Ước muốn đẹp cho một Đà Nẵng xanh
Con đường Trần Phú xanh, sạch, đẹp. Ảnh Minh Khanh
Trong một lần vào trang facebook do một nhóm bạn trẻ Đà Nẵng tâm huyết lập nên để đóng góp ý tưởng và ý kiến xây dựng thành phố quê hương ngày càng xanh sạch đẹp hơn, tôi được đọc những dòng suy nghĩ rất chân thành và có trách nhiệm của một thành viên, sau hơn 10 năm được về thăm lại quê hương Đà Nẵng đã bộc bạch rằng: “Tôi là một người con xa quê hương Đà Nẵng đã 12 năm rồi. Sau bao nhiêu năm, thấy quê hương của mình càng ngày càng phát triển, thật sự tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, tôi cũng có một số suy nghĩ, tâm tư trong những lần về thăm lại quê hương. Đà Nẵng bây giờ đẹp lắm, nhưng sao vẫn thấy thiếu bóng dáng cây xanh và các vườn hoa quá, còn rất ít những hàng cây cổ thụ che mát cho đường phố. Quỹ đất Đà Nẵng vẫn còn, tại sao không cho xây dựng những công viên có quy mô nhỏ thôi, hay đơn giản chỉ là các vườn hoa, nó sẽ là điểm nhấn xanh cũng như là giảm bớt sự ngột ngạt của các công trình cao tầng đang ngày ngày hình thành bên trong lòng thành phố của chúng ta. Vẫn biết, mưa bão triền miên, có trồng cây lên, sau mùa bão lại đổ, nhưng thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo thành phố cũng nên có những biện pháp để thành phố Đà Nẵng không chỉ hiện đại mà còn phải xanh và thân thiện với môi trường”. Một bạn trẻ khác thì đi vào cụ thể hơn khi nói rằng: “Hiện tại, em thấy trên địa bàn thành phố nhiều dự án đã treo nhiều năm, những lô đất vàng ở trung tâm thành phố cả chục năm không thi công. Khi bị thanh tra nhắc nhở thì lại xây được một thời gian rồi lại bỏ hoang gây mất mỹ quan đô thị, có chỗ còn để ngập úng sinh ruồi muỗi và rắn rết. Từ những lý do trên sao không cho trồng cây xanh lên những địa điểm đó vừa cải tạo cảnh quan vừa có không khí trong lành cho thành phố. Chủ đầu tư không thi công thì chí ít nên tạo một chút giá trị gì đó cho thành phố chứ như vậy quá lãng phí tài nguyên đất đai. Mong đến kỳ Hội đồng nhân dân mong anh nói giúp tiếng nói của một số người dân…”. Những lời bộc bạch trên, theo tôi là rất đáng suy ngẫm và nhìn nhận một cách nghiêm túc, nhất là đối với những nhà quy hoạch, quản lý đô thị.
Nếu là người ở Đà Nẵng từ những năm tháng khi thành phố còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thì sẽ cảm nhận được sự thay da đổi thịt rõ rệt và những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển đô thị của Đà Nẵng, đặc biệt là hạ tầng đô thị đã có những bước phát triển rất ấn tượng, được cả nước quan tâm và học tập. Riêng về mảng xanh của thành phố, tuy có nhiều cố gắng trong “xanh hóa” đô thị trong những năm qua, nhưng quả thật là Đà Nẵng vẫn còn thiếu nhiều những “điểm nhấn xanh” cụ thể là các công viên, thảm cỏ, vườn hoa trong thành phố. Có thể do Đà Nẵng nằm trong vùng xanh của núi rừng Sơn Trà, Hải Vân…, của biển, của sông mà người ta ít thấy được một cách rõ nét sự thiếu hụt về “không gian xanh” của thành phố. Nhưng về vườn hoa, công viên thì quả là quá thiếu, chưa nói là còn khá đơn điệu. Hơn 47 năm sau giải phóng và hơn 25 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì Đà Nẵng vẫn chỉ có một Công viên 29 tháng 3, nhưng vẫn chưa ra dáng một công viên xứng tầm đối với một thành phố lớn thứ 3 cả nước, và hiện tại công viên này cũng chỉ do cấp quận quản lý. Mới hơn thì có Công viên Thanh niên tuy rộng rãi nhưng đơn điệu và khá buồn tẻ. Quy mô nhất có lẽ là Công viên châu Á phong phú, sắc màu nhưng chủ sở hữu lại là một tập đoàn tư nhân đầu tư chứ không phải là công trình “chính gốc” Đà Nẵng. Đó là chưa kể còn quá thiếu các công viên, vườn hoa, tiểu cảnh ở các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ quan…những công trình rất cần có của một đô thị văn minh và hiện đại.
Bên cạnh đó, chuyện trồng cây lộn xộn trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường có mặt cắt 7.5m trở xuống, cũng còn nhiều điều phải bàn như: Quy định về chủng loại cây đô thị được trồng, hạn chế trồng và không được trồng; việc xử lý các vi phạm vẫn chưa được tiến hành, người dân muốn trồng cây gì thì trồng; lúng túng khi tìm mua giống cây, phân bón chuyên dùng, xử lý sâu bệnh... Đáng nói là còn nhiều tuyến đường trong các khu dân cư, chưa được các ban quản lý dự án bàn giao cho cơ quan chủ quản là Sở Xây dựng để quản lý nên cây trồng lộn xộn về chủng loại, về mức độ sinh trưởng…vẫn còn khá phổ biến. Nhiều khu đất chưa sử dụng thì bị bỏ hoang, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng có thời hạn việc trồng hoa hoặc làm nơi trưng bày cây cảnh… Ngoài ra, khi mùa mưa bão đến gần, theo quy định “đến hẹn lại lên” công nhân của Công ty Công viên - Cây xanh tiến tiến hành tỉa cây chặt cành. Nhiều cây cổ thụ lại bị cắt cụt ngọn, trơ trụi giữa trời xanh trông rất phản cảm…
Xã hội hóa trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, vẫn là một chủ trương cần được đẩy mạnh và đi vào thực chất, tránh làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” và làm theo kiểu hô khẩu hiệu, phát động tuần lễ này, tháng hành động nọ rầm rộ mà không mang tính bền vững. Bên cạnh đó, cần tận dụng những khoảnh đất, rẻo đất để bố trí những vườn hoa, tiểu cảnh để tăng cường mảng xanh và đẹp trong các khu dân cư. Tiếp tục quy hoạch, xây dựng các công viên, vườn hoa mini để người dân có không gian thư giãn dạo mát, tập luyện thể dục thể thao, không nên quá ưu tiên đất để chia lô, hợp thửa. Nhiều lô đất đang bỏ hoang nên được lấp đầy bằng hoa, cây cảnh để tạo cảm giác ở đâu trong thành phố cũng gặp màu xanh của lá, nét rực rỡ của hoa….
Thành phố khang trang như ngày hôm nay là công sức trí tuệ của Đảng, Chính quyền, các ban ngành và đông đảo người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, chúng ta không thể tự mãn với những gì có được mà còn phải cố gắng quyết tâm nhiều hơn nữa để xây dựng một Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp, và trọn vẹn đúng nghĩa. Toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách đồng bộ và liên tục, bài bản từ chủ trương đến biện pháp từ thành phố đến cơ sở và đến mỗi người dân. Đồng thời, cần quan tâm học hỏi về việc “xanh hóa đô thị” của các nước trong khu vực và cả ở các tỉnh thành bạn sau những lần đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trong những năm qua. Có như vậy, những trăn trở của những bạn trẻ kia và rất nhiều người yêu Đà Nẵng mới được giải tỏa và trả lời một cách thuyết phục.
D.D.H