Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị Hựu
Trong hát hò khoan xứ Quảng, những bài hát có nội dung châm chọc, trêu ghẹo, bông đùa, nhằm để mua vui tạo ra tiếng cười gọi là hát xạo1.
Trong Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê định nghĩa: "Xạo là bậy bạ, không đúng đắn". Thật ra trong từ hát xạo, chữ xạo hoàn toàn không có nét nghĩa xấu (là bậy bạ, không đúng đắn) mà chỉ có nét nghĩa không có thật.
Như tên gọi, nội dung hát xạo thường có tính bông đùa, tinh nghịch:
Nữ: Hai bên thì vướng quả đồi
Ở giữa có khe nước chảy
Chớ em hỏi anh đi đàng nào anh qua?
Nam: Hai tay anh bám chặt quả đồi
Còn khe nước chảy anh chống sào anh nhảy qua
Nữ: Khe sâu thăm thẳm lạ thường
Sào anh ngắn quẻn, chớ em hỏi anh chống sào làm sao?
Hay trong một cuộc hát khác cô gái lại trêu chọc:
Nữ: Sáng trăng quân tử dạo chơi
Đái cho chỗ đái lội bơi trở về
Nam: Em ơi! Em đái chi mà đái dại đái khờ
Nồi hương em trôi trước, bàn thờ em trôi sau
Lời hát quả thật là cay độc, nhưng trong từ xạo đã hàm ý không thật nên dù có cay độc thế nào các cô cũng không ngán mà cứ muốn khiêu khích, châm chọc thêm:
Nữ: Em hỏi anh ở dưới sông có một con cua
Kẻ kêu con còng cái, người chỉ kêu con còng
Đố trai nam nhi đối đặng
Đây gái nữ nhi cho nhập phòng một đêm
Thừa biết rằng đó lời hứa không thật nên các anh trả lời một cách "cao đạo":
Nam: Em ơi! Ở trên rừng có một con cào cào
Kẻ kêu con châu chấu, người kêu con vạch sành
Trai nam nhi đối lại rất nhanh
Bữa ni mệt quá thôi để dành đêm mai!
Trong hát xạo dường như các cô gái Quảng luôn dành thế chủ động tấn công:
Nữ: Em đưa cho anh hạt bắp nấu phơi khô
Đố anh tỉa mọc em vô kết nguyền
Nam: Anh biết em có miếng đất bỏ không
Mưa ba năm không ướt, nắng hạn sáu tháng ròng không khô
Rứa thì có khó chi mô
Em đưa đây cho anh mượn, anh tỉa vô mọc liền.
Thật là một cách nói sỗ sàng nhưng đầy hình tượng!
Trong một cuộc hát khác cô gái lại lên giọng kẻ cả:
- Anh đi đâu mà lúc la lúc lắc
Cái quạt anh dắt sau lưng
Hay anh muốn làm ông thủ quản để giữ cái rừng già cho em?
Anh con trai trả lời cũng kẻ cả không kém:
- Rừng em rừng rậm, rừng già
Chỉ cần thằng cu anh hắn giữ, chớ chi đâu mà đến anh
Dẫu bị trả lời một cách sỗ sàng nhưng cô gái vẫn không chịu thua:
- Cu anh cu dỏm, cu già
Làm sao giữ nổi cái rừng già của em!
Trong cuộc hát hò khoan giã gạo giữa hai làng, các cô gái làng Cẩm Vân ra câu hát ví von:
- Gái Cẩm Vân như bông hoa lý
Trai Đắc Ký như ngọn cỏ may
Các anh con trai Đắc Ký phản công ngay:
- Anh biết rằng gái Cẩm Vân như bông hoa lý
Thân phận trai Đắc Ký như ngọn cỏ may
Trăm lạy ông trời gió lắt mưa lay
Cho bông hoa lý rớt xuống, cho ngọn cỏ may đâm vào!
Nghiên cứu hát hò khoan xứ Quảng chúng ta càng thấy các cô gái Quảng sử dụng ngôn ngữ thật tài tình. Có khi các anh ra một câu hát khá trữ tình:
- Trên trăng, dưới nước anh đứng trước mũi thoàng (mũi thuyền)
Bao nhiêu cơn sóng dợn anh thương nàng bấy nhiêu
Nhưng các cô chưa muốn hát nhân ngãi mà lại muốn bẻ qua hát xạo nên trả lời:
- Anh ơi! Chớ anh thương sao đặng mà thương
Quần em vắn chặt như rương khóa rồi!
Gặp các anh đây cũng chẳng phải tay vừa, bụng bảo dạ "Muốn xạo thì ta cho xạo" nên trả lời một cách lì lợm:
- Em ơi! Khóa rồi thì mặc khóa rồi
Chờ cho cha mẹ ngủ, anh lần hồi mở rương!
Đôi khi các anh cũng đề nghị một cách táo tợn:
- Trăng lên đỉnh núi Mu Rùa
Cho anh chơi chịu tới mùa anh trả khoai
Gặp các chị cũng lì lợm không hề né tránh:
- Trăng lên đỉnh núi rồi tề
Làm chi làm đại một cái để em về kẻo mẹ la!
Thật ra trong hát xạo không phải khi nào ngôn ngữ cũng thô thiển, sỗ sàng mà đôi khi cũng đầy hình tượng:
Nữ: Chàng tới thiếp dọn một bát mì Tàu
Hai bên thịt mỡ trắng phau phau
Ở giữa có con tôm sú nhuốm màu nâu pha
Ăn rồi chàng chẳng muốn ra
Chàng kêu bầy trẻ pha trà bưng lên!
Nam: Thiếp tới chàng dọn một dĩa rau
Hai bên là hai củ hành Tàu
Ở giữa có một con cá tràu nằm ngang
Ăn vô cho thấu bụng nàng
Nay thiếp mới biết của chàng thiệt ngon!
Nữ: Nước lên lấp xấp cột chòi
Anh đen như mọi mà đòi vợ xinh
Nam: Em chê anh mới nói thiệt tình
Trong người anh đen hết nhưng cái sự tình không đen.
Trong hát xạo thường có ý tục, điều này có thể được lý giải bằng nhiều cách nhưng ở đây có tính chân chất, tự nhiên, mộc mạc của người bình dân. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác chúng ta cũng cần thấy ở đây tinh thần phản phong của quần chúng lao động, họ muốn đánh thẳng vào bộ mặt đạo đức giả của lễ giáo phong kiến. Sống trong một xã hội mà giai cấp thống trị luôn muốn che đậy cái bên trong đầy xấu xa, đen tối của mình bằng một hình thức hào nhoáng, bóng bảy nên nhân dân lao động đôi khi cố ý bóc trần sự thật của nó như đã vốn có.
Dân ca sinh ra từ cuộc đời trăm đắng ngàn cay nhưng cái đắng cay không sao vùi dập được cái ngọt ngào, vui tươi, lạc quan của con người lao động. Nhân dân lao động là chủ nhân của một kho truyện cười, truyện tiếu lâm vô tận. Họ cũng là chủ nhân của một thể loại dân ca đầy ắp tiếng cười. Cười để cuộc sống thêm vui tươi, phấn chấn, tiếng cười biểu thị trí thông minh, tài ứng tác của người bình dân.
Nghiên cứu hát hò khoan xứ Quảng nói chung và hát xạo nói riêng chúng ta càng thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình của nhân dân mình. Họ dùng tiếng cười để mua vui, giải trí đồng thời để đấu tranh giai cấp và đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội.
Đ.T.H