ĐI TÌM THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG SÁNG TÁC CỦA VÕ THỊ HẢO

14.03.2011

ĐI TÌM THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG SÁNG TÁC CỦA VÕ THỊ HẢO

Trần Thị Kim Dung

Trường phái triết học tâm lí - phân tâm học ở châu Âu ra đời vào cuối thế kỉ XIX mà tiêu biểu là học thuyết phân tâm học của S. Freud đã cung cấp cho nhân loại một công trình tuyệt vời để hiểu đến chỗ thẳm sâu nhất của tâm hồn, đó là công trình nghiên cứu, giải mã những vấn đề trong tâm lí con người. Theo S. Freud, muốn hiểu con người một cách cặn kẽ nhất, thật nhất thì phải “khám phá” con người trên ba phương diện tinh thần: vô thức, ý thứctiền ý thức (pré - conscient) với những đặc điểm khác nhau. Trong đó, vô thức là cái mang tính sinh lí tự nhiên và nó bị kìm hãm bởi ý thứctiềm thức (subconscient).

Quan điểm trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Việt Nam, nhất là sáng tác của các tác giả nữ mà Võ Thị Hảo là một trong những cây bút tiêu biểu. Với 7 tập truyện ngắn, 3 kịch bản phim truyện sắc sảo và tinh tường, 1 tiểu thuyết lịch sử làm chấn động cả cõi Nam được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội, ngòi bút sắc sảo, tài hoa và bạo liệt Võ Thị Hảo đã xây dựng những thân phận người phụ nữ đắm mình trong nỗi cô đơn, truân chuyên trong cuộc sống.

Mỗi thân phận nhân vật trong sáng tác của Võ Thị Hảo là một mảnh ghép của một cuộc đời, là một lát cắt của cuộc sống. Tuy không có tính toàn diện, điển hình và biểu trưng, nhưng hầu hết đấy là những mảnh ghép có sự trau chuốt tử tế của người thợ vẽ. Và cứ như rằng, sau khi lật từng trang viết của chị, chúng ta như bắt gặp ở đâu đó nơi người này, kẻ khác hay ở chính mình những điều cần biện luận và sám hối!

1. Những thân phận đắm mình trong nỗi cô đơn

Văn chương xét tới cùng là thân phận con người. Tác phẩm văn chương chỉ có tác dụng khi người nghệ sĩ nhận thức rõ bản chất con người thực tại. Quả thật, con người trong sáng tác của Võ Thị Hảo là con người đích thực của cuộc sống thường ngày bị nén chìm trong vòng tròn im lặng của cõi cô đơn.

Tinh tế và nhạy cảm trong cách nhìn hiện thực tâm trạng, với bút pháp độc thoại nội tâm và dòng vô thức bản năng, Võ Thị Hảo đã đi sâu vào cõi cô đơn tận cùng của con người đa diện, đa phân, đa chiều kích. Ngoài việc biểu dương cho lực lượng siêu nhiên nào đấy, tất thảy nhân vật nữ của Võ Thị Hảo dựng lên trong trang viết đều là những nữ chúa cô đơn. Họ cô đơn sau ngày chiến đấu, họ lạc lõng trong hiện thực cuộc sống đầy cám dỗ của thời hiện đại, họ cảm thấy phũ phàng khi sống không được là chính mình, không còn là chính mình.

Trước hết, những thân phận đó là nạn nhân của chiến tranh, là tàn dư của ngày hậu chiến. Trong Người sót lại của Rừng Cười, họ là những cô thanh niên xung phong tuổi xuân thì bị núi rừng Trường Sơn phủ phục, sống cảnh thiếu đàn ông ròng rã suốt mùa chiến dịch. Nỗi đau của họ làm cho ai cũng đau đớn, quặn thắt. Rồi cả khi còn một mình sót lại sau chiến tranh, một trong năm cô gái Rừng Cười - Thảo lại rơi vào trạng thái cô đơn ngay chính bạn bè của mình, người yêu của mình. Cuộc sống của Thảo co mình trong vỏ ốc, lặng lẽ, trầm tư với những trang nhật kí và giấc mơ xa ngái, lắm nỗi kinh hoàng. Những tiếng cười mê sảng của Thảo sau ngày hoà bình lập lại không chỉ là nỗi đau khổ, mất mát lớn lao, mà còn là nỗi cô đơn, tuyệt vọng không cùng trước chính mình và cuộc sống.

