Thế giới, một mái nhà ấm áp (Giới thiệu nhà văn và nhà báo Pico Iyer)
Jean-Sébastien Stehli
Ở Pháp, Pico Iyer gần như không ai biết đến, còn ở Hoa Kỳ, mỗi một bút ký du lịch (du ký) của ông là một tác phẩm “best-seller”. Pico Iyer sống giữa hai nơi - thành phố Kyoto và vùng California, nhưng mái nhà của ông ở khắp nơi và không ở đâu cả.
Và đây là cuộc gặp gỡ với người ca ngợi “làng toàn cầu”.
Một số nhà văn du ký (viết trong lúc xê dịch) thường bị cảnh vật và người xung quanh chi phối. Nhưng với Pico Iyer thì điều này diễn ra khác hẳn. Nếu ông đi đến một nơi nào đó, dù chỉ ngắn hạn, ông trở về với 200 trang ghi chép, với những trang tốc ký ngoằn ngoèo khó đọc. Ông ta kể rằng: “tôi dùng ngòi bút cũng như những người khác dùng caméra-vidéo. Lúc còn nhỏ, để đi từ đầu đường phố nhà tôi đến bà bán bánh kẹo, tôi cũng ghi chép”. Những biểu hiện ấy mang lại cho ông những ghi chú cực kỳ chính xác, với nền kiến thức và giáo dục dựa vào đạo Phật mà ông đã theo từ nhỏ; với bất cứ ai, ông đều tiếp xúc rất lịch sự và lễ phép.
Đối với ông, trong những chỉ thị và thông tin ông đưa ra, mỗi chi tiết đều quan trọng: “Bạn ra khỏi xa lộ, bạn hãy đi đến phía dãy núi trong 90 giây, kế đó, rẽ trái về phía nhà thờ lớn Oacks. Khoảng 30 giây đầu, bạn sẽ đến một cột đèn đỏ báo dừng lại. Bạn hãy đi thẳng về phái ngọn núi và lái xe trong 5 phút. Ở phía trên bạn, nơi lưng đồi, bạn sẽ thấy một căn nhà màu hồng xám, chỉ có một mình nó trên đỉnh cao, xa mọi thứ, tựa như một pháo đài. Đó là ngôi nhà của tôi”.
Sống trên những ngọn đồi cao của Santa Barbara, cách 2 tiếng đồng hồ, phía bắc Los Angeles, trước Thái Bình Dương bao la, hàng năm, Pico Iyer thường đến đó bốn lần.
Ông ở chung trong ngôi nhà này với một chú mèo và mẹ của ông - một người phụ nữ lớn tuổi, lịch thiệp trong bộ áo sari màu vàng. Bà ta nhẹ nhàng di chuyển khẽ trong ngôi nhà rộng lớn này, vừa được xây dựng lại sau một hỏa hoạn xảy ra đầu thập niên chin mươi và đã gây nhiều thiệt hại trong vùng. Lúc ấy, Iyer chỉ kịp thời cứu con mèo mà không kịp cứu bản thảo cuốn sách của ông ấy viết về CuBa. Cuốn sách này là công lao của 5 năm làm việc: “Nhà xuất bản của tôi đã nói với tôi - không sao cả, tại anh cứ tự dấu cất những trang ghi chép của anh”. Ông ta vừa an ủi, vừa mỉm cười. Từ ngày đó, những trang ghi chép của ông được cất kỹ trong tủ sách gửi ngân hàng.
Ở Pháp, ít ai biết tiếng ông ta. Tác phẩm Người toàn cầu (L’Homme Globale) của ông mới cho xuất bản tại đây. Iyer là một nhà văn du ngoạn được ưa chuộng bởi giới “người gốc Anh” (anglo - saxon), tác giả của 7 tác phẩm bút ký và 1 tiểu thuyết - tất cả đều là những tác phẩm được bán nhiều nhất (best – seller), và cũng là tác giả của một số vô kể những bài báo được viết với nhịp độ từ 10 đến 15 bài mỗi tháng, luôn luôn viết bằng tay rất kịp thời cho báo Times, cho báo New York Review of Books và cho một vài tạp chí Phật học khác.
Trong khi các nhà khảo cứu khác đi bộ dọc ngang sa mạc, phiêu lưu trong rừng Phi châu, hoặc ngồi nghiên cứu, giải thích giấc mơ của những thổ dân thì Pico Iyer là người đầu tiên đã phát hiện một vùng đất nguyên sinh: Đó là vùng đất “toàn cầu hóa”, một thế giới tựa như phòng đợi trong phi trường, một phòng đợi rộng lớn mà ở đó nhiều nền văn hóa lẫn lộn nhau, va chạm nhau, và cùng chung nhau tồn tại.
