MIẾNG CƠM CHÁY

14.03.2011

MIẾNG CƠM CHÁY

Đinh Quang Tỉnh

Nghệ sỹ Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943 – Quê xã Kim Đồng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Anh được phong danh hiệu Nghệ sỹ Nhân Dân (NSND) năm 1993 với những vai diễn để đời: Việt trong vở “Đôi mắt”, Đialốp trong "Khúc thứ ba bi tráng", Êrôstrat trong "Vụ án người đốt đền" và đặc biệt là vai anh hàng thịt trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" do Nguyễn Đình Nghi đạo diễn… Nhưng, tuổi trẻ của Trọng Khôi tắm mình trên sàn diễn bỗng vụt tắt. Một tin như sét đánh: Diễn viên Trọng Khôi bị kỷ luật vì “Yêu đương bất chính”? - Ngày ấy, cho dù anh là nghệ sỹ, hay diễn viên đi nữa, chỉ cần bốn mắt đắm đuối nhìn nhau, hay “cầm tay thân ái” một phụ nữ trong cơ quan mà chuyện thêu dệt đến tai Tổ chức sẽ thành tội “hủ hóa” không chừng... Chẳng biết vụ việc mô tê - ất giáp thế nào? Anh em trong Đoàn chỉ được nghe phổ biến Trọng Khôi bị kỷ luật không cho biểu diễn nữa - phải xuống bếp tập thể nắm than, bổ củi, nhóm lò… Nghe nói, vì Khôi có tài nên cấp trên nương tay, nếu không đã phải ra khỏi Đoàn rồi. Trai tân vấp vào vợ xếp thật oan nghiệt?

Chiều thứ bảy, khu tập thể nhà hát Lớn vắng teo. Trọng Khôi vừa nhào than ủ lò cho qua ngày chủ nhật. Trưa nay, anh vô ý để quá lửa nên chảo cơm bị cháy "xém", cạo rửa chảo phồng cả tay mới sạch. Mệt mỏi, chán chường, toàn thân ê ẩm. Khôi ngồi phệt xuống bậc thềm sau nhà hát, lưng tựa vào tường. Bỗng một bóng người đang vật vờ, xộc xệch tiến về phía anh. Khôi nhận ra Trần Bình. Anh buồn bã hỏi: “Thứ Bảy không về nhà mà còn vật vờ như ma đói thế thằng em dại?”. Trần Bình nói như nghẹn trong cổ họng: “Nhà đâu mà về Đại ca ơi? Người đói chứ đâu phải ma!”.

Trần Bình như tấm màn cánh gà nhầu nhĩ rớt xuống người Trọng Khôi. Nghe Bình tâm sự, Khôi bàng hoàng xót thương người bạn trẻ. 14 tuổi, Bình mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhảy tàu ra Hà Nội, anh bắt đầu cuộc sống tự lập. Tự bươn chải, vừa làm vừa học, Trần Bình tốt nghiệp Khoa múa rồi may mắn được điều về đoàn Ca múa Trung Ương. Ở đây, anh sợ nhất 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Ngày nghỉ ai về nhà nấy. Bếp nghỉ thì cái dạ dày của Trần Bình cũng nghỉ theo. Đã nhiều lần anh bị đói lả, ngã gục xuống sàn tập mà không ai hay.

Trọng Khôi bật dậy, chạy thốc xuống bếp. Lát sau, anh đem cho Bình một miếng cơm cháy nửa đen, nửa vàng to ngang cái quạt nan. Bình mừng như bắt được vàng.

Ăn hết miếng cháy và tu thêm một thôi nước máy nữa - Trần Bình được một đêm no nê, yên giấc. Sau này, khi đã thành danh, Trần Bình dự nhiều bữa tiệc Âu, Á sang trọng với hàng trăm món ăn cao cấp, cũng chưa khi nào anh có lại được cái cảm giác ngon miệng đến như thế.

Thú vị nhất là mỗi khi Trọng Khôi mượn được khẩu súng hơi của một người bạn đi Liên Xô về, anh lại rủ Trần Bình đi săn chuột. Tầng hầm của Nhà hát Lớn ngày ấy là nơi cư ngụ của các loài chuột. Có con to gần bằng con thỏ. Đạn hiếm nên ngắm con mồi nào phải thật đích đáng. Khi thu được “chiến lợi phẩm” Khôi và Bình lại hì hụi làm lông, mổ thịt, ướp muối, ướp hành. Thịt chuột nướng thơm lừng. Khôi nhâm nhi với ly rượu quốc lủi, miệng phì phèo điếu thuốc lá cuốn. Còn Trần Bình thì khéo léo kẹp miếng thịt chuột nướng với cơm cháy rồi thưởng thức như thể ăn nem rán, chả giò vậy.

Trọng Khôi được trở về Đoàn lại được đằm mình với những vai diễn mới. Thời gian trôi nhanh, làm ta có cảm giác lãng quên những kỷ niệm buồn. Duy câu chuyện oan tình năm ấy, Trọng Khôi như “chim dính ná”, nên số anh chỉ có “một sào - một mủng” suốt đời.

Có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cũng chẳng thể cho rằng miếng cơm cháy năm xưa mà Trọng Khôi bù trì cho Trần Bình sẽ là tất cả. Nhưng nếu không có những vỉ cháy năm ấy chắc gì đã có những bước nhảy kỳ diệu của Trần Bình một solist múa số một của Nhà hát nước nhà. Và câu chuyện tình của Trần Bình với Người đẹp Ái Vân - Một mỹ nhân đẹp nhất thời ấy đã ngả vào lòng anh rồi nên vợ nên chồng… Không thể đem ra cân đong, đo đếm được.

Đ.Q.T

DANH TÁNH RỒI SAU BÀY TỎ…

(Bài này có 1 trang, chưa đánh máy)