Thăng Long - Hà Nội qua 10 giai đoạn lịch sử tiêu biểu

14.03.2011

Thăng Long - Hà Nội qua 10 giai đoạn lịch sử tiêu biểu

1) Dời đô về Đại La, vua Lý đặt tên là kinh đô Thăng Long

Sau khi lên ngôi năm 1009 tại Hoa Lư, Ninh Bình, mùa xuân năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Công Uẩn đã dời đô về Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long.

Chiếu dời Đô có đoạn viết về thành Đại La khi đó như sau: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Quyết định chọn vùng đất mới để làm Kinh đô, vua Lý đã khẳng định được tầm nhìn thời đại của một vị vua của nước Đại Việt, để mưu việc lớn và cho thấy thấy vị thế tầm quan trọng của Kinh đô của một nước.

Sau 1000 năm, kinh đô Thăng Long xưa - Hà Nôi ngày nay, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được UNESCO trao danh hiệu: “Thành phố vì Hòa bình" năm 1999.

2) Ba lần thắng quân Nguyên Mông giải phóng kinh thành Thăng Long

Từ tháng 1/1258 cho đến cuối tháng 4/1288, quân Nguyên Mông xâm chiếm kinh thành Thăng Long 3 lần, cả 3 lần đều bị quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng.

Lần thứ nhất thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu, nay là quận Ba Đình, Hà Nội.

Lần thứ 2, quân Đại Việt lần lượt giành thắng lợi tại cửa Hàm Tử ở Khoái Châu, Hưng Yên, bến Chương Dương (nay ở Thượng Phúc, thuộc Thường Tín), giải phóng Thăng Long.

Lần thứ 3 sau khi chiếm được kinh thành Thăng Long, vì đói và có nguy cơ bị đối phương chia cắt, quân Nguyên bỏ Thăng Long rút quân ra biển. Cánh thủy quân của Nguyên đã bị tiêu diệt hoàn toàn tại sông Bạch Đằng.

Năm 1230, Thăng Long bắt đầu hình thành làng nghề, phố nghề và được chia thành 61 phường. Nền kinh tế công thương nghiệp cũng sản sinh tầng lớp thị dân.

3) Thăng Long đổi thành Đông Đô, Đông Quan - Thời kỳ Bắc thuộc lần tư

Khi Hồ Quý Ly chính thức lên ngôi, lập nên nước Đại Ngu năm 1400, kinh đô mới mang tên Tây Đô, Thăng Long được đổi thành Đông Đô. Nhưng vương triều của nhà Hồ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược, Thăng Long bị chiếm đóng và đổi tên thành Đông Quan. Thời kỳ Bắc thuộc thứ tư bắt đầu từ năm 1407 và kéo dài tới năm 1428.

Thời kỳ Bắc thuộc này tuy không dài bằng, nhưng chính sách đồng hóa và bóc lột được thực hiện mạnh mẽ hơn. Nhà Minh bắt người Việt phải theo kiểu người Trung Quốc, từ cách ăn mặc, học hành, đến việc cúng tế.

Các tài sản quý ở kinh đô như: Sách vở, báu vật đều bị đem về Trung Quốc. Trong số đó có các cuốn sách văn học, lịch sử, binh pháp... có giá trị và đã được truyền lại từ nhiều đời, hầu hết đã trở thành thất truyền ở Đại Việt kể từ đó.

Khoảng 7600 thương gia và nghệ nhân Đại Việt đã bị bắt đưa sang Nam Kinh, thủ đô Trung Quốc thời bấy giờ, trong đó có nghệ nhân chế tạo súng Hồ Nguyên Trừng và nghệ nhân kiến trúc Nguyễn An.

4) Đổi tên là Đông Kinh, Hoàng thành được mở rộng

Sau chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn và liên tiếp chiến thắng ở thành Đông Quan. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, dựng lên vương triều nhà Lê.

Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh vào năm Thuận Thiên thứ hai (1430), đến 1466 được gọi là phủ Trung Đô. Vào thời kỳ có truyền thuyết Vua Lê trả gươm thần, nay hồ Lục Thuỷ có tên là hồ Hoàn Kiếm.

Hoàng thành Thăng Long dưới thời nhà Lê tiếp tục được mở rộng, khi đó Đông Kinh trở thành một đô thị sầm uất, có cả người Châu Âu đến buôn bán. Trong dân gian bắt đầu gọi Đông Kinh là Kẻ Chợ.

5) Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa đại phá quân Thanh

Năm 1788, nhà Thanh đưa 29 vạn quân sang xâm lược Đại Việt và chiếm thành Thăng Long. Đầu năm 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi tại Phú Xuân, rồi đưa quân ra Bắc bằng những bước đi thần tốc.

Đúng giao thừa năm Kỷ Dậu, đã mở màn chiến dịch đại phá quân Thanh ngay trên đất Thăng Long, mở cửa vào ở phía Nam và phía Tây. Đánh tan các đồn Hạ Hồi (Thường Tín), Ngọc Hồi (Thanh Trì), mở đường tiến thẳng vào thành Thăng Long.

Sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, phá vỡ đồn Khương Thượng, thọc sâu vào thành Thăng Long, chủ tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị thất trận, quân sĩ nhà Thanh bỏ chạy qua cầu phao, rút về nước.

Cũng từ đây Thăng Long không còn là là kinh đô, vua Quang Trung đặt tên gọi Thăng Long là Bắc Thành. Tuy không còn là kinh đô của cả nước, nhưng Bắc Thành và phủ Phụng Thiên vẫn là một trung tâm kinh tế rất phát đạt.

6) Thành lập thành phố Hà Nội

Sau khi diệt triều Tây Sơn, nhà Nguyễn lên nắm quyền vẫn định đô tại Phú Xuân. Từ đó có nhiều công trình kiến trúc của Kinh thành Thăng Long bị triệt phá.

Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng, toàn quốc được chia thành 29 tỉnh, Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội. Khi đó gồm 4 phủ, 15 huyện, nằm giữa sông Hồng và sông Đáy.

Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Theo quy hoạch của người Pháp, Hà Nội sẽ trở thành thủ đô của toàn liên bang Đông Dương và bắt đầu mở rộng đô thị, nhiều đường phố theo ô bàn cờ hình thành với những công trình kiến trúc theo kiểu dáng Châu Âu. Tuyến đường sắt xuyên Việt và cầu Long Biên được xây dựng.

7) Việt Nam tuyên bố Độc Lập, Hà Nội trở thành Thủ đô

Bằng cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, từ ngày 19/8/1945 Việt Minh giành chính quyền tại Hà Nội, sau đó lan rộng ra cả nước, Cách mạng tháng Tám thành công.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Độc Lập, chấm dứt sự đô hộ gần 90 năm của quân đội Pháp tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần 1.000 năm.

8) Ngày 10/10 bộ đội Việt Minh tiếp quản Thủ đô

Tháng 5/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Gie ne vơ về hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký, Người pháp rút quân về nước. Đó là kết quả của 9 năm kháng chiến chống quân pháp một lần nữa xâm lược nước ta.

Vào 16 giờ chiều ngày 9/10, sau khi người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, bộ đội Việt Minh đã kiểm soát được Thành phố. Sáng 10/10 các đoàn quân từ các cửa ô bắt đầu vào tiếp quản Thủ đô. Khoảng 20 vạn nhân dân đã ra đón chào trong không khí vui mừng. Hà Nội tiếp tục giữ vị trí Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào thời điểm được tiếp quản, thành phố gồm 4 quận nội thành với 34 khu phố, 37.000 dân và 4 quận ngoại thành với 45 xã, 16.000 dân.

9) Thất bại trong tập kích B52 tại Hà Nội, Mỹ rút quân về nước

Từ 18/12 đến 30/12/1972, Hoa Kỳ đã sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm, hòng huỷ diệt Hà Nội. Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971.

Trong 12 ngày đêm quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi tại chỗ). Thất bại trong đợt tập kích đường không bằng B52 tại Hà Nội, ngày 27/1/1973 phía Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày 29/3/1973, quân nhân Mỹ cuối cùng về nước, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam.

10) Hà Nội mở rộng, là một trong Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới

Ngày 29/5/2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1/8 cùng năm.

Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích trên 3.300 km² và dân số trên 6.232.900 người, nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Chu Đức Soàn
(Sưu tầm và biên soạn)