Nỗi niềm trăn trở của Nguyễn Văn Xuân qua bài báo “Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII”- Vũ Đình Anh
Nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007) đi xa đã tròn 10 năm. 10 năm là khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Quảng Nam, Đà Nẵng cảm nhận rõ hơn như nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc: “một cuộc hội thảo, một tập kỷ yếu viết về lịch sử và văn hóa xứ Quảng mà vắng ông mọi người đều cảm thấy một cái gì không trọn vẹn, một khoảng trống...”1. Hay như Trương Điện Thắng cũng chia sẻ: “Ngày nay, các nhà nghiên cứu mà ta thường đọc ít có những tư duy độc lập như thế. Phần đông họ làm công tác biên khảo chứ chưa đạt đến cấp độ của nghiên cứu để phát hiện vấn đề mới như ông. Chính đó là một khoảng trống khi cụ Xuân ra đi vậy!”2.
Sau 10 năm đi xa, vị trí của nhà văn Nguyễn Văn Xuân ngày càng được khẳng định và đề cao hơn. Năm 2013, thành phố Đà Nẵng đã lấy tên ông đặt cho một con đường ở quận Cẩm Lệ. Đặc biệt, ngày 04/4/2017, nhân Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam (1957 - 2017), đã truy tặng Giải thưởng Cống hiến đợt I cho các tác phẩm của 22 cố tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học Việt Nam. Trong đó, nhà văn Nguyễn Văn Xuân là một trong mười tác giả thuộc thể loại văn xuôi được truy tặng Giải thưởng với 3 tác phẩm Bão rừng, Hương máu và Kỳ nữ họ Tống.
Để nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về các trước tác của Nguyễn Văn Xuân, chúng ta cần có các công trình lớn hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ cảm nhận về nỗi niềm trăn trở của Nguyễn Văn Xuân qua bài báo “Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII”3 như nén tâm hương nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất (04/7/2007 - 04/7/2017). Bởi khi đọc bài báo này của ông, ta cảm nhận được cái tâm của một học giả công tâm, ngay thẳng, uyên bác, sắc sảo trong tư duy phản biện và luôn khao khát đổi mới, cách tân nhằm đưa đất nước phát triển.
Bài báo “Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII” chưa đầy 7 trang sách, trong đó có gần 3 trang ghi lại nhật ký của một thương gia người Pháp ở thế kỷ XVIII. Mở đầu bài báo, Nguyễn Văn Xuân nêu lại một thực tế lịch sử, rằng sự giao thương quốc tế giữa Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng với nhiều nước trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp...) giai đoạn thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII “đang trên đà đi tới thì bỗng nhiên ngừng trệ dần vào giữa thế kỷ XVIII”4. Ông cũng nêu lại cách lý giải của một số nhà nghiên cứu đương thời về nguyên nhân của sự ngưng trệ “là vì người Nhật bế quan, không vãng lai nữa; chiến tranh Trịnh - Nguyễn tạm kết thúc, nhu cầu quân trang quân dụng không thiết yếu như trước”.
Tuy nhiên, với tư chất của một nhà nghiên cứu mẫn cảm, có tư duy độc lập, Nguyễn Văn Xuân không bằng lòng với cách lý giải đó. Bởi qua các tư liệu mà ông biết thì việc giao thương, buôn bán với nước ngoài vẫn được tiến hành, song “tàu bè Âu châu ngày càng vắng, ngược lại thuyền buồm Trung Quốc cỡ lớn mỗi ngày một tăng”. Ông tiếp tục đi sâu phân tích, rằng cũng không phải do người Việt quen dùng hàng Trung Quốc mà không dùng hàng Âu châu, bởi chính trong các “thuyền Trung Quốc dù có nhiều hàng Tàu, cũng không thiếu gì hàng Âu”.
Vậy nguyên nhân sâu xa nào khiến họ không trực tiếp giao thương được với người Việt, mà “người Âu lãnh đạm và xa lánh dần?”. Đó là câu hỏi khiến Nguyễn Văn Xuân băn khoăn, trăn trở và cố gắng tìm ra câu trả lời xác đáng nhất. Chắc hẳn ông đã mất nhiều công sức để tìm kiếm tư liệu cả từ phía người Việt, người Hoa và người Âu châu (trực tiếp là Pháp) nhằm giải đáp băn khoăn đó. Và cuối cùng, Nguyễn Văn Xuân đã tìm được câu trả lời khá xác đáng từ một nguồn cứ liệu ở nước Pháp. Ông khẳng định: “Ở đây, tôi chỉ đưa ra một minh chứng, giải tỏ tại sao thương nghiệp của ta bị cắt đứt dần với Tây phương. Nó đã làm xuống cấp việc sản xuất, thương mại, ảnh hưởng tới ngoại thương và có thể xáo trộn đến ngưng trệ cả bang giao quốc tế”. Minh chứng đó chính là “tập sử liệu La geste Francaise en Indochine - Taboulet - Paris, 1955” mà ông đã tìm kiếm và dịch từ tiếng Pháp để giải đáp vấn đề trên.
Chúng ta có thể tóm tắt “minh chứng” mà Nguyễn Văn Xuân đưa ra như sau: Có một thương gia nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ XVIII là Pierre Poivre, ông đi nhiều, biết rộng, là học giả, đã làm ăn phát đạt ở nhiều nước trên thế giới. Poivre được nước Pháp trọng vọng, được Chính phủ Pháp hỏi ý kiến trong bang giao quốc tế, trong đó có vấn đề bang giao với Việt Nam. Ông đến Việt Nam (cụ thể là xứ Đàng Trong) hai lần. Lần đầu tiên ông đến Hội An năm 1742 - 1743 để “tính chuyện mua bán, xem xét dân tình”. Lần thứ hai ông đến Việt Nam năm 1749, “ra Huế rồi vào Quảng, mở một thương quán tại Hội An”. Lần này Poivre chính thức làm ăn buôn bán và đặt quan hệ giao thương giữa Pháp với Việt Nam. Song “Chính lần này ông mới thực sự nhìn thấy rõ bộ mặt của thương nghiệp, nghề buôn, con buôn và sự tham lam, nhũng lạm của vua quan xứ Đàng Trong”. Tôi xin trích một số ý trong nhật ký của Poivre trong tháng 11 và tháng 12/1749 mà Nguyễn Văn Xuân đã lược dịch:
“4-11-1749: Phải giao thiệp khó khăn với thương gia bản xứ xảo quyệt...”;
“8-11-1749: Muốn vào đất nước này làm ăn thì phải mang theo nhiều lễ vật. Người xứ Đàng Trong nghèo, quan lại ở vương phủ vụ lợi. Ngay chúa cũng tham lam nên quan lại cũng đua theo. Muốn vào phủ chúa, dù là Poivre hay thông dịch viên đều phải đút lót…”;
“24-12-1749: Điều làm tôi bối rối nhất khi phải thương lượng với người ở đây là chẳng bao giờ họ nói một lời chân thật. Hôm nay đồng ý, mai lại chối từ. Họ hứa rồi phản hứa luôn luôn, chẳng e ngại gì. Họ kéo cà kê công việc để hưởng nhiều lợi. (…) Chúa tự ý ra lệnh để bọn tay chân bòn rút rồi chúa bòn rút lại. Quan lại không có lương bổng, dựa vào chính sách ấy để làm giàu”;
“29-12-1749: Poivre gặp chúa Võ Vương, nói chuyện, trình đơn từ, bàn về việc giao thương giữa Pháp và Việt, xin chúa ký vào lệnh chỉ đặc hứa thương mại. (…) Đối với mọi công việc, kể cả việc đã hứa cho phép, chúa chỉ lại… hứa”;
“30-12-1749: Tôi chẳng còn biết tin cậy ai hết. Chung quanh chỉ thấy toàn bọn trộm cắp”...
Nhật ký của Poivre còn rất nhiều khía cạnh khác, trong phạm vi bài viết chúng tôi chỉ lược trích một số nội dung như trên. Qua đó, chúng ta đã cảm nhận rất rõ nỗi khó chịu, uất ức, căm phẫn của một thương gia nổi tiếng của Pháp khi sang Việt Nam buôn bán giữa thế kỷ XVIII. Điều đó là minh chứng vì sao “người Âu lãnh đạm và xa lánh dần”. Trong công trình Hội An, Nguyễn Văn Xuân cũng xác nhận lại luận điểm này: “Với vua quan, người Âu Châu hoàn toàn thất bại trong đối xử, nhất là việc biếu xén và cho ăn hối lộ, người Hoa, ngược lại, rất có kinh nghiệm trong việc “đấm mõm” để thu lợi. Người Hoa ngày càng đổ sang nhiều ở Hội An và xứ Đàng Trong”5.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó, Nguyễn Văn Xuân còn cho ta thấy hậu quả nặng nề của thói hư, tật xấu của thương nghiệp Việt Nam, sự tham nhũng của vua quan xứ Đàng Trong đã làm ảnh hưởng đến bang giao quốc tế của Việt Nam lúc bấy giờ. Câu chuyện tiếp diễn như sau: Thương gia Poivre “nổi khùng vì những rắc rối, phiền toái, đau xót, thất thu, thất bại liên miên, nên khi người thông dịch Michel Cương - mà ông chán mặt vì tính bất hảo - lên tàu để đòi tiền phục vụ, Poivre tóm Cương nhốt lại rồi cho tàu Michault nhổ neo, mặc cho viên thông dịch la hét”. Hậu quả của thương vụ này cực kỳ to lớn, làm náo loạn đến cả tôn giáo lẫn chính trị. “Võ Vương nổi trận lôi đình. (...) Hàng giáo phẩm Công giáo bị buộc đi tìm lại cho được viên thông dịch dù phải băng sóng, vượt biển. (Đến tháng 6 năm sau, Công giáo bị trừng phạt cực nặng...)”. “Niềm căm phẫn, hận thù không bao giờ nguôi” trong Poivre. Vì vậy, 17 năm sau, khi được chính phủ Pháp hỏi ý kiến về Việt Nam, Poivre “đã bảo thẳng chỉ có dùng quân lực chiếm đất làm chủ tình hình để tiến hành thương mại, không có cách bang giao nào khác”. Từ một thương gia có tiếng, một học giả biết rộng đã “biến thành kẻ chủ trương xâm lăng”. Và có thể đây chính là một trong những nguyên nhân để sau này Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Quả đúng như tác giả Trương Điện Thắng đã nhận định: “Nguyễn Văn Xuân đã nhìn lịch sử và sự việc không đóng khung trong những tư liệu hoặc những gì nó biểu hiện nhất thời, mà luôn đặt lịch sử, sự việc trong thế động, với những phát hiện đầy bất ngờ thú vị”6.
Nguyễn Văn Xuân thắng thắn chỉ ra “Tội trạng của Poivre đối với Việt Nam đã rõ ràng”. Song khi đọc kết luận của bài báo, ta cảm nhận rõ cái tâm của một học giả công tâm và ngay thẳng: “Nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, “mà trong lẽ phải có người có ta”. Hãy để hết tội lỗi của Poivre qua một bên. Ta nên đọc lại các trang nhật ký Poivre để lại. Phải chăng có những điều đáng ngẫm nghĩ sâu xa làm bài học và phải học những gì khi mở cuộc ngoại thương”. Bài báo thể hiện tinh thần tự phê phán, tự thức tỉnh rất cao qua việc vạch ra những thói hư tật xấu trong việc làm ăn buôn bán của ta (vốn coi “buôn gian, bán lận” là sự thường) cũng như trong quản lý đất nước của vua quan triều Nguyễn. Nguyễn Văn Xuân dù tự hào về nền văn hóa Việt Nam, nhưng ông rất tỉnh táo để nêu rõ cái nào là hay, là dở, là tốt, là xấu với mong muốn dân mình, quan mình biết để tự sửa đổi, tự điều chỉnh nhằm đưa đất nước phát triển.
