực kỳ đơn giản, không gọt dũa, ít diễn tả, nhân vật nghèo nàn nhường chỗ cho sự nổi bật hẳn lên của sự vật. Nó còn cố tình tẩy trắng hoàn toàn những ý nghĩa mà con người gán cho sự vật trước đó...

2. Đặc điểm thể loại

2.1. Hành trình kiếm tìm sáng tạo

Ra đời vào những năm 1950, trào lưu tiểu thuyết mới đánh dấu khát vọng tìm tòi đổi mới, đồng thời thể hiện những phản ứng chống lại tiểu thuyết truyền thống. Theo Alain Robbe Grillet thì “cái làm nên sức mạnh cho tiểu thuyết gia chính là ở chỗ anh ta sáng tạo, anh ta hoàn toàn tự do sáng tác, không có mô hình mẫu. Truyện hiện đại có điều đáng lưu ý sau đây: nó khẳng định có cân nhắc đặc tính này đến mức sự sáng tạo, sự tưởng tượng cuối cùng trở thành chủ đề của cuốn sách” [1, tr 41]. Mọi vấn đề lý luận đã được hình thành từ tiểu thuyết truyền thống bị phá bỏ, bị đảo lộn một cách triệt để. Nhiều nhà lý luận đương thời cho rằng đó là sự phá hoại, ngớ ngẩn, nực cười... “May thay nhiều người viết tiểu thuyết hiểu rằng trong văn học cũng vậy, rằng văn học cũng sinh động và rằng tiểu thuyết từ khi ra đời đã luôn luôn mới. Làm sao mà việc viết tiểu thuyết lại có thể đứng im, đông cứng khi tất cả đều phát triển xung quanh nó - thậm chí còn quá nhanh trong thời gian một trăm năm mươi năm qua” [1, tr 11-12].

Ngay từ khi có ý định cầm bút thì đồng thời trong đầu các nhà tiểu thuyết mới đã bị thôi thúc cao độ bởi nhu cầu tìm kiếm và sáng tạo cho tác phẩm của mình. Thành công đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là nó đã không quy tắc hóa cho bất cứ luật lệ nào. Điều này khiến cho ý nghĩa của nó vượt ra khỏi một trường phái văn học theo nghĩa hẹp của từ. “Người ta thường nói với chúng tôi; các ngài không xây dựng nhân vật, vậy các ngài không viết được những tiểu thuyết thực sự, các ngài không kể một câu chuyện, vậy các ngài không viết được những tiểu thuyết thực sự, các ngài không nghiên cứu một tính cách, một hoàn cảnh, các ngài không phân tích những mối tình, vậy các ngài không viết được những tiểu thuyết thực sự” [1, tr 168]... Nhưng “người ta” không biết rằng đó chính là những tìm tòi, sáng tạo làm nên bản chất và sự khác biệt của trào lưu văn học này. “Nói tóm lại, tiểu thuyết mới là một sự đi tìm kiếm đầy sáng tạo chứ không phải là một lý thuyết với những định luật câu chấp” [3, tr 73].

2.2. Tiếp nối sự phát triển ổn định của thể loại tiểu thuyết

Trước khi các tiểu luận phê bình tiểu thuyết mới của Emile Henriot và Alain Robbe Grillet ra đời, người ta vẫn nghĩ rằng; những nguyên tắc sáng tạo và các yếu tố nội tại của tiểu thuyết thực sự đã cố định vĩnh viễn nhưng khi tiểu thuyết mới ra đời, nó đã phá bỏ không thương tiếc những khuôn mẫu và hoàn toàn đoạn tuyệt với tiểu thuyết truyền thống. “Đây, hãy xem hiến chương của tiểu thuyết mới theo như dư luận công chúng lan truyền: 1) Tiểu thuyết mới đã quy tắc hóa những luật lệ của tiểu thuyết tương lai. 2) Tiểu thuyết mới đã rũ sạch quá khứ. 3) Tiểu thuyết mới muốn xua đuổi con người khỏi vũ trụ. 4) Tiểu thuyết mới nhằm vào một tính khách quan tuyệt đối. 5) Tiểu thuyết mới rất khó đọc, chỉ dành cho các chuyên gia” [1, tr 184].

Đây là những nhận định mang tính chủ quan, chỉ căn cứ vào biểu hiện của hiện tượng. Người ta chưa quen, chưa thể bình tâm mà nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện để nhận ra bản chất của một trào lưu văn học còn quá mới mẻ và có vẻ phá phách, nổi loạn này... Khi đã bình tâm lại, và nhờ vào kết quả nghiên cứu của các nhà lý luận tiểu thuyết mới, người ta mới nhìn xoáy sâu vào bản chất của hiện tượng và chợt nhận ra rằng: các tác giả “Flaubert, Dostoievsky, Proust, Kafka, Joyce, Faulkner, Beckett... không hề vứt bỏ quá khứ mà chỉ qua tên của các bậc tiền bối là chúng ta đã đồng ý một cách dễ dàng nhất và tham vọng của chúng ta chỉ là tiếp tục họ” [1, tr 187]. Nếu quan tâm đến trào lưu tiểu thuyết mới, hẳn người ta nhận ra ngay rằng nó đã thành công trong việc làm cho người ta tin tưởng một cách tuyệt đối rằng thành tựu lớn nhất của nó là làm cho công chúng ý thức về sự phát triển chung của thể loại tiểu thuyết. “Tiểu thuyết mới chỉ có bổn phận kế vị. Nhà văn mới vẫn công nhận có những bậc thầy về tiểu thuyết từ Stendhal, Balzac... đến Praust, rồi Kafka, Faulkner, Beckett... nhưng không phải chỉ việc chép lại, suy tôn lớp người trước, mà phải tiếp tục làm công việc của họ, đồng thời thích ứng vào hoàn cảnh, môi trường mới” [3, tr 76].

2.3. Đặc biệt quan tâm đến con người và tình trạng của con người trong cuộc đời

Nó được đặc trưng bởi sự si mê miêu tả sự vật một cách chi tiết, tỉ mỉ đến mức mà tất cả những sự miêu tả ấy dưới bất kỳ hình thức nào nó cũng không còn đúng với một hiện thực ngẫu nhiên nào mà con người có thể nhận thức được. “Đồ vật và con người giống như bóng với hình. Đó là điều cần phải nhớ khi đọc tiểu thuyết mới. Như thế là công nhận tính cách bất khả phân ly giữa vật và người” [3, tr 69]. Điều này hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa miêu tả hiện thực nhằm xóa bỏ những ý nghĩa, tính chất mà con người đã gán ghép cho sự vật. Rõ là tiểu thuyết mới không có nhân vật theo nghĩa truyền thống của từ nhưng không có nghĩa là nó “muốn xua đuổi con người khỏi vũ trụ” vì “con người hiện diện trong đó ở mỗi trang, mỗi dòng và mỗi từ. Ngay cả người ta chỉ thấy ở đó nhiều đồ vật, được miêu tả chi tiết thì luôn luôn và đầu tiên bao giờ cũng có cái nhìn chúng, có tư tưởng gặp lại chúng”... “Những đồ vật trong tiểu thuyết của chúng tôi không bao giờ hiện diện ngoài những nhận thức của con người” [1, tr 188].

Tiểu thuyết mới rất quan tâm đến con người nhưng không phải dưới cái nhìn trực diện mà thông qua một hệ thống sự vật với những bản chất khởi nguyên, tinh khôi của chúng. Ẩn sau những ngổn ngang đồ vật “ngôi nhà, động sản, quần áo, đồ nữ trang, công cụ, máy móc”... “Tiểu thuyết mới vẫn để ý đến tâm lý của nhân vật nhưng một tâm lý mới mẻ hơn, nhà văn ngày nay không còn chấp nhận cái tâm lý hòa hoãn, giản dị, một phần nào giả tạo trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới đang đi đến tâm lý tế nhị, tế nhị đến nỗi có khi chối bỏ tất cả, làm lại tất cả bắt đầu từ khởi điểm, đến một lúc nào đó tâm lý lại trở thành phi tâm lý” [3, tr 71]. Rõ ràng, tiểu thuyết mới đặc biệt quan tâm đến bản chất của con người và tình trạng của con người trong cuộc đời.

2.4. Luôn nhằm vào tính chủ quan hoàn toàn

Thế giới trong những tác phẩm của trào lưu tiểu thuyết này chủ yếu là các đồ vật nên lại thêm một lần nữa người ta nhầm tưởng rằng nó chỉ nhằm vào thế giới khách quan, say mê khám phá thế giới khách quan mà hoàn toàn quên đi tính chủ quan. Alain Robbe Grillet đã thay mặt cho tất cả các nhà tiểu thuyết mới chứng minh một cách rõ ràng và đầy thuyết phục rằng tác phẩm của họ đầy ắp tính chủ quan. “Ví dụ như trong các tiểu thuyết của tôi, không phải chỉ một người miêu tả tất cả các sự vật, mà là người ít trung tính nhất, ít vô tư nhất trong số những con người: ngược lại đó là người luôn luôn được nhập cuộc vào trong một phiêu lưu đam mê trong số những phiêu lưu hấp dẫn nhất, đến mức thường xuyên làm lệch lạc cách nhìn của anh ta và tạo ra trong anh ta những tưởng tượng gần với mê sảng. Như vậy, cũng dễ chỉ ra rằng những tiểu thuyết của tôi - cũng như của tất cả các bạn tôi - còn mang tính chủ quan hơn cả tiểu thuyết của Balzac” [1, tr 190-191].

Để thực sự thuyết phục một cách tuyệt đối đông đảo công chúng, ông tiếp tục khẳng định: “Chỉ có trời là người duy nhất dám coi mình là khách quan. Trong khi trong sách của chúng ta, ngược lại là một con người nhìn, cảm giác, tưởng tượng, một con người được đặt trong không gian và thời gian, bị chi phối bởi các khát vọng của anh ta, một con người như anh và tôi. Và tác phẩm không mang lại cái gì ngoài kinh nghiệm của anh ta, kinh nghiệm có bị hạn chế, không lấy gì làm chắc chắn” [1, tr 191]. Đến đây không ai lại không phải thừa nhận rằng tiểu thuyết mới còn nhằm vào tính chủ quan hoàn toàn.

2.5. Nói với tất cả những con người có thiện ý

Tiểu thuyết mới không có nhân vật, không có cốt truyện, không từ chương... “Những chiều rộng, chiều cao, chiều dài thì vẫn có từ bao giờ. Tiểu thuyết mới thêm vào chiều tâm tư làm bằng dĩ vãng, hiện tại, tương lai có thể banh không gian vật lý thành không gian bao la và hỗn độn thêm lên” [3, tr 72]. Chính vì thế, khi mới ra đời người ta cứ nghĩ nó cố tình phớt lờ công chúng phổ thông mà chỉ quan tâm đến những người nghiên cứu vì nó rất khó đọc. Thực tế không phải như vậy.

Ngay từ khi bắt đầu cầm bút thì điều đầu tiên mà các nhà văn mới nghĩ đến không phải là viết cái gì, cũng không phải là xây dựng bao nhiêu nhân vật... mà điều đầu tiên họ nghĩ tới chính là viết cho ai và họ quả quyết: “Tôi đã tự nhủ phải viết cho “số đông công chúng”, tôi khổ tâm vì bị coi là một tác giả khó” [1, tr 8]. Chỉ cần có thiện ý một chút thôi sẽ dễ dàng nhận ra rằng người đọc được các nhà tiểu thuyết mới đặc biệt tôn trọng, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chuyện coi thường người đọc mà chỉ vì các nhà văn mới có một đòi hỏi tuyệt đối trong quá trình đóp góp của mình vào nền văn học, nó phải tích cực, có ý thức và đầy sáng tạo. Chính vì thế cái mà tác giả yêu cầu người đọc, không phải là tiếp nhận trực tiếp một thế giới toàn diện, đóng kín mà ngược lại anh ta phải tham gia vào việc sáng tạo. Người đọc trở thành người đồng sáng tạo và ở một mức độ nào đó anh ta còn sáng tạo ý nghĩa riêng, thế giới riêng, cuộc đời riêng trong những lần giải mã văn bản khác nhau.

