NHÂN TRỊ VÀ HOÀ GIẢI

14.03.2011

 NHÂN TRỊ VÀ HOÀ GIẢI

NGUYỄN CHÍ HOAN

 Đọc MINH SƯ, tiểu thuyết, Thái Bá Lợi,

Phương Nam book & Nxb Hội Nhà văn, 2010.

 Những năm gần đây ít thấy có các nhà văn thể hiện sự theo đuổi bền bỉ một tư tưởng thật sự thực chất, có chiều sâu của trải nghiệm suy tư nghiêm cẩn, riêng biệt và độc đáo, có hình thức diễn đạt thật sự văn chương. Hai trong cái số hiếm hoi đó là Bảo Ninh và Thái Bá Lợi, trong chừng mực nào đó có thể nói khá gần gũi về tư tưởng biểu thị trong tác phẩm- Bảo Ninh với chuỗi truyện ngắn trong LAN MAN TRONG LÚC KẸT XE và CHUYỆN XƯA KẾT ĐI ĐƯỢC CHƯA, Thái Bá Lợi với TRÙNG TU, KHÊ MAMA, và giờ đây là MINH SƯ.

Tư tưởng về khoan dung trong văn chương của Bảo Ninh không mang màu triết lý; ở Thái Bá Lợi, tính triết lý lại thấm nhuần rõ rệt.

Nhưng trước hết phải nói đến việc Thái Bá Lợi luôn tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, lời lẽ sinh động, chương khúc phân minh và vững vàng, các chi tiết truyện hay các đoạn mô tả luôn toát lên một vẻ đẹp đầy hiểu biết, một chất thơ rất kiềm chế.

Đó là những phẩm chất ta có thể cảm nhận ngay được ở tiểu thuyết MINH SƯ, mà so sánh về mặt bút pháp thì dường như một mùa lúa chín từ cái cánh đồng nơi TRÙNG TU và KHÊ MAMA đã mọc.

MINH SƯ có kết cấu phức tạp: phần chủ yếu của truyện là cái được xem như những ghi chép của nhân vật Thành, một cựu chiến binh chiến trường Khu Năm khét tiếng dữ dội, những ghi chép để Thành tái dựng lịch sử mở mang bờ cõi Đại Việt xuống phương Nam, từ một thời điểm do Thành lựa chọn- thời điểm Đoan quận công Nguyễn Hoàng thừa mệnh vua Lê Anh Tông vào trấn thủ vùng Thuận Hoá, đặt tổng hành dinh ban đầu ở làng Ái Tử…; song song với tuyến truyện lịch sử này là truyện về quá trình nhân vật Thành suy nghĩ và viết các ghi chép đó, đi tới các địa danh lịch sử để suy ngẫm về nhân vật lịch sử của mình; tuyến truyện về Thành lại đặt trong mối liên hệ với nhân vật chị Tư Trà, mà người chồng liệt sĩ của chị sinh thời là thủ trưởng của Thành và coi Thành là người thân thiết hơn cả; toàn bộ các tuyến truyện ấy được kể từ vai người kể chuyện vắng mặt – một lối viết hiện thực quen thuộc bỗng trở nên mới mẻ bởi các đối thoại hết sức sinh động, thích đáng, bởi cách tiếp cận truyện trực diện giản dị “ tự nhiên nhi nhiên”. Và toàn bộ cái tổng thể kết cấu phức tạp đó đã khai triển một cách minh bạch trên dòng nhịp điệu biến chuyển, bước kết cấu nhanh hiện đại.

Với cái phụ đề nổi bật ngoài bìa sách MINH SƯ : “ Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, người ta có thể xem đây là một cuốn thể loại truyện lịch sử. Tuy nhiên nhìn từ phương diện kết cấu của cuốn tiểu thuyết này thì dường như cái tính chất lịch sử ấy cần phải được mở rộng ra nhiều, nếu không nói rằng nó gắn vào một vài vấn đề của lịch sử đương đại, chẳng hạn : tuyến truyện lịch sử trong ghi chép của nhân vật Thành dành nhiều chương đoạn nhìn sâu sắc vào mối quan hệ tộc Việt- tộc Chăm thời “mở cõi” đó, suy ngẫm đến thực trạng bấy giờ của mối hận thất trận vong quốc và mối tương liên cuộc chung sống của các cộng đồng , cả hai cùng lúc tồn tại, đặc biệt trong hành trình của những người Chăm trở thành các quan nhân phục vụ vương quyền người Việt; tuyến truyện về thân thế nhân vật chị Tư Trà, với những đứa con của hai đời chồng ở về hai phía thời chiến tranh, bản thân chị cũng vốn là một cán bộ thuộc diện đi tập kết ra Bắc hồi ’54, và cái ước muốn thoạt nghe có vẻ kỳ khôi của chị muốn tìm nhận những đứa con rơi của người chồng liệt sĩ, người chồng mà cuộc tập kết và cuộc chiến đấu lâu dài sau đó đã mãi mãi giằng đi khỏi vòng tay người vợ trẻ là chị; hai tuyến truyện đó song tấu những giai điệu đầy ngẫm ngợi về hòa giải và hòa hợp trên những thực trạng tưởng chừng như không thể gắn nối và hòa hợp được.

Trong kết cấu của MINH SƯ, tuyến truyện chị Tư Trà không chiếm nhiều về dung lượng nhưng lại nằm ở bình diện dẫn dắt các sự kiện. Truyện về nhân vật Thành cũng tương tự: không nhiều, nhưng nắm vai trò của một bè trầm trong dàn nhạc – vai trò tạo lập cái nền suy tưởng và luận lý của các phần truyện khác. Và tuy cùng dẫn dắt các sự kiện với nhân vật Tư Trà, nhân vật Thành lại “đi” vào một kích thước khác của không-thời gian truyện : sống và nghĩ cùng những nhân vật lịch sử “của mình” trong một quá khứ xa xăm, xa hơn rất nhiều cái quá khứ đang bận rộn sống động trong tâm trí Tư Trà.

Như vậy hai tuyến truyện này cùng với tuyến truyện Nguyễn Hoàng và các cộng sự thân tín của ông xây dựng vùng lãnh thổ mới mở mang đã tạo thành các lớp sóng hồi cố, nối hiện tại vào quá vãng bằng những mối bận tâm đương thời của các nhân vật.

Như đã nói, mối bận tâm của nhân vật Tư Trà là hòa giải các di sản quá khứ éo le của bản thân chị. Hai người chồng, một thời là “ta” và “địch”, đều đã mệnh vong trong chiến sự, để lại chị với cái bổn phận mà chị suy ngẫm ra: làm sao gắn nối tất cả những đứa con riêng và chung của cả anh và chị, bởi có một người mẹ, là chị, xét theo đạo lý truyền thống vẫn là mẹ chung…

Mối bận tâm của nhân vật Thành không dừng lại ở các câu hỏi nảy sinh từ ký ức chiến tranh. Người cựu chiến sĩ quân giải phóng đã tu nghiệp bộ môn lịch sử và anh quan tâm trước hết đến những nếp gấp dữ dội và chưa được minh giải của cội nguồn quá khứ trên dải đất quê hương mình.

Hơn nữa, đấy cũng là một nỗ lực hòa giải với quá khứ lớn rộng hơn quá khứ một cá nhân: lịch sử vẫn luôn có những bất công của riêng nó, bởi chính cung cách xưa nay trong quá trình con người ta sắp xếp quá khứ cho mình vì những lợi ích hiện tại trước mắt.

Nhân vật Thành tìm kiếm một mẫu số chung , chưa phải là để trả lời các câu hỏi vẫn tồn đọng từ quá khứ và về quá khứ, mà để trước hết đặt cơ sở chung khả dĩ cho tất cả các tiếp cận hẳn là rất đa dạng khác biệt đối với việc trả lời : trong suốt thiên truyện này, tuyến về nhân vật Thành luôn luôn được đánh dấu bằng những câu hỏi về các sự kiện quá khứ mà nhân vật can dự hay suy ngẫm đến; và đây là một phần không hiển ngôn của câu chuyện – khi mà các câu hỏi đó dường như rất ít hay không liên quan gì đến nhau và cái gợi ý chỉ là ở chỗ chúng xuất phát trong tâm tư của một con người, một con người đã gắn bó bằng việc thực hiện bổn phận xương máu với xứ sở mình, do đó mà có bổn phận đau đáu về sự thống nhất trên cả phương diện thời gian – lịch sử của quê hương ấy.

Thông điệp về “Minh sư” dường như là cái cơ sở ban đầu mà Thành tìm được, thể hiện trong câu nói của nhân vật Nguyễn Hoàng – nhân vật “trong” nhân vật, bởi nó do nhân vật Thành tạo dựng thông qua các trải nghiệm hồi cố. Nguyễn Hoàng nói:

Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là Minh sư của ta. Không phải chỉ có nhiều người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ đã dạy ta nhiều điều.

 

(tr.414)

Bản thân cái tư tưởng về “Minh sư” như vậy cho thấy thật rõ cái nguồn gốc kết hợp minh triết của Ấn Độ cổ xưa, Phật giáo và Khổng giáo trong một châm ngôn linh động về diễn đạt. Bởi vậy khái niệm “sự thật” trong đó mang màu sắc đạo lý – không nhằm đến một “chân lý” đặc thù nào, mà nhằm đến một chuẩn mực ứng xử đối với mọi thứ được nhìn nhận có tính chân lý, và như vậy làm nổi bật tính cách kẻ “quân tử thời trung” trong hình ảnh nhân vật Nguyễn Hoàng.

Các “ghi chép” của nhân vật Thành dựng lên Nguyễn Hoàng chủ yếu về mặt “đức độ”, tập trung hầu hết vào các quan hệ đối nhân dụng nhân của Đoan quận công, với ý tứ rõ rệt “ Chim hồng hộc sở dĩ bay cao là nhờ có sáu trụ xương cánh vững chắc” (- Trần Hưng Đạo).

Vậy là thuyết nhân trị của Khổng gia đã hình thành nên hạt nhân tính cách của nhân vật Nguyễn Hoàng qua các khảo sát và suy ngẫm của nhân vật Thành.

Nhân trị đề cao thực tiễn khuôn phép toàn bộ đời sống xã hội theo chuẩn mực của “lễ” và thực hành đạo “nhân” nơi kẻ cai trị. Nhiều khía cạnh thực tiễn của triết lý đó đã đi vào truyền thống đạo đức dân gian. Ở đây, nhân vật Thành mang lại cho nó một tầng phù sa Phật đạo khi anh để cho Nguyễn Hoàng, vốn là người vẫn nuôi lòng nghi kỵ thiền môn, có một cuộc gặp gỡ cùng một cao tăng bí ẩn và đi đến quyết định cho xây Thiên Mụ ở nơi sau sẽ là kinh đô Huế của Nam triều,…

Nhưng đó chủ yếu là một dẫn dụ - của chính câu chuyện này chăng? – bởi ngay sau đó là suy nghĩ của nhân vật Thành, coi đấy như một hành động hòa giải của nhân vật Nguyễn Hoàng với quá khứ của chính mình cũng như quá khứ rộng lớn hơn : nếu không như thế, có thể ông ta không mở ra được tương lai của chính mình và của triều đại mà ông ta vừa khởi dựng./.