Những ngày áp thấp - Lê Thanh My

18.12.2013

Những ngày áp thấp - Lê Thanh My

Trên đài vừa báo tin ngày mai có bão thì chiều nay những đám mây đã lao xao di động và bắt đầu chuyển sang màu trắng đục như khói. Tôi ngồi nơi căn gác, cảm giác như xung quanh mọi vật cũng đang co rúm lại bởi một phản xạ được báo trước. Mưa rơi, gió lạnh là cái người ta có thể nhìn thấy, sờ nắm hay cảm nhận được từ nơi giác quan, còn nóng lạnh trong lòng xuất phát từ đâu? Ừ, thì chắc cũng tự trong lòng người! 
Mỗi khi áp thấp tràn về, gió mưa chưa kịp chạm đất thì da người đã se se. Nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, lại thèm cảm giác được thu mình bên bếp lửa để hơ bàn tay trên than hồng, thèm ly trà thơm bốc khói, thèm được rúc mình trong gối chăn để mơ màng… Mưa làm ướt đẫm không gian, lạnh lẽo và yên ắng làm cô đặc ký ức, hiện rõ mồn một trước mặt tôi là vài khoảnh khắc khó quên, những gương mặt đã đi qua cuộc đời mình, cho dù trong giây phút ấy tôi cố tình níu giữ thì nó cũng trôi tuột một cách vô vọng. 
Gió bão ít khi làm khó dễ vùng Nam bộ nhưng lại luôn đùa nghịch với thắt ruột miền Trung. Mảnh đất này hằng năm phải gánh chịu nhiều vất vả nhưng vẫn kiên cường chống chọi. Đồng bằng không có bão, còn gió thì chỉ liu riu lất phất, nó bạt qua mặt sông chỉ đủ sức gợn thành những con sóng lăn tăn ngúng nguẩy, lúc giận dỗi thì nó láo táo giật tung vài mái lá nhà quê vốn lơ ngơ lóng ngóng, chẳng thiết chuyện buộc ràng. Thế nhưng, mỗi khi trời sập tối thì mọi người lại gióng mắt về hướng tivi chờ tin thời sự. Họ lo lắng chuyện gì? Họ sợ hãi điều gì? Người miền Trung ơi có biết không? 
Áp thấp vào mùa là lúc sông nơi đầu nguồn cũng vừa mở ngõ, nó thả từng luồng cá về với ruộng đồng. Cá Linh mới đẻ ở biển hồ nhỏ chỉ bằng trứng nước, nó vừa trôi vừa lớn phổng phao từng ngày. Ngày lạnh, ngồi trước mẻ cá kho tiêu thơm nồng, rổ rau đồng đạm bạc, bát canh chua bông súng điên điển bốc khói là hạnh phúc đã lên ngôi. Giông tố, lốc xoáy, bão cấp 10, 11... đối với người đồng bằng Nam bộ tưởng như chuyện của ai ở đâu xa lắc, vậy mà nó ám ảnh trong tâm trí mỗi người. Đêm lạnh, khẽ bật radio nằm nghe tiếng hát nỉ non, bài ca Thương về miền Trung lúc này buồn thương đứt từng đoạn ruột.  
Thì ra, sự rịt ràng của kiếp nhân sinh vẫn luôn tồn tại. Áp thấp dù có dữ dội thế nào thì cũng khiến lòng người gắn chặt với nhau hơn.


                                                                        L.T.M

            

 

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng