Phức cảm Hà Nội
Nguyễn Mỹ Quyên
Tản văn
Sau khi xem lại loạt ảnh CNNGO chụp phố cổ Hà Nội (tựa "Getting lost in Hanoi"s Old Quarter" tôi bỗng thấy nhớ đô thị này kinh khủng. Hà Nội và tôi có nhiều kỉ niệm với nhau. Những kỉ niệm vụn vặt nhưng xâu kết lại thì xuyên suốt không ngờ.
Bốc lên ngút ngát từ loạt ảnh, một không khí hết sức đặc trưng. Những hình ảnh đời thường xô nhau hiện lên qua ống kính tay phóng viên nước ngoài. Hà Nội áo xống đời thường: đẹp, vô tư, bề bộn, đủ màu sắc,... Cái nơi mà dân nước ngoài vẫn quen gọi là "Old Quarter" kia mang một hấp lực khó cưỡng. Tất thảy bày ra trong hình hài một tổ chức mạng nhện chặt chẽ, được hình thành và gìn giữ hằng bao nhiêu năm, sau những cuộc bể dâu thời đại, sau những chuyển dời chóng mặt. Mà, một khi đã rơi vào đó, ta đành chờ con nhện mang tên "tình yêu" tóm lấy, mang đi. Đó là một bức tranh rất khác về Hà Nội, bên cạnh những khu đô thị cao cấp thi nhau mọc như nấm sau mưa.
Và, tôi yêu đô thị này bằng một tình yêu mê muội, cái mà tôi vẫn tạm gọi là "phức cảm Hà Nội".
Tôi đã có những ngày tuổi nhỏ đáng nhớ với phim ảnh Hà Nội. Những phim sản xuất theo công nghệ cũ, bằng phương pháp lạc hậu, nhưng cái tinh thần của chúng thì đẹp đẽ, chẳng mấy khi còn tìm ra trong phim ảnh hiện thời nữa. Tinh thần đó vơi dần đi, khi cái bức tường vô hình đã bị khối văn hóa khổng lồ bên ngoài làm nứt toác. Với Quốc Tuấn, đó là “Những người sống bên tôi ”, “Người cha nhu nhược”,... Trên cái nền Hà Nội vừa tỉnh dậy sau chiến tranh, cuộc sống mới xuất hiện những mối bận tâm mới mẻ, và thoảng hoặc hay triền miên lại nhói lên những cơn quẫy của nỗi đau thời hậu chiến như trong tiểu thuyết Bảo Ninh. Với “12A4H”, “Đội đặc nhiệm nhà C21”, phim thiếu nhi của ta bước vào giai đoạn vàng son, tươi đẹp nhất... Hà Nội là cái nền tương xứng cho những phim bao cấp và hậu bao cấp ấy. Đẹp vintage và retro. Tôi đã học và trưởng thành với cái vốn liếng xem phim đó. Trong những ngày tuổi nhỏ ấy, quả tình, không bạn bè nào hơn chiếc tivi Sharp màu đỏ, không gì đẹp hơn ngôn ngữ phim ảnh thủ đô khi ấy.
Rồi tôi thoáng đọc đâu đó về những “Ngã tư Sở”, “Cầu Long Biên”, “cà phê Tonkin”... Tôi nhớ rất rõ về từng nơi. Cũng như việc uống cà phê Đinh không biết bao nhiêu lần trong tâm tưởng là một việc điên rồ nhất. Tôi chưa hề đặt chân đến căn nhà số 13 Đinh Tiên Hoàng, nhưng đủ hình dung ra từng ngóc ngách căn nhà, hệt như cách mình nghĩ về cái phần xác thịt của một người đã quen lắm. Đinh, Giảng (số 7 Hàng Gai) giờ này chắc là đông khách, trong khói thuốc tưởng tượng, và thác lũ suy nghĩ của tôi.
Những nơi chốn xa lạ ấy, chúng lầm lũi trôi vào tôi, nêm chật những góc Hà Nội trong óc.
Tôi đã viết bài này trong một tâm trạng khó cắt nghĩa, nó hỗn độn, không trật tự. Tất cả những mảnh tranh về Hà Nội đang bày ra, gần như cùng một lúc, chúng chiếm hết không gian trước mắt tôi, dẫu nơi tôi ngồi, là một thành phố khác, một chân trời khác. Nhưng tôi cứ như ngồi trên một con ngựa bất kham, không tài nào khuất phục được. Kí ức nhảy chồm lên, tôi ra sức để kìm nó lại. Nó vùng vẫy.
Lần đầu tiên, tôi ra Hà Nội là vào năm cuối cấp ba. Hà Nội đẹp đến nỗi một phần cơn mệt của tôi chuyển thành cơn mê. Trên những con đường có hai hàng xà cừ ken dày, tôi trôi đi trên chiếc xe ôm, không biết nó dẫn về đâu. Tôi nhớ chiếc xe đưa tôi đến đại học Sư phạm Hà Nội. Xe trôi qua những cửa kính Casio sáng choang, những căn hộ cũ kĩ cửa xanh. Lúc đó thì trời đã chập tối. Và, cũng ngay lúc đó, tôi đã biết cảm giác yêu Hà Nội mê mệt kinh khủng như thế nào.
Lần thứ hai, cũng vội vã tương tự. Tôi chỉ ở lại Hà Nội một đêm, rồi cũng vội vã ra về. Tôi đã bay chừng gần một tiếng đồng hồ hơn, rồi bất thần lặn sâu vào biển mây, để tìm ra một Hà Nội trong một buổi chiều bình thường, một buổi chiều bụi bặm, lạnh tê. Từ sân bay, xe chạy bon bon về nội thành, cuộc gặp gỡ với hai bạn người Czech trên xe làm chuyến hành trình ngắn lại, cho đến khi cuộc tắc đường diễn ra trên cầu làm tôi chú ý. Ngoài kia, vẫn là một buổi chiều bình thường Hà Nội. Bụi bặm. Lạnh tê.
Những dịp Bắc tiến của tôi xảy ra chóng vánh, nhưng đáng nhớ. Những ngày ngắn ngủi ở Hà Nội, nhìn người ta xếp hàng mua kem. Những ngày đẹp trời, dưới biển mây, lặng lẽ ngồi trong chiếc minibus rời thành phố - radio ri rỉ: "Con xít sang sông... Con sáo sang sông...". Những đêm nhung ngắn ngủi, trôi trong khu Ciputra, ngắm lăng Bác hiện lừng lững trong ánh sáng đèn, nhìn những khu sứ quán ngủ say. Đầu tôi cứ ong ong nhạc Phú Quang, và rồi bị choáng đầy bởi những hình ảnh ngày xưa, trong cái video đầu đời của Mỹ Linh – Hà Nội đêm trở gió. Cái lạnh nửa đêm về sáng trong phòng khách sạn Cường Anh, cạnh hồ Ngọc Khánh, làm tôi thức giấc. Tôi ngủ không được, mở nhạc Ngọc Khuê thật nhỏ: "Một cô bé trắng xinh trên tấm ảnh đen trắng, cầm cây đàn vui lắm, trong hiệu ảnh quốc tế thật đông. Hà Nội đó với chiếc đồng hồ rất to và khi hai chiếc kim chạm nhau là tiếng chuông tàu điện leng keng. Hai mươi năm rồi, Hà Nội bồng bềnh trong tôi, nhớ khi đi tàu điện mặc áo bông ăn kem Bodega. Hai mươi năm rồi, Hà Nội ào ào qua mùa thay áo, để sáng nay tâm hồn mình đã đủ nếp nhăn khi nghĩ về. Ngồi hàng Hành, cà phê Nhân nhìn trời mưa rồi tạnh mưa rồi lạnh. Ngồi cùng bạn trên chiếc Chali cúc cu ngày xưa. Lượn một vòng Hồ Tây thân, chạy qua những chiếc loa phường chiều chiều lại bật một điệu nhạc quen quen. Hà Nội sao thật gần..." (Gọi tôi Hà Nội)
Tại sao một người miền Trung lại có cái phức cảm này về Hà Nội?
Có quá nhiều tiểu tiết làm nên cái tình yêu này. Nhiều chi chít đến nỗi tôi không biết chọn ra cái nào là chính nhất. Có lẽ, một phần sự cảm mến này có được là do những con người thủ đô. Hẳn nhiên, không phải vì tuyệt đại đa số họ.
Tôi có một người bạn tên Phạm Thanh Tuấn. Bố mẹ mất sớm. Sống tự lập hoàn toàn. Anh học phi công bên Pháp. Một mẫu trí thức khá điển hình cho lớp thanh niên mới thủ đô. Anh hay than với tôi về lớp người trẻ Hà Nội (dĩ nhiên cũng không phải về tuyệt đại đa số), về văn hóa xuống cấp, và xộc xệch không tương xứng với một nghìn năm lịch sử thành phố đi qua và những thành tựu lớn nó có được. Một bộ phận lớp trẻ hiện nay sống trong bộ dạng và cung cách khác đi. Với vốn văn hóa ngoại lai được bơm vào bằng đủ nguồn. Phố Phái giờ đây khoác lên mình đủ lớp áo xống, biển hiệu mất rồi. Cái nhìn bi quan trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải đã sớm cho thấy sự thay đổi thời cuộc làm lối văn hóa ngàn năm đã có những nứt vỡ không dễ kiểm soát được. Tôi còn nhớ như in vào cái đêm thất bại của Việt Nam trước Malaysia, bên li ca cao nóng, tôi đã theo dõi người Hà Nội nói chuyện, và thái độ phục vụ hạng C ở đây. Tôi thấy thoáng buồn.
Nhưng tôi vẫn hết mực tin vào đám đông đẹp đẽ ngoài kia, như Dạ Ngân từng khen nức nở những con người Tràng An mới, trong một tản văn. Hôm tôi bị lạc, một chị người Hà Nội đã kéo tôi về tận khách sạn, dặn dò chi li. Những người như chị, như anh Tuấn, tôi làm sao quên được.
Ryan, bạn tôi, là một anh Mỹ chính hiệu. Cả nhà anh sống ở Hà Nội, họ có một ban nhạc gia đình và từng lên sóng truyền hình Việt Nam. Trong chương trình đó, họ hát một bài rock and roll tự sáng tác lấy tên “Another Noisy Summer in Hanoi”. Bài hát có đoạn:
“It’s been four weeks since I’ve been trying to sleep.
Don’t tell me about counting sheep.
There’s a karaoke right outside my gate,
With people singing all the songs that I hate.
It’s another noisy summer, in Hanoi.
I can’t believe it,
It’s another noisy summer, in Hanoi.
I must be dreaming.” (1)
Đó là cái cảm giác tồi tệ của bốn tuần đầu mà gia đình Mỹ kia phải chịu đựng khi sống ở Hà Nội. Nhưng chúng không tồn tại được lâu. Dần dà, cái cảm giác ấy bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Họ đã sớm thích nghi và yêu Hà Nội mãnh liệt hơn bất kì ai. Bốn tuần đầu tiên giờ này đọng thành kỉ niệm đẹp.
Không như họ, tôi không có diễm phúc được sống ở Hà Nội. Có chăng, tôi chỉ sống trong nó bằng trí tưởng tượng của mình, bằng những cuốn sách dày-mỏng, bằng phim ảnh, bằng chuyện trò linh tinh, vân vân. Nhưng không vì thế mà tình yêu Hà Nội của tôi bị giới hạn.
Trái lại, cái tình yêu ấy, nó lớn lên từng ngày, từng ngày một. Trong tôi.
N.M.Q