Người đàn bà đi tìm câu hát cho riêng mình
Ai về thành phố bên sông Hàn, tìm hiểu đời sống âm nhạc nơi đây, chắc sẽ không quên hình ảnh nữ nghệ sĩ Thu Thủy. Chị xuất hiện khá thường xuyên trong những chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng với tà áo dài thướt tha cùng người bạn thường trực bên mình: cây đàn ghi-ta.
Thu Thủy là nghệ sĩ đa tài, không chỉ trong vai trò là tác giả của hơn 140 ca khúc, chị còn là người dẫn chương trình (MC) cho các chương trình giới thiệu sách của bè bạn, có khả năng sáng tác thơ, tự viết lời và thể hiện luôn những khúc nhạc mình vừa viết xong. Hằng năm, kỉ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chị cùng Phòng Văn hóa Thông tin quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) tổ chức đêm nhạc để tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa. Đã 14 lần, chị lặng thầm làm đạo diễn, MC và ca sĩ cho chương trình này. Tuy không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng giọng hát giàu nội lực của Thu Thủy khiến những khúc nhạc Trịnh thêm lắng sâu, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Đà Nẵng.
Với 6 album ra đời, nhạc sĩ Thu Thủy đã khẳng định sự đóng góp của mình cho Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng. Được biết, Thu Thủy vốn là một cô giáo, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ. Gia đình chị có truyền thống yêu nghệ thuật, cha và cậu am hiểu kỹ lưỡng về âm nhạc và văn chương. Từ bé, chị đã được nghe nhạc, khám phá kho sách tại gia và được đào tạo âm nhạc tại Nhà Dòng Thánh Tâm (Đà Nẵng). Vì lẽ đó, âm nhạc đã ngấm vào máu thịt khiến chị có khả năng thẩm âm cao. Nhưng cha chị không hướng chị vào trường nghệ thuật mà chỉ muốn con gái coi âm nhạc là một món quà, một sân chơi. Riêng với Thu Thủy, âm nhạc là thế giới song hành với đời sống hiện thực và chị thường nói chơi với bạn bè rằng chị may mắn hơn mọi người vì có một nơi chốn để nương náu những lúc vui buồn đó là âm nhạc. Lắng nghe chùm ca khúc của chị trên Youtube, tôi say đắm với ca từ trong nhạc chị. Nếu giai điệu trong các ca khúc của Thu Thủy tạo nên sự dìu dặt thiết tha thì ngôn từ lại lắng sâu và đọng lâu trong tâm hồn thính giả. Là người tha thiết với văn thơ nên khi viết nhạc, Thu Thủy luôn chú trọng ca từ. Dù với thể loại nhạc nào, blues, jazz hay pop rumba, ballade… ca từ trong khúc nhạc của Thu Thủy vẫn quyến dụ người nghe nhất là khán giả lớn tuổi.
Theo nhạc sĩ Thu Thủy, con đường sáng tác vô cùng gian nan mà ở đó người nghệ sĩ không ngừng trau dồi, học hỏi. Thần tượng của chị là các nhạc sĩ có dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam như: Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên… Dòng nhạc chị đang đeo đuổi ảnh hưởng rất lớn từ những tên tuổi đó. Thu Thủy luôn trăn trở làm thế nào tìm cho mình một lối đi riêng, để không lặp lại phong cách của người đi trước. Trong quá trình học hỏi và tự hoàn thiện cùng với tinh thần cầu tiến, Thu Thủy đã vượt lên chính mình và trở thành một nữ nghệ sĩ với “cái tôi” riêng, nơi chị dấn thân thật nhiều thử thách và cũng thật cô đơn. Dù bận rộn với thiên chức người phụ nữ của gia đình nhưng chị vẫn dành thời gian quan tâm đến âm nhạc đương đại, nghe nhiều ca khúc hiện nay, chị nhận ra độ chênh giữa nhạc và lời, khả năng làm nhạc của cây bút trẻ đạt trình độ cao nhưng ca từ chưa được chú ý gọt giũa. Theo chị, để có một sáng tác hay, cần phải có sự cân phương giữa nhạc và lời. Và đó cũng là lí do các nhạc sĩ thường săn tìm những thi phẩm hay để phổ nhạc.
Tình khúc Thu Thủy thường có lối kể chậm rãi, trữ tình, câu kết của mỗi bài (câu coda) thường là những đúc kết, chiêm nghiệm về nhân sinh. Tôi thích lối mở trong âm nhạc chị, cách hóa giải trong ca từ của chị thật tinh tế, giàu triết luận: Im lặng để lắng nghe/ nhịp thời gian cọc cạch sang mùa/ Để lắng nghe khổ… nỗi khổ ngọt ngào (ca khúc Lặng im). Nhạc Thu Thủy buồn dịu nhẹ nhưng không sầu não, bi lụy, mặc dù chị thường đặt nhan đề cho ca khúc nghe có vẻ tiếc nuối, buồn thương: Người đàn bà nhặt đêm, Khắc khoải đêm, Vực trầm, Khúc tình trầm, Thương đời lận đận, Tìm đâu dư âm xưa, Khúc ru mình, Lạc mùa… Trong cả trăm ca khúc của chị, đề tài tình yêu xuất hiện đậm đặc nhất, bởi một khi âm nhạc chạm vào được những nỗi niềm thầm kín nhất trong tâm trạng con người thì sẽ hút hồn khán giả và trường tồn bất chấp quy luật nghiệt ngã của thời gian.
Tôi chú ý nhiều đến ca khúc Giữ mặt trời trong ta, chị viết giữa đại dịch Covid-19, đây cũng là tác phẩm đạt giải B của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2020. Một ca khúc với giai điệu bay bổng niềm lạc quan, yêu đời dù ở thời điểm này cuộc chiến chống đại dịch vẫn còn nhiều gian khó. Thu Thủy đã bẩy ca khúc lên khi dùng điệu thức thứ giai điệu, xử lí hợp âm La thứ. Thông điệp chị gửi gắm nằm ở hình ảnh biểu tượng mặt trời và chất chứa trong câu từ nhưng rõ nhất là ở hai câu cuối bài nhạc: Xin giữ mặt trời trong ta/ Xin giữ tình người trong nhau. Thật vậy, cho dù cuộc đời vẫn còn đó những chông gai nhưng khi ta có nhau, tình người sẽ thắp sáng xua tan đi mọi u ám, cho ta sức mạnh để vượt lên tất cả.
Quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng là mảng đề tài được âm nhạc Thu Thủy khai thác khá nhiều. Chị đã từng nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II (2009-2013), chuyên ngành âm nhạc với chùm ca khúc Hương tình đất Quảng (gồm các ca khúc: Hoài niệm Hội An, Bồng bềnh nguồn xưa, Nỗi nhớ tháng ba, Chiều cuối năm nhớ mẹ…).
Đà Nẵng - thành phố đầu biển cuối sông hiện lên qua nhạc Thu Thủy với Nắng sông Hàn, Một chiều qua phố, Chiều trên phố mong chờ, Sông Hàn ngày trở lại… Dù nhạc Thu Thủy tha thiết một tình yêu đối với nơi mình sinh ra nhưng sáng tác của chị ở đề tài này vẫn phảng phất buồn, tiếc nhớ, ngay cả ở những bài có giai điệu vui tươi: Một chiều qua phố/ Bỗng dưng thấy buồn (Một chiều qua phố). Một sáng tác về xuân trên quê hương với giai điệu tươi vui hiếm gặp của Thu Thủy đã từng nhận giải ca khúc năm 2019 của Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng là Nồng nàn xuân: Em xinh tươi như mùa xuân xuống phố/ gieo hân hoan lòng rộn ràng/ câu yêu thương như nụ hoa hé nở/ bàng hoàng yêu cuộc đời này/ một mùa xuân cho em màu mắt thật nồng nàn…
Sau mấy chục năm lặng thầm sáng tác, nữ nghệ sĩ Thu Thủy đã khẳng định chỗ đứng của mình trên “sân chơi” âm nhạc thành phố Đà Nẵng bằng một cá tính riêng qua thể loại nhạc trữ tình. Nhưng với người nhạc sĩ không hề bằng lòng với chính mình như Thu Thủy, con đường đang đi vẫn còn dài, dài lắm, phải luyện đôi chân thật dẻo dai để tiếp tục dấn bước: Người đàn bà long đong/ đi tìm/ Tìm trong miệt mài/ Câu hát cho riêng mình (Khắc khoải đêm)…
N.T.T.T