“Tất cả những nơi mà tôi đến, nhất là trong những thành phố lớn như New York, Los Angeles hoặc San Francisco, phân nửa những người tôi gặp đều là người lai”, ông ta nhận thấy như thế.
Giải chung kết vô địch bóng đá ở Mỹ, có đông khán giả ở Trung Quốc xem hơn là ngay ở Hoa Kỳ và những gương mặt đầu tiên đón tiếp người Tây Tạng xuống sân bay Los Angeles, phần lớn là người Trung Hoa, trong khi chính những người Tây Tạng này đã bỏ xứ Trung Quốc sang Mỹ tị nạn.
Thế giới sẽ thay đổi như thế nào và làm biến đổi con người như thế nào? Đó là những câu hỏi luôn ám ảnh nhà văn Iyer. “Đối với ông bà tôi, sinh ra ở Ấn Độ, cuộc sống đã sẵn bày từ lúc sơ sinh: Họ biết cuộc sống của họ sẽ diễn ra như thế nào. Còn ngày nay, không ai biết cuộc đời mình sẽ ra sao? Chúng ta sống trong một thế giới uyển chuyển hơn trước nhiều!”.
Iyer đã mang đến cho thể loại văn học du ký một trí thức lớn lao, một cảm xúc tinh nhạy, một tính chất tuy khôi hài, châm biếm nhưng không bao giờ có ý đồ xấu xa và tính cách ngoại lệ, không hòa nhập (outsider) của Iyer, của một kẻ không từ đâu tới và khắp nơi là nhà mình, không khác gì những người bạn ông viếng thăm ở Hồng Kông (mà Iyer đã viết vài trang trong cuốn sách L’ homme global; những người bạn này có tiền ngoại tệ và thẻ điện thoại của 27 xứ và hộp thư nhắn tin trong 3 thành phố khác nhau).
Pico Iyer sinh ra để làm người kể chuyện của thế giới này, là con trai của một triết gia Ấn Độ, ông mang tên có danh xưng quý tộc của thời Phục hưng Ý gọi là Pico della Mirandola (đỉnh núi Mirandola), và mang họ Tamoul, một chủng tộc sống ở miền Nam Ấn Độ. Trong thập niên sáu mươi, bố mẹ của Iyer được một nhà trí thức ở California mời, từ lúc đó, bố mẹ ông định cư luôn ở Santa Barbara. Vào lúc 9 tuổi, ông ở nội trú trong trường trung học Etol, một trường nổi tiếng ở Anh Quốc, như những người khác thì đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm để đi học thì ông ta làm những cuộc hành trình giữa California và Anh Quốc để đến trường.
Dấu hiệu của định mệnh là ông ta đã sinh ra năm 1957, không đầy một năm sau, thành ngữ “chênh lệch giờ” (jet lag) - hiện tượng xảy ra sau một hành trình dài bằng máy bay - đã chính thức vào từ điển Anh, và từ 13 năm nay, ông ta sống giữa thành phố Kyoto và thành phố Santa Barbara.
Người ta làm sao biết được khi họ ở khắp nơi? Đối với Iyer, khái niệm nhà - nơi ta cư ngụ, từ đây, không còn gắn với một tên trên bản đồ địa lý “đó là những giá trị mà chúng ta mang theo khắp mọi nơi, chẳng hạn như là tiếng Anh, ngôn ngữ tôi mang trong người”, Iyer quả quyết như vậy.
Từ nay, mình phải nghĩ lý lịch cá nhân một cách trừu tượng vì nó không còn đơn giản như nét đường thẳng, ông ta xác định như thế.
Ở đại học Harvard, nơi ông ta học và làm việc sau khi tốt nghiệp đại học Oxford, ông ta đã tìm thấy định hướng của mình:“Tôi đã liền xác định rằng tôi không muốn trở thành một nhà nghiên cứu, hoạt động trong khuôn khổ “đại học”, sau khi tôi đọc những tác phẩm của Emerson và Thureau, những nhà văn nói về du lịch như một quá trình chuyển đổi thế giới nội tâm, thì tôi quyết định dấn thân vào lĩnh vực rất xa lạ đối với tôi: tôi sẽ trở thành văn sĩ”.
Trường đại học đã giao cho tôi thực hành những sách hướng dẫn du lịch của bộ sách Let’s Go (chúng mình sẽ lên đường), ở Mỹ một loại thể tựa như tập Guide du routard ( hướng dẫn lữ khách) ở Pháp!
Với vốn tiếng Pháp của tôi học ở nhà trường, tôi đã thực hiện những sách miêu tả và hướng dẫn nhiều vùng ở Pháp: vùng Alpes, vùng Provence, vùng Dordogne và vùng Champagne. “Để viết những sách này, tôi đã phải viếng thăm 25 thành phố trong vòng 27 ngày ”.
Năm 1982, Pico Iyer tròn 25 tuổi - được tạp chí Time Magazine thu nhận ông vào viết báo. “Kể từ ngày tôi quyết định hành nghề viết, tự dưng từ lúc đó, tât cả công việc của tôi đều suông sẻ một cách huyền diệu. Tôi liền quan tâm đến thế giới: xứ Ciskei, xứ Brunei, xứ Paraguay… phải viết thật nhanh, và thật súc tích”.
Tòa soạn báo Times rất rộng lượng, gởi Iyer du lịch khắp nơi. Trong vòng một năm, ông đi châu Á 3 lần và viết được 1 bài 2 chương được tạo thành cơ sở cho tác phẩm Video Night in Kathmandu (phim video ban đêm ở Katmandou), quyển sách đầu tiên ông ta xuất bản. Nét độc đáo của cuốn sách này đã nâng ông lên hàng ngôi sao sáng của thể loại ký sự. Pico Iyer không nhìn các nước trên thế giới với cặp mắt của Segalen hoặc của Loti. Ông chỉ quan tâm đến sự gặp gỡ giữa Âu và Á, quan sát những bước khiêu vũ đầy quyến rũ của 2 nền văn hóa Âu Á đang chiêm ngưỡng nhau.
Cuối cùng, Iyer rời tạp chí Times và dọn về Kyoto ở. 30 dollas 1 tháng, ông thuê 1 căn phòng trong 1 tu viện. Trong thời gian lưu trú, ông cho ra đời tác phẩm The Lady and the Monk (Người phụ nữ và thầy tu), một câu chuyện về 4 mùa ở Nhật, và mối quan hệ của ông với người thiếu nữ hàng xóm người Nhật, cuốn sách đã trở thành cổ điển. Ông đã sống với cô người Nhật này hơn 13 năm, không bao giờ có gì trở ngại trong cuộc sống do bởi sự kiện ông không nói được tiếng Nhật và cô ta lại không biết tiếng Anh.
Những chuyến đi liên miên đưa ông đến Bolivie, cũng như đưa ông đến phi trường Los Angeles, đến Yémen cũng như đến Haiti, ở miền Nam Triều Tiên và nhiều nơi khác nữa… Iyer sống như kẻ tu hành: “Trong căn hộ 2 phòng ở Kyoto mà tôi ở, tôi không có máy in, không có máy truyền hình, không có xe đạp hoặc xe ô tô. Để đến hiệu sách tiếng Anh gần nhất nhà, tôi phải đi xe buýt, đổi 3 lần, rồi phải đi bộ. Tôi chỉ nhận được vài cú điện thoại trong 1 tháng, và ngày nào cũng đi ngủ vào lúc 8h30. Và khi tôi rời Kyoto, tôi thường tới lui tu viện cầu phúc ở California”. Do cuộc sống khắc khổ này mà mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, Iyer ngồi viết sách. “Ấy thế, tôi vẫn còn thời gian để chơi 2 tiếng bóng bàn, và để đọc sách rất nhiều”. Ông ta đùa nói vậy.
Như cái địa bàn, sách luôn luôn được mang theo người, có 3 quyển không bao giờ rời ông là Un Américain bien tranquille (Một người Mỹ trầm lặng) của Graham Green, mà ông đọc ít nhất mỗi ngày một lần. Sách này nói về tình bạn mà chúng ta phải bổ sung thêm khi ở những nơi xa lạ và nói về cách sống đầy lòng vị tha, trắc ẩn để có thể sống giữa một thế giới đảo điên, lộn xộn. Quyển The Razor’s Edge của Somerset Maugham và cuối cùng là quyển Moby Dick của Herman Melville.
Iyer, người lãng du tinh thần, cũng là người bạn thân thiết của nhạc sĩ Lesonard Cohen, mà ông ta chia sẻ nỗi khổ hạnh. Những bản nhạc của giáo xứ Do Thái từ Montréal và hiện đang sống ở Los Angeles này rất nổi tiếng trên thế giới. Và trên thế giới này, những khái niệm “quốc gia” đã biến mất và được thay thế bằng những khái niệm “hợp chủng của những cộng đồng bị phân tán”. Và chính Pico Iyer là nhà tiên tri của những người phân tán.
Hồ Thế Hà dịch
(Trích dịch từ bản tiếng Pháp
của Tuần báo L’Express, số 2923 )