Truyện Kiều - hành trình từ chữ Nôm sang tiếng Pháp

06.08.2022
Vân Trình

Truyện Kiều -  hành trình từ chữ Nôm sang tiếng Pháp

Bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes, 1943.

Xưa nay, ở nước ta, từ thành thị đến nông thôn, từ người ít học đến bậc đại trí thức, tất cả đều mến mộ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Dân gian từng có câu: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo, ngâm nôm Thúy Kiều”. Các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, tinh hoa của ngôn ngữ tiếng Việt như được tụ hội vào cả Truyện Kiều với những cách chơi chữ, nói lái, nói láy, điệp ngữ, đảo ngữ, hoán dụ, ẩn dụ, ngoa ngôn... Năm 1953, Hiệp hội biên soạn Tự điển và Bách khoa toàn thư của Cộng hòa Pháp đã trân trọng đưa tác phẩm Kim Vân Kiều (tức Truyện Kiều- NV) vào bộ tự điển Dictionnaire des oeuvres de Tous les Temps et de Tous les Pays (Các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở). Bộ tự điển này gồm 4 tập, khổ sách 22 x 30 cm, dày trên 3.000 trang.

Bản dịch Truyện Kiều độc đáo

Bản dịch Truyện Kiều đầu tiên sang tiếng Pháp vào năm 1884 là của một người Pháp - Abel des Michels (1833 - 1918), cử nhân Luật, bác sĩ tại các bệnh viện Paris. Ông cũng là giảng viên tiếng Việt đầu tiên tại Trung tâm Ngôn ngữ Đông phương.

Còn người Việt đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp chính là học giả, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936). Suốt 30 năm hoạt động văn học của đời mình (1906 - 1936), ông đã dịch đi dịch lại Truyện Kiều ra tiếng Pháp nhiều lần. Đến năm 1943, sau khi ông mất 7 năm, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes in thành sách, với tựa Kim Vân Kiều, 346 trang, phần giới thiệu, các lời chú giải, chú thích được sử dụng bằng tiếng Pháp, trong sách có một số tranh vẽ minh họa.

Nét độc đáo của bản dịch trên là khác với nhiều dịch giả trong và ngoài nước, trước khi dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt (chữ Quốc ngữ) ra tiếng Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã lao tâm khổ tứ trong việc chuyển tải tâm hồn của đại thi hào Nguyễn Du đến với hậu thế, khi dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Trong bài Tựa cuốn Kim Vân Kiều (in năm 1915), ông nói rõ: “Cả nước Nam duy có truyện Kim Vân Kiều là truyện hay. Văn chương thế mới thực là Văn chương! Ngâm đi, ngâm lại, mà không bao giờ biết chán, ấy mới là cái thần tình câu văn. Kể các truyện Nôm của ta thì bao nhiêu là truyện, nhưng mà không có truyện nào, cốt tầm thường như thế, mà nên được những câu tuyệt diệu, tả được những cảnh não nùng, tính tình con người ta giãi bày ra một cách rất sâu sắc… Ví trong nước Nam ta, mà bao nhiêu người ngâm truyện Kiều, hiểu được cả truyện Kiều, thì thực là một nước biết yêu, biết thương nhau, biết sống làm người một cách êm ái quá… Nay chúng tôi dịch truyện này ra chữ quốc ngữ, có ý tra cứu các bản từ xưa đến giờ, để dịch cho đúng mà lưu lại một cái nền văn chương nước Nam. Các điển tích cùng các câu khó chúng tôi đã chua ra, để ai ai cũng hiểu những câu sâu sắc trong truyện Kiều; để mà biết thực giá một cái hương hỏa quí của người đời trước để lại cho; để mà ngâm câu truyện biết nghĩa lý, thì lòng người mới biết động”.

Cũng với tâm thế như vậy, Nguyễn Văn Vĩnh bỏ nhiều công sức dịch Truyện Kiều từ chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp chính là muốn giới thiệu với nước Pháp và thế giới về ngôn ngữ tiếng Việt và văn học Việt Nam. Nhà nghiên cứu Thu Trang, trong bài Nguyễn Văn Vĩnh, một dịch giả uyên bác, cho hay: “Ông (Nguyễn Văn Vĩnh - NV) đã biên dịch văn bản của Nguyễn Du kèm những phần chú thích và bình luận thật khúc chiết và thông minh bằng Pháp văn. Đồng thời ông cũng diễn nghĩa những vần thơ cổ Hán văn, giải đáp những thành ngữ trong thơ, văn hoặc phong tục Trung Quốc, Việt Nam từng thời đại một cách rõ ràng, minh bạch. Những gì ông nghi ngại thì cũng tỏ thái độ, chính vì vậy độc giả cảm nhận sự thận trọng từng câu, từng chữ của tác giả. Còn đối với độc giả Pháp thì phần dịch, tuy chỉ khuôn vào tác phẩm Kiều, nhưng khi đọc những lời chú thích và bình giải của ông, là có thể nắm bắt được khá nhiều về phong tục, cách xử thế, phong cách sống... nói chung là bản sắc dân tộc của người Việt”.

Theo Hoàng Tiến, tác giả bài viết Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây, cách dịch Kiều của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh rất khác lạ. Có thể nói, đó là sự giảng tiếng Việt bằng tiếng Pháp cũng không sai. Ông dịch từng tiếng một (mot à mot). Rồi dịch cả câu, cốt làm rõ nghĩa, không phụ thuộc vào từ và điệu. Sau mỗi đoạn đều có giảng nghĩa và ghi chú rất công phu (Notes et Commentaires).

Đơn cử ở đoạn thơ: Ngày xuân con én đưa thoi,/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi./ Cỏ non xanh tận chân trời,/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Ông dịch từng chữ: Ngày (jours) xuân (printemps) con (unité d’animaux) én (hirondelle) đưa (pousser, conduire, se mouvoir) thoi (navette). Thiều quang (clartes sereines) chín (neuf) chục (dizaines) đã (déjà) ngoài (hors, dehors, dépasser) sáu mươi (soixantes). Cỏ (Herbe) non (jeune, tendre) xanh (vert, verdir) tận (jusqu’à, finir, à l’extrémité) chân (pied) trời (ciel). Cành (branches) lê (poiriers) trắng (blanc) điểm (tachetées) một (un) vài (deux) bông (houppes, unités de fleurs, fleurs par extension) hoa (fleurs).

Rồi dịch cả câu: Les jours du printémp passerent, rapides comme l’hirondelle poussant la navette./ Des quatre-vingt-dix beaux jours du printemps, on était déjà au - delà du soixantième./ Le tapis vert d’herbe tendre s’étendait jusqu’à l’extrême horizon./ Les branches de poiriers étaient de blanc - tachetées par quelques fleurs.

Ấn tượng đặc biệt

Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến (Nhà sách Khai trí, Sài Gòn), nhà thơ, nhà văn Nguyễn Vỹ nhận định: “Sự nghiệp lớn lao nhất của ông (Nguyễn Văn Vĩnh - NV) là dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Pháp văn (dịch và chú giải), và dịch bộ truyện Les Misérables của Victor Hugo ra Việt văn. Ảnh hưởng và uy tín của Nguyễn Văn Vĩnh mạnh mẽ nhất trong giới trí thức Việt và Pháp thời bấy giờ, là do hai bộ sách dịch này. Người Pháp hiểu được Truyện Kiều là nhờ bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh”.

Với nhiều nét độc đáo, bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh được nhiều dịch giả nước ngoài lựa chọn để chuyển ngữ Truyện Kiều. TS Đoàn Lê Giang (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, nhà văn Nhật Bản Komatsu Kyioshi từng du học Pháp, là dịch giả văn học Pháp. Trong một lần đến nhà người bạn là Nguyễn Giang - con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông Giang nói với Komatsu rằng, muốn hiểu về văn học Việt Nam phải đọc Kiều và đưa cho ông cuốn Truyện Kiều - bản dịch tiếng Pháp của cha mình. Komatsu đọc và say mê vô cùng, bắt tay vào dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật năm 1942. Trong lời tựa của cuốn sách Kim Vân Kiều bằng tiếng Nhật, tác giả đã tâm sự: “Cái gọi là kỳ duyên thì thường không chỉ có một. Người chỉ cho tôi biết sự tồn tại của Kim Vân Kiều là Nguyễn Giang, còn người dịch tác phẩm này ra tiếng An Nam hiện đại tức là Quốc ngữ, rồi lại dịch ra tiếng Pháp một cách khéo léo hiếm có là thân phụ của anh: một dịch giả nổi tiếng, một tác gia lớn của văn học An Nam hiện đại - Nguyễn Văn Vĩnh”. Khi Kim Vân Kiều ra mắt, người Nhật rất yêu thích. Một năm sau tác phẩm tái bản. Năm 1948 tái bản thêm một lần nữa. Có thể nói đây là bản dịch được dịch và được tái bản trong thời gian rất ngắn.

Lời văn và kiến thức toàn diện của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh qua bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp (Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes,1943) cũng gây ấn tượng đặc biệt cho nhà báo Cộng hòa Dân chủ Đức Franz Faber. Ông tâm sự: “Mang sẵn trong lòng mình những xúc động về con người và đất nước Việt Nam, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc Truyện Kiều. Và suốt một thời gian dài, không biết bao lần, tôi cứ bồi hồi xao xuyến không nguôi. Chính trong thời điểm ấy, tôi quyết định tìm hiểu sâu sắc tác phẩm này và sẽ dịch nó ra tiếng Đức”. Năm 1964, nhà báo Franz Faber đã cho ra đời cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Đức đầu tiên.

V.T