Chuyện không kể trong chiến tranh (Tập truyện ngắn của Trần Kỳ Trung-NXB Văn học)
Những năm qua, truyện viết về người lính, về nỗi đau mất mát, về niềm vui hạnh ngộ sau chiến tranh không phải là ít và đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng khá đậm nét trong lòng người đọc. Chuyện không kể trong chiến tranh của Trần Kỳ Trung cũng là chuyện viết về người lính ở mặt trận song ở một mạch nghĩ khác, hầu như rất ít gặp trong những tác phẩm cùng nội dung này.
Tập sách gồm 9 truyện ngắn, mỗi truyện là một câu chuyện, một nỗi niềm, một cách nhìn nhận, một cách xử thế, một số phận trước hoàn cảnh sống khắc nghiệt, đầy thách thức ở chiến trường. Nhân vật Minh (Chuyện không kể trong chiến tranh) thể hiện rõ khát vọng sống và sự nản lòng vì gian khổ, căng thẳng phải đối mặt hằng ngày với sự vây ráp bằng máy bay của địch đã đẩy Minh đi đến quyết định ra hàng địch. Sự đau khổ tột cùng của Mai khi buộc lòng phải bắn Minh-người yêu của mình để bảo toàn cho đồng đội. Nỗi đau, nỗi buồn, nỗi tức giận trong Mai là sự giằng co giữa bản năng và ý thức của con người trong cuộc sống... Chuyện về nhân vật Thắng (Tết Trường Sơn năm ấy), một sinh viên đại học phải gác bút nghiên đi bộ đội vào chiến đấu ở Trường Sơn. Thực tế chiến trường ác liệt đã nảy sinh tư tưởng đào ngũ. Sau nhiều lần trăn trở, không chiến thắng được bản thân, Thắng đã bỏ trốn đơn vị tìm đường ra Bắc nhưng không thực hiện được, nhờ Liên và Xuân làm nhiệm vụ giữ kho quân lương cứu sống đưa về giúp đỡ. Tình yêu nảy nở giữa Liên và Thắng đã giúp Thắng vượt qua mặc cảm tội lỗi, tìm cách trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu...Cái chết của nhân vật Quảng (Chỉ có một lần), một Trung đội trưởng trung đội đặc công bị chỉ huy trung đoàn Sáu Cao nghi có tư tưởng đào ngũ và báo cáo lên Sư đoàn xử phạt. Trong thời gian chờ quân pháp đến dẫn đi, Quảng vẫn tự tin, một mình đánh lại bọn biệt kích lẻn vào thám báo để bảo vệ bí mật cho trung đoàn. Cái chết của anh vẫn không xóa được mối nghi ngờ trong Sáu Cao...Những câu chuyện xoay quanh nội dung như thế trong Chuyện không kể trong chiến tranh khiến người đọc khó tránh khỏi ý nghĩ trước áp lực của sự sống chết, được mất, thắng bại thật khó đoán định được mọi điều trong những năm chiến tranh. Có thể sẽ còn có rất nhiều điều không thể nói hoặc chưa thể nói ra như thế nữa trên các chiến trường ở miền Nam.
Đọc truyện của Trần Kỳ Trung có cảm nhận như được nghe những lời trò chuyện dung dị, được ghi nhận từ những điều bình thường, chân thực trong cuộc sống một cách tự nhiên, không luận bàn để mọi người tự ngẫm ngợi mà hiểu đời. Phải chăng đấy chính là nét đặc trưng trong văn phong của Trần Kỳ Trung.
Lê Minh Giang