Như thế, đọc tiểu thuyết mới trở thành một công việc đầy lôi cuốn, hấp dẫn, chủ động, và đầy sáng tạo, đọc tiểu thuyết mới là sáng tác tác phẩm lần hai. “Chắc chắn, chỉ cần không nhắm mắt trước sự hiển nhiên này là có thể nhận thấy các tác phẩm của chúng tôi nằm trong tầm tay của người đọc, một khi anh ta chấp nhận thoát khỏi những tư tưởng đã được định sẵn trong văn học cũng như trong đời sống” [1, tr 191].

2.6. Không đề xuất những ý nghĩ định trước

Thế kỷ XX, khoa học tự nhiên đã phát triển đến một trình độ cần có. Hiện tượng luận đã khám phá ra ý nghĩa sâu kín của các sự vật, khoa học vật lý chứng minh được rằng có một sự vận động và tương tác bên trong các nguyên tử, phân tử mà trước kia chúng ta vẫn tưởng bất động. Khoa học xã hội cũng vậy, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc và văn học đều có sự đổi mới. Điều này giúp con người nhận ra rằng mọi thứ đều không ngừng vận động, thế giới quanh ta mang tính bộ phận, tạm thời, đối lập nhau. “Làm thế nào mà tác phẩm nghệ thuật lại có thể tính chuyện minh họa cho một ý nghĩa biết trước, cho dù đó là ý nghĩa nào? Tiểu thuyết hiện đại như chúng ta đã nói lúc đầu, là một sự kiếm tìm, nhưng là sự kiếm tìm mà chính nó dần dần tự sáng tạo ra những ý nghĩa riêng của nó” [1, tr 194]. Rõ ràng, tiểu thuyết mới không hề đề xuất những ý nghĩ định trước bằng cách trình bày hiện thực hoặc sao chép lại hiện thực mà ngược lại, phải tạo ra một thế giới hoàn toàn mới trong sự gắn kết riêng của nó.

2.7. Sự dấn thân duy nhất của nhà văn là văn học

Tiểu thuyết mới không xây dựng một ý nghĩa xã hội, một ý nghĩa lịch sử hay một ý nghĩa đạo đức... Đây có thể là một sự khiêm tốn, cũng có thể là một sự tham vọng lớn nhưng sự thực là nó không bao giờ có gì được biết trước. Cả trước và sau khi hoàn thành tác phẩm, không có sự xác thực, không có đề tài, không có thông điệp, không có cốt truyện, không có nhân vật mà chỉ có một thứ duy nhất là giá trị văn học. “Dấn thân là ý thức đầy đủ về những vấn đề hiện tại của ngôn ngữ riêng của mình, là niềm tin vào tầm quan trọng cực kỳ của những vấn đề đó, là muốn giải quyết chúng tự bên trong. Chính ở đây, đối với nhà văn là vận may duy nhất để được làm một nghệ sĩ” [1, tr 49]. Thế là sự dấn thân duy nhất của những nhà văn mới chỉ có thể là văn học và văn học mà thôi.

3. Kết luận

Cái mới, khi ra đời thì luôn phải chịu những ánh nhìn thiếu thiện cảm, những cách đánh giá mang tính chủ quan... Nó phải trải qua nhiều thử thách và cần có thời gian để thể hiện, để khẳng định chính mình. Tiểu thuyết mới cũng vậy. Phê bình văn học thì luôn dựa vào những giá trị truyền thống để nhìn nhận, đánh giá và phán xét, chính vì thế khi mới ra đời, tiểu thuyết mới phải hứng chịu nhiều sóng gió từ phía dư luận. Trải qua thời gian, nó đã chứng minh cho những tìm tòi, sáng tạo và giá trị nghệ thuật đích thực của mình khiến cho cả thế giới phải công nhận và thán phục. Thế là chúng ta không chỉ biết đến Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, đặc biệt là Alain Robbe Grillet như những ông hoàng trong sáng tác mà ông còn là các nhà lý luận tiểu thuyết mới đầy tài năng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alain Robbe  Grillet (1986), Vì một tiểu thuyết mới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

2. C. De Ligny - M. Raussselot (1998), Văn học Pháp, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Bửu Ý (2006), Tác giả thế kỷ XX, Nxb Văn học, Hà Nội.

N.T.T