Chuyện bên lề Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà – Đại hội cuối cùng của thời kỳ chiến tranh

14.03.2011

Chuyện bên lề Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà – Đại hội cuối cùng của thời kỳ chiến tranh

Nguyễn Đình An

Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ 4, đại hội cuối cùng thời kỳ chiến tranh được tiến hành vào tháng 9-1973.

Hiệp định Paris ký đã được 8 tháng.

Những ngày đầu thi hành hiệp định, chống địch phá hoại, lấn chiếm có biết bao trăn trở, tâm tư.

Chiến tranh đã gần 30 năm, đương đầu với một kẻ thù giàu mạnh nhất thế giới, gian nan ác liệt không sao kể xiết, mất mát hy sinh vô cùng to lớn, ai chẳng mong đến ngày hòa bình.

Vậy mà…

Dù biết rằng, Mỹ phải ký hiệp định để tìm một ngả ra ở cuối con đường hầm không lối thoát, còn Thiệu và bè lũ bị Mỹ buộc phải ký, chúng nhất định sẽ phá hoại đến cùng. Song chúng tôi – những cán bộ, chiến sĩ và người dân ở chiến trường Quảng Đà ngày ấy không thể hình dung nổi đường đi nước bước tới ngày toàn thắng và không thể chấp nhận những ý kiến chỉ đạo về phương thức đấu tranh sau ngày ký “Cốt yếu là làm sao cho xanh đồng đông chợ, mọi việc trở lại như thường ngày trong hòa bình”, “cứ để cho kẻ địch như con mèo hiu hiu ngủ, không chọc phá nó”. Bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh huyện lui về tuyến sau. Không có lực lượng mạnh này làm chỗ dựa, mấy đơn vị du kích nhỏ chiến đấu chống lấn chiếm rất dũng cảm nhưng tổn thất nhiều, có chốt hy sinh đến người cuối cùng.

Chúng tôi rất bức xúc, có đồng chí đặt câu hỏi giữa hội nghị: Trong bài thơ Máu và hoa Tố Hữu viết “Đã tắt hôm nay lửa chiến trường” có lẽ nên sửa lại là “Đã tắt hay chưa lửa chiến trường”.

Nhưng rồi những ngày nhiều vướng mắc trăn trở ấy đi qua, đành rằng phải trả giá. Chiến tranh có quy luật của nó và một lần nữa chúng tôi thấm thía bài học phải luôn luôn ở thế tiến công.

Cục diện chiến trường ngày càng rõ là đang có sự thay đổi, bởi Mỹ đã rút và chắc chắn không quay trở lại, chỉ còn ta với ngụy, thời gian ủng hộ chúng ta.

Về Thành Mỹ dự Đại hội, mỗi đại biểu càng cảm nhận rõ điều ấy, lúc này đường Đông Trường Sơn đã mở qua Hiên đến Giằng, Phước Sơn đang soi tiếp vào Kon Tum, cả đường xe và ống dẫn dầu. Không phải là những con đường mòn nhỏ lẩn khuất giữa đại ngàn, cũng không phải là những đoạn đường xe vừa đi qua đã vội ngụy trang xóa dấu vết, mà là những đường lớn, dựa trên nền đường 14 cũ được mở rộng, những lát cắt khổng lồ đỏ ối, một bên là rừng Trường Sơn xanh thẫm, một bên là dòng sông Đăk My trong veo lấp loáng, thật kỳ vĩ. Những đoàn xe tải lớn chở công binh đi làm đường, chở bộ đội chi viện cho chiến trường, chở hàng hóa, vũ khí vì miền Nam ruột thịt, nối đuôi nhau rầm rập.

Đồng bào dân tộc ở ven đường, những người đã bao năm nay ăn rau, ăn sắn dành gạo nuôi quân, những bà mẹ ôm con trước ngực, gùi đạn sau lưng băng rừng lội suối là những người vui mừng hơn hết.

Xe của cách mạng cũng là xe của họ, họ nghĩ đơn giản vậy và họ ra giữa đường nói (và ra hiệu) bộ đội cho họ đi xe. Mấy anh lái trẻ chiều ý họ, mời leo lên thùng xe. Có anh còn nói cứ theo đường này muốn đi tới đâu bộ đội cho tới đó. Nhưng về thì phải tự lo. Họ cười vui, rộn cả núi rừng dù có người sau đó phải đi một chặng dài để trở về làng bản mình.

Bà con còn đem ra bên đường những gùi chuối, mía, bắp, v.v… xe đi ngang vẫy xe dừng lại tặng cho bộ đội. Bộ đội cũng tặng lại đủ thứ lương khô. (Về sau chuyện cho tặng này đã chuyển thành đổi chác).

Còn chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ từ đồng bằng, từ Đà Nẵng, Hội An lên dự Đại hội thấy cảnh này phấn khởi vô chừng. Dù chúng tôi đã nhiều lần được biết tin này, được các đồng chí từ đường Hồ Chí Minh về kể chuyện. Có chị cứ đứng sựng bên đường, trong làn bụi đỏ xe để lại, nước mắt chảy dài vì sung sướng.