Trong bài báo có đến 2 lần Nguyễn Văn Xuân đề cập đến vấn đề này. Ngoài phần kết luận, thì trước khi nêu “minh chứng”, ông cũng nêu ra: “Liệu nó chỉ còn là kỷ niệm hay vẫn là bài học thấm thía cho thương gia và người lãnh đạo thương mại Việt Nam ngày nay?”. Như vậy, rất rõ ràng rằng, khi nhà văn đề cập đến câu chuyện của quá khứ nhưng ông muốn gửi gắm tâm sự, nỗi niềm này cho thương gia, cho lãnh đạo thương mại Việt Nam ngày nay, mà nói rộng ra là cho người Việt Nam ta. Bài báo đề cập đến đến một thương vụ từ xa xưa nhưng rõ là một bài học đắt giá cho chúng ta đến tận ngày nay. Câu chuyện cũ, bài báo cũ, song ý nghĩa thời sự vẫn còn hiện hữu nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Đây cũng chính là quan điểm “Ôn cố tri tân” của Nguyễn Văn Xuân được thể hiện trong nhiều bài báo khác, như: “Ngày nay, tôi nhắc lại, chúng ta muốn đổi mới mà ít học lịch sử của ta và của thế giới (nhất là quanh ta) thì thật là một thiếu sót quan trọng”7. Nhưng học lịch sử, học văn hóa không phải chỉ để biết, để giữ lại, “mà điều cốt yếu chính là con người ứng dụng nó cũng phải có tâm hồn thực sự vì nguyên lý muốn phát triển đất nước”8. Rõ ràng nhà văn của chúng ta luôn mong muốn sớm đổi mới, canh tân để đưa đất nước phát triển. Về điều này, nhiều học trò, bạn hữu của ông còn kể lại: trong các buổi trà, rượu... Nguyễn Văn Xuân thường đọc câu thơ của Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!/ Em ơi em, tình non sắp già rồi”. Nhà văn cho rằng, những câu thơ này không chỉ nói về tình yêu, mà còn thể hiện sự giục giã đổi mới, cách tân đất nước từ phong trào Thơ mới, nên nó vẫn luôn có giá trị.
Tôi thiết nghĩ, đây cũng chính là nỗi niềm trăn trở thường trực của Nguyễn Văn Xuân. Qua một bài báo, chúng ta cảm nhận rất rõ nhà “Quảng Nam học” không chỉ chịu khó tìm tòi, luôn công tâm, ngay thẳng, uyên bác, sắc sảo trong tư duy phản biện mà ông còn luôn khao khát đổi mới, cách tân nhằm đưa đất nước phát triển. Ông luôn mong muốn người Việt Nam phải tự thức tỉnh, phải sớm thức tỉnh, như trong nhiều bài viết khác ông nhắc câu nói của Mạnh Tử: “Không bằng người mà không xấu hổ, thì bằng người sao được”. Có như vậy, người Việt ta mới bỏ đi những thói hư tật xấu còn hiện hữu, chỉ gìn giữ những truyền thống có giá trị, mà cốt yếu hơn là “tạo nên tập tục cho các giá trị mới trở thành truyền thống mới để phát triển”. Đất nước phải phát triển về mọi mặt thì mới mong có sự bình đẳng thật sự với các nước khác trên thế giới. Bởi theo nhà văn: “có ngang hàng nhau về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… thì mới thực sự có bình đẳng với nhau. Còn trái lại là mơ ước hão”9.
1 Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb Đà Nẵng, 2002, tr.1008
2 Trương Điện Thắng, 8 năm vẫn nhớ thầy Xuân, http://www.baodanang.vn/channel/5414/201506/8-nam-van-nho-thay-xuan-2424841/
3 Bài báo in trong Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam, do Tạp chí Xưa & Nay và Công ty TNHH Sách Phương Nam xuất bản, năm 2010, tr.15 - 21
4 Các trích đoạn của Bài báo đều được dẫn trong Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam, Sđd, tr.15 - 21
5 Nguyễn Văn Xuân, Hội An, Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.32
6 Trương Điện Thắng, Nguyễn Văn Xuân, một cuộc đời sáng tạo đặc biệt, http://baoquangnam.vn /van-hoa-van-nghe/201007/nguyen-van-xuan-mot-cuoc-doi-sang-tao-dac-biet-64843/
7 Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam, Sđd, tr.13
8 Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam, Sđd, tr.11
9 Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam, Sđd, tr.14
V.Đ.A