Mỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng

19.12.2013

Mỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng

    Ba mươi tám năm sau ngày đất nước hòa bình, sắc diện mới  Thành phố Đà Nẵng tưoi thắm hẳn lên với những công trình xây dựng cao tầng, với đường sá thoáng rộng. Và thật lộng lẫy khi bầu trời chuyển về đêm, nhịp cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng rực rỡ ánh đèn màu nối liền hai  bờ sông Hàn gần lại nhau hơn bằng ánh sáng lung linh, quấn quýt ấy. Đứng giữa không gian bình yên, thắm đượm hương sắc tráng lệ này không thể không nhớ đến những bước đi ban đầu của những con người, từ mùa xuân 1975  đến bây giờ đã góp phần sáng tạo mỹ thuật cho  thành phố mang nhiều kỷ niệm và có  nhiều thay đổi đầy ấn tượng.

 

 

    Bắt đầu bằng một cuộc đi thực tế được tổ chức khá quy mô vào năm 1976 kéo dài đến năm 1977. “Đi thực tế”, một cụm từ khá lạ tai đối với những họa sĩ đang sống tại Đà Nẵng lúc bấy giờ và cũng là khởi điểm cho một quan niệm sáng tác mới: Hội họa trước đời sống hiện thực Xã hội Chủ nghĩa. Từ đó, những chuyến “đi thực tế” đã đưa chúng tôi xuống biển, lên rừng và về xuôi.

 

Xuống biển

        Chúng tôi, những anh chị em sáng tác mỹ thuật cùng với sự hướng đạo của nhà văn Nguyễn Chí Trung theo chân những ngư dân vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng ra khơi nhân mùa “Đánh cá vụ Nam”. Chúng tôi được chia đều nhau trên mỗi chiếc tàu đánh cá. Lênh đênh hơn 10 ngày trên biển, tận mắt chứng kiến sự nhọc nhằn lẫn can trường của ngư dân, một ngành nghề thường xuyên đối mặt với tai ương, gió bão, biển động khi sinh mạng của mỗi người chỉ cách vực sâu đáy biển mỏng mảnh một đáy nan thuyền. Sau chuyến đi thực tế từ khơi xa trở về, phòng tranh mang tên “Người và biển” ra đời. Đây là cuộc triển lãm mỹ thuật tập hợp nhiều tác giả đầu tiên tại Đà Nẵng do Sở Văn hóa Thông tin và Sở Thủy sản tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. Cuộc triển lãm trưng bày hằng loạt tấm tranh vẽ thuyền chài, tàu cá với quang cảnh  rộn ràng ngư  dân chuẩn bị ra khơi hay nô nức khi cá về; có những bức tranh đặc tả các ngư cụ lưới phao, dây câu  hay các sinh hoạt gia đình ở làng thuyền chài. Mùa triển lãm đầu tiên này trưng bày nhiều tranh với đủ loại kích cỡ và chất liệu sơn dầu, màu nước, khắc gỗ của những họa sĩ tiền phong ở Đà Nẵng như: Tôn Thất Thủy, Duy Ninh, Vũ Dương, Nguyễn Hưng, Lâm Quang Phước…  khai mạc đúng vào ngày 29 tháng 3, kỷ niệm năm thứ 2 ngày thành phố Đà Nẵng sống trong thanh bình. Lần đầu tiên những họa sĩ Đà Nẵng tìm đến tận nơi, tham khảo, ghi chép và sáng tác về biển . Và, cũng là lần đầu tiên, sinh hoạt đời sống của người dân biển mới được khắc họa đậm nét và giới thiệu rộng rãi đến quần chúng.

 

Lên rừng

   Một vài năm sau, cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật thành lập. Đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác mỹ thuật được hình thành. Những trại sáng tác được tổ chức. Một trong những lần đó, anh chị em họa sĩ chọn đề tài “ Vẽ về Trường Sơn “, vẽ về phong cảnh, đời sống các thôn bản vùng cao như Phước Sơn, Tam Nghĩa, Hiên, Giằng…Lại cọ, bút, màu vẽ và ba lô, những họa sĩ hào hứng lên đường tìm đến với Trường Sơn mang  đầy huyền thoại hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tìm đên với Trà My sống và vẽ giữa bạt ngàn núi đồi, hương quế. Vẽ về những cụm lan rừng lấp lánh trong nắng, những căn nhà sàn thô mộc, những dáng dấp thon thả của các thôn nữ vùng cao thơm ngát hương rừng, uyển chuyển theo nhịp chày giã gạo trong bóng chiều tà, sương núi. Hay vẽ chân dung các cụ già hồn hậu, miệng móm mém say sưa kể những kỷ niệm một thời tham gia chống giặc dưới ánh lửa đêm đêm ở Hiên, Giằng, Phước Sơn…Tất cả hình ảnh con người và thiên nhiên ấy lần lượt tái hiện trên mảng tranh nóng hổi hơi thở đời sống của họa sĩ.

 

Về xuôi

   Đi, về. Về rồi lại đi. Cụm từ “Đi thực tế” cứ tưởng chỉ dành cho các nhà …địa lý. Hoặc chỉ dành cho các nhà văn chuyên về dân tộc học nay đã trở thành “chuyện thường ngày” của giới vẽ tranh. Đi và vẽ. Những bức tranh của họ gần gũi, đậm đà hơn với hơi thở cuộc sống. Vào những năm gần đây, chúng tôi thực hiện một chuyến đi, khởi hành từ chân đèo Hải Vân, qua Nam Ô, về sông Hàn và đi dọc suốt dòng sông Thu Bồn. Xuất phát từ Sông Hàn đi qua Điện Bàn, ghé về Trung Phước, lên mỏ than Nông Sơn, đến tận các bến  bờ Phú Gia, Khí Sé, Dùi Chiêng…Một chuyến đi khó quên với sự ân cần hướng đạo của nhà văn Hoàng Minh Nhân, cán bộ sáng tác Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng làm trưởng đoàn.

 

  Mảng điêu khắc ở những cuộc triển lãm về sau với những tác giả dày kinh nghiệm về cuộc sống cũng như về nghề như Phạm Hồng, Mai Ngọc Chính, Phạm Văn Hạng, Đỗ Toàn, Lê Huy Hạnh, Lê Công Dũng,Trần Hữu Hóa… Có thêm nhiều họa sĩ thế hệ trẻ như Lê Đợi, Ngọc Minh, Tường Vinh, Từ Duy, Hoàng Ân, Nguyễn Trọng Dũng, Võ Thanh Tịnh, Trần Nhơn, Thân Trọng Dũng, Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Trung Kỳ, Nguyễn Thanh Bình…Những họa sĩ nữ như Nguyễn Thị Phi, Dư Dư, Trần Thị Cúc, Tôn Nữ Tâm Hảo…

 

        Đến nay, Hội Mỹ Thuật Đà Nẵng đã ra đời. Đội ngũ đông hơn trước. Những cuộc triển lãm, những lần trưng bày tranh, tượng nghệ thuật  trong và ngoài thành phố mỗi ngày mỗi dày hơn. Tác phẩm của từng tác giả mỗi ngày mỗi sâu hơn, đa dạng, phong phú hơn. Nhiều tác giả có tranh ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm được Hội đồng Mỹ thuật Quốc gia trao tặng huy chương khen ngợi. Nhiều tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu, trưng bày, triển lãm ở nước ngoài. 38 năm, khoảng thời gian quả thật là dài nhưng đối với sự phát triển mỹ thuật có thể là chưa đủ. Anh chị em sáng tác mỹ thuật vẫn đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo với hoài bão đóng góp sức mình theo cùng với sự thay đổi lớn lao từng ngày của thành phố Đà Nẵng.

    Ghi lại một vài kỷ niệm cùng với lời chúc mừng với Mỹ thuật Đà Nẵng và không quên dành riêng những giây phút tĩnh lặng tưởng nhớ đến họa sĩ Từ Duy, Nguyễn Đức Hạnh, Mai Ngọc Chính, Hà Dư Anh, những họa sĩ đã tích cực đóng góp những tác phẩm của mình cho nghệ thuật thành phố, đã trở về với cõi vĩnh hằng. Đặc biệt, xin chân thành tưởng nhớ đến họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim, người con đáng yêu của Quảng Nam-Đà Nẵng đã từ biệt chúng tôi qua tai nạn thương tâm ngay khi đang vẽ trong thời gian ở trại sáng tác mỹ thuật vào năm 1981.

                                                                                                             H.Đ

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng