Tư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị Toan

19.12.2013

Tư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị Toan

Địa bạ là văn bản viết tay (tả văn) thuộc văn bản hành chính pháp quy do chức sắc làng xã viết. Nội dung chủ yếu của nó là kê khai rõ số ruộng đất hiện có của bổn xã (bao gồm diện tích, đông tây tứ cận, chủ sở hữu, loại ruộng đất…). Nhà nước sẽ căn cứ vào sổ này để kiểm soát tình hình đất đai của các vùng, miền trên cả nước. Có cùng hình thức với địa bạ là điền bạ. Tuy nhiên, đây là hai loại sổ sách khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã phân biệt địa bạ và điền bạ như sau: “Địa bạ […] là một quyển sổ ghi chép và mô tả thật rõ ràng, từ tổng quát đến chi tiết, địa phận của làng. Trước hết, phải xưng danh, thuộc hệ thống hành chính tổng huyện phủ tỉnh nào, vị trí đông tây nam bắc những đâu, tổng số ruộng đất thực canh cũng như hoang nhàn kể cả hồ ao rừng núi. Sau đó, phân tích từng loại hạng ruộng đất, mỗi sở điền hay thổ, rộng bao nhiêu, trồng trọt gì, vị trí đông tây nam bắc thế nào, thuộc quyền sở hữu của ai, nếu là của công thì cũng phải ghi rõ công điền công thổ, hay quan điền quan thổ […]. Điền bạ […] là quyển sổ khai báo để đóng thuế ruộng đất của làng. Trước hết cũng phải xưng địa danh hành chính thuộc tổng huyện phủ tỉnh nào. Rồi ghi tổng số tiền và thóc phải đóng thuế là bao nhiêu cho cả làng. Sau đó mới phân biệt loại hạng ruộng đất và mỗi sở hữu chủ phải đóng bao nhiêu[1]. Ngoài ra, địa bạ được lập khi vua có lệnh cho bao đạc lại ruộng đất, nghĩa là nó không mang tính chất thường xuyên; còn điền bạ thì mỗi năm lập một lần và phải căn cứ vào địa bạ và biểu thuế của triều đình để lập. Tuy nhiên, diện tích ruộng đất của mỗi làng xã, trên thực tế, có sự thay đổi hàng năm do nhiều nguyên nhân như thiên tai, do chuyển giao cho làng xã khác, hoặc bị Nhà nước trưng thu... Do đó, sổ điền bạ cập nhật đầy đủ hơn tình hình ruộng đất của làng xã. Nhưng chỉ cần một tập địa bạ thôi, “người ta có thể lên được một tấm bản đồ địa lý hình thể, nông nghiệp, kinh tế, xã hội (cơ cấu sở hữu) của cả làng”[2].

Thành phố Đà Nẵng xưa thuộc tỉnh Quảng Nam. Việc bao đạc ruộng đất tất nhiên cũng được tiến hành giống như các vùng đất khác của Trung và Nam Bộ (trừ Bình Định). Số lượng địa bạ còn lưu lại tính đến đầu thế kỉ XX cũng còn khá nhiều. Số tập địa bạ chung cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (lúc đó gọi là dinh Quảng Nam) hiện còn lưu giữ tại Kho lưu trữ Hà Nội là 935 tập[3]. Với số lượng này, chỉ tính riêng vùng Trung Bộ thì xếp thứ hai sau tỉnh Bình Định (1222 tập). Tuy nhiên, Bình Định là tỉnh duy nhất trong cả nước được lập địa bạ hai lần (năm 1815 và năm 1839), nên số lượng địa bạ nhiều gần như là chuyện đương nhiên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua quá trình tìm hiểu đã cho biết số làng còn địa bạ là 937 làng[4], có 109 làng bị mất địa bạ. Trong đó, phủ Điện Bàn (bao gồm hai huyện Diên Phước và Hòa Vang) có 365 làng còn địa bạ. Sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng hiện nay nằm trọn trong phủ Điện Bàn xưa. Đối chiếu theo danh sách liệt kê các tổng thuộc các huyện, phủ thuộc Quảng Nam xưa trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn dinh Quảng Nam I (tỉnh Quảng Nam – thành phố Đà Nẵng) của ông Nguyễn Đình Đầu, có thể thấy, phủ Điện Bàn dưới thời Gia Long bao gồm địa giới thành phố Đà Nẵng hiện nay, cộng thêm một phần huyện Đại Lộc, thành phố Hội An và huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam hiện tại. Điều đó có nghĩa là số lượng địa bạ vùng Đà Nẵng không hề nhỏ (khoảng trên dưới 200 tập). Cũng cần nói thêm rằng, địa bạ vốn được viết thành 3 quyển: quyển Giáp để ở kinh, quyển Ất để ở tỉnh và quyển Bính để ở làng. Nhưng trải qua chiến tranh, các quyển Ất và Bính hầu hết bị mất. Số lượng sổ địa bạ mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu công bố là quyển Giáp lưu trữ tại kinh thành Huế xưa. Còn việc sưu tầm địa bạ thực tế tại các địa phương (tức quyển Bính) vẫn chưa được tiến hành tổng thể. Vậy, tình hình sưu tầm và nghiên cứu tư liệu địa bạ hiện nay tại thành phố Đà Nẵng như thế nào?

Cho đến nay, có thể khẳng định rằng, nguồn tư liệu Hán Nôm này chưa được sưu tầm và nghiên cứu một cách đầy đủ. Rải rác trong những năm gần đây, các cơ quan văn hóa đã có ý thức sưu tầm tư liệu Hán Nôm nói chung (trong đó có địa bạ) để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, công tác sưu tầm này chỉ mới tiến hành ở một số địa phương, một số khía cạnh, do đó chưa mang lại hiệu quả thực sự. Đó là công tác sưu tầm, riêng hoạt động nghiên cứu địa bạ còn mang bộ mặt ảm đạm hơn, chỉ xuất hiện qua đôi ba dòng vắn tắt trong các bài nghiên cứu về tư liệu Hán Nôm nói chung. Một vấn đề gây trở ngại lớn cho những người “sinh sau đẻ muộn” khi nghiên cứu tư liệu địa bạ nói riêng và tư liệu Hán Nôm nói chung là các “nhà sưu tầm” đi trước đã không hề “bỏ sót” một văn bản nào, dù là bản photo, lại nơi đã đi qua. Còn chủ lưu giữ tư liệu cũng không ngần ngại lưu giữ bất cứ văn bản nào vì người sưu tầm là cán bộ văn hóa. Hơn nữa, bản thân họ không hiểu rõ giá trị của những tư liệu này. Và mặc dù nhân danh cơ quan nhà nước, nhưng nguồn tư liệu này không hề có mặt trong thư mục lưu trữ của cơ quan Nhà nước mà ở tủ tài liệu của các cá nhân đi sưu tầm. Đó là thực tế đáng buồn của một bộ phận di sản văn hóa vật thể hiện nay ở Đà Nẵng, mà địa bạ cũng cùng chung số phận đó. Cho đến nay, chúng tôi mới chỉ được biết đến 11 tập địa bạ hiện còn ở các làng sau: Thanh Khê (quận Thanh Khê); Đại La, Túy Loan, Phước Thuận (huyện Hòa Vang); Nại Hiên Đông, Nam Thọ, An Hải, Phước Trường, Cổ Mân, Tân Thái (quận Sơn Trà), Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu). Chưa rõ còn làng nào khác lưu giữ nữa không.

Có thể nói, địa bạ là nguồn tư liệu quý góp phần tìm hiểu về làng xã cổ truyền ở mỗi vùng đất. Trước hết địa bạ cho biết rõ địa giới hành chính của bổn xã, thuộc tổng, huyện, phủ, tỉnh nào, đồng thời cho biết rõ tứ cận của làng. Điều này, gián tiếp có thể giúp xác lập vị trí của làng hiện nay. Bởi vì tên gọi, địa giới hành chính của nhiều làng thay đổi theo thời gian. Có nhiều làng ngày nay đã mang danh xưng mới, rất khó xác định lịch sử khai phá lập làng nếu không biết cựu danh. Ví dụ, các làng Phước Trường, Cổ Mân, An Hải, Mỹ Khê (thuộc quận Sơn Trà) nay mặc dù không còn gọi là làng, mà thuộc các khối phố, nhưng nhắc đến thì ai cũng biết. Đó là vì những danh xưng này tồn tại từ xưa đến hiện nay. Nhưng nói đến Nam An, Tân An thì chắc chắn nhiều người không biết những làng này thuộc nơi nào ở thành phố Đà Nẵng. Bởi vì, hiện nay những tên gọi đó đã được thay bằng Nam Thọ (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và Tân Thái (thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Thêm nữa, diện tích ruộng đất của làng không phải bao giờ cũng ổn định. Trải qua nhiều năm, những nguyên nhân khách quan như lũ lụt, hạn hán, xói mòn, sụt lún, bị nhà nước trưng dụng .. hay nguyên nhân chủ quan như tách làng, nhập làng, khiến cho đất đai từng làng xã có thể bị thu hẹp hoặc mở rộng thêm. Như vậy, nghiên cứu địa bạ có thể thấy được sự thay đổi của làng xã hiện nay về mặt diện tích lãnh thổ.

Thứ hai, địa bạ được xem là “bản đồ địa lý hình thể, nông nghiệp, kinh tế, xã hội (cơ cấu sở hữu) của cả làng”. Do đó, có thể tìm hiểu tình hình ruộng đất của bổn xã tại thời điểm lập địa bạ. Mặc dù không cập nhật đầy đủ và cụ thể bằng điền bạ nhưng những thông tin được nói đến trong đó đủ để dựng nên diện mạo đất đai như có hay không có công điền công thổ, diện tích nhiều hay ít; tư điền tư thổ bao nhiêu mẫu sào thước tấc; công điền công thổ nhiều hơn tư điền tư thổ, hay ngược lại; ruộng hoang nhàn bao gồm những loại nào, chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong tương quan với các loại ruộng đất phải đóng thuế (công điền, công thổ, tư điền, tư thổ, ruộng quan trại…)…

Thứ ba, địa bạ góp phần cung cấp thông tin về tình hình họ tộc trong làng sở tại. Họ nào chiếm ưu thế về số lượng và tài sản ruộng đất, họ nào ít ruộng đất…Thông qua đó, đối chiếu với số họ tộc hiện tại có thể xác định họ tiền hiền, hậu hiền của làng. Đôi khi, đây là thông tin hữu ích để giải quyết tranh chấp về tiền hiền, hậu hiền ở các làng xã.

Ngoài ra, một số vấn đề khác như: người phụ nữ có được đứng tên chủ sở hữu không? Bao nhiêu người? Chức dịch làng xã sở hữu bao nhiêu ruộng đất trong làng? Làng có ruộng đất của chùa, đình, miếu nào không? Nhiều hay ít? …sẽ gián tiếp được thông tin trong sổ địa bạ.

Như vậy, địa bạ thực sự là tư liệu cổ quý giá và hữu ích trong việc tìm hiểu làng xã cổ truyền trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, việc sưu tầm và nghiên cứu tư liệu này là cần thiết và cấp thiết trong điều kiện hiện nay, khi mà những di sản Hán Nôm đang ngày càng mai một dần theo thời gian dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Đ.T.T



[1] Nguyễn Đình Đầu (2010), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn dinh Quảng Nam I (tỉnh Quảng Nam – thành phố Đà Nẵng), Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.35-36.

[2] Nguyễn Đình Đầu, bđd, tr.36.

[3] Dẫn theo Nguyễn Đình Đầu, bdd, tr.42.

[4] Ở đây có sự chênh lệch giữa con số 937 làng còn địa bạ và 935 tập địa bạ hiện còn lưu giữ.

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng