Miếu Ông, miếu Bà ở Phước Nhơn, Phước Thái - Lưu dấu văn hóa Chăm trong câu chuyện kể

06.08.2022
Đinh Thị Trang

Miếu Ông, miếu Bà ở Phước Nhơn,  Phước Thái - Lưu dấu văn hóa Chăm trong câu chuyện kể

Miếu Ông, miếu Bà tọa lạc bên bờ sông

Chúng tôi ngược phía Tây Đà Nẵng lên huyện Hòa Vang vào một ngày nắng oi ả. Thường ở một chỗ cuồng chân nên tôi thường có những buổi khảo sát di tích vào cuối tuần khi thời tiết thuận lợi. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã đến được 2 ngôi miếu cổ tọa lạc trên con đường lên thôn Phước Nhơn, xã Phước Thái, huyện Hòa Vang.

Dân ở làng này cho biết, một miếu trong hai ngôi miếu thờ Bà Thiên Y A Na. Vậy bà Thiên Y A Na là ai? Theo các nhà nghiên cứ thì nữ thần Thiên Y Ana còn gọi là Pô Inư Nagar (tiếng Chăm gọi ngài, là ; inư là mẹ; nagar là xứ sở, đất nước hay đô thị). Bà được xem là Thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Có thể trong quá trình người Việt trong cuộc hành trình tiến về phương Nam mở cõi vào định cư trên mảnh đất Đà Nẵng đã tiếp nhận và thờ phụng bà. Có nhiều truyền thuyết, thần tích kể về bà. Thiên Y Ana được người Chăm xem là Thần Mẹ xứ sở của mình. Theo thời gian, sự biến đổi từ Mẹ xứ sở/Pô Inư Nagar của người Chăm thành bà Diễn Ngọc Phi Chúa Ngọc (hay Bà Chúa Ngọc) của người Việt để dễ dàng trong việc tiếp nhận và thờ cúng, cũng như cầu mong, nguyện ước. Dưới thời nhà Nguyễn, Bà được phong tặng danh xưng bằng mỹ tự: “Hồng Nhân Phổ Tế, Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

 

Sự tích về Bà được chép trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn như sau: “Tương truyền Thiên Y là một nàng Tiên, ban đầu giáng xuống núi Đại Điền. Thuở ấy có hai vợ chồng ông già ở sườn núi, trồng dưa để sinh sống. Khi dưa chín thường bị hái trộm, ông lấy làm lạ để ý rình. Một đêm nọ, ông thấy một cô gái, độ 13, 14 tuổi từ bóng cây khoan thai đi đến, cầm dưa vần chơi ở dưới bóng trăng. Ông đón lại gạn hỏi, thì ra chính là người đã hái trộm dưa hôm trước. Ông thương cô gái còn nhỏ  nhưng rất xinh bèn đem về nuôi. Cô gái dịu dàng tha thướt, là người của trời sinh nên hai ông bà rất thương yêu. Ngày nọ, mưa lũ bỗng tràn đến, cô gái sực nhớ phong cảnh cũ ở núi Tam Thần, liền kiếm cây hoa, chất mảnh đá đắp làm núi giả để chơi. Ông già thấy vậy, bực tức la mắng. Đang lúc cô gái oán hận thì có cây già nam trôi theo nước lũ đến đó, bèn biến hình nhập vào thân cây ấy, rồi trôi theo nước lũ giạt vào bờ biển phương Bắc. Người phương ấy thấy cây thơm lạ, rủ nhau khiêng về nhà, nhưng nặng quá không nhấc lên nổi. Lúc bấy giờ, vị Thái tử nước ấy nghe nói, bèn đến bờ biển xem, rồi xuống vớt cây nâng lên tay, đem về để nơi điện các.

Thái tử khi ấy vừa 20 tuổi, chưa có vợ, thường ngày đến vỗ về thân cây, trong lòng bồi hồi vơ vấn. Có khi chợt thấy bóng trắng thoang thoảng mùi thơm, trông lờ mờ như có người đi thoáng đến, nhiều lần như thế, trong lòng lấy làm lạ. Đêm nọ, sau khi mọi người đều yên giấc, Thái tử đi đến chỗ cũ rình xem thì cũng lại thấy như đêm hôm trước, liền đi sát đến tận nơi, thì ra là một cô gái đẹp. Nàng hoảng hốt muốn chạy trốn, nhưng bị Thái tử giữ lại gạn hỏi, không thoát thân được, cô đành phải kể lại duyên cớ. Thái tử nửa sợ nửa mừng, tâu lên vua cha. Vua sai bói được quẻ tốt, bèn cho cùng nhau kết hôn. Vợ chồng ăn ở với nhau được ít lâu, sinh được một con trai đặt tên là Tri, và một con gái tên là Qui.

Một hôm bà nhớ nơi ở cũ, bèn dắt con trai con gái nhập vào cây gỗ hương, vượt biển theo hướng Nam, thẳng đến cửa biển Cù Huân, rồi tìm về chỗ cũ tại ven núi Đại Điền. Đến nơi thì hai ông bà trồng dưa đã mất rồi, bà bèn lập đền tại chỗ ấy để phụng thờ.

Thấy dân làng ở vùng này khờ dại thật thà không biết việc sinh nhai và phòng hoạn nạn, bà bèn dạy cho họ những phép tắc và bày cho cách làm ăn. Bà lại cho đục đá ở núi Cù Lao làm bức tượng truyền thần, rồi đương lúc ban ngày, bay lên trời đi mất.

Sau khi bà về Nam, Thái tử ở Bắc Hải không biết bà đi đâu, bèn sai người đáp thuyền đi tìm. Khi bọn này đến Cù Huân, thì giở giọng hách dịch hà hiếp dân sở tại và không kính trọng tượng Thần. Tức thì, thình lình nổi trận cuồng phong làm cho chiếc thuyền chở bọn đó bị lật úp xuống, hóa thành một đống đá to.

Từ đấy về sau, bà càng hiển linh. Có khi cưỡi voi trắng đi dạo trên đỉnh núi. Mỗi khi bà xuất hiện, nghe trong núi có ba tiếng nổ vang như súng lớn; có khi bà hiện hình như giải lụa bay giữa không trung; lại có khi bà cưỡi sấu qua lại trong vùng đảo Yên núi Cù. Dân địa phương ngưỡng vọng, cho là Thần, có cầu khẩn việc gì thường được ứng nghiệm, bèn xây hai ngọn tháp trên núi Cù Lao… Người Chiêm Thành gọi bà là Ana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi. Buