Đường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu Sương

18.12.2013

Đường ta đi dài theo đất nước -  Nguyễn Thị Thu Sương

Lúc đứng trên phân đoạn đường vào Đồn 673 - Đắk Long của một đơn vị thuộc Lữ 28 thuộc quân chủng Phòng không Không quân đang thi công, tôi nghĩ phải là một họa sỹ đại tài mới có thể vẽ được đầy đủ khung cảnh nơi đây. Sau một con dốc dựng đứng, nếu không có tiếng bánh xe nghiến lên mặt đường lổn nhổn đá màu gan gà thì có thể nói đường đang mở lối lên trời. Và rồi núi rừng hiện ra bất ngờ khi xe vừa chớm đến đỉnh. Ở độ cao 1800m thôi nhưng trước khúc cua chữ U là mênh mông núi. Núi trải dài đến mút mắt về phía đông. Núi điệp điệp trùng trùng, như sóng biển, vô bờ. Mây trắng mỏng như voan nhẹ trôi làm cho biển núi thêm kỳ vỹ. Và gió. Gió cũng như gió của trùng khơi, lồng lộng, mới mẻ, tinh khôi. “Bờ” tây, vách đá được bạt nghiêng đều đặn nhưng vẫn in dấu một cuộc chiến cam go. Mặt đường toàn đá màu gan gà sắc lẻm như đẽo từng lát một. Những chiếc Kobelco, Komatsu đứng bên vách đá chênh vênh tưởng chừng chỉ cần chệch vài phân là trượt xuống vực. Người thi công áo bảo hộ lao động dày cộp vẫn sũng mồ hôi. Cùng tham gia đoàn kiểm tra và về dự Hội nghị giao ban Quý, là cán bộ Trung đoàn 83 của Quân chủng Hải quân, Công ty 206 của Quân khu 5... Riêng sắc phục cũng đủ để thử tài người vẽ chứ chưa nói đến gió mây, cây lá của núi gần, núi xa.

Những ca khúc thời chống Mỹ cứu nước lại vang vọng. Tôi muốn hát vang cùng mây gió Ôi non xanh nước biếc... Nhưng nhà văn Trần Kỳ Trung đang đứng cạnh tôi, hào hển với nhà thơ Ngân Vịnh rằng đã tìm thấy chỗ mắc võng ngày xưa! Qua điện thoại, tôi nghe Ngân Vịnh cứ tấm tắc nuối tiếc mãi. Khi chúng tôi đi, Ngân Vịnh đang nằm viện. Huyết áp, đường đang cao không thể trốn được chứ đối với anh, đây không phải là chuyến đi mà trở về. Trở về với mảnh đất của tuổi trẻ với những ước mơ cao đẹp, với những cơn sốt lật người, đói mờ mắt, cõng bạn vượt lũ rừng... Nghệ sỹ Mạnh Hùng và nhạc sỹ Quang Thức cũng từng vượt Trường Sơn, lấy tiếng hát át tiếng bom. Các anh kể: đói rét, ốm đau, bom rải thảm, chất độc da cam... nhưng những đoàn quân, như Trường Sơn điệp điệp trùng trùng, vẫn tuôn ra tiền tuyến.

Nói thật rằng tôi có nhiều đắn đo trước chuyến đi thực tế đường tuần tra Biên giới khu vực Tây Nguyên. Đường đi vất vả, lại là nữ duy nhất của đoàn. Nhưng Trường Sơn thôi thúc, những bài ca thời chân cứng đá mềm đã giúp tôi gạt qua ngại ngùng. Và Trường Sơn đã rất hào phóng với tôi, ngay từ điểm đến đầu tiên.

Từ xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi theo đường 14D đi vào Đồn biên phòng 659 Đắkpre. Sau cơn mưa của ngày trước, nắng mai vàng nhạt, cây lá xanh mướt, mặt đất đẫm nước. Anh lái xe tắt điều hòa, hạ cửa kính lập tức gió ùa vào, mát lành, thẫm đượm da thịt. Bản làng rải dọc theo thung lũng. Nếp nhà, ruộng lúa nhỏ nhắn, thanh bình. Sát biên giới Việt - Lào, rừng vẫn nguyên sơ. Cây tầng tầng lớp lớp thành một quần thể thống nhất. Những con gà rừng nhẩn nha giữa đường giật mình bay lên, lông sặc sỡ một túm hoa rồi lao ùm vào lùm cây. Sóc vượn chuyền cành ngay bên đường. Mười giờ sáng mà nhiều nơi vẫn còn sương. Sương trắng, cây lá thắm đượm, tĩnh lặng khiến tôi có cảm giác như đang đi vào bức tranh thủy mặc khổng lồ.

Đi sát biên giới nên đường tuần tra hầu hết nằm ven đỉnh núi. Ta-luy 3 - 4 tầng, đường gấp khúc liên tục. Nhiều nơi mới đào đắp nền đường. Xe càng lúc càng lắc lư, hết bò qua những quãng đường đá lổn nhổn lại đến đất đỏ quánh sục. Tại đoạn Km 6 + 200, một chiếc Komatsu đang kéo chiếc xe Prado mang biển số Lào lên dốc. Chiếc Landcruiser của Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc dự án đường tuần tra biên giới chinh chiến là vậy nhưng cũng đành chờ chiếc Komatsu kéo lên. Vậy mà Biển, anh lái xe của chúng tôi còn bảo: may là không phải mùa mưa và nay đường đã bằng phẳng hơn đấy! Trước đây ấy à, phải dùng xe đầu kéo chuyên dụng để kéo ô tô! Đêm mưa cánh lái tụi em không ngủ được vì... lo. Ngày mai đi kiểu gì đây?!

Tôi tính kiểu “cầm tay dắt” với đoàn xe gần chục chiếc thì sẽ còn lâu. Nhưng rồi chiếc Komatsu chuyển sang ủi đất. Gạt hết lớp đất quánh đặc đi, mặt đất đỏ lộ ra. Biển nổ máy, xe rùng rùng tiến lên. Lâu lâu mới có chiếc xe máy đi ngược chiều. Không lồng trên đất đá lổn nhổn thì ậm ạch giữa đất quánh, ga rú ầm ĩ. Người thì thả hai chân xuống mà rà, mà đạp bùn cho xe vượt lên. Tại Km 7 + 200, cũng dốc núi lầy sục, bộ đội hải quân thuộc Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân đã phụ giúp đẩy xe chúng tôi vượt lên. Hết được thứ đất mến khách “đãi” chúng tôi lại được làm “thí nghiệm con lắc”! Xốc lên, dằn xuống. Còn cả xe “đoàn kết” dạt cả sang phải rồi dạt cả sang trái, bật ngửa ra sau, chúc đầu về trước là chuyện thường. Tôi phải níu đai, nhiều lúc đu người lên cho đỡ xóc. Điều thu hút tôi là Trường Sơn kỳ vỹ đang tiếp nối phía trước. Còn nghệ sỹ Mạnh Hùng và nhạc sỹ Quang Thức dù được trở lại những tháng ngày tuổi trẻ hào hùng nhưng tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm, cuối cùng đành ngậm ngùi bỏ dở nửa chừng chuyến trở về chiến trường xưa.

Ở phía nam, nhiều rừng thông thân thẳng tắp, dưới gốc cây vọt xanh mướt như thảm. Thời tiết khá thất thường. Nắng vàng như mật nhưng rồi tiếp đó là trời đầy mây. Mưa đổ xuống bất ngờ khi chúng tôi dừng lại ở một đơn vị đang thi công cầu. Trụ cầu đã dựng, công nhân đang chuẩn bị để lao dầm. Mọi người chạy vào trú mưa nhưng một anh chàng leo lên một mỏm đá cao chóc ngóc, áp điện thoại sát tai, vóng cổ lên mà nói. Một sỹ quan đứng cạnh tôi nói: gặp may mới được vắt vẻo thế kia chứ nhiều lúc vừa cầm di động trên tay vừa chạy xe, đến khi nào thấy cột sóng hiện lên thì dừng lại! Vì vậy ở đây không có khái niệm phủ sóng mà anh em phải đi tìm sóng!

Trung tá Nguyễn Minh Đức, cán bộ của Công ty Lũng Lô 2, hiện đang thi công gói thầu vào đồn 665 Đăk Blô nói dự án gặp nhiều khó khăn do thời tiết và địa hình. Nơi đây chịu ảnh hưởng của hai vùng khí hậu: Đông Bắc và Tây Nam. Mỗi năm có 8 đến 9 tháng mưa, bắt đầu từ tháng 5 và thường kéo dài đến Tết. Mưa nhiều là công nhân nghỉ nhiều. Sát biên giới nên có nơi kề cận vực, phải nâng lên. Nắm chắc kỹ thuật nhưng có khi vẫn xảy ra sự cố. Tại Km 9 + 400, phân đoạn đơn vị thi công, đất cát pha nên bị sạt ta-luy dương, phải dùng rọ đá kè chắn. Trung tá Nguyễn Minh Đức cho biết thêm: Nhiều đơn vị khai thác cát đá tại chỗ không được, phải mua cách nơi thi công 70km. Dốc cao vực sâu, phải hạ tải, 15 tấn chỉ chở 5 -7 tấn nên giá thành cao. Giá cả tăng, kinh phí có hạn. Chẳng khác gì véo miếng ăn vứt đi khi mình đang đói. Là lính công binh, từng thi công cầu tàu ở đảo Song Tử Tây của Trường Sa nên đi đến đâu là chúng tôi đi tìm vật liệu để khai thác tại chỗ. Đơn vị tôi đã phát hiện ra những mỏ cát, đá không chỉ đủ để phục vụ công trình của mình mà còn bán cho các đơn vị bạn với giá của Bộ Xây dựng! Có điều phải tận dụng thời tiết khô ráo, đơn vị làm cả ca ba. Trung tá Nguyễn Minh Đức từng bị thương do nổ mìn ban đêm đá văng vào đầu, thương tật 29%. Theo anh, vật liệu khai thác tại chỗ không rẻ do phải đầu tư máy xay, nghiền, sàng sảy nhưng chủ động. Chỉ cho tôi con đường đã đầm nện phẳng lì anh nói do đoạn này không thể làm đường tránh nên đơn vị chưa đổ bê tông để đảm bảo giao thông cho các đơn vị phía trong. Tinh thần hiệp đồng không khác gì những ngày xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Cung đường đơn vị anh thi công dài 9 km nhưng nhà bếp thì đi chợ cách 30 km, mãi dưới Đăk Man, Đắk Glei. Điện thoại không có sóng, phải dùng bộ đàm.

Dự án Đồn biên phòng 669 Đắk Nhoong đã hoàn thành nhưng sau một trận mưa đã bị sạt lở lấp cả đường bê tông, có nơi đến cả mét. Chúng tôi lại hè hụi nhau đẩy xe lên. Biển vừa nhoài đầu ra cửa kính vừa bẻ vô lăng. Dự án đồn biên phòng 671 Rơ Long lại là nơi có nhiều đá. Qua khỏi một khúc cua chênh vênh, Biển mới nói nơi này đã có một chiếc xe lao xuống vực, hai người hy sinh đều rất trẻ. Không ai nói ai nhưng tất cả chúng tôi đều quay lại nhìn về phía sau, lặng đi hồi lâu.

Lớp tập huấn thi công mặt đường bê tông xi măng tổ chức tại Công ty 36.55 thuộc Tổng công ty 36. Trong lán trại thưng che bằng bạt nilon, sỹ quan, công nhân trang phục nghiêm chỉnh lắng nghe. Tài liệu phục vụ công tác xây dựng đường tuần tra biên giới có văn bản, đĩa CD và cả quy trình thi công mặt đường bê tông xi măng bằng thơ lục bát do Thiếu tướng Hoàng Kiền soạn cho anh em dễ thuộc. “Những điều ghi nhớ trước tiên/ Nền đầm cho chặt, móng bền kiểm tra/ (Nền đường có K ≥ o,98; E ≥ 400kg/cm2; Móng đường có K ≥ 0,98; E ≥ 1000kg/cm2)/ Nếu mà sụt lún sinh ra/ Mặt trên có tốt cũng là bỏ đi”. “...Chiều dày tấm thép thông thường/ Ba ly (3mm) tối thiểu tăng cường gờ, gân/ Thép C trăm tám rất cân (180m)/ Dùng hay, luân chuyển nhiều lần lợi chung/ Dài trên ba mét (3m) một khung/ Mỗi mét một cọc xuyên cùng móng sâu/ Độ phẳng mặt theo yêu cầu/ Áp thước ba mét (3m) hở đầu ba ly (3mm)...”

Trung tá Nguyễn Duy Lương, cán bộ công ty 36.55 là người rất văn nghệ. Câu chuyện của anh luôn chêm thơ nhạc. Đã tham gia xây dựng nhiều công trình ở đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, anh nói xây dựng đường tuần tra biên giới có quá nhiều khó khăn. Mùa khô vận chuyển vật liệu vẫn khó khăn vì những cơn mưa rừng đột xuất. Thi công trên mặt bằng toàn đèo cao vực thẳm lại chỉ thi công vào mùa khô nên nước khó khăn. Dẫn nước từ trên xuống thì chỉ cần đào hố sâu rồi đặt thùng phuy nhưng nhiều nơi phải cõng từ dưới suối lên. Nhưng những bước chân coi khinh gian nguy... Ta-luy đường dễ bị sạt lở khi mưa không chỉ do độ dốc mà còn do nhiều cây lớn. Tôi nhìn con đường xuyên giữa cánh rừng nguyên sơ: ăn uống thế nào? Anh cười: hậu cần đơn vị đi chợ khoảng 60 cây số thôi! Cái gạt nước không xua đi nỗi nhớ đâu chị!

Việc thực hành được tiến hành trên gói thầu số 2 của Công ty Xây lắp Thành An 96. Xe trộn bê tông, máy đầm các loại, giá đỡ thanh truyền lực, cuốc xẻng, thước, bay... đều sẵn sàng. Thiếu tướng Hoàng Kiền tay cầm loa theo dõi nhắc nhở kiểm tra độ phẳng, độ hở cả hai phương, thép buộc giá đỡ thanh truyền lực. Độ dốc lớn hơn 40% phải gia cố lề, bắc tôn nẹp... Anh Lê Ngọc Trường, trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của Công ty Cổ phần Xây lắp Thành An 96 nói với tôi: Ban lãnh đạo luôn theo sát công việc, động viên anh em chiến sỹ, đặc biệt trong dịp tết lễ. Mồng Hai tết Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có mặt tại Tây Nguyên cùng Đại tá Võ Cửu Long, Giám đốc công ty mang theo bánh chưng, giò chả lên thăm và động viên anh em chiến sỹ trên công trường. Mồng 6 tết, Đại tá Nguyễn Ngọc Huệ, Bí thư Đảng ủy Công ty lên. Mồng 10 tết, thượng tá Phạm Văn Lê, Phó Giám đốc công ty lại lên. Là tuyến trong cùng, đi chợ rất xa nhưng đơn vị phấn đấu đưa công trình này hoàn thành trước thời gian.

Về dự hội nghị giao ban quý, thượng úy, kỹ sư Phạm Văn Hoàng đi cùng xe với chúng tôi. Vóc dáng nhỏ, da trắng trông rất thư sinh nhưng Hoàng là một trong những kỹ sư trẻ tham gia mở tuyến tại Trường Sơn từ năm 2007. Hoàng nói đường tuần tra đi sát biên giới nên thường nằm gần đỉnh núi, có độ cao 1500 - 1800m. Vì vậy ở trong rừng mà vẫn mong mưa để có nước nấu ăn, khỏi phải xuống suối cõng nước lên! Có đợt đang mùa khô, khu vực quá hiểm trở, 10 ngày không tắm gội, rửa mặt vì lấy nước vo gạo! Có đợt lại mưa quá, anh em biên phòng không tiếp tế kịp nên húp cháo, nhai gạo rang. Cứ nghĩ thời cha anh vượt Trường Sơn, gùi nặng vai, đạn bom chắn lối là thấy gian khổ của mình chưa là gì. Giao tuyến cũng cứ vạch rừng băng suối mà đi, khó khăn chẳng khác lúc mở tuyến. Hoàng mở di động khoe với tôi ảnh vợ và con. Hoàng nói vợ có bầu chẳng uống một loại sữa gì nhưng con trai rất cứng cáp, mới 9 tháng đã chập chựng đòi đi.

Hội nghị giao ban Quý các dự án đường Tuần tra biên giới khu vực Tây Nguyên đủ sắc phục binh chủng: Hợp thành, Công binh, Phòng không Không quân, Hải quân, doanh nghiệp... Các ý kiến đều cho rằng thời tiết, địa hình là khó khăn lớn nhất. Thi công, khai thác cát đá, tập kết vật liệu... đều phải tranh thủ nắng! Công ty Hữu Nghị Nam Lào 206, Quân khu 5 điều cả thiết bị bên Lào về. Tuy vậy không thể xây kho bãi để tập kết tất cả xi-măng, cát, đá, sắt thép, xăng dầu với loại công trình trải dài theo kiểu... cánh chim bay! Đặc biệt xi-măng, sắt thép, vật liệu kỵ ẩm ướt và thời gian. Mưa lũ gây tắc đường nên có đơn vị đề nghị vào mùa mưa xin được vận chuyển vật liệu theo đường sông. Bảo vệ mặt đường sau khi đổ bê tông phải làm đường tránh mất rất nhiều công, có khi thay đổi hiện trạng, đặc biệt là các khu vực chữ U. Cua chữ U nhiều, phát sinh công nhưng quy định chỉ lớn hơn 100m mới được tính phát sinh. Về địa hình, nhiều nơi độ dốc lớn, các đơn vị đề nghị cho phép hạ tải. Có ý kiến đề nghị chuyền tiền trực tiếp cho cửa hàng vật tư. Rồi việc tính đơn giá nơi theo mét khối nơi theo trọng lượng. Một cán bộ của Trung đoàn 83, quân chủng Hải quân nói: các nơi tính giá cát, đá theo mét khối nhưng ở Quảng Nam tính theo tấn. Như vậy giá cao hơn được duyệt. Thế nhưng có anh nói lệch thế chưa là gì, ở khu vực tôi thuê 1m3/1 triệu cũng không ai chở! Ý kiến của Công ty 96 về sản xuất đá: không chỉ là vấn đề giá cả nếu nhìn về khía cạnh môi trường, xã hội. Rồi kiến nghị về giải phóng mặt bằng...

Đại tá Nguyễn Chí Dũng, Phó Tư lệnh Binh đoàn 11 nói năm nay thời tiết quá bất thường, mới nửa tháng Ba mà chiều nào cũng mưa. Mùa khô trùng với Tết Nguyên đán nên 3 đơn vị của Binh đoàn không về tết mà chỉ nghỉ hai ngày: ba mươi và Mồng Một tết. Mồng Hai tết đã ra công trường. Anh Trương Quang Thiều, cán bộ Công ty ACC, thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Hàng không nói mỗi dự án có một đặc thù nhưng vẫn phải bám theo quy định chung. Năm 2012 đơn vị anh có 2 tháng chỉ xúc sạt lở, mất thời gian lại mất tiền vô lí. Vì vậy đơn vị phải cố gắng trong mỗi điều kiện có thể. Đối phó với giá cả tăng, biện pháp có tính thực tiễn nhất là thi công nhanh, để càng chậm giá càng tăng. Nên tăng máy, tăng người làm thêm ca. Thiếu tá Đỗ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý thi công 3 cho tôi biết anh Thiều có mặt ở Trường Sơn từ những ngày đầu mở đường. Có năm anh không về được, vợ vào ăn tết với chồng nhưng rồi ở lại 1 tháng. Hai năm liền anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Giờ giải lao tôi tranh thủ gặp anh Thiều. Trả lời câu chuyện “ăn tết một tháng”, anh bảo: ai cũng quan niệm thi công là để làm ra tiền nhưng anh chỉ nghĩ nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành. Vợ anh đã hiểu điều đó.

Chỉ huy Trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết tỉnh có 3 huyện, trong đó 10 xã thuộc biên giới. Là khu vực có gỗ, vàng, thú rừng quý hiếm nên hoạt động khai thác lậu nhiều. Từ khi có đường biên giới, việc tuần tra thuận lợi nhờ vậy mà các tệ nạn được kiểm soát hơn. Các đồn biên phòng đi giao ban gần hơn nhiều.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhắc: phải làm thí nghiệm kiểm tra trước khi thi công. Sắt thép phải đánh rỉ. Rà phá bom mìn phải thực hiện đầy đủ. Đắp đất ướt quá sẽ không có độ chắc. Ông chỉ đạo: phải mở chuyên chi để chuyển tiền ra cửa hàng vật liệu. Về việc hạ tải: phải xác định vị trí chính xác, đây là vấn đề mấu chốt. Quan điểm không để nhà thầu thiệt, không để Nhà nước mất. Về sạt lở ở dự án đồn 669 Đắk Nhoong là phải làm rọ đá. Đơn vị Lũng Lô gấp rút hoàn trả công trình thủy lợi cho khu vực có công trình đi qua. Những đường ngang đi qua khu bảo tồn thiên nhiên phải bảo vệ, tránh việc lợi dụng tận thu lâm sản. Những dự án đã hoàn thành phải xây chắn không cho xe chở gỗ qua. Phải bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản như vậy con đường mới thật sự đầy đủ ý nghĩa về quốc phòng, kinh tế, dân sinh...

Chúng tôi được một tối nghỉ sớm tại Đồn Biên phòng Đắk Blô. Nói sớm nhưng cũng hơn 7 giờ tối mới ăn. Biết Thiếu tướng đã qua một ngày dài làm việc căng thẳng nhưng sau bữa tối chúng tôi xin được trò chuyện cùng ông. Phong cách thân thiện, chân thành, tướng quân cho chúng tôi biết tháng 6/2007, ông được giao nhiệm vụ xây dựng đường phục vụ tuần tra biên giới. Gọi tắt là dự án 47. Mười ngàn Km, con đường chạy dọc theo biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia. Từ Quảng Ninh qua Hà Giang, Lai Châu... đến Kiên Giang. Từ chất ngất đá, núi kéo xuống vùng mênh mông sông nước Cửu Long. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng Thiếu tướng Hoàng Kiền rất vui. Đã có 6 năm chiến đấu suốt dọc đường Trường Sơn - con đường chiến lược, vận chuyển chi viện cho miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước, với ông đường tuần tra biên giới là con đường mơ ước của hàng triệu người đã nằm xuống trong cuộc chiến giành độc lập tự do cho đất nước. Vạn sự khởi đầu nan, đường bê tông xi-măng chưa có quy chuẩn Nhà nước nên phải tự nghiên cứu. Bộ Quốc phòng giao cho Cục Pháp chế soạn theo tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành, trình Thủ tướng. Quyết tâm làm thật hiệu quả, ông xin phép Bộ trưởng được làm song song các bước: lập dự án, thiết kế, đấu thầu... Với cam kết đầy đủ các thủ tục chứ không theo thứ tự!

Kéo dài 10.000km, nơi nào cũng đầy khó khăn. Riêng khu vực Tây Nguyên mùa khô - mùa xây dựng chỉ được 3 - 4 tháng cho nên phải tranh thủ thời gian. Ngày 23/10/2007, ông vào Tây Nguyên mở tuyến. Đang mùa mưa, ngay cả trên đường chính nhiều nơi đi lại vẫn khó khăn. Ở Đắk Sú, ô tô đi như... đi bộ! Có người khuyên nên lùi lại vì lũ rừng, rắn rết nhưng ông nói khó khăn mới giao cho quân đội. Phải đi như đi chiến trường, đi như đánh trận, chuẩn bị đầy đủ tăng võng, dao phát, cơm nắm, nước bình... Bản thân Thiếu tướng nhận nơi khó khăn nhất. Do yêu cầu đường xây dựng sát biên giới nên có nơi khảo sát đơn phương nhưng có nơi phải song phương, mời bạn cùng khảo sát. Núi cao, vực sâu, rừng rậm, khảo sát thiết kế phải là người giỏi nhưng trên thực tế có nhiều kỹ sư trẻ ở Hà Nội tham gia cho đến khi hoàn thành. Suốt 3 tháng ở Trường Sơn, đến đâu dựng lều đó. Quy ước đến đâu vạc cây làm dấu đến đó nhưng có đợt đi lâu nên mất dấu, lạc mất 2 đồng chí. Đội 36 lạc 9 người, sang Lào 15 km. Do vào mùa mưa, mây dày định vị vệ tinh không bắt được. Lấy kinh nghiệm thời vượt Trường Sơn chống Mỹ, đoàn tìm kiếm ngược theo con suối mà tìm mới gặp. Nhiều nơi đồng bào dân tộc bỏ nương rẫy, khi mở đường thì họ trở về trồng trọt làm ăn. Có nơi bỏ lâu quá, bà con nhận chồng chéo nhau. Phải đo đạc lại. Trình độ bà con dân tộc còn hạn chế, muốn đền bù ngay. Chủ trương không để người dân khiếu kiện nên phải kiên nhẫn giải thích với bà con: thủ tục phải có trình tự, thời gian.

Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết đường tuần tra biên giới được làm bằng bê tông xi măng vì đa số là núi cao, mưa nhiều dẫn đến độ ẩm lớn. Đường nhựa ở vùng núi không phù hợp vì cây mọc rễ sẽ làm ảnh hưởng mặt đường. Hơn nữa bảo dưỡng mặt đường nhựa khó hơn mặt đường bê tông xi măng. Với chiều dài 10.000 km, dự án đường tuần tra biên giới có 16 đơn vị thiết kế, 31 đơn vị giám sát thi công, 30 đơn vị thí nghiệm hiện trường, rà phá bom mìn... Tổng cộng là 230 đơn vị và nhà thầu với khoảng 8200 người tham gia thi công trên toàn tuyến. Vì vậy không chỉ nắm rõ nguyên tắc tài chính, tính các phương án như vào trận mà còn với tinh thần người lính. Dụng cụ, phương tiện thi công như giá đỡ thanh truyền lực, đầm dùi, đầm bàn, đầm ngựa... được nghiên cứu, sản xuất đồng bộ tại Nhà máy 49 thuộc Bộ Quốc phòng. Để đảm bảo chất lượng, phòng thí nghiệm tại hiện trường có đủ thiết bị để kiểm tra vật liệu đầu vào, lấy mẫu thi công, cấp chứng chỉ kết quả thí nghiệm để kiểm tra và thanh toán. Nhiều vướng mắc phải giải quyết nhanh bằng trao đổi qua di động chứ không thể chờ văn bản. Trong quá trình thi công, sáng kiến làm con lăn tạo rãnh chống trơn của Công ty 219 được đưa vào quy trình cho các đơn vị sử dụng. Sau một thời gian thi công, kiểm tra đã cho thấy: Trừ sân bay được thi công bằng máy rải bê tông, đường tuần tra biên giới hoàn toàn bằng thủ công nhưng chất lượng và mỹ thuật như các công trình bê tông xi măng bằng cơ giới.

Thiếu tướng Hoàng Kiền làm thơ rất nhanh, làm ngay trên đường đi. Không chỉ soạn quy trình thi công mặt đường bê tông xi măng bằng thơ lục bát cho anh em dễ thuộc, thơ ông mộc mạc và mang đầy tính thời sự, trăn trở vì công việc. “...Tháng tư phân nửa tàn hoa cúc quỳ/ Báo mùa khô sắp qua đi/ Dừng chân đỉnh núi rầm rì mưa rơi/ Nhìn đường nhìn đất nhìn trời/ Nhìn xe quay tít chơi vơi nỗi lòng/ Mây đen phủ ánh nắng hồng/ Cung đường đang mở chất chồng gian nan....

Làm sao không trăn trở khi con đường không chỉ của tương lai. Rời bục giảng, 20 tuổi thầy giáo Hoàng Kiền lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong hành trang mang theo của thầy có cả sách toán, lý, hóa cấp 3. Sáu năm chiến đấu suốt dọc đường Trường Sơn. Sau ngày thống nhất đất nước là 16 năm ở Bạch Long Vỹ và Trường Sa, làm các công trình đảo chìm đảo nổi. Ông luôn có mặt chiến đấu và xây dựng ở điểm đầu Tổ quốc. Công trình hiện tại có một tầm vóc khác. Công trình mang hình dáng Tổ quốc, phục vụ tuần tra biên giới, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Mười ngàn km, nơi chất ngất núi đá, nơi sông nước mênh mang, mưa bão rình rập. Tôi nhẩm tính: nếu đúng dự định thì thời gian xây dựng con đường thiên lý tương đương với thời gian đất nước đứng lên với tuyên ngôn độc lập, đi qua hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Hoàng Kiền trầm ngâm: Mười ngàn km. Trong 6 năm qua mới làm được 1.500 km nhưng đã có 7 người nằm xuống. Dò mìn hy sinh 2 đồng chí, đánh bộc phá hy sinh 2, vận chuyển và máy ủi 3. Tất cả đều còn trẻ.

Chúng tôi lặng đi. Những hy sinh trong thời bình thật thầm lặng. Tuổi trẻ ra đi nhưng những ngôi nhà mới, nương rẫy mới đã mọc lên bên con đường mới.

Có một việc xảy ra vào tối thứ ba của hành trình. Hôm ấy có vài xe bị thủng lốp nên tám giờ tối đoàn chúng tôi vẫn ở trên đỉnh Trường Sơn. Đêm đầu tháng không trăng, đèn xe như sợi chỉ giữa đại ngàn thâm u. Lúc này xe của Thiếu tướng Hoàng Kiền đi đầu. Bỗng thấy một cô gái đứng bên đường vẫy tay xin đi nhờ. Thiếu tướng Hoàng Kiền, Đại tá Lê Quang Hiệp đều ồ lên. Đại tá, nhà báo Lê Anh Dũng, trưởng đại diện Tạp chí Văn hóa quân sự tại miền Trung và Tây Nguyên và Trung tá Phan Tiến Dũng, phóng viên báo quân đội cũng bất ngờ vì giữa rừng già lại có cô gái đẹp thế. Bỗng xe chết máy đứng khựng. Trung tá Đinh Văn Thể đề mấy lần vẫn không nổ. Mọi người xuống xe. Trời tối như mực. Đại tá Lê Anh Dũng từng dự nhiều buổi cầu siêu linh hồn các liệt sỹ ở thành cổ Quảng Trị, Thượng Đức... linh cảm và lầm thầm khấn nguyện xin người khuất mặt phù hộ cho đồng đội đang làm nhiệm vụ. Trung tá Đinh Văn Thể kiểm tra xe thấy không có vấn đề gì, thử đề lại thì máy nổ giòn giã. Đèn bật sáng choang nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cô gái đâu nữa. Về đến nhà khách Binh đoàn 11 đã hơn chín giờ đêm. Trong bữa ăn chúng tôi mới biết nhiều người đã gặp cô gái ấy, tìm hiểu thì được biết đó là một nữ quân y. Cô đi hái rau rừng thì bị một toán thám báo bắt, cưỡng hiếp rồi giết chết. Cũng có người nói cô là giao liên, sau khi dẫn đường trở về thì gặp thám báo...

