Giấc mơ gõ đầu trẻ
NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG
Tản văn
Tôi biết tin mình vào đại học trước tin hắn vào tù đúng hai ngày. Cả tuổi thơ tôi nhớ da diết và đợi chờ tin hắn giờ lại nhận được cái tin đau lòng này đầu tiên. Thật là trớ trêu. Ngày tôi nhập học, ba tôi gởi kèm một bịch khoai lang chà vào cho hắn.
Người ta bảo cả đời làm thiện, thiện như chẳng đủ, một ngày làm ác thì ác đầy ra. Ấy vậy mà cho tới lúc này tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào hắn. Cũng đúng thôi, con người ai chẳng vậy, sinh ra vốn hiền hòa. Nhân chi sơ tính bổn thiện mà.
oOo
Ba mẹ tôi làm nghề buôn gà. Cứ độ năm giờ mỗi chiều, sau khi tắm rửa cho tôi và đứa em sáu tuổi xong là mẹ lại dắt anh em tôi sang nhà ông Chín để gởi nhờ. Còn ba mẹ tôi sẽ đạp xe đi xóm mua gà để sáng mai đem xuống chợ huyện bán. Hôm nào cũng vậy, hai anh em tôi ở nhà ông Chín từ chạng vạng tối tới khi ba má tôi về đón, khoảng chín, mười giờ đêm..
Nhà tôi ở cách nhà Thêm vài căn. Thằng Thêm là con út trong nhà ông Chín. Hắn học rất tệ nên dù hơn tôi hai tuổi nhưng cũng chỉ học trên tôi có một lớp. Tôi với hắn hình như là hai thái cực đối lập và tương phản nhau. Hắn thiên về tứ chi còn tôi thiên về đầu óc. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hắn mập và to, tay chân cứ như gấp rưỡi tôi. Còn tôi như cây đũa tong teo, chỉ có cái đầu là to khác người. Tất nhiên là cái khoảng nghĩa bóng kia cũng vậy. Dù mới học lớp bốn nhưng cái khoảng tính toán và chính tả của tôi đã ăn đứt hắn. Vì thế mà từ khi anh em tôi đến tá túc, các anh chị của hắn giao cho tôi cái nhiệm vụ bày hắn làm toán và chỉnh sửa lỗi chính tả.
Hắn rất nể tôi vì cái khoản học hành và làm hài lòng người lớn. Tất nhiên ở hắn vẫn có rất nhiều điểm tôi hâm mộ. Thậm chí tụi con nít xóm tôi còn cho đó là vĩ đại. Chẳng hạn như việc hắn câu được một con cá tràu nặng gần 1 ký hay việc bắn ná cao su bách phát bách trúng trong phạm vi năm mét. Rõ ràng ở cái khoảng câu cá, bắn chim, hái mận, đẽo kiếm…, tất tần tật những trò làm lũ chúng tôi khoái chí thì phải công nhận hắn khéo tay và giỏi thật sự.
oOo
Như mọi hôm, chờ cho ba ngủ trưa là tôi liền chạy sang nhà hắn. Thật ra tôi và hắn cũng có vài điểm chung. Cả hai đều mê đá banh và đá cũng rất khá. Chí ít là so với mấy đứa cùng tuổi cái xóm đầy con nít này.
Vườn nhà hắn rộng lắm. Xung quanh căn nhà ba gian lợp mái ngói âm dương là cả một khu vườn rợp bóng cây và một ao cá nhỏ. Tôi và hắn làm hai cái khung thành nhỏ dưới những gốc mít sum suê cành lá. Khung thành là nhành cây dương liễu, sợi dây chuối buộc vào làm xà ngang. Tôi không hiểu sao cái“sân bóng” mini nhà hắn lại có sức cuốn hút chúng tôi đến thế. Thậm chí đã không ít lần tôi ăn cây roi dương liễu to không kém gì cái khung thành của ba vì tội trốn ngủ trưa đi đá banh.
Tôi và hắn, chỉ có hai đứa chia làm hai phe. Hắn dành làm Huỳnh Đức (lại dựa vào thân hình để phân cao thấp). Tôi làm Hồng Sơn. Hôm nay“đội Huỳnh Đức” đá với “đội Hồng Sơn”. Trận đấu chưa bắt đầu nhưng tôi với hắn đã tranh cãi rùm beng chuyện Huỳnh Đức - Hồng Sơn, ai hay hơn ai. Hắn nhìn sang tôi rồi đưa cánh tay to khỏe của hắn lên vỗ, nặn cho con chuột lên thách đố. Thấy mà ghét.
Tôi và hắn đều thích từ“Fairplay” mà bình luận viên hay nói trên tivi. Ba tôi bảo “Fairplay” có nghĩa là “chơi đẹp”. Chính vì thế mà khi hắn cố dùng sức hất tôi ra khỏi trái bóng thay vì dùng chân đá bóng đẹp như mọi ngày tôi đã rất khùng. Tôi nổi cáu đạp vào chân hắn rồi phá bóng ra xa khung thành một cách bất cần. Trận đấu hai mươi phút của chúng tôi chưa kết thúc thì tôi và hắn đã quấn lấy nhau trên sân cho đến khi ông Chín- ba hắn cho hai thằng, mỗi thằng hai roi. Tôi là đứa thiệt hại hơn vì vừa bị hắn đánh vừa bị ăn roi.
oOo
Năm giờ chiều, ba tôi cũng vừa tắm xong cho em. Cả chiều nay tôi cứ nghĩ mãi. Sắp tới giờ ba dẫn hai anh em xuống nhà ông Chín rồi mà tôi thì không muốn gặp hắn lúc này. “Tôi phải đối mặt với cái thằng không“Fairplay” này ư”- tôi rất thích nói “Fairplay” vì đây là từ tiếng Anh đầu tiên tôi biết. Trong đầu tôi cứ nghĩ mãi. Tôi viện đủ lý do để anh em tôi được ở nhà. Tất nhiên, ba tôi chẳng bao giờ đồng ý để tôi và em ở nhà vào ban đêm. Lời nói của ba là lệnh bất khả kháng và tôi phải chấp hành vô điều kiện. Tôi xuống nhà hắn mà miên man suy nghĩ mình phải làm sao để đối mặt với hắn. Đầu nặng trĩu và có cảm giác như mình đang đi ở đợ.
Lúc tôi qua, hắn đang hùm hụp thổi cơm dưới bếp. Nghe tiếng tôi chào ông Chín, hắn từ dưới bếp chạy lên nhìn tôi cười cười. “Cái mặt khó ưa”, tôi nhắc mình thế và đề phòng “sập bẫy”. Hắn vẫn nhìn tôi và …cười.
Đến bữa nhà hắn dọn cơm tối, hắn khoe với cả nhà món cá rô chiên tự tay câu được chiều nay với vẻ tự đắc. Rồi hắn tự thưởng cho mình một con cá rô to nhất đĩa và nhai ngấu nghiến. Tôi tức anh ách và tìm cớ nói chuyện về trường lớp. Tất nhiên hắn chẳng ưa gì khi tôi nói mấy chuyện này. Còn tôi, được sự hậu thuẩn của cả nhà hắn nên tha hồ luyến láu, cũng chả thèm quan tâm khuôn mặt hắn lúc ấy. Chỉ quan tâm ông Chín ba hắn có gật gù “Ừ !Ừ ! đúng đấy” và khen tôi hay không.
Đánh trúng điểm yếu của hắn, tôi sướng đến vỡ đầu vì đã chuyển bại thành thắng…
Đã đến giờ hắn phải vào bàn học. Hôm nay tôi phụ hắn phép toán về phân số, phép toán mà mẹ tôi hay ví dụ bằng các múi cam để bày tôi mấy lúc nhàn rảnh. Tất nhiên dù đã khá quen với việc bày vẽ của tôi nhưng để một thằng nhỏ hơn mình hai tuổi phải giải thích và bày đi bày lại một phép toán mà hắn không biết chi trơn vẫn làm hắn khó chịu và bực bội.
Phải công nhận việc đẽo kiếm và làm ná bắn chim hắn tinh tế và giỏi bao nhiêu thì làm toán hắn lại càng dốt bấy nhiêu.
-Mi có biết thầy giáo người ta gọi là gì không?
-Thì thầy giáo là thầy giáo chứ gọi chi nữa? Hắn luôn vờ chúi mũi vào bài vở và trả lời bằng câu hỏi nghi vấn cho những đáp án mà hắn không biết. Tôi cũng chỉ chực cho hắn không biết và hỏi lại để phun ra đáp án mà tôi nghe trên ti vi hồi chiều.
- Gọi là người “gõ đầu trẻ”.
Hắn gãi đầu thắc mắc vì không hiểu cụm từ “gõ đầu trẻ”. Tôi cũng không hiểu cụm từ đó có nghĩa là gì. Nhưng trước sự thắc mắc và quan tâm vào câu trả lời của hắn, tôi không thể để mình mất mặt được. Tôi tỏ ra thông thái. Tôi bảo thầy giáo có quyền gõ lên đầu học sinh mỗi khi học sinh làm bài sai. Rồi tôi ví dụ chuyện trên lớp. Tất nhiên là hắn tin sái cổ. Tôi vẫn còn ấm ức vụ Huỳnh Đức - Hồng Sơn trưa nay.
-Tao bày mi học, coi như cũng là thầy giáo rồi. Bữa ni trở đi mi mà làm bài sai là tao có quyền gõ đầu mi.
Hắn cay cú rồi chống chế nhưng không làm được gì bởi tôi nói quá có lý. Vả lại các anh hắn đã giao cho tôi toàn quyền khi ngồi vào bàn học. Tôi có quyền đánh hắn khi hắn lười học hay những lúc cố lôi kéo tôi nói chuyện tầm phào. Tất nhiên, cái quyền này chưa được thực thi lần nào.
Trưa hôm sau chẳng như mọi ngày. Thay vì đá bóng, chúng tôi lang thang trong khu vườn toàn xoài và ổi nhà hắn để tìm bắn chim sâu. Chẳng là hôm qua, hắn bảo xí xóa cái vụ“gõ đầu trẻ” thì sẽ làm cho tôi cái chạng ná. Tôi đồng ý ngay. Cầm cây ná còn thơm mùi gỗ ổi, tôi háo hức chờ có chú chim sâu nào xấu số vào lọt vào tầm ngắm để “khai trương” cái ná.
Hắn ngồi vắt vẻo trên cành ổi ném xuống cho tôi một quả ổi chín mọng rồi nói với tôi bằng giọng có vẻ rất “ông cụ”. Hắn bảo lớn lên hắn muốn làm thầy giáo. Tôi hơi ngạc nhiên vì cái ước mơ của hắn. Có lẽ đêm qua hắn suy nghĩ rất nhiều về cụm từ “gõ đầu trẻ”mới hoắc mà hắn được tiếp nhận. Rồi hắn lại hỏi tôi có biết vì sao hắn ước như thế không. Tôi lắc đầu. Hắn nói hắn nghe người ta bảo chỉ có người dạy học và người chữa bệnh mới được người khác tôn trọng gọi là thầy. Lần này thì tôi hoàn toàn bất ngờ bởi cái lý do của hắn. Dường như cái đầu chỉ biết đến bắt cá, bắn chim chưa bao giờ suy nghĩ chuyện ngày mai của hắn lại thay đổi như lúc này.
oOo
Cả hôm nay tôi và hắn không cãi nhau, không tổ chức mấy trò chơi nghịch ngợm nữa. Hắn nhường cho tôi con chim sâu nướng quấn với lá chanh thơm lừng. Hắn nhìn rồi bảo “tao sắp đi rồi”. Lúc đó tôi không quan tâm lắm vì đang mải mê với miếng thịt chim.
Cách đó vài hôm tôi có nghe ba mẹ tôi nói với nhau là nhà hắn sắp chuyển vào trong nam.
Tháng sau là nhà hắn chuyển đi thật.
Tôi không gặp hắn nữa. Những mùa hè sau đó rất dài. Vắng hắn, lũ chúng tôi không còn những trò nghịch ngợm. Tôi được làm Huỳnh Đức nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Tuổi thơ tôi nhớ hắn da diết.
oOo
Tôi vào Sài Gòn là đón xe theo địa chỉ trại giam thăm hắn liền. Tôi đem cho hắn tuyển tập của Lỗ Tấn để đọc cho khuây khỏa những ngày trong này. Ở giữa truyện “Cố Hương”, tôi kẹp vào lá thư viết tay và tấm thiệp ghi vài lời chúc. Hắn nhìn tôi ngạc nhiên như không nhớ nổi tuổi thơ mình.
Bỗng tôi nghe đâu đó bên tai tiếng thăm nuôi:“Đừng bao giờ khép mình khi cuộc sống vẫn còn tiếp diễn. Hãy làm lại, chưa bao giờ là quá muộn”.
N.T.T