Người lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu Thủy

19.12.2013

Người lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu Thủy

Ba mươi năm đối với một đời người không dài nhưng với sự tồn tại của một bài thơ là cả một vấn đề. Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn (1982) của Trần Đăng Khoa được biết đến trong khoảng thời gian như thế, nhưng đến hôm nay thi phẩm vẫn còn nguyên nét mới mẻ, hiện đại:

                        Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

                        Bóng đen sẫm như khúc cây khô cháy

                        ………………………………………

                        Để bao giờ cánh lính chúng tôi

                        Cũng có một niềm vui đón đợi

Trần Đăng Khoa là một nhà văn đồng thời cũng là người lính biển, người cầm súng có mặt rất sớm ở Trường Sa - cái giọt máu thiêng liêng dưới ngầu ngầu bọt sóng của Tổ quốc thân yêu. Những tháng năm trải nghiệm cùng đời lính đã hình thành một chiến sĩ- thi sĩ Trần Đăng Khoa dạn dày, bản lĩnh. Anh đã từng tâm sự: “ Không có hình ảnh nào lãng mạn như hình ảnh người lính hải quân trước sóng gió. Nhưng cũng không có hình ảnh nào dữ dội như sự hi sinh của người lính trên biển ”. Đọc những dòng thơ của anh viết về lính đảo và Trường Sa, ta thật thấm thía sự hi sinh cao cả đó.

Đảo Sinh Tồn những ngày nắng nóng, những cơn khát cháy khô cổ họng, những giờ người chiến sĩ ôm súng đợi chờ khắc khoải một cơn mưa… đến với thơ Trần Đăng Khoa thật tự nhiên và thân thương đến lạ. Thế mà, thơ là thơ. Thực tế còn lãng mạn và dữ dội hơn mà người chưa ra biển, không ở đảo thì không thể hình dung được. (Trần Đăng Khoa)

                        Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

                        Bóng đen sẫm như khúc cây khô cháy

Câu thơ mở đầu có tính chất giới thiệu về thời gian, không gian, hoàn cảnh sống của người lính đảo. Ta chú ý trước tiên địa danh Sinh Tồn - một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, cách đất liền 320 hải lí. Hòn đảo chạy dài theo hướng Đông Tây, chiều dài chỉ khoảng 400m, chiều rộng 140m. Cũng như các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn nắng nóng và có hai mùa gió chính: đông bắc và tây nam. Vì đất ở đảo lại là cát và san hô nên việc đào giếng để lấy nước ngầm dù là nước lợ cũng hết sức khó khăn. Tuy chỉ là hòn đảo nhỏ song Sinh Tồn lại có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa.

Từ câu thơ thứ hai, nhà thơ tập trung làm nổi bật điều kiện sống thiếu nước và tâm trạng khát mưa cháy bỏng của người lính hải quân. Sống trên đảo, đối diện thường ngày với sóng, với nước mà lại thiếu nước. Một điều tưởng chừng như phi lí. Song, ai đã từng ra đảo dù chỉ một lần thì mới thật thấm thía nỗi khát khao đến cháy ruột những giọt mưa mùa hạ của con người sống trên hòn đảo khát nước ngọt đó. Người lính hải quân hiện lên trong đoạn thơ đầu chỉ bằng hai nét vẽ: bóng đen sẫm và mắt đăm đăm, cùng một hình ảnh so sánh: như khúc cây khô cháy nhưng cái hiện thực khốc liệt của đời lính được tái hiện sinh động, gần gũi biết bao. Trần Đăng Khoa sáng tác nhiều bài thơ viết về Trường Sa: Cây phong ba đảo Nam Yết, Cô tổng đài hải đảo, Lính đảo hát trường ca trên đảo, Thơ tình người lính biển… Nhà thơ đã từng đề cập nhiều đến sóng gió Trường Sa, về những gian lao mà người lính biển đã trải qua. Nhưng những gian lao ấy không làm con người chìm lấp mà đây chỉ là yếu tố làm nền để Trần Đăng Khoa khắc tạc chân dung lồng lộng, ngang tàng như gió biển của các anh.

