Vài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng Khoa

19.12.2013

Vài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng Khoa

Nhiếp ảnh phim ra đời cách đây hơn 150 năm. Ở châu Âu, châu Mỹ, trong giới thượng lưu, quí tộc người ta đã bắt đầu sính treo thêm trong nhà những ảnh chân dung cá nhân, gia đình hay phong cảnh chụp và phóng ảnh  theo phương pháp  “Đa- ghe” (Daguerre, một trong những ông tổ phát minh ra nhiếp ảnh) bên cạnh những tác phẩm hội họa vẽ trên ” toan”. Nhiếp ảnh từng bước được cải tiến và càng ngày càng được phổ biến nhất là từ ngày Georges Eastman, người sáng lập ra hãng Kodak cho ra đời những chiếc máy ảnh rẻ tiền, dễ sử dụng, vừa túi tiền của mọi người và những phim cuộn đế phim bằng  nhựa cellulose gọn nhẹ thay cho những tấm kính tráng thuốc vừa nặng nề, cồng kềnh và dễ vỡ. Nhiếp ảnh đã thực sự đi vào đời sống hàng ngày. Nhiều tờ báo uy tín lần lượt ra đời và bán rất chạy nhờ vào nhũng bức ảnh chụp người thật, việc thật . Một thế hệ phóng viên ảnh ra đời với những tên tuổi lẫy lừng như Man Ray, Henri Bresson, Ansel Adams, Cappa .v..v. “ Giây phút quyết định”, “Khoảnh khắc bấm máy” là kim chỉ nam cho nhiều nhà nhiếp ảnh. Đồng thời với giai đoạn phát triển của nhiếp ảnh, hội họa cũng có những chuyển biến lớn với sự xuất hiện của những trường phái mới như siêu thưc, trừu tượng, lập thể v.v..  Những người sáng lập ra nó và đồng đội của họ cũng đã từng hứng chịu những lời phê bình gay gắt và bị “ném đá” một thời gian dài trước khi  tác phẩm của họ được trang trọng đứng chung  với những tác phẩm kinh điển của thời cổ  điển, phục hưng trong những viện bảo tàng nghệ thuật thế giới .

Vào thời bình minh của nhiếp ảnh, muốn thực hiện một bức chân dung thật là khó khăn vất vả. Độ nhạy của phim trong thời kỳ này vô cùng thấp. Khách hàng muốn có được một bức chân dung phải chịu khó ngồi bất động hàng phút. Ai có dịp ghé viện bảo tàng nhiếp ảnh thế giới ở châu Âu mới tận mắt thấy những cái kẹp, cái giá đỡ để giữ đầu của khách hàng không bị nhúc nhích trong quá trình chụp. Phim càng ngày  càng có độ nhạy cao cho phép ghi hình đến 1/1000 giây và hơn thế nữa. Con đường sáng tác của nhiếp ảnh bắt đầu rộng mở. Không chỉ có những bức ảnh ghi lại những “giây phút quyết định” hay “khoảnh khắc vàng” mà những nghệ sĩ  nhiếp ảnh đã tha hồ sáng tạo và nối gót hội họa cho ra đời những tác phẩm ấn tượng, siêu thực, trừu tượng v.. v.. với những công cụ hỗ trợ như ống kính fish eye (mắt cá) siêu “tê lê” hay siêu “macro” và những kính lọc sửa sai cũng như những kỹ xảo phòng tối. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, hãng chế tạo filters của Pháp, hãng Cokin đã cho ra đời khoảng 200 filters khác nhau với giá thành rẻ để đáp ứng nhu cầu của những nhà nhiếp ảnh thích tìm tòi sáng tạo.Tuy nhiên ở Việt Nam, tài liệu nhiếp ảnh trong thời kỳ này rất hiếm, đa phần viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga hay tiếng Đức. Những người có vốn ngoại ngữ, yêu thích bộ môn nhiếp ảnh có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp thu những cái mới trong nhiếp ảnh. Sách hay  về nhiếp ảnh được dịch ra tiếng Việt cực kỳ hiếm. Cũng vào thời kỳ này nhiếp ảnh màu cũng đã bắt đầu phát triển. Ở miền Nam Việt Nam, sách dạy làm ảnh màu của Hoàng Văn Hưởng được xem như là cuốn sách tốt viết bằng tiếng Việt và là cuốn sách chính cho những tay nhập môn vào lãnh vực ảnh màu. Như tôi đươc biết, những người đam mê nhiếp ảnh như anh Lê Văn Sĩ, anh Hồ Xuân Bổn đã từng  “vọc” màu rất sớm trước khi có “lab” màu trên toàn quốc.

 

Trước khi ảnh số ra đời, có những tác phẩm dự thi đã được dàn dựng, xử lý trong phòng tối một cách công phu và trong thời kỳ ấy, ít ai thắc mắc đến vấn đề chỉnh sửa. Những ai từng học ảnh của thầy Lê Văn Sĩ đều được thầy hướng dẫn việc chụp chồng ảnh trên phim để có những ảnh người bay trên mây hay chân dung được khảm trên đá hay trên gốc cây xù xì. Đặc biệt có tác phẩm “ Mỹ Sơn huyền bí” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Bổn. Anh Bổn đã chụp một ảnh tháp Mỹ Sơn đẹp nhưng để tăng vẻ huyền bí của ảnh, đã nảy ra ý tưởng sáng tạo và  yêu cầu anh Ngô Văn Thuận (hiện ở Úc, người đầu tiên đoạt giải Accu tại Đà Nẵng với tác phẩm “ Ru em” ) lúc bấy giờ là thợ làm ảnh màu thủ công, thực hiện theo ý đồ của mình, dùng xảo thuật “chạy sáng”  biến hình ảnh tháp Mỹ Sơn  thành nửa âm, nửa  dương,  tạo cho tháp Chăm cái vẻ linh thiêng và huyền bí của nó. Ảnh này đã được chọn triển lãm và có giải. Không hiếm  những trường hợp khác có xử lý, dàn dựng mà ban giám khảo vẫn chọn treo và trao giải. Điển hình như tác phẩm “Đánh cá vụ Nam” của nhà nhiếp ảnh kỳ cựu đã quá cố Lê Toàn, đã đem về tấm huy chương bạc đầu tiên cho Đà Nẵng trong  một cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật toàn quốc. Trước năm 1975, ở miền Nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu đã được giới nhiếp ảnh quốc tế vinh danh là phù thủy phòng tối với kỹ thuật chạy sáng và phân sắc độ của ông. Điều này khẳng định  là trong  quá  khứ , những thủ thuật hậu kỳ có tính sáng tạo được sử dụng trong nhiếp ảnh vẫn sẵn sàng  được đón nhận tuy không ồ ạt như bây giờ. Đi săn ảnh để có những khoảnh khắc đẹp vẫn là chính, phần dao kéo hậu kỳ vẫn là thứ yếu trong sáng tác nghệ thuật thời bấy giờ.

                                       Bước qua thế kỷ 21, kỷ nguyên số làm đảo lộn nếp sống, nếp nghĩ của con người. Nhiếp ảnh số được đón nhận với nhiều tâm trạng khác nhau; hoặc cuồng nhiệt, hoặc  dè dặt hoặc chê bai một cách vô căn cứ. Tuy nhiên, tiếp nhận cái mới một cách khách quan, chuyên sâu và có sàng lọc vẫn là chính đáng hơn cả .

                                       Trước những tiến bộ như vũ bão của công nghệ số; máy ảnh số đua nhau ra đời, ngày càng hoàn thiện hơn, giá thành ngày càng rẻ hơn. Điện thoại di động, một công cụ thông tin mà hầu như ai cũng có một cái thậm chí hai ba cái, đa số đều có chức năng chụp ảnh. Trong thời đại mà mọi người đều có công cụ ghi hình dẫn đến việc phóng viên ảnh  không còn giữ vai trò độc tôn trong việc cung cấp ảnh thời sự, sự kiện. Nhiều tay máy “a ma tơ” rao bán ảnh “độc” trên mạng. Nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài sẵn sàng mua ảnh của những tay máy không chuyên với giá thỏa thuận miễn đó là “hàng độc” mà phóng viên thứ thiệt của họ không có cơ hội chụp được.

Giới trẻ thường kháo nhau rằng: “Không có người chụp ảnh xấu, chỉ có người không biết làm photoshop giỏi” mà thôi. Câu nói vui này cũng có phần đúng, nó nói lên tính năng ưu việt của phần mềm xử lý ảnh này. Bản thân Photoshop chỉ là một công cụ chỉnh sửa ảnh như xảo thuật phòng tối xưa kia song phổ biến và dễ sử dụng hơn nhiều. Tuy nhiên người sử dụng photoshop cũng  phải làm chủ được công cụ, phải có tay nghề cao, rành về ánh sáng, bố cục, màu sắc mới có thể tạo được những tác phẩm ngày càng đẹp hơn, thật hơn. Đừng để lại những hạt sạn trên tác phẩm của mình sau khi đã xử lý, tạo bất bình và phản cảm cho khán giả. Từ lâu nhiếp ảnh đã được thừa nhận như là một bộ môn nghệ thuật tạo hình và đã có chỗ đứng trang trọng, ngang hàng với những bộ môn tạo hình khác trong những viện bảo tàng nghệ thuật  thế giới. Nhiếp ảnh số  ngày càng được nhiều người ưa chuộng và trình độ về nhiếp ảnh số của mọi người  ngày càng được nâng cao. Qua google, qua face book, kiến thức về nhiếp ảnh số hầu như được biếu không và phổ biến rộng rãi. “Phòng sáng”, thay vì “phòng tối” đã đến tay nhiều người chơi ảnh. Hơn bao giờ hết, những người nghệ sĩ nhiếp ảnh của kỷ nguyên số chúng ta hôm nay ngày càng phải thận trọng hơn và chịu trách nhiệm cao hơn với tác phẩm của chính mình; đừng tìm cách đánh lừa người xem một cách thô thiển. Ảnh có ý tưởng hay, có bố cục tốt nhưng không có tính thẩm mỹ cao chưa có thể được xem như là một tác phẩm nghệ thuật. Trái lại, một bức ảnh có thể “đẹp  như tranh” nhưng không chuyển tải được đến người xem những xúc cảm chân thực chẳng khác gì một cơn gió thoảng, chợt đến rồi chợt đi, không để lại dấu vết.

Cần giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, trang bị cho mình một vốn liếng cần thiết về photoshop, về ngôn ngữ nhiếp ảnh mới để thẩm định ảnh của chính mình, cũng như những tác phẩm của người khác một cách công bằng, vô tư và chính xác hơn. Nếu người nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng ta đã kinh qua những khó khăn, gian khổ của thời nhiếp ảnh phim và coi đó như là một trải nghiệm thú vị, một hoài niệm đẹp đáng trân trọng của quá khứ thì cũng nên đón nhận nhiếp ảnh số như là một phương tiện ưu việt, phong phú và đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật. Hãy coi  đó như là tình yêu, là hơi thở, là cuộc sống của chúng ta hôm nay. Chúng ta, những nghệ sĩ nhiếp ảnh của thời đại số, hãy sẵn sàng ba lô,  máy ảnh trên vai, lên đường đi “săn ảnh” như thưở nào để tận hưởng niềm đam mê nhiếp ảnh.

 

                                                                                    Đ.Đ.K

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng