VÂNG, ĐỜI CHÚNG TA
(Nhân đọc tập thơ “Đời chúng ta” của Đặng Hiển
- NXB Hội nhà văn 2010)
Đặng Hiển làm thơ khá sớm. Năm 1957 anh đã có tác phẩm đoạt giải, từ đó đến nay anh vẫn viết đều đặn. Tôi có may mắn được đọc nhiều thơ anh và đôi lần giới thiệu trên tạp chí.
“Đời chúng ta” là tập thơ mới nhất của anh, dày 100 trang, hình thức đẹp và trang trọng, gồm những bài thơ được sáng tác trong vài năm gần đây.
Qua mỗi bài, mỗi tập Đặng Hiển luôn tìm tòi, suy ngẫm, sáng tạo, tự đổi mới thơ mình, đó cũng là cách để khẳng định mình, thơ mình.
Đọc thơ Đặng Hiển ta gặp chính con người anh “chân tình và dung dị” không ồn ào khoa trương, không chạy theo hình thức, thơ anh có nét riêng, không dễ lẫn với một ai. Dù tâm trạng được thể hiện ở nhiều cung bậc nhưng thơ anh vẫn mang âm hưởng dịu êm, trầm lắng, hồn hậu và phát triển trên nền tảng có tính truyền thống của người Hà Nội từng là học sinh, sinh viên, trí thức.
“Đời chúng ta” là thông điệp của Đặng Hiển, là tấm lòng, là lời tri ân của anh, của chúng tôi đối với những con người, vùng đất, với quá khứ, với hiện tại. Tập thơ đã để lại âm hưởng sâu lắng, sự đồng cảm trong lòng người đọc.
Thơ anh trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi của anh và những người cùng thế hệ với anh.
Thơ Đặng Hiển còn gợi trong tôi nhiều điều để thương, để nhớ, phải chăng chúng ta cùng có nhiều nét tương đồng. Tôi và anh cùng là học sinh của Hà Nội, là sinh viên cùng khoa, cùng trường (anh học trước tôi đến cả chục năm). Anh có nhiều năm dạy học. Tôi có ít tháng đứng lớp ở Hà Đông. Anh gắn cuộc đời với nhà trường. Tôi gắn với chiến trường. Anh có “Kỷ niệm ở thị xã Hà Đông”. Ngày tôi vào mặt trận, các em nữ sinh Làng La đã tiễn đưa bằng những giọt nước mắt. Với Hà Nội anh luôn trăn trở “Vì tôi đã hiểu gì làm gì cho Hà Nội/Dẫu nơi này là thành phố tôi sinh”. Còn tôi, 40 năm xa Hà Nội, từ ngày còn trai trẻ “Tôi chỉ tiếc chưa được đem hết sức mình ra trang trải, chưa được sống hết mình với những ngày tôi đã sống, chưa kịp yêu hết mình với những gì tôi vẫn hằng khao khát được yêu”
Vâng, đời chúng ta là thế: Khát khao sống, khát khao được hiến dâng. Nghìn năm Thăng Long này ta lại cùng hướng về nơi “Lắng hồn núi sông”, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.
Hoàng Hồng Hà