TƯ DUY TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU ĐỔI MỚI VỀ ĐỀ TÀI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

14.03.2011

TƯ DUY TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU ĐỔI MỚI VỀ ĐỀ TÀI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

Bùi Như Hải

Sau 1975, cuộc sống hòa bình bắt đầu với bao vấn đề mới mẻ, bức xúc thời hậu chiến. Đời sống chính trị không còn là đối tượng phản ánh duy nhất của truyện ngắn đương đại. Từ việc chỉ ra “đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng” đến sự “khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo, và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo, rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật và phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện” (Nguyễn Đăng Mạnh), một hướng đi mới mở ra cho truyện ngắn đương đại. Sự đổi mới đâu tiên có lẽ bắt đầu từ việc mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Từ một hiện thực chủ yếu được giới hạn trong đời sống chính trị xã hội, truyện ngắn đương đại đã tìm đến một hiện thực rộng lớn hơn của đời sống nhân sinh thế sự:“hiện thực của đời sống hằng ngày với các quan hệ vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp chằng chịt, đan dệt nên những mạch nổi và mạch ngầm của đời sống” (Nguyễn Văn Long). Đó là nền tảng cho sự mở rộng đề tài trong truyện ngắn thời đổi mới, trong đó, đề tài đạo đức xã hội là một đề tài mới mẻ, mảnh đất màu mỡ mà các nhà văn hướng đến. Từ đây, các nhà văn truy tìm trong cơ chế thị trường đã làm nảy sinh tiêu cực, và không ngần ngại đưa vào trang viết những hiện tượng tiêu cực của xã hội, thể hiện tính dự báo trong thời đổi mới: Con người luôn cảnh giác, tránh xa cái phi đạo đức, phi nhân cách. Lên án, phê phán những hiện tượng xấu xa, bỉ ổi, những việc làm sai trái.

Như vậy, đề tài đạo đức xã hội trước hết bắt nguồn từ sự thức nhận của nhà văn trước hiện thực của cuộc sống, mà sự hiện hữu của nó là những hiện tượng tiêu cực, sự tồi tệ, sự tha hoá, nhếch nhác của xã hội, sự suy đồi đạo đức của con người. Và lẽ dĩ nhiên, không thể dửng dưng đứng ngoài cuộc, truyện ngắn thời kỳ đổi mới thâm nhập vào đời sống đạo đức xã hội, nhân sinh sang tái tạo đạo đức cho con người, đó là nỗi ưu tư, trăn trở của mỗi nhà văn. Đây cũng là lý do để hàng loạt tác phẩm ra đời như Người vãi linh hồn (Vũ Bão), Những người thợ xẻ (Nguyễn Huy Thiệp), Ngôi nhà trên cát (Dương Thu Hương), Hậu thiên đường, Đêm dịu dàng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), Kịch câm (Phan thị Vàng Anh), Món tái dê, Lũ con hoang (Hồ Anh Thái), Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long)...

Truyện ngắn sau 1975, đã phát huy khả năng tiếp cận trên bình diện đạo đức xã hội một cách nhanh nhạy và sắc bén. Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong, nhạy cảm nhất. Ông lên tiếng kêu gọi mọi người hãy cứu lấy nhân tình. Tác phẩm Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam giúp ta hiểu sâu sắc về hiện thực tha hoá, nguội lạnh của con người trước người thân và đồng loại. Quá đó, tác giả cắt nghĩa vai trò của đồng tiền, địa vị, danh vọng đã đến lúc làm mờ mịt con người, khiến họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của chính mình. Bùi Hiển với Cái bóng cột cũng đã trực tiếp lên tiếng báo động về sự xuống cấp của con người. Qua việc khắc họa nhân vật, ông muốn đặt vấn đề về sự tồn tại có ích của con người trên trái đất. Cá nhân luôn được quan tâm, nhưng chủ nghĩa ích kỉ và sự thờ ơ thì phải bị lên án. Đây chính là tinh thần nhân bản toát ra từ tác phẩm của nhiều nhà văn.

Sự tha hoá đạo đức của con người diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Lúc xâm thực ào ạt, lúc nhấm nháp dần mòn. Nó như một thứ vi trùng âm thầm, tinh vi len lỏi vào từng con người, làm biến đổi nhân cách con người lúc nào không hay biết! Với tư cách là người trong cuộc, Hồ Anh Thái hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc cuộc sống công chức, nên anh đã tái hiện rất chân thực các mảng tối, mảng khuất đằng sau cái bề mặt hào nhoáng, lịch sự của thế giới trí thức công sở. Trong tác phẩm Phòng khách, anh đã phơi bày lối sống thực dụng, hám danh vọng, chạy theo vật chất của những kẻ hãnh tiến, nên họ đã chen chúc cố lọt cho được vào phòng khách của một vị quyền thế để giành cơ hội gặp giới ngoại giao, hi vọng đến một nước để dự chiêu đãi quốc khánh tạo đà cho cả một chuyến đi nước ngoài hoặc một cơ hội thăng tiến. Đối với họ, nước ngoài, nhất là Mỹ đồng nghĩa với sự giàu sang, phú quý. Anh không khỏi dấu một nụ cười mỉa mai, chua chát, và nhận ra chỉ vì một suất đi đến “nước chiến bại”, mà những “kẻ chiến thắng” đã đạp giẫm lên nhau, bước qua cổ nhau để giành bằng được cái phút thảnh thơi chờ máy bay cất cánh (Sân bay). Bên cạnh những dục vọng sục sôi là lối sống ích kỉ, nhỏ nhen, đố kị, và nhiều khi dẫn đến sự độc ác, tàn nhẫn trong việc đối xử lẫn nhau. Với cuộc sống nhàn nhã, tẻ nhạt trong văn phòng khiến họ để ý, soi mói, ghen ghét, đố kị lẫn nhau. Họ ganh đua hơn kém một cách kịch liệt dẫn đến kết cục bi thảm (Chim anh chim em). Họ thù những kẻ ghét mình (Tự truyện). Họ nói xấu, bôi nhọ, hãm hại lẫn nhau (Bóng ma trên hành lang).

Một khi, cuộc sống gia đình được đặt vào bối cảnh cụ thể, và chịu sự tác động đa chiều của xã hội thì lối sống ích kỉ, buông thả theo những dục vọng thấp hèn, đồng tiền trở thành lực vạn năng, bất chấp mọi nguyên tắc và những chuẩn mực đạo đức, trong thực tế đã biến không ít những con người trở thành bất nhân, bất nghĩa. Với lối sống thực dụng, sòng phẳng, lạnh lùng, ham giàu có, mà Thuỷ (Tướng về hưu) đã làm một việc trái với đạo lý của Việt Nam: “Hàng ngày các thai nhi bỏ đi, Thuỷ cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu thấy có cả ngón tay nhỏ hồng hồng... Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?”. Qua chi tiết “các mẩu thai nhi”, gợi cho ta một sự rùng rợn, ảm đạm về một lối sống thực dụng, trong đó, con người có thể làm bất cứ việc gì để kiếm tiền, kể cả “ăn thịt đồng loại”. Con người khác với động vật vì còn có phần nhân tính. Một khi con người đã đánh mất đi phần nhân tính, thì chỉ còn là một động vật bình đẳng trước đồng loại. Đó là nỗi đau, là niềm nhức nhối của lương tri mà Nguyễn Huy Thiệp gióng lên một hồi chuông mang ý nghĩa cảnh báo.

Bằng một giọng điệu lạnh lùng, Lũ con hoang (Hồ Anh Thái) phê phán mạnh mẽ trước sự vô lương tâm, vô trách nhiệm của những kẻ làm cha, làm mẹ, sự vô tâm, thờ ơ của xã hội đối với những kẻ vô tội. Bị từ chối quyền được nuôi dưỡng, giáo dục, chúng đã trở thành lũ trẻ vô thừa nhận, lũ con hoang, là nguyên nhân gây nên các tệ nạn xã hội. Từ chỗ nhận thức lầm lạc, ít nhiều cực đoan, họ đi đến phủ nhận đạo đức truyền thống, coi thường dư luận, bước đi những bước quá trớn, dẫn đến hậu quả là sự sa ngã, tuột dốc của chính đời họ.

Trong cơn luân chuyển thời đổi mới, xã hội Việt Nam không chỉ có những con người tha hoá trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, của tầng lớp trí thức, mà có cả sự tha hoá của người già, trẻ, người lãnh đạo, nhà giáo, hoạ sĩ, bọn ma cô, buôn lậu. Đồng tiền biến họ thành con thiêu thân, đắm chìm trong trường lạc. Sang sông (Nguyễn Huy Thiệp) là cả một thế giới tha hoá, một bức tranh nhân thế: Từ nhà sư, nhà giáo, nhà thơ, đến đôi tình nhân trẻ... đều trở thành kẻ đầu hàng cái ác, để cái ác nghênh ngang, đe dọa đến tính mạng của đứa trẻ và người mẹ tội nghiệp. Cuối cùng, tên cướp cũng phải ghê sợ mà trở thành kẻ cứu ngay đứa bé:“Làm việc gì cũng phải lấy nhân đức làm đầu. Trẻ con là tương lai của đất nước đấy!”. Chao ôi! Câu nói thoát ra từ miệng tên cướp cùng với hành vi cao thượng của hắn đã giúp chúng ta hiểu ra chân lý: Cần phải nhìn nhận con người một cách khách quan, và nhân tính hơn để hiểu bản chất của họ. Đêm dịu dàng (Nguyễn Thị Thu Huệ) phê phán sự tha hoá của một số cán bộ về nhân cách đạo đức. Là một thủ trưởng đơn vị của một cơ quan phải là người gương mẫu về đạo đức, lối sống, thế nhưng “lão thủ trưởng già” đã trở thành một “con dê già” háo sắc, và đã giở trò thấp hèn, đốn mạt với nhân viên của mình. Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long) là một thế giới nhân vật luôn thay bậc đổi ngôi, cứ ào ào theo thời cuộc. Cuộc sống của họ cứ đổi thay liên tục, có uy quyền và không có uy quyền. Để bảo vệ quyền làm người, quyền dân chủ, họ phải trở thành tên sát nhân.

Ngòi bút Hồ Anh Thái cũng phê phán tư tưởng sùng ngoại nảy sinh từ tâm lí của một số người, hi vọng về một sự đổi đời ở một miền đất nào đó ở ngoài Tổ quốc (Tờ khai visa, Vẫn tin vào chuyện thần tiên). Bên cạnh đó, anh còn phản ánh sự xuống cấp trong một số lĩnh vực xã hội, trong đó, có văn hoá nghệ thuật. Ở truyện ngắn Trại cá sấu, Hồ Anh Thái đã chỉ ra những điểm bất cập của hội họa, điện ảnh, phẫu thuật thẩm mĩ... Qua việc phác họa chân dung những kẻ bất tài, vô trách nhiệm với nghệ thuật, chỉ chạy theo đồng tiền và những thú vui xác thịt. Họa sĩ thì chỉ “có biệt tài biến tất cả những người đàn bà từng lên giường với chàng họa sĩ”. Nghệ thuật thành cái chợ trời mà không ít họa sĩ, đạo diễn, diễn viên như là Xuân Tóc Đỏ. Đạo diễn thì luôn làm những cuộc cách mạng ngược đời. Thiết kế mỹ thuật thì thay thuyền thúng bằng một cái xuồng tháo máy để khỏi bị “đột giá lên mấy triệu”. Diễn viên vừa xấu lại vừa bất tài, đóng phim một cách vụng về, “lóng ngóng”. Nhà văn khi mô tả những loại người này thấm đẫm chất chua chát, xót xa, vừa căm ghét, nhưng lại xót thương. Ở họ, sự biến đổi phần nhiều là do hoàn cảnh, bởi những cá thể yếu đuối, kém hiểu biết, không còn con đường nào khác để mưu sinh, cũng như mọi người họ mong muốn có được cuộc sống khá giả. Điều đó không có tội.

Cuộc sống càng hiện đại, con người càng văn minh, thì càng xuất hiện nhiều cảnh nhố nhăng, ba phèng, bắt chước Tây, Á. Chỉ cần thông qua chi tiết điển hình cũng đủ cho ta nhìn nhận bản chất của con người trong thời đổi mới. Lời phát ngôn của Thuỷ đối với chồng: “Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ”, đủ để thấy nhân tình thế thái. Hay các người con lão Kiền trong tác phẩm Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp) sẵn sàng biểu quyết xem nên để bố chết hay sống: “Đoài bảo:“Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn”. Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi:“Ý chú Khảm thế nào?”. Khảm bảo: “Các anh thế nào thì em thế”. Cấn bảo “Tôi đang nghĩ”. Đoài bảo:" Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chế giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Những cảnh tượng như thế đã gióng lên hồi chuông trước một hiện thực bất ổn, đồng thời bộc lộ sự lo ngại trước cơn suy thoái nhân cách con người. Con người trở nên thái quá, vội quên cội nguồn dân tộc, và thờ ơ với mọi người xung quanh.

Con người trong cuộc sống hiện tại, luôn phải kiểm chứng mình thông qua nhiều mối quan hệ. Đạo lý làm người đang có nguy cơ trở nên xa lạ với sự phát triển của văn minh đô thị. Con người phải buộc thay mình, đổi dạng để thích nghi với quá trình diễn biến phức tạp của cuộc sống. Vì thế, con người được đặt trong những tình huống bắt buộc phải lựa chọn cho mình một hành vi đạo đức cụ thể, qua đó, phẩm giá của con người được thẩm định một cách rõ nhất. Đọc truyện ngắn Kịch câm (Phan Thị Vàng Anh) độc giả sững sờ trước những xung đột và diễn biến trong thiên truyện. Sự im lặng đến trống vắng giữa người cha và cô con gái qua màn kịch câm. Nội dung xoay quanh một tờ giấy mà người con đọc được đã bộc lộ hết sự phản ứng của cô đối với thói đạo đức giả của người bố đang nhân danh nhà giáo. Cùng với Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân đã đem đến cho người đọc một hiện thực nhức nhối trong cuộc sống. Đó là tình trạng suy cấp đạo đức giữa người cha sinh thành và những đứa con. Họ quá ích kỉ, tham lam, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Dạ Ngân đã miêu tả thái độ của người con đối với mẹ: “Bộ má tưởng chúng con sống cái thuở ăn cơm cày sao? Ngủ, Ngủ! Không ngủ được má cũng nằm trên giường cho. Ví thử không có má trên đời này, người ta bỏ phế nhà cửa à”. Trong khi chưa xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử khả dĩ, mỗi một người phải luôn có ý thức tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có lẽ đó cũng là thông điệp mà các nhà văn muốn gửi đến bạn đọc.

Song song với việc dựng lên cái xấu, cái ác, cái phi đạo đức mang giá trị phê phán, thức tỉnh, giúp độc giả nhìn rõ hơn thực tế cuộc sống của xã hội Việt Nam trong thời đổi mới. Nhà văn còn dành nhiều tâm huyết dựng nên nhiều cái đẹp, cái tốt như những biểu tượng sáng ngời về đạo đức, đạo lý. Độc giả làm sao quên được những gương mặt chất phác, gần gũi, đôn hậu, giàu lòng yêu thương, trắc ẩn như chị Niềm (Dù phải sống ít hơn - Dạ Ngân), Len (Cõi mê - Nguyễn Thị Thu Huệ), Hiếu (Nằm ngủ trên ghế băng-Hồ Anh Thái)...

Hướng về đề tài đạo đức xã hội, các nhà văn đã thể hiện được bản lĩnh trong việc dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc đấu tranh giữa cái tốt, cái xấu, cái đạo đức và phi đạo đức đang âm thầm diễn ra hằng giờ, hằng ngày ở ngoài xã hội, trong từng gia đình và bên trong mỗi con người. Trên phương diện này, truyện ngắn thời đổi mới thực sự là “chiến sĩ” tích cực, xuất sắc trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Đi theo hướng này, truyện ngắn đã mở ra một hướng tiếp cận hiện thực mới, góp phần vào việc mở rộng đề tài, làm nên sự phong phú đa dạng của khu vườn văn xuôi sau 1986.

B.N.H