Hình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương Định
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ được biết đến không chỉ trong phạm vi một xã, một huyện, một tỉnh mà lan rộng ra phạm vi cả nước và thế giới.
Mẹ là hình mẫu người phụ nữ Việt Nam đánh giặc giữ nước nhưng theo một cách khác, trong một hoàn cảnh lịch sử và thời đại khác. Vũ khí của Mẹ là lòng yêu nước dung dị mà sâu sắc, là tình yêu thương máu thịt với mảnh đất Mẹ sinh ra, với đàn cháu, con “một lòng ra đi”, “Thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh !”. Mẹ bất tử vì cả cuộc đời hi sinh, cống hiến với mong muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà độc lập, dân được tự do nhưng công lao, Mẹ cho chỉ là “một giọt nước mùa mưa ”. Còn với cụ ông Lê Tự Trị người bạn đời thủy chung của mẹ cũng không khác:
“Nhớ ngày đi nhận huân chương/ Ông chỉ cười khấc khấc/ Công của mình/ Bằng cái móng tay”.
Đã có không ít tác phẩm văn học, các loại hình nghệ thuật (có bộ tem thư mẹ Thứ …) xây dựng hình tượng mẹ Thứ nhưng Mẹ Thứ của Lê Anh Dũng (xuất bản năm 2013) là món quà đặc biệt dâng mẹ vẫn có cái rất riêng, không trùng lặp, trộn lẫn.
Mẹ Thứ được viết bởi trường ca, văn, thơ, nhạc nhưng đọng lại dấu ấn đậm nét ở trường ca Thưa mẹ. So với Thanh Thảo “Ông hoàng của trường ca”, Thu Bồn “Chàng thi sĩ viết trường ca”, Lê Anh Dũng viết trường ca ở cái khuôn rất hẹp – đời của một con người- Mẹ Thứ là đã tự làm khó cho mình. Với cái “khuôn ” hạn hẹp ấy ngòi bút Lê Anh Dũng tưởng chỉ “tung hoành” trong khoảng bốn, năm mươi câu nhưng đã viết được mười lần hơn thế- “trên 400 câu, 10 phân khúc!”. Có quá không khi nói cuộc đời thực của Lê Anh Dũng có cái gì đó “đồng cảnh” với mẹ Thứ nên có độ “đồng cảm” sâu đến vậy. Đó chính là sự quan tâm đến cộng đồng, lo cái lo của thiên hạ, không vô cảm trước đồng loại, con người. Trong trường ca Mẹ Thứ tất nhiên phải có độ hiện thực, lịch sử, loại “lý lịch” trên mức sơ yếu nhưng không phải vì thế mà không có những câu thơ rất thơ, những đoạn trữ tình nhiều âm sắc, mang đầy tính nhạc:
“Mười hai bát hương/ Nghi ngút cháy trong lòng/ Mẹ bần thần so đũa gọi tên/ Nhớ từng tiếng cười, dáng đi, giọng nói”
“Dưới ánh hỏa châu/ Mẹ ngồi sàng sảy những mùa vàng/ Dưới đạn trên bom/ Những hạt chảy ròng/ Đòn cong lưng còng mẹ gánh/ Mẹ đun rơm đun rạ, nhánh tre gai/ Cây sắn khô, cành mít rụng/ Tro rắc bạc trên đầu/ Lửa đùa reo trong mắt”.
Những câu thơ thực mà hư, hư nhưng lại rất thực đó dẫn ta về một thời đạn bom ác liệt nhưng dân ta vẫn quyết “một tấc không đi, một li không dời” bám trụ giữ làng, giữ lấy quê hương.
Tâm trạng của mẹ Thứ cũng là của bao bà mẹ Việt Nam trong vùng tạm chiếm thức hàng đêm để chờ cửa đón con, mặc cho có khi đó là sự chờ mong vô vọng:
“Chõng tre/ Đêm hè/ Mẹ nằm yên lặng nghe/ Kẽo kẹt cửa/ Ai như tiếng các con về/ Ngọn gió hờ/ Đùa mẹ suốt năm canh”
Hình ảnh ngọn đèn hột vịt trong Mẹ Thứ làm ta liên tưởng đến ngọn đèn đứng gác của Chính Hữu một thời không thôi vang vọng:
“Những ngọn đèn dầu/ Chong mắt/ Đêm thâu/ Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Những tâm hồn không bao giờ biết tắt”
Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa ngọn đèn đứng gác và ngọn đèn hột vịt ở nhiệm vụ (cảnh giới), niềm tin, sự lạc quan và thách thức vô cùng tận với thời gian, với thử thách.
“Ngọn đèn hột vịt/ Tắt- đỏ đêm đêm bạc trắng mái đầu”
Sự hi sinh vô bờ bến, sự cống hiến có thể nói là tận cùng của mẹ cho đất nước được thể hiện sinh động bằng các con, cháu, rể khắp lượt ra đi và trở về với những tấm bằng Tổ quốc ghi công (9 người con, 2 cháu ngoại, 1 con rể). Con mẹ không ai nếm trải phút giây của ngày chiến thắng cho dầu có khi phút giây ấy đến thật gần (chỉ còn 2 tiếng đồng hồ nữa thôi!):
“Tự Chuyển con trai đầu ngã xuống lúc chín giờ, ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm”
Nghị lực nào đã giúp mẹ trụ vững trước những mất mát không thể lớn hơn đến vậy:
“Trong mắt mẹ con lúc nào cũng bé/Tuổi mẹ trăm năm như cây dó nên trầm”
Cũng với trường ca, Thu Bồn trong chiến tranh chống Mỹ viết Chim vàng chốt lửa, sau hòa bình viết Ba dan khát. Trường ca Mẹ Thứ cũng ghi lại trong hai giai đoạn lịch sử ấy.
Sau ngày nước nhà thống nhất trường ca Mẹ Thứ được dựng lại bằng những trang thơ sắc nét, chân thực nhưng giữ được cái tỉnh táo, khách quan thường dễ bị chi phối bởi hiện thực. Ký ức cộng với tuổi già của mẹ dễ làm cho ngòi bút hoặc thoát ly hiện thực hoặc sa vào những chi tiết vụn vặt, tấm mẳn mà quên đi cái chung mang tính “ đại diện”, toàn thể. Phải chăng trường ca Mẹ Thứ tránh được cái va vấp dễ gặp đó.
Lẳng lặng bên bếp xưa lu, vại/ Những căn hầm âm vang thời chưa xa/ Chín bông huệ nở bừng trong sắc lá/ Có phải anh linh các con mẹ về?
Mẹ Thứ đã đi qua hơn một thế kỷ- một thế kỷ có mất mát tột cùng, có đau thương tột đỉnh, một thế kỷ của sự hồi sinh sau ngót 117 năm hủy diệt. Thời gian qua đi trong cuộc đời của mẹ “Có thể làm dịu nỗi đau” nhưng “dễ gì nguôi ngoai nỗi nhớ”
Ước vọng của người viết cũng là mong muốn của muôn người cho mẹ trong những năm tháng cuối đời:
“Mẹ bây chừ/ Mây trắng trên đầu/ Sóng dâng lên trán/ Xin cho mẹ phút giây thanh thản”
Như đã nói Mẹ Thứ bao gồm cả văn, thơ, nhạc, trường ca nhưng cái lõi vẫn là trường ca Thưa Mẹ, còn lại như là những phụ đề nên có thể nói khi đề cập đến Mẹ Thứ là nói đến trường ca Thưa Mẹ và ngược lại.
Trường ca là sự kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình. Nặng tự sự trường ca chỉ còn là lượng thông tin không hơn không kém, thiên trữ tình dễ mất đi tính hiện thực. Có thể khẳng định Thưa Mẹ của Lê Anh Dũng đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố đó nên gặt hái được sự thành công, gây được cảm xúc, lòng đam mê với người đọc và trên hết là xây dựng nên một hình tượng văn học: mẹ Thứ- bà mẹ Việt Nam anh hùng của một dân tộc anh hùng!
L.P.Đ