Dù người lính đảo có khát khao mong chờ nhưng những cơn mưa vẫn không hề đến, dù rằng dấu hiệu của nó là có thật: ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời.

Khổ tiếp theo của bài thơ tập trung thể hiện tâm trạng của người lính đợi chờ cơn mưa qua những hành động cụ thể:

                        Ôi, ước gì được thấy mưa rơi

                        Mặt chúng tôi ngửa lên như đất

                        Những màu mây sẽ thôi không héo quắt

                        Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên

                        Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền

Niềm khao khát mưa đến khiến nhà thơ bật thốt lên: Ôi, ước gì… Ước gì mưa đến cho thỏa lòng mong ngóng của con người và vạn vật, cho đất đá đỡ cằn khô, cho tâm hồn thêm sức sống mới. Sống giữa biển trời bao la, chan hòa với thiên nhiên kì vĩ, người lính phải trực tiếp đối mặt với nạn thiếu nước ngọt trầm trọng. Để đảm bảo nhu cầu vệ sinh trong những ngày nắng nóng, lính đảo nơi đây phải cạo trọc đầu. Trong Lính đảo hát trường ca trên đảo, Trần Đăng Khoa đã từng ghi lại:

                        Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

                        Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu

                        Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

                        Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

Vì thế có được mái tóc xanh là niềm mong ước của lính đảo Trường Sa: Ôi, ước gì được thấy mưa rơi- Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ. Ý thơ gợi liên tưởng nhiều đến người chiến binh trong kháng chiến chống Pháp tóc không mọc được vì sốt rét ác tính ở thơ Quang Dũng:

                        Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

                        Quân xanh màu lá dữ oai hùm

                        Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

                        Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

                                                            (Tây Tiến)

Dù hai người lính ở hai thời kì, thực hiện hai nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là khí phách anh hùng, bất chấp gian khổ, hi sinh.

Đời lính là vậy, gian lao vất vả nhưng đầy chất thơ. Khắc họa tâm trạng mong mưa đến cháy lòng của lính đảo Trường Sa, Trần Đăng Khoa không hề có ý định tô đậm những khắc nghiệt về hoàn cảnh mà họ phải chịu đựng mà tập trung nhấn mạnh tâm hồn trẻ trung, lạc quan, ý chí vững bền:

                        Rồi khao nhau

                        Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt

                        ………………………………………

                        Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát

                        Như con cá rô rạch nước đón mưa rào

                        Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào

                        Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo

            Sống trong đất liền, hằng ngày ta vẫn vô tình lãng phí nước, khó có thể hình dung ra bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt của người lính Trường Sa. Với họ, nước quý hơn mọi thứ mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị bởi nước ngọt quyết định sự tồn tại của họ. Thường nhật, họ phải đối diện với nỗi lo thiếu nước song tâm hồn người lính vẫn ấm áp những kỉ niệm tuổi thơ. Hình ảnh các cậu bé trụi trần tắm mưa với những tràng cười trong veo của buổi chiều đầu hạ không thể thiếu trong hành trang kí ức của các anh. Mong mưa đến hay các anh đang lật giở những ngày tháng tuổi thơ đầy ắp niềm vui bên gia đình và bè bạn. Mơ mộng và giàu khát vọng là thế nhưng người lính đảo phải trở về với thực tại:

                        Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo

                        Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng

                        Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng

                        Chập chờn bay phía xa khơi…

            Các điệp khúc: Ôi ước gì được thấy mưa rơi, mưa đi… tô đậm nỗi mong chờ đến khắc khoải, nỗi khát khao đến triền miên và dai dẳng trong tâm tư người lính biển. Họ mong ước mưa đến như mong chờ một người thân từ đất liền đến thăm đảo, một cánh thư của người yêu phương xa. Càng ước mong, trí tưởng tượng của họ càng thêm bay bổng. Mưa đang đến với họ dù trong ý tưởng: đầu tiên là ánh chớp xanh (bởi ánh sáng có tốc độ nhanh hơn âm thanh), tiếp theo là sấm sét đùng đùng, tiếp nữa là những giọt giọt rơi. Mưa như trêu ngươi họ, vẫn cứ chập chờn bay phía xa khơi. Đặt mình vào tâm trạng thắc thỏm, mong ngóng của người lính đảo, ta càng thương yêu và khâm phục các anh thêm bội phần. Sống giữa gian khổ nhưng các anh vẫn háo hức một niềm vui đón đợi:

                        Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt

                        Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu

                        Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu

                        Hay mưa bụi… mưa li ti… cũng được

                        Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước

                        Một hạt nhỏ thôi cát cũng dịu đi nhiều

            Cơn mưa thật mỗi lúc một xa vời, còn cơn mưa trong tâm tưởng các anh càng lúc càng gần hơn. Đầu tiên là mưa mãnh liệt, mưa rào, tiếp đến là mưa ngâu, mưa lèm nhèm, và cuối cùng là mưa bụi, một hạt nhỏ thôi… Cách nói giảm dần diễn tả một thực tế khắc nghiệt: không hề có mưa dù người lính có khát khao, có mong đợi đến ngậm ngùi. Các anh chẳng ước gì niềm vui cho riêng mình khi cơn mưa tới mà chỉ mong một giọt nhỏ thôi để xua tan không khí oi nồng, để đảo cát không còn nóng bỏng. Dù kết quả của nỗi mong chờ là không có thật nhưng các anh không hề thất vọng mà luôn nuôi dưỡng niềm tin:

                        Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu

                        Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo

                        Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão

                        Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong nhịp đập trái tim người

                        Như đá vững bền, như đá tốt tươi..

            Ý thơ gợi một liên tưởng thú vị về tên của hòn đảo thân yêu và sự tồn sinh của người lính trên đảo. Cho dù vất vả, gian khó đến mấy, họ vẫn chắc tay súng, canh giữ vùng trời địa phận của đất nước. Và họ cũng như hòn đảo kia vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão. Đến đây, Trần Đăng Khoa đã nhân hóa đá Trường Sa, so sánh người lính đảo với hòn đá ngàn năm, đá vững bền, đá tốt tươi. Những hòn đá vô tri vô giác trở nên có linh hồn, biểu trưng cho sự sống Trường Sa kiên cường, vững chãi. Cảm khái về người lính đảo, Hồ Tĩnh Tâm trong một thi phẩm đã viết:

                        Những người lính đem tình thương hi vọng

                        Xẻ chiến hào trên cát bỏng Trường Sa

                        Giữ lấy chủ quyền thiêng liêng ngoài biển sóng

                        Dù một nhành rong, một mảnh vỏ hàu…

                                                            (Với Trường Sa)

            Trần Đăng Khoa đã dám đem người lính sánh với đá vững bền, những hòn đá thi gan cùng tuế nguyệt. Vật đổi sao dời và thế sự cuộc đời không dịch chuyển được ý chí bền vững, kiên trung của các anh. Bài thơ kết lại cũng bằng nỗi mong chờ đón đợi những cơn mưa. Biết rằng mưa không bao giờ tới nhưng trong tâm tưởng người lính, mưa mãi là nàng công chúa điệu đà, tưởng gần gụi mà hóa xa vời:

                        Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi

                        Mưa yểu điệu như một nàng công chúa

                        Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa

                        Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời

                        Để bao giờ cánh lính chúng tôi

                        Cũng có một niềm vui đón đợi

            Đời lính thật gian khổ nhưng cũng lắm niềm vui. Niềm vui ấy có thể sẻ chia cùng đồng đội từ một lá thư, một mẩu tin nhà, một điếu thuốc, một hớp nước uống chung và cả niềm mong ngóng những trận mưa hiếm hoi trên đảo cát nóng bỏng. Đọc lại bài thơ, ta bỗng thấy lòng rưng rưng dù rằng giọng điệu thơ tếu táo đùa nghịch, hình ảnh thơ không một chút bi lụy, bi quan. Trong đau khổ, mất mát, hi sinh, những chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đảo xa vẫn ấp ủ niềm ước ao lãng mạn mà hiện thực. Chính những ao ước, mơ mộng đó là chất men say để anh vững tay súng, nuôi dưỡng những khát vọng mãnh liệt vượt lên thực tại khốn cùng. Các anh vẫn ấp ủ niềm tin vào một tương lai xán lạn của đất nước như ấp ủ niềm vui được đón đợi cơn mưa.

            Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn là bài thơ mang đậm chất lính. Thi phẩm mộc mạc, giản dị như cuộc đời người lính biển nhưng lại có sức gợi mở sâu xa. Phải chăng thi sĩ gởi gắm điều gì qua việc khắc đậm nỗi mong chờ một cơn mưa trên hòn đảo cháy nắng???

                        Một quần đảo nghìn đời nay vẫy gọi

                        Những cánh chim trời bay đến trú mưa dông

                        Nơi in dấu bàn chân mở lối

                        Của ông cha bao thế hệ sinh tồn

                                                (Hồ Tĩnh Tâm)

            Từ niềm ước mong nhỏ bé, đơn sơ của người chiến sĩ hải quân đóng trên đảo Sinh Tồn, bài thơ cho ta hiểu thêm về hiện thực trần trụi của cuộc sống nơi đảo xa, ý chí và bản lĩnh tuyệt vời của người lính biển sẵn sàng đạp bằng mọi khó khăn. Nếu không có những người lính ăn tuyết nằm sương, sẵn sàng chấp nhận thử thách để canh giữ biển trời thì liệu chúng ta có cuộc sống hòa bình như hôm nay?

            Tận hưởng sự thay da đổi thịt của Tổ Quốc hôm nay, chúng ta không thể nào quên được những tháng ngày gian khổ, hi sinh của những người lính ở mọi miền đất nước nói chung và Trường Sa nói riêng. Vẳng bên tai ta lời Bác dạy ngày nào:  Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Mong rằng những người lính đảo xa luôn mạnh khoẻ, tiếp tục sống xứng đáng với niềm tin của nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vinh quang mà Tổ quốc giao phó. Với chúng ta, Trường Sa mãi mãi là nhịp đập của trái tim mình, bởi nơi ấy có:

                        Quần đảo thân yêu in hình Tổ quốc

                        Từ những bàn chân đi mở đất bao đời

                        Những người lính gắn tâm hồn với đảo

                        Súng đạn hoá nên lời hẹn ước, tuổi xuân ơi

                                                (Với Trường Sa – Hồ Tĩnh Tâm)

 

                                                                                                            N.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Vinh dự từng là chiến sỹ QĐND của Đại tướng - Trần Trung SángMiệt quê - Trần Huy Minh Phương Vật thờ của vương quốc - Nhụy Nguyên Tiếng trưa - Nguyễn Nhã TiênNhững ngày áp thấp - Lê Thanh MyĐường ta đi dài theo đất nước - Nguyễn Thị Thu SươngThơ Nguyễn Hưng HảiLính cũ - Phan Thành MinhKhúc tháng Chạp - Trần Thiên ThịThơ Lê Hoàng LêThơ Trác MộcCuối năm chào núi ta về - Vĩnh ThôngKý ức mùa thu - Nguyễn Đức Phú ThọChiều cuối năm - Đinh Thị Như ThúyTrở lại quê xưa - Nguyễn Đức MinhThơ viết cho con - Mai Hữu PhướcNợ ! - Nguyễn Ngọc NhânCó lẽ… Lê Huy HạnhGiờ học sử - Thanh Trắc Nguyễn Văn Huyền thoại chiến mã - Nguyễn Văn Thanh Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng - Đinh Thị HựuTư liệu địa bạ vùng Đà Nẵng - Đinh Thị ToanKhai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc - NSND Lê HuânVài cảm nhận từ nhiếp ảnh phim đến nhiếp ảnh số - Đặng Đăng KhoaGiấc mộng trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính Hồng CầuNghe Huệ đen độc ca - Nguyễn Thụy KhaHình tượng mẹ Thứ bằng văn học - Lưu Phương ĐịnhNgười lính Trường Sa qua bài thơ “ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN ”của Trần Đăng Khoa - Nguyễn Thị Thu ThủyMỹ thuật Đà Nẵng từ mùa xuân 1975 - Hoàng Đặng