*

Đoàn chúng tôi lên đến cầu Bà Huỳnh thì gặp xe đi đón.

Chiếc xe Jeep này là chiếc xe đầu tiên của Quảng Đà do anh Nam đi họp Khu nhận, đem về. Mười mấy con người chất lên xe chật cứng nhưng ai cũng vui vẻ, hả hê. Gần 10 năm nay mới được đi xe, ngửi mùi xăng thấy thơm lạ. Chúng tôi chỉ đi xe đến ngầm nước Mỹ, nước lớn xe không qua được, đành đùm gói gùi ba lô lội qua, hy vọng sẽ gặp xe lớn đi về hướng Thành Mỹ xin quá giang. Nhưng lúc đó không có xe đi chiều ấy nên ai cũng lặc lè đi tiếp, lòng nhủ lòng đúng là có phương tiện cơ giới sức mạnh con người được nhân lên.

Vào dịp này Đặc khu Quảng Đà còn làm lễ rất long trọng tiếp nhận số hàng chi viện từ hậu phương lớn do Binh đoàn 569 chuyển vào. Bấy lâu nay nghĩa tình ruột thịt, hậu phương, tiền tuyến mỗi người dân, người lính miền Nam đều cảm thấy biết bao sâu nặng dù đó là mấy viên thuốc sốt rét, khẩu AK hay những quả tên lửa. Và quý hơn hết là những chàng trai, những cô gái trẻ trung tuấn tú, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nhiều người đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Đà xa lạ mà vô cùng thân thiết với họ.

Vậy mà lúc đón nhận những kiện hàng từ đoàn xe lấm lem bụi đường, mắt chúng tôi ai cũng nhòa lệ, bởi tình cảm Bắc Nam thiêng liêng và bởi từ đây ngày toàn thắng đang tới gần.

Chưa tới ngày Đại hội, nhiều đại biểu tranh thủ ra ngay chỗ Bến Giằng đón và đếm những chiếc xe từ phía Thừa Thiên qua Hiên vào đây rồi băng về phía Khâm Đức-Kon Tum. Có anh nói đếm một chặp rồi đành thôi vì đếm không xuể, xe nhiều quá!

Lâu lâu chúng tôi có nghe tiếng máy bay trinh sát. Ngẩng đầu lên thấy một chấm đen nhỏ xíu di động trên trời xanh cao. Có người nhận xét “Nó bay cao lắm sợ trúng phòng không của ta”. Có người lại bình luận “Nó bay hoài cả chục ngày rồi, bay để biết dưới này Việt Cộng đang làm gì. Chớ nó chẳng dám đụng đến quân của tướng Giáp. Đụng đến, biết đâu phải quay trở lại thì hậu họa chỉ có chết. Thoát rồi đứng ngó, chứ có cho kẹo Mỹ cũng không trở lại”.

Hai năm trước, Đặc khu Quảng Đà mở Đại hội Đảng ở bên dòng A Vương (cách Thành Mỹ một ngày đường) trong một cánh rừng già.

Suốt mấy tháng ròng, tuôn đổ biết bao mồ hôi và cả máu nữa, anh chị em dân công, thanh niên xung phong vận chuyển hàng hóa mua từ vùng địch lên núi. Bà con các dân tộc mang cõng gạo bắp, chuối, đu đủ và tham gia bứt lá đốn cây làm nhà, tất cả im lặng, nép mình giữa đại ngàn. Đại biểu dự Đại hội những người thuộc diện ưu tiên nhất hằng ngày được tiêm một mũi Sirepa và uống mấy viên thuốc bổ Trung Quốc.

Bây giờ Đại hội họp ngay bên đường lớn mang tên Bác Hồ. Phục vụ Đại hội là gạo, đường sữa, đồ hộp, thuốc men, v.v… được chuyển đến bằng những chiếc xe Giải phóng, xe Zin Khơ. Hội trường, nhà ở của các đại biểu cũng vẫn là cây rừng, lá rừng nhưng khang trang hơn đã có những bàn tay thợ mộc. Có máy phát điện và một mạng điện thoại nhỏ. Đoàn ca múa nhạc Quảng Đà do Ban Thống nhất và Bộ Văn hóa thành lập, tuyển chọn những nam thanh nữ tú có khả năng văn nghệ từ Thanh Hóa, Hải Phòng kết nghĩa rồi dày công đào tạo vừa vào chiến trường, đang ở căn cứ Khu V, được điều về phục vụ Đại hội.

Với những chuyện cụ thể ấy mỗi đại biểu đều như trải qua một cuộc thảo luận về tình hình nhiệm vụ và ai cũng bằng lòng về câu trả lời của mình.

Đại hội vẫn tập trung vào đẩy mạnh phong trào đô thị làm rối loạn hậu phương địch, vào cuộc đấu tranh xoay quanh cái trục giành dân ở vùng nông thôn, về duy trì các hoạt động tiến công quân sự rộng khắp và chuẩn bị cho các quả đấm thép sinh tử. Trong một chừng mực nhất định, Đại hội có làm nhiệm vụ tổng kết bước đầu 18 năm chống Mỹ…

*

Anh Nghinh, người Bí thư đã hơn 10 năm gắn bó với Quảng Đà, mới rời chiến trường này hồi ký Hiệp định Paris về Khu công tác. Anh vừa cùng anh Năm Công ra Hà Nội báo cáo với Trung ương, trở lại miền Nam, anh đến ngay Đại hội này.

Thấy anh có da có thịt hơn một chút, vẫn phong thái nhanh nhẹn vui vẻ, anh chị em chúng tôi ai cũng vui mừng bồi hồi nhớ lại những tháng ngày ác liệt nhất anh chỉ còn một nhúm xương vẫn rúc bói ngủ hầm ở Gò Nổi, băng rừng lội suối trên Hòn Tàu, trụ bám ở phía trước chỉ đạo phong trào càng thương quý anh.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, anh nói rất ngắn gọn, sáng tỏ “Có lẽ tôi không cần nói. Các đồng chí 559 đã nói hết rồi.

Trước đây, ta nói cách mạng thế vững lực mạnh, đó là nói trên bình diện toàn cục, còn đơn vị mình, địa phương mình thì có thể có lúc khó khăn lắm, mất mát lớn lắm. Bác Hồ nói đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Nhất định Mỹ sẽ rút hết và không đưa quân trở lại, thì dù nó có tăng viện cho Thiệu đến mức nào, mất chỗ dựa đó ngụy chắc chắn sẽ nhào. Cục diện này càng ngày càng có lợi cho ta, xu thế này là không đảo ngược được.

Có điều trước mắt vẫn còn nhiều gian nan, còn chiến đấu giằng co quyết liệt. Sau khi ký Hiệp định, nơi nào ta loạng choạng là nó dấn tới, ta càng khó khăn hơn. Bây giờ cả nước cùng ở thế tiến công. Đà Nẵng cùng các đô thị chuyển thế phong trào, làm rối loạn hậu phương địch. Chúng ta tập trung đẩy mạnh giành dân, trài dân, cấy dân, luôn nắm vững giành dân là cái trục của mọi công tác, tạo bộ mặt mới, lực lượng mới cho vùng giải phóng. Chúng ta sẽ tiến công quân sự liên tục đều khắp để đến lúc có đủ điều kiện sẽ mở chiến dịch lớn, tổng lực giải quyết dứt điểm cuộc chiến”.

Và cũng như bao lần thổ lộ những điều tâm huyết với các đồng chí, đồng đội, anh xúc động nhắc lại tấm gương những đồng chí trung kiên những ngày giữ lửa. Các đồng chí ấy ngã xuống lòng vẫn trĩu nặng suy tư, bởi tình hình đen tối quá, kẻ địch thì ác hiểm quá, ta lại khó cực quá. Nhưng khí tiết các đồng chí thì thật cao cả và vẫn luôn sáng chói một niềm tin ở Đảng ở thắng lợi cuối cùng.

Bây giờ trước mắt chúng ta cuộc chiến đấu không chỉ có thuận buồm xuôi gió mà vẫn còn nhiều gian khổ hy sinh. Mai mốt ra về xuống đến ranh, vượt đường cái ngang, ra bắc sông Thu Bồn, vào vùng ven Hội An các đồng chí sẽ thấy tất cả. Nhưng chúng ta là những người tận mắt thấy những đoàn xe xuyên Trường Sơn, ra tiền tuyến, không gì ngăn cản nổi, chúng ta đã nhìn rõ thắng lợi cuối cùng, nói cho đúng chúng ta như cầm nắm thắng lợi trong tay mình”.

Nghe anh nói, chúng tôi như muốn về vị trí của mình thật nhanh, về ngay với những bà mẹ tóc bạc phơ, gương mặt đầy những nếp nhăn đau, cực, mẹ chỉ mong có ngày yên bình, đoàn tụ. Chúng tôi sẽ kể với mẹ những điều mắt thấy tai nghe về những đoàn xe, những đoàn quân rầm rập tiến lên phía trước, chia sẻ với mẹ mùi xăng thơm lừng, vị ngọt bùi của phong lương khô, và niềm xúc động khi thấy những bao gạo, những hòm đạn chất đầy thùng của hàng trăm chiếc xe, mà ngày nào có nằm mơ cũng không thấy.

Đất nước này, dân tộc này đã hy sinh chiến đấu, dồn tích chắt chiu cho ngày hôm nay, cho sức chúng ta mạnh lên gấp bội, cầm chắc phần thắng trong tay.

Và lạ lùng sao, khi ấy chúng tôi cũng có đôi lúc thoáng nghĩ như anh Nghinh đã ân cần báo trước: “Trong cuộc chiến này, ngày mai là ngày toàn thắng nhưng hôm nay có thể có người trong chúng ta ngã xuống”.

Chúng tôi thấy mình như hóa thân thành một nhân vật trong thơ Tố Hữu:

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng nhẹ khỏe, anh dân quê vui sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.