GIÀN TRẦU CỦA BÀ TÔI
Phạm Phát
Gọi là giàn nhưng bà tôi chỉ giâm trầu cho bò lên tường vôi đầu nhà. Các tay trầu như những cái chân thằn lằn bám chặt vào tường chen nhau bò lên san sát, rậm rạp, xanh nghít. Bà bảo: trời đất sinh, trầu có hơi vôi, trầu mới bền.
Trầu của bà thuộc giống trầu hương, to lá dày thịt, vừa bỏ vô miệng nhai chưa dập bã nước trầu đã sánh, đỏ môi thơm miệng cả ngày. Không như cái anh trầu xà-lẹt, trầu nguồn, lá mỏng tẹt, hôi rình rình, ăn vô phỏng miệng như húp canh nóng. Chẳng thèm.
Bà thường nói: trầu là miếng thơm thảo, cao sang, để cúng ông bà, để mời trên tay, nhai trong miệng, mà cũng là thuốc để đánh gió, chữa cảm trị ho, cứ nam thất nữ cửu, giã với mấy lát gừng, ngậm, xát vào sống lưng. Nên hắn ưa sạch sẽ, tinh khiết, không chịu được hôi hám, kiêng phân tro. Lâu lâu bà chỉ rà ít bánh dầu. Đôi ba bữa, bà đãi một bữa nước gạo. Hằng năm, sau mùa lụt, bà sai người ra ruộng gành đất bồi sa về đắp quanh gốc. Rễ trầu ham ăn những thứ này cứ tốt mù.
Chăm trầu kĩ rứa nhưng bà tôi không ghiền trầu. Bà cứ lụi cụi làm cả ngày, hết trong nhà ra ngoài vườn, đâu có ngồi không mà bày biện trầu thuốc. Bà chỉ nhai trầu sau bữa ăn. Khi có khách có khứa bà mới soạn khay ra. Vừa têm trầu mời khách vừa thong thả nhai trầu cho đậm chuyện. Khi khách ra về, thế nào bà cũng đưa ra giàn trầu, tự tay hái xếp thành liễn, ngắt ngọn lá chuối gói lại làm quà.
Không thấy bà bán trầu bao giờ. Được mấy đồng, để biếu cho hàng xóm lấy tình. Ai đến xin cũng đều hiểu ý bà, chờ bà hái bà cho. Gặp người đoảng tính cứ miệng xin tay bứt, bà tôi nổi giận, cự gắt. Lạ tay dễ hại trầu lắm. Nhất là đàn bà con gái đang “có chuyện”, tối kỵ. Ngay cả đàn ông mà không biết ăn trầu cũng không hạp – Bà tôi thưòng chê: người mình mà miệng không có miếng trầu, có cười cũng lạt thách như … Tây.
Còn trong đám cháu, bà chỉ chấm mình tôi. Mà cũng chỉ được khoèo lá trầu vàng. Chỉ được có vậy mà tôi lấy làm thích thú và hãnh diện lắm. Những chiếc lá trầu màu vàng chanh như những con bướm bà đậu hờ trên đám lá xanh. Tôi chỉ cần đưa cây cù nèo khẩy nhẹ một cái là nó buông mình, liệng một vòng nhỏ trước khi chạm đất. Tôi nhặt, xếp lại, đem vào cho bà. Bà rửa sạch, rảy khô rồi đặt vào góc khay, không ăn. Hỏi bà, bà không trả lời mà đọc: Thiếp chừ như lá trầu vàng. Để chưng cho khéo xin chàng đừng têm. Rồi bà cười buồn. Mãi sau này tôi mới biết, bà tôi lớn hơn ông tôi đến bốn năm tuổi. Sực nhớ chiếc lá trầu vàng và câu hát của bà, tôi đâm nghĩ ngợi: ông bà ra đi biết đâu đã mang theo bao nỗi đời, nỗi lòng mà cháu con nào có hay biết.
Có lần mẹ tôi kể, hồi bà tôi còn trẻ, một đêm thức dậy bà nghe giọng con gái rì rầm rồi thút thít khóc xa xa gần gần ngoài của sổ, ngay trên giàn trầu. Trăng tháng Tám sáng như ban ngày. Bà hé cửa bước ra ngồi rình môt lúc lâu chẳng nghe thấy chi, chỉ có tiếng gió thổi rì rào trên ngọn cau ngoài ngõ. Đêm đó bà không ngủ được, nằm cứ thương người con gái trong truyện Trầu cau ngày trước. Từ đó, không hiểu sao, như có người xui khiến, bà cứ gọi trầu bằng chị.
Nhớ giàn trầu của bà, tôi chạy ra thăm. Chỉ còn thấy mảng tường không, đầy rêu với khoảnh đất trống. Tôi đứng tần ngần giờ lâu, bùi ngùi nhớ những “con bướm trầu” màu vàng chanh từng bay lượn trong tuổi thơ tôi.
Chị tôi kể: năm bà qui tiên, giàn trầu của bà tự nhiên xàu dần. Đến sau tuần trăm ngày bà, trầu xuống lá, tưới chi cũng không lại.
Sau đó, chị đã mấy lần xin trầu về giâm ngay chỗ giàn trầu cũ của bà nhưng trầu chẳng chịu lên. Ai cũng bảo, rứa là trầu đã về theo với bà mình rồi chú ạ.
Trích hồi ký Quê Ngoại