Nghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy Kha

19.12.2013

Nghe Huệ đen độc ca -  Nguyễn Thụy Kha


            Không hiểu sao, cứ gặp Huệ Đen cùng ngồi uống rượu, tôi luôn nhớ đến câu thơ Tản Đà: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Chơi với nhau mấy chục năm nay, thấy rất rõ Huệ Đen là một gã giang hồ chính hiệu, nhẹ nhàng hơn cũng là “lang thang sĩ” như Huệ Đen khiêm nhường tự nhận trong thơ.

            Dạo mùa thu vừa rồi, gặp Huệ Đen ở Đà Nẵng. Ngoài rượu, Huệ Đen còn cho tôi uống dốc chai hai tập thơ của anh: “Lặng lẽ một dòng sông” và “Khúc độc ca”. Đọc thơ Huệ Đen tự chưng cất bằng thứ gạo đời anh đã khất thực được dọc hành trình giang hồ gió bụi, ủ bằng thứ men bí truyền của cha ông, một thứ rượu quê sóng sánh tăm trong lành lại đựng vào những chiếc bình cũ quen thuộc. Nhưng uống vào thì say êm. Say như vừa thoát khỏi những pop-rock ồng ộc âm thanh điện tử, thoát khỏi một thứ rượu rởm, ngồi ung dung nhấm nháp từng câu ví dặm do chính anh độc ca bằng cái nhịp 7/8 độc đáo trong mọi nhịp điệu âm nhạc của ca khúc thế giới. Cứ lần theo giai điệu hát bằng cái nhịp ấy, là gặp Huệ Đen đang lộn trái mình ra trước nhân gian. Uống bình rượu đầu “Lặng lẽ một dòng sông”, đã bắt đầu lơ tơ mơ trong “Những đợt sóng hằn lên như những nếp nhăn”, bắt đầu lạc trong “Đêm hun hút len vào ngõ phố”, lại thấy trẻ ra khi “Xuân cựa mình cố đẩy một mùa đông”, thấy mắt mình “Như mắt ai chớp vội”, lại thấy “Lành lạnh đôi vai già”, chợt nhìn sông hóa “Dải lụa xanh mềm như hơi thở”, “Múi bưởi đào tươi như môi người con gái” và thầm gọi Huệ Đen tin cậy như em. Nhưng vẫn còn chưa đã. Lại “tẩn” thêm một bình nữa gọi là “Khúc độc ca” thì thực sự mới thấy mình say lử. Hình như bình này êm hơn, nhưng nặng hơn. Ôi gã giang hồ “Xuôi ngược trên đầu hai thứ tóc”. Gã định bắt ta say quắc cần câu hay sao, mà cứ tưới vào ta cái hồn cốt ví dặm nhưng lại rất “Huệ Đen” đến thế kia. Cũng gió đấy sao lại “Gió nấc lên từng đợt thở đợi chờ”. Cũng hò đấy sao “Buốt câu hò da diết bến sông xa”. Cũng em đấy sao “Em vô tình dẫm nát cả hồn thơ”. Cũng thương đấy sao “Nắng trượt ngã trên đỉnh đầu lão hói”. Hình như mọi thứ thường nhật ta gặp qua Huệ Đen đều chuếnh choáng hơi men hết. Cái thằng bạn “lang thang sĩ” này, trông cũng to cao đàn ông ra phết mà tự dưng diễu cợt mình thành con cò “Cổ dài ra và nhỏ lại” rồi “khạc ra thơ”. “Của độc” trong “Khúc độc ca” của Huệ Đen là cách chơi điệp âm. Điệp âm của Huệ Đen tạo nên những hợp âm nghịch đột ngột, khiến người ngấm rượu cứ chợt thấy chao đảo, chợt thấy mình phát sóng khác thường. Nào là “lêu têu”, “tuềnh tàng”, “lãng đãng”, “lành lạnh”, “nghêu ngao”, “bảng lảng”. Nào là “hồng hộc”, “xồng xộc”, “ngầy ngậy”, “xao xác”, “hiu hiu”, “dờn dợn”, “rưng rưng”. Nào là “cuồn cuộn”, “liêu xiêu”, “liêu phiêu”, “lồng lộng”, “đê mê”, “là ngà”, “mang mang”, “phe phé”, “lênh phênh” … Những nghịch âm của một tửu đồ “say chuyên nghiệp” nhìn bóng mình ra mình, nhìn mình ra bóng. Uống rượu thơ Huệ Đen say khướt là để biết chia sẻ, biết trắc ẩn, thêm nặng lòng với cõi đời vừa cao diệu, vừa nhố nhăng, vừa đáng sống và vừa muốn chết. Thèm vào những thứ tìm tòi, cách tân diệu vợi. Cần quái gì chủ nghĩa này, trường phái nọ. Song tự nhiên lại thấy tất cả. Có ấn tượng đấy, siêu thực đấy, tượng trưng đấy, mô-đéc đấy. Cái câu: “Những cô bé vùng cao môi hồng má đỏ/ Ngúng nguẩy mông đưa trên những cặp chân sào” thì có mà “hậu hiện đại” của mấy chú “lòe chữ” cứ gọi là bằng cụ. Nhưng cứ theo Huệ Đen “uống đến tàn đời say khướt say” thì cũng là một thử thách chứ chẳng chơi. Muốn liêu xiêu thế chẳng dễ đâu. Chẳng biết cũ mới gì hết. Nếu không có một “cỗ lòng để gió cuốn đi” như Huệ Đen thì đừng có mà mơ với chả mộng. Độc ca với chả hòa ca.

                                    N.T.K

 

 

 

 

 

Biển chiều và em - Nguyễn Lâm Huệ

 

Biển lồng lộng, nơi tận cùng của gió

Sâu thẳm mắt em, nơi cùng tận của tình yêu

Ta thấy biển sóng cuồng si cứ vỗ

Thấy mắt em xanh, sâu thẳm giữa trời chiều

 

 

Ta bất chợt chạm môi vào con sóng

Hương biển chiều nồng mặn đến đê mê

Ta ôm gió vào trong lồng ngực trống

Gió nấc lên từng đợt thở đợi chờ

 

 

Hoàng hôn đến mặt trời rồi khuất núi

Biển sáng lên một màu sắc lạ kỳ

Ta ngồi chải tóc đời từng sợi bạc

Thương tiếc ngày xanh, sao nỡ chẳng quay về

 

 

Vì ta biết khi trở về với đất

Mây ngừng trôi gió ngừng thổi trong ta

Máu thôi chảy và trái tim ngừng đập

Trần gian này tắt hẳn một lời ca

 

 

Bởi ta biết khi trở về với đất

Dế cùng giun tấu bản nhạc giao hòa

Nắm đất nặng, nỗi lòng ta nghẹn mãi

Chẳng biết ai còn có nhớ đến ta…

 

N.L.H.

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng