Những trang viết trong mưa bay(*) - Hồ Sĩ Bình
Mưa, bao giờ cũng thế, thường gợi cho chúng ta một cảm giác mông lung, ngồi nhớ nhớ một thời xa xăm mơ hồ, bao chuyện buồn vui lẫn lộn, xao động bâng khuâng. Viết trong ngày m…ưa.. của Mai Hữu Phước cũng mơ hồ sương khói như thế, là những ghi chép về một chút nhớ, một chút thương, một chút yêu và một chút buồn... cũng đủ để viết lên một điều gì đó cho nhau và cho cuộc đời này - như lời tâm tình đầu sách của tác giả.
Viết trong ngày m…ưa.. gồm 53 tạp bút ngắn là những bâng khuâng ngậm ngùi thương nhớ ngẩn ngơ từ những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng “thời lượng thông tin” của tập sách lại trải rộng bao quát cuộc sống của một nhà thơ vốn đa cảm và đầy yêu thương cuộc sống quanh mình. Có cảm tưởng tâm hồn của tác giả như một đại hồ cầm sẵn sàng ngân lên lời ca khi cuộc sống chạm đến với những tiếp xúc và va vấp thường nhật. Phước không quen với những ồn ào ầm ĩ lên gân trong văn chương, những trang viết của anh đằm thắm nhẹ nhàng, vừa mang tính tự sự pha lẫn trữ tình, phong cách kể chuyện bằng sự rung cảm bởi hiện thực đưa đẩy dẫn truyền. Khi viết về người cha, đang ở một nơi xa - là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng với chính mình như một ân hận đau đớn: Sự vô tâm, vô tình đâu phải là không luôn hiện hữu trong bộn bề cuộc sống... Với người mẹ, chỉ là những phác thảo bằng những dòng ngắn ngủi với một thoáng dừng lại phân vân trên trang viết để hình ảnh lại giàu sức biểu cảm Đá mòn dưới chân mẹ. Đòn gánh mòn trên vai mẹ để mỗi ngày gom được một gánh củi rừng đổi lấy cơm và mắm nuôi bầy con nheo nhóc... Chỉ một tiếng kêu nhỏ Cô ơi... ơi... vút nếp mà dư âm còn lại trong ký ức về nồi bánh tét cuối năm (Tuổi thơ và nồi bánh tét cuối năm) được miêu tả thật xúc động. Hai lần gặp cọp là một sự kiện hy hữu với một người tuổi đời mới mười bốn, mười lăm mà đã tới hai lần gặp cọp, mà đâu phải xa xôi gì. Một, từ trên đầu nguồn sông Cu Đê với trận thư hùng giữa lợn lòi và cọp dữ. Hai, từ Bãi Chuối dưới chân đèo Hải Vân cọp đang ngồi ngắm trăng. Trong câu chuyện nhỏ mới gần ba mươi năm trở lại đây, mà người viết đã gặp cọp trên đất Đà Nẵng, sự việc khó tin mà có thật. Thông qua chuyện của cọp là hình ảnh Chà vá chân nâu với một cái tên khác mà dân gian hay gọi loài linh trưởng này là “vá quàng”.
Lâu nay người ta viết về Hoàng Sa khá nhiều, nhưng Mai Hữu Phước với Ngày Ba mươi Tết và nước mắt Hoàng Sa là một nỗi ám ảnh đã để lại trong tâm hồn của anh một vết sẹo không bao giờ phôi phai. Chiều Ba mươi Tết nghe hung tin bố anh, một sĩ quan trong quân đội Sài Gòn trên con tàu HQ 10 đã bị chìm, đã hy sinh. Bữa cơm tất niên của cả xóm đã chìm đắm trong nước mắt của mọi người trong ngõ phố. Những giọt nước mắt không chỉ dành cho người thân - trước Tổ quốc, nước mắt ấy khóc cho những chiến sĩ hy sinh vì đất nước không phân biệt từ phía nào. Dù rằng cuối cùng thì người cha cũng sống sót trở về nhưng thiên bút ký Ngày Ba mươi Tết và nước mắt Hoàng Sa khép lại bằng một câu hỏi bỏ lửng, một câu hỏi chưa có lời đáp: Bao giờ, tất cả người Việt mới đồng lòng vì một đất nước Việt, một dân tộc Việt Nam hùng mạnh, giàu có và trường tồn. Chắc ngày đó còn xa lắm... Đằng sau trang viết ấy là gì - là một ẩn dụ có tính chung thẩm về hòa hợp dân tộc, bình đẳng, ý nghĩa cao quý về sự hy sinh vì đất nước không của riêng ai.
Nhiều người viết ký có thói quen ghi chép rườm rà không biết chọn lọc những chi tiết đắt giá, viết sa đà không biết cách dừng lại cho đúng lúc nên khó đọng lại ấn tượng trong lòng người đọc. Với Mai Hữu Phước, ký sự của anh thấm đẫm chất trữ tình nhiều hơn, kết thúc cũng bất ngờ, được khóa lại trong văn bản rồi mở ra bằng một khơi gợi nghĩ suy khác ở người đọc. Bằng một bút pháp nhẹ nhàng dung dị về những đề tài là hiện thực đời sống quanh mình, đọc văn của anh nên để ý đến những chi tiết nhỏ, rất nhỏ nhưng chuyển tải những thâm ý của người viết. Những Chuyện rắn bà tôi kể, Chị còn hay đã mất, Hồn nhiên Phan Huỳnh Điểu, Đêm xuân gặp Thị Nở, Lão Thi và bóng đá, Đặc sản... thơ được viết theo một phong cách như vậy.
Tập tạp bút Viết trong ngày m…ưa.. của anh nhằm phản ánh cuộc sống bằng một cái nhìn nồng ấm thương yêu, đặc biệt là những mẩu chuyện liên quan trực tiếp với tác giả, một bác sĩ hành nghề đã nhiều năm. Câu chuyện Cổ tích đời thường để lại nhiều mối cảm hoài về một bệnh nhân hơn bảy mươi tuổi từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, một bệnh nhân mang căn bệnh hiểm nghèo khi nào cũng lạc quan, nụ cười không bao giờ tắt trên môi ngay cả khi đang đau đớn, và nghiệt ngã nhất khi nói về cái chết. Quá trình giao tiếp chăm sóc bệnh nhân lại quay một hướng khác, chính người đáng được tri ân không phải là bệnh nhân mà là bác sĩ vì bà cụ chính là một vị Tiên ở thiên hà xa xôi đã hiển hiện bằng thái độ, cách cư xử đầy tình người đã làm cho anh phải cảm phục. Là một bác sĩ từng làm việc một trạm y tế vùng ngoại ô nghèo, nơi từng là cái rốn lũ của thành phố. Về nơi có lũ, chính trong ngày bão dữ ấy mới bộc lộ và cơ hội để những người làm công tác y tế và những ngành liên quan đến cứu trợ xã hội thể hiện sự hy sinh bất chấp nguy hiểm bám trụ để đến với đồng bào. Chao ơi những trang viết ấy đầy xao động tình người, những con người không ăn uống gì chìm trong mưa lũ để cứu người, những ca sinh nở, thuốc men, điều kiện y tế thiếu thốn… Hạnh phúc của những người xả thân chèo chống cứu lũ đó không có gì lớn lao cho bằng con số người dân được cứu khỏi làn sóng dữ tiếp tục được nâng lên. Cũng từ những tháng năm lăn lộn hành nghề y tại vùng đất này, anh đã gần gũi với những bệnh nhân nghèo đặc biệt khi anh tìm thấy và khám phá cái chất dân dã, gần dân không quan cách, không xưng tụng, mộc mạc của anh Nguyễn Bá Thanh trong những ngày mưa lũ. Chùm tạp bút về hành nghề y Bệnh nhân đặc biệt, Thơ và... sức khỏe, Thư gửi người yêu nếu dịch Ebola xảy ra, Nghề Y và những kỷ niệm... có lẽ thể hiện chân dung của người viết dù rằng tác giả luôn khiêm tốn không muốn tô vẽ về mình. Văn chương cũng là con người đấy thôi, qua đấy ta nhận thấy một bác sĩ Mai Hữu Phước luôn bám trụ trên một vùng đất đầy khó khăn, dành tình yêu thương nồng ấm cho bệnh nhân, thể hiện một lương y đầy tận tâm và trách nhiệm.
Thời thiếu niên của Mai Hữu Phước rất nghiệt ngã, cha là một sĩ quan chế độ cũ sau 1975 bị học tập cải tạo, mẹ phải đi củi để về nuôi sáu đứa con. Là con trai đầu trong gia đình, thời trung học cũng phải theo mẹ lên rừng đốn củi để đi học, anh từng là một tấm gương sáng vượt khó. Có lẽ những năm tháng vất vả khốn khó đã hình thành trong anh niềm cảm thông sâu sắc và lòng yêu thương cuộc sống và người nghèo khó. Viết trong ngày m…ưa.. luôn bàng bạc một niềm thương cảm với lòng tri ân với cuộc sống, những ray rứt thấm đẫm tính nhân văn.
H.S.B