Khắc họa nỗi đau thương sau chiến tranh, hầu hết những nhân vật của Võ Thị Hảo không hề có cuộc sống bình lặng. Họ cô đơn đến mức không thèm dò tìm hành động của mình đang làm gì? Đang đi về đâu? Gần như họ không còn nơi neo giữ và bám víu. Họ là những người vợ vắng chồng vô tăm tích, dở điên dở tỉnh. Họ - những bà mẹ điên, những người phụ nữ suốt đời, dò hỏi và tự trả lời về những gì mình đặt ra trong cuộc sống “cực chẳng đã”. Họ trở thành những bà góa đơn độc, buồn tủi: “Đa số họ là đàn bà đã luống tuổi và khô héo…, ngồi lầm lì thành một đám khăn trắng trông xa lô nhô như cò đậu. Không ai khóc, họ ngồi lặng thít trước khói nhang” (các phần trích dẫn trong bài viết đều từ tác phẩm của Võ Thị Hảo). Họ là những người đàn bà có chồng chết trận. Nói như lời bà cụ ở làng Đẽo (còn gọi là làng Goá): “Những con mẹ không chồng”. Nếu nỗi cô đơn của Thảo là tê dại, thảng thốt, buốt giá và thấm thía thì nỗi cô đơn của những người đàn bà có chồng chết trận đã chai lì. Họ sống và gặm nhấm từng nỗi đau vô nghĩa đi trên cuộc đời.

Bước ra khỏi thời chiến, cứ tưởng chừng người phụ nữ sẽ được cởi bổng trong tình yêu và niềm vui sướng. Nhưng không, khắc khoải trong tầng lớp nhân vật nữ của Võ Thị Hảo là những con người lầm lạc, đớn đau trong cuộc sống hiện đại. Họ, dẫu là tặng phẩm tuyệt vời của tạo hoá, mang gương mặt khoan dung và trái tim tràn đầy yêu thương, nhưng bi kịch tinh thần dường như vận vào người phụ nữ đẹp. Đó là những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin “Đàn bà thật ngộ nghĩnh. Họ chỉ nhớ những chi tiết phụ mà đàn ông không bao giờ để ý”; trót trao gửi cuộc đời mình vào tay những gã sở khanh để lỡ một kiếp người: “Ôi khốn khổ! Khốn khổ thay cho đàn bà!... Các người cứ suốt đời đuổi theo những cao siêu mây gió. Còn ta và hầu hết những người thuộc phái ta, chỉ dừng lại khóe mắt, làn môi và thân xác hứa hẹn đầy lạc thú của các người…”. Đây là nỗi đau của thế giới đàn bà thời hiện đại.

Không phải trong cuộc sống thiếu những người phụ nữ luôn đi về phía niềm vui và thành đạt, nhưng Võ Thị Hảo thường chủ tâm để ý đến những thân phận hẩm hiu, theo chị, chính họ mới là đối tượng đáng được chú ý, cảm thông và chia sẻ. Những người phụ nữ đó đã phải mang vào cuộc sống, tình yêu trầm tích đớn đau của hoàn cảnh. Đó là những người mà "tạo hóa đã say rượu khi nặn ra", cô bé dị dạng với những ước mơ thánh thiện trong Máu của lá; là cô gái mù hình dung cuộc đời qua âm thanh vọng lại từ chiếc tivi bên nhà hàng xóm; là người đàn bà hủi trong Phiên chợ người cùi buồn tênh, lạnh vắng. Họ đi cùng cuộc sống với cảm thức: “Mẹ chị không hạnh phúc, chị gái của chị cũng đã không hạnh phúc. Người hàng xóm của chị cũng không hạnh phúc… gia đình chị không thể thêm người đàn bà bất hạnh thứ ba”. Vì vậy, Thuỳ Trang rất thận trọng và dè chừng trong tình yêu. Nỗi kiêu kì trong câu trả lời: “chị vẫn chưa lập gia đình ư? - không phải là chưa, mà là không bao giờ” đã trở thành nỗi căm tức, ám ảnh trong lòng các chàng trai trẻ. Cứ tưởng Thùy Trang sẽ kiên quyết thực hiện được tâm nguyện của mình. Nhưng oái oăm thay, trò đùa quái ác của đám sinh viên nam học cùng lớp đã làm cho Thùy Trang yêu trong đêm đầu tiên và thất tình ngay trong đêm đầu tiên. Tương tự như vậy, Hạnh trong Tiếng vạc đêm đã mang trái tim tật nguyền do dòng họ có người thắt cổ chết vì đàn ông, Hạnh đã đeo đẳng một kí ức, một quá khứ nặng trĩu đi trên dòng đời, co ro trong cơn rét của lòng kiêu ngạo và Hạnh không dám đón nhận tình cảm chân thành của bất cứ một người đàn ông nào.

Chẳng khác gì Hạnh và Thùy Trang, người con gái đủ tuổi nhón gót vào Vườn yêu lắm khi rùn rụt vì thực tại phô bày những cảnh ái ân cảm dỗ và cũng lắm khi oải mình vì những người phụ nữ trong gia đình mình, gọi là chuỗi người đi trước vấp phải. Dì của cô, người đàn bà đẹp nhất vùng chết vì băng huyết trong một túp lều ngoài đồng vì đã lấy phải người đàn ông có vợ. Chị của cô, tuổi đã ngoài bốn mươi vì chờ đợi một người lính - chờ mãi rồi người ấy về - nhưng anh ấy lấy một người khác. Nỗi ám ảnh của những cuộc đời ấy đi qua trong kí ức của cô gái trẻ, làm cho cô không toàn tâm toàn ý bước vào vườn yêu lắm chông gai và tội lỗi. Cô nhón gót vào rồi thụt lại với bao ngờ vực, hoài nghi. Cô lo lắng cuộc đời mình, rồi cháy nhúm lại dưới cái nhìn của chàng trai khác sau lần yêu thứ nhất. Dẫu trong vô thức họ thèm lắm cảnh sắt son của những con người chân thật, nhưng biết làm sao được trong cái thời buổi lít nhít trứng gà, trứng vịt này, sự nhầm lẫn đôi khi không thể tránh khỏi. Chờ đợi phía trước họ là sự can đảm hay liều mình? Đôi khi họ cũng không tường minh hết. Cũng vì lẽ đó, họ đắm mình trong ánh nhìn xa xăm, không một ai có thể hiểu họ đang nghĩ gì? Bởi đôi khi chính họ cũng không hiểu mình đang nghĩ gì?

Cùng đề tài này, Thuận trong Goá phụ đen, một người con gái nói theo cách của Võ Thị Hảo:“Từ lúc nàng còn bé đến tận bây giờ, đã có người đàn ông nào bội bạc với nàng đâu”, nhưng trên vai nàng là hình ảnh nặng nhọc của cây thánh giá chẳng ai cần đến, nhưng nàng cần để trêu ngươi, "thích nếm lại cảm giác vờn một đấng nam nhi để khi anh ta bị thôi miên rồi thì nàng lại ngẩng cao đầu, nhón gót bỏ đi". Nàng cảm thấy làm như vậy sứ mệnh trả thù của nàng chiến thắng, trái tim tật nguyền của nàng được vuốt ve.

Đó là những người phụ nữ cam chịu, có chồng nhưng không được yêu thương, có con nhưng không được thừa nhận, có người tình nhưng không được săn đón, chở che (Khăn choàng sương). Họ, dẫu là những người đàn bà có nhan sắc đủ sức mê hoặc cả diêm vương (Cung nữ Ngạn La) hay thánh thiện như Phật sống (Nhuệ Anh) nhưng vẫn sống vòng quanh trong quỹ đạo đau thương. Bi kịch lớn nhất của họ là nỗi cô đơn với chính mình.

Là nhà văn nữ, Võ Thị Hảo thấu hiểu những nỗi đau khôn nguôi của những con người bất hạnh, chị tỏ ra khá mẫn cảm và tinh tế khi đề cập về phạm trù cô đơn trong lòng người. Sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, có khi biểu hiện bằng thời gian đồng hiện, bằng những mạch kể của thời gian tâm trạng, Võ Thị Hảo đã thăm dò đến tận cùng nỗi cô đơn của người phụ nữ. Mỗi nhân vật là một ẩn số về bi kịch và hạnh phúc. Mỗi mảnh đời là một tâm trạng, khát vọng khắc khoải. Mỗi người là một mảnh ghép của những rung động, yêu thương, hi sinh, đau khổ… Trong những trang tình sử viết về đàn bà ấy hầu rằng con người đã đắm mình trong nỗi cô đơn.

2. Những thân phận bé mọn, truân chuyên

Bên cạnh việc nhìn và thấu hiểu nỗi cô đơn của người phụ nữ, trong mỗi sáng tác của Võ Thị Hảo còn là niềm khao khát thành thật của con người trước những biến động xã hội và cả những lề thói hủ lậu, khắc nghiệt mà đôi khi con người phải hành xử với nhau một cách đồi bại, tàn nhẫn và giả dối, thiếu niềm tin. Chị đã xông thẳng vào những xung đột nhân tình, dám cười, dám khóc cho nhân tình, thế thái về sự hẩm hiu, bạc bẽo của những chiếc bóng lặng lẽ, lạnh lẽo, lẹ làng đi với cuộc đời mà ít có phút giây nào làm chủ được bản thân.

Họ, những thân phận bé mọn, nghèo khổ và túng quẫn với bao nỗi lo toan, dằn vặt, khát khao cuộc sống đời thường. Họ đã sống cuộc đời lầm lụi, âm thầm lo toan, nhẫn nhịn, hi sinh để đổi lấy sự tồn tại của gia đình, của chồng con. Đọc Ngày không mút tay, mỗi chúng ta ngậm ngùi, chua xót và bàng hoàng về hành động những đứa trẻ thường đưa tay lên miệng mút cho đỡ cơn đói, cơn thèm mỗi khi mùi xào rán sực nức từ toà lầu nhà hàng xóm chụp xuống căn phòng ổ chuột. Thương con, thương chồng, cứ ba tháng một lần chị âm thầm đi bán máu để đổi lấy một xâu thịt, đổi lấy cái cảnh lũ trẻ cười reo hí hửng và không phải mút tay. Nỗi lo toan cơm áo đối với Ngần là một phận sự và việc để 90 ngày có xâu thịt cho lũ trẻ cũng là phận sự. Tương tự như vậy, ả Tuynh trong Dệt cỏ lại nghèo túng đến mức không có cái ăn. Xin cây đu đủ bật gốc héo quắt sau bão đẽo gọt kho với nước cà, thế mà con cái chị tranh nhau ăn xì xụp. Riêng chị, chờ con ăn xong mới cầm chiếc thìa đã mòn vẹt cố nạo mãi vào đáy nồi với “đôi mắt cum cúp nhẫn nhịn”.

Trong số những thân phận bé mọn ấy, những cô gái chưa vướng bận chuyện gia đình như Thuỳ Châu trong Vũ điệu địa ngục, Hương trong Ngậm cười và những cô gái của Miền bọt là những người còn rất trẻ nhưng đều phải hứng chịu kiếp nạn bi thương bởi thân phận quá nghèo. Đơn cử như Thuỳ Châu trong Vũ điệu địa ngục đã phải bán máu, đánh đổi cả sự trinh trắng của người con gái để có việc làm, lấy tiền nuôi mẹ. Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không buông tha cô, sau khi mặc cả và cướp đoạt sự trinh trắng, người đàn ông đứng đầu một cơ quan khá giả đã từ chối cô vì hắn sợ, nói như Võ Thị Hảo “nhận vào cơ quan một khối căm phẫn lúc nào cũng sẵn sàng nổ bùng như một quả bom”. Thuỳ Châu đã bán máu quá nhiều nên bị suy tuỷ. Cô đã để lại cho mẹ một ít tiền và bức thư tuyệt mệnh rồi tự kết thúc cuộc đời. Những cô gái ấy đã đau nỗi đau của kiếp hồng nhan, nỗi đau bị thất tiết, bị cướp đoạt những thứ thiêng liêng và quý giá nhất của cuộc đời. Lớn hơn thế, là sự nhục nhã, ê chề, là mặc cảm tội lỗi về bổn phận, về phẩm hạnh, về danh tiết.

Không dừng lại ở việc nhìn thấy sự cô đơn, túng quẫn của những - thân - phận - người - phụ - nữ, Võ Thị Hảo còn chia sẻ với người đọc cái cảm quan nhân thế. Hỡi những CON NGƯỜI, hãy hướng về họ. Họ như những bóng lẻ trên cuộc đời và không có quyền quyết định bản thân mình. Họ là những người phụ nữ bị số phận dồn đẩy vào những tình thế oái oăm, những cảnh đời éo le, nghiệt ngã. Đó là thân phận trôi nổi của Ngô trong Biển cứu rỗi; là sự chôn vùi, lẩn khuất, giấu mặt của ni cô trong Chuông vọng cuối chiều, là bi kịch của Sải trong Con dại của đá… Hầu hết họ là những người phụ nữ trầm luân, sống cuộc đời tuyệt vọng. Nếu Ngô, một gái điếm bị bệnh hoại huyết, ốm nhách và vô phương cứu chữa, bị lôi ra bãi thải, bị hất hủi, trong nhục nhã đã phải trầm mình xuống biển khơi; thì ni cô trong chùa hoang, ôm con, sống tách biệt hoàn toàn với bên ngoài cho đến ngày lâm bệnh và qua đời. Với những mảnh đời nghiền nát đẫm máu, khiếp đảm, Võ Thị Hảo đã truy tố những kẻ "lạm dụng ánh sáng để làm điều sằng bậy" và dồn đêm tối cho những kẻ bất hạnh, mù lòa, bé mọn.

Bằng cái nhìn nhân hậu, bao dung, Võ Thị Hảo tỏ ra cảm thông sâu sắc đối với những người phụ nữ bị hoàn cảnh xô đẩy, bị xã hội lên án, bị người đời chê trách, ruồng rẫy. Quả thật, đọc truyện của chị không chỉ để nắm bắt tâm trạng, thế thời mà còn đọc để ngẫm ngợi về cuộc sống.

* *

*

Viết từ sự thăng hoa của cái vô thức bị dồn nén cộng với nhu cầu được giãi bày, chia sẻ, qua hình tượng những thân phận phụ nữ bất hạnh, Võ Thị Hảo đã gửi vào tình yêu một chút âu yếm của thánh ca; gửi vào nỗi đau vô thức những lầm lạc dễ thương và đau đớn của kiếp người phụ nữ; gửi vào sự thờ ơ của đồng loại một ít lương tri và một phần trách nhiệm. Tác phẩm của chị trở thành nỗi ám ảnh xót xa nơi người đọc về thân thể trần truồng, thương tật, về số phận bị tổn thất, về tình yêu và tình dục do chiến tranh gây ra; những thân phận lầm lũi nhọc nhằn, khắc khoải đứng dậy và chuyển mình chậm chạp trong thời bình; những con người tôi mọn, bé nhỏ, đầy mặc cảm trong cuộc sống hiện đại.

Hướng ngòi bút đến cuộc sống đời thường để đi qua chuỗi đầm lầy, u minh của tiềm thức, của chốn ngủ yên và có lúc ngủ quên, từ số phận của những người đàn bà đó, Võ Thị Hảo như muốn nhắc con người tìm lại mình trong hành trình bị thực tế bỏ rơi với tất cả giá trị tự nhiên bản thể đến các giá trị văn hoá tâm linh. Tác giả chừng như cảm thông và thể hiện sự chia sẻ chính trực về mình, về thân phận con người, nhất là thân phận khốn cùng của người phụ nữ trong đời sống hiện đại. Sáng tác của chị như là bóng phao trên mênh mông biển khơi để người đọc, nhất là nữ giới tìm kiếm được sự thông nhận và sớt chia những âm u thầm kín của chính bản thân mình trong thực tế cuộc sống. Người đọc tỏ ra trân trọng và tiếp nhận hiệu ứng thẩm mỹ trong sáng tác của chị một cách nhẹ nhàng. Những dáng điệu riêng trong nhân vật của chị với bao sự chao chát và dịu dàng, ngây thơ và từng trải, quằn quại trong cái riêng và cái chung như một nỗi ám ảnh có hiệu ứng của ma thuật.

 

T.T.K.D