Tôi buông đũa. Cuộc chiến đã qua gần 40 năm, những người vì nước hi sinh đều quy về một danh từ “Liệt sỹ”. Anh linh nào hơn anh linh Liệt sỹ? Xương cốt nằm dưới lòng đất nhưng hồn phách họ vẫn hiển hiện cùng mây gió. Bàn đầy thức ăn nhưng tôi nghe lời ca đâu đó vang vọng. Dẫu giá buốt chân tay, dẫu nắng khét đôi vai, gùi nặng vai rừng khuya vực sâu. Dẫu thác lũ băng băng, dẫu bão núi dông rừng. Dù đường trơn trời nghiêng hề chi... Những ca khúc sau nửa thế kỷ vẫn ấm hơi thở của họ. Ơi cô gái Trường Sơn! Tôi chỉ có thể gọi cô như vậy. Cô gái Trường Sơn! Có thể lắm, cô là hình mẫu của bài ca đó. Máu thịt của cô đã viết nên bài ca đó.

Tôi cũng được gặp, được nghe nhiều chuyện “hoang đường” trên con đường thiên lý này. Chuyện ở Tà Lùng, một cô gái vào công trường cắt tóc cho 70 chiến sỹ và công nhân. Cắt từ sáng cho đến 10 giờ đêm mới xong. Chuyện của Trần Văn Thu ở Công ty Cổ phần Hà Đô I. Vợ anh là Trịnh Thị Giang, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hải Dương. Thấy chồng lâu không về thăm nhà, tháng 12/ 2010 chị vào xem thế nào. Đi bộ 50 km, mất gần 3 ngày mới gặp chồng giữa thăm thẳm núi ngàn. Vì tranh thủ nắng, bám trụ với anh em công nhân... Những lí do của anh làm chị giận nằm quay mặt vào vách liếp. Sáng hôm sau, thấy anh và đồng đội trên sườn non chênh vênh từ sáng sớm thế là chị ở lại một tháng. Phạm Hồng Long, cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp 79, nghe tin vợ sinh, anh phải chạy xe máy 50 km ra chỗ có sóng để động viên vợ rồi mãi hai tháng sau mới tranh thủ được mấy ngày về thăm. Còn ở Công ty 117, thợ lái máy gạt Nguyễn Hữu Vĩnh thông báo với vợ là không về ăn tết rồi theo tuyến công trình. Giáp tết vợ điện mãi không được. Nóng ruột quá, sáng Mồng Một chị bắt xe khách từ Đà Nẵng lên Kon Tum rồi bắt tiếp xe ôm vào tuyến. Đến mới biết là nơi chồng làm không có sóng. Thấy anh em làm từ Mồng Hai tết, chị tình nguyện ở lại làm chị nuôi phục vụ đơn vị. Và cả câu chuyện nhỏ của người bạn trên chặng đường ngắn với tôi, thượng úy, kỹ sư Phạm Văn Hoàng. Trong ánh mắt tự hào khi ngắm nhìn ảnh vợ con của Hoàng, tôi thấy cả khát khao một hơi ấm gia đình bé nhỏ.

Tôi thao thức mãi rồi bước ra sân. Sương dày đặc. Ánh điện từ công trình đang thi công trước đồn biên phòng như ngọn hải đăng trong biển sương. Một ngọn hải đăng báo hiệu bình yên. Để có được sự yên bình này, nơi đây đã in bao dấu chân tuổi trẻ vì đất nước? Có thể xương cốt họ vẫn nằm dưới chân tôi, não tủy đã tan nhưng ước mơ về cuộc sống tươi đẹp vẫn vươn trỗi. Ơi cô gái Trường Sơn! Bản hùng ca đang được đồng đội cô viết tiếp. Con đường của đồng đội cô vẫn đầy gian khó nhưng vì Tổ quốc, họ sẵn sàng.

 

                                                                                     N.T.T.S

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng