Biển tình - Lê Hồng Mận
Nhà thằng Quân ở ngay triền đê đoạn giữa sông, nơi có cầu Lắc bắt nhịp hai bờ dành cho những người ưa cảm giác mạnh. Dân xóm Yên gọi nó vầy bởi mỗi lần mon men ra giữa cầu thì y như rằng có bão cấp bảy, phải can đảm lắm mới dám thẳng lưng, ngẩng đầu bước tiếp. Ai cũng thấy rõ sự bất tiện nhưng hình như chẳng ai muốn thay đổi, có thể vì điều kiện khó khăn hoặc cũng có thể tính cách dân quê ưa ổn định - thôi thì cái gì xưa giờ đã thế cứ vậy mà dùng. Rồi cũng thành quen, thanh niên đàn ông qua lại vùn vụt, đàn bà con gái nhát gan ngồi vào cái thúng chống chèo một đoạn cho ra dáng dân vùng sông nước. Đời này tiếp đời kia, cầu Lắc mỗi mùa một lắc hơn nhưng đã trở thành thứ đặc sản của riêng xóm Yên, chỉ xóm Yên mới có. Con trai con gái đi xa nhớ làng, nhớ cha mẹ người thương và nhớ cả cây cầu Lắc, nên dẫu có bảo cho tiền sửa sang thành cầu xi măng sắt thép thì người xóm Yên vẫn chối nguây nguẩy rằng không muốn mất dấu kỷ niệm xưa.
Con Giang và con Loan thân nhau từ dạo còn bò lổm ngổm, mẹ con Loan mất sớm nên cha toàn bồng nó đi bú nhờ. Cũng có thể do chung bầu sữa nên hai đứa thương nhau như chị em, hay tắm chung một khúc sông, mặc chung những bộ quần áo và thích thú dắt nhau qua cầu Lắc những mùa nước lớn. Sinh nhật con Loan mười ba tuổi, hai đứa lon ton ra giữa cầu thả thuyền chở ước mơ, nào ngờ con Giang trượt chân lộn xuống sông. Gói quà chưa kịp tặng bạn văng ra trôi lững lờ, con Giang mê mải bơi theo rồi đuối sức ngắc ngoải giữa dòng, con Loan trên bờ khóc la đến khản giọng. Thằng Quân để nguyên bộ đồ mới cóng nhảy xuống kéo con Giang vào bờ, thở hổn hển mà vẫn cười toe toét khi thấy miệng đứa con gái xinh xắn ấy ngậm đầy những rong rêu. Từ đó, chúng thân nhau như thể xóm Yên chỉ có ba nhà.
Đêm ở xóm Yên bình an đến lạ, nếu lắng tai một chút người ta có thể nghe cả tiếng nước luồn qua chân cầu róc rách. Những ngày có trăng, cả ba ra giữa cầu, ngồi đong đưa nói chuyện vơ vẩn, đơn giản thế nhưng mỗi bận trở về lòng đứa nào cũng bâng khuâng lắm. Thằng Quân thường đưa bạn tới tận nhà rồi mới thơ thẩn qua cầu Lắc sang bên kia sông, mười sáu tuổi mà trông hắn ra dáng một cậu thanh niên lịch lãm biết chiều con gái. Dân xóm Yên chẳng biết gọi thế là ga-lăng như người thành phố nên cứ ghép đôi hắn với con Giang, bảo nhanh nhanh lớn cưới nhau cho rồi làm thằng Quân nhiều phen ngượng chín mặt. Chỉ có con Loan là hiểu rõ vì thằng Quân mồ côi cha từ nhỏ, một mình nó phải gánh vác gia đình nên thành ra chu đáo thế chứ chẳng phải thương nhớ gì ai. Nó biết thằng Quân yêu mẹ hơn mọi thứ trên đời.
Một ngày khai giảng, hai đứa con gái thướt tha áo dài lên thị xã học chứ không còn lon ton trường làng như mọi năm, thằng Quân bỗng ngẩn ngơ và thấy trong lòng là lạ những điều chưa hiểu được. Lắm lúc đạp xe song song, thấy tà áo con Loan bay bay, hắn muốn cười nói vô tư như mọi hồi mà tự nhiên khựng lại, ngó lơ chỗ khác. Từ đó, thằng Quân chẳng dám đi bên con Loan nữa, có gì cũng nhờ con Giang nói lại nên thành ra người ta cứ nghĩ hắn với Giang yêu nhau thắm thiết. Con Loan thấy thằng Quân vậy hay hỏi con Giang "tao đã làm gì sai" rồi cả hai cùng ngẩn ngơ chẳng hiểu tình bạn mấy năm sao lại thành như thế. Hiểu con Loan buồn mà hắn chẳng biết làm gì để mỗi đêm nằm mơ thấy mái tóc dài bay phất phơ trong gió, tỉnh dậy vẫn nghe khóe mắt cay cay.
Thằng Quân đậu Đại học trên thành phố, cả xóm Yên mừng như bắt được vàng. Mấy đời dân quê có được người như thế, lại là đứa mồ côi cha từ nhỏ nên ai cũng thương. Người cho quà, người cho gạo, cũng có người dúi cho ít tiền và không ngớt lời khen mẹ thằng Quân nuôi con khéo quá. Ngày đi, hắn ôm mẹ khóc nức nở như hồi con nít, hứa sẽ chẳng để mẹ bạc thêm sợi tóc nào. Hai đứa bạn thân tiễn hắn ra tận bến xe, miệng cười mà mắt hoe hoe mọng nước. Thằng Quân vỗ vai con Giang bảo học thật giỏi, mai mốt lên thành phố học chung cho hắn đỡ buồn, con Loan thấy thế tủi thân quay đi không thèm nhìn mặt. Nhưng chính con Loan cũng không ngờ rằng lúc hắn lên xe đã kịp dúi vào tay nó một phong thư có ép cánh phượng hồng, bảo rằng thương mái tóc dài, nụ cười duyên của con Loan từ hồi hai năm trước mà không dám nói. Nó mừng mừng tủi tủi khóc suốt đoạn đường về nhà, con Giang chở nó chạy dọc triền sông, gió hiu hiu mà bỗng thấy mắt cay xè.
Từ dạo đó thằng Quân và con Loan thường viết thư cho nhau, con Giang vẫn được đọc chung bởi sau những đoạn thương nhớ mùi mẫn hắn không quên vài dòng hỏi thăm đứa bạn ngày xưa té sông miệng ngậm đầy cỏ. Con Giang đợi mấy dòng thư từ trên phố như thể đó là người yêu của nó vậy, dẫu rằng sau những lần đọc chung ấy nó vui ít buồn nhiều, chiều chiều lại thẫn thờ ngồi ngó khúc sông lững lờ trôi và đợi cổ tích nhiệm màu. Nó thương con Loan và muốn thằng Quân hạnh phúc, nhưng sao nhìn hai người yêu nhau nó cứ rấm rứt khóc mỗi đêm theo nỗi nhớ cồn cào. Nhiều khi nó tự hỏi chẳng biết lúc nào mới quên được thằng Quân.
Con Giang lại một lần nữa làm dân xóm Yên mừng rơi nước mắt khi nó đậu điểm cao trường Đại học trên phố, con Loan thiếu mấy điểm nên xin vào một trường Cao đẳng cách nhà không xa. Nhìn bạn buồn tiu nghỉu, tự nhiên nó thấy thương lắm, hứa lên thành phố sẽ coi chừng thằng Quân giúp bạn mà lòng nghẹn đắng. Nó sợ không thắng nỗi trái tim mình, sợ những phút yếu đuối sẽ làm mất tình bạn ngọt ngào với đứa cùng chung dòng sữa và sợ cả việc thằng Quân biết nó thương hắn từ cái thuở mười ba...
Nhưng mà hình như nó sợ hơi nhiều, một đứa con gái tóc tém, miệng cười toe toét như nó dẫu lòng thật đau vẫn luôn vun vén vào cho bạn. Tình cảm với con Loan chẳng hề phai nhạt mà ngày càng ấm áp hơn bởi kèm theo lá thư người yêu còn có cả đôi dòng của con bạn thân kể chuyện tào lao trên phố, con Loan đọc xong cười tít mắt và hồi âm cảm ơn rối rít, hẹn ngày về cùng ra cầu Lắc ôn lại kỷ niệm xưa...
Giáp Tết năm đó cả bọn tụ tập mỗi nhà một ngày hí húi dọn dẹp, gói bánh, tưới hoa. Xóm Yên thấy ba đứa thân nhau, hay hỏi dò thằng Quân thương đứa nào để họ còn liệu chừng mai mối cho đứa còn lại, thằng Quân chối đây đẩy "tụi con là anh em mà, thương nhau răng được". Thằng Quân nói thế, nhưng chẳng ai ngờ lời hắn lại thành sự thật. Ngày tất niên, cha con Loan dắt mẹ thằng Quân ra mắt xóm làng với mâm cơm đạm bạc, bảo đã thương nhau lâu lắm rồi mà phải im lặng đợi mấy đứa học hành. Xóm Yên tròn mắt ngơ ngẩn một hồi rồi vỗ tay ràn rạt bảo xứng đôi nên phải gắng mà chăm cho nhau qua những ngày bóng xế. Họ cũng bảo con Loan với thằng Quân tốt số, đã thân nhau thế mà giờ còn làm anh em thì hạnh phúc nào bằng. Thằng Quân vâng dạ, cười ha hả với hạnh phúc mới của mẹ mà nghe lòng chát đắng như thể người ta xát vào đó vỏ quả lựu non. Con Loan cười hiền hiền, hất mớ tóc che ngang nửa mặt, đang giữa bữa kêu mệt phải về nghỉ sớm. Con Giang chạy theo bạn ra tận đầu sông, rồi hai đứa cứ thế ôm nhau nức nở...
Mấy năm trôi qua kể từ ngày xóm Yên chứng kiến cái đám cưới đạm bạc của hai con người sống trong hạnh phúc muộn mằn ấy, ba đứa thân nhau như anh em kia vẫn chưa chịu dẫn người yêu về ra mắt. Ở tuổi con Loan người ta đã dắt con chập chững ngoài triền sông, vậy mà ai hỏi nó cũng bảo còn nhỏ sao dám lấy chồng. Con Giang hay cười nhìn khúc sông ngày xưa nó té, nói đang đợi một người ở xa thật xa. Thằng Quân đi làm, con gái thành phố thương lắm mà cứ phớt lờ làm như không biết bởi trong những giấc ngủ trằn trọc của hắn bóng con Loan vẫn ẩn hiện chập chờn. Lắm lúc buồn, mượn men để quên, hắn vẫn ngẩn ngơ nhớ rồi tự hỏi sao ông tơ bà nguyệt lại trớ trêu quá đỗi...
Sinh nhật con Loan, mình con Giang đến. Hai đứa lê la những quán sá ngày xưa thật thích nhưng không có tiền nên chẳng dám ghé chân, nói cười khúc khích mà nghe khóe mi nặng trĩu. Đường về, con Loan gục đầu vào lưng con Giang khóc nức nở, bảo sẽ đi lấy chồng để quên thằng Quân. Con Giang khựng lại, hỏi "có yêu người ta không mà lấy", nó gượng cười "ông bà hồi xưa có cần yêu đâu" mà hai hàng nước mắt ròng ròng. Đó là một đêm không trăng, hiu hiu gió bấc...
Gần Tết, tự nhiên thằng Quân mang xe sang bảo sẽ chở con Giang về quê như ngày còn đi học, con Giang tròn xoe mắt nhìn thằng bạn mà nghe tim rộn ràng...
- Sao Giang không lấy chồng đi?
Thằng Quân hét lên trong tiếng gió, tự nhiên con Giang bối rối.
- Giang phải đợi một người...
Lần đầu tiên con Giang dám nói câu đó với thằng Quân, nó thấy hai má nóng ran và lâng lâng đợi chờ những câu hỏi tiếp theo của hắn. Vậy mà hình như thằng Quân không hiểu, cứ thế phóng xe vù vù.
- Giang đợi Quân hả?
Thằng Quân bất ngờ hỏi khi cho xe dừng ở khúc sông đầu làng, nơi bắt đầu con đường đất êm êm ngày xưa cả bọn vẫn thường chân trần thả diều, đuổi bắt. Con Giang tròn xoe mắt, mặt đỏ như vừa nướng trong lò than, giả bộ ngó lơ ra chỗ khác.
- Quân biết lâu lắm rồi, từ hồi mới thương kia, khi nào Loan đi lấy chồng rồi Quân cưới Giang nghe!
Con Giang không quay lại, ngồi im vậy mà nghe nước mắt rơi mặn đắng. Nó chẳng biết mình đang hạnh phúc hay buồn tủi nữa, nó đợi lời thương từ thằng Quân lâu lắm rồi nhưng hình như nó chưa bao giờ muốn thằng Quân mượn nó để quên con Loan. Thằng Quân không nói gì thêm, choàng tay qua vai con Giang như hồi mười ba và ngồi trân trân nhìn khúc sông uốn lượn. Tự nhiên, hắn nhớ những ngày ngây ngô, nhớ những đêm trăng trên cây cầu Lắc, nhớ mấy trò nghịch ngợm mỗi mùa nước lên. Người ta, chẳng ai có thể một lần quay trở về tuổi thơ, chỉ là để tuổi thơ quay chậm trong ký ức mình, để tìm thấy nhau dẫu chẳng hề hẹn ước.
- Mình về, rủ con Loan ra cầu Lắc nói chuyện như ngày xưa nghe!
Con Giang nói trong nước mắt mà miệng nhoẻn cười.
Thằng Quân gật đầu, ngó qua gương chiếu hậu thấy khúc sông thu mình lại nhỏ xíu, thương thương...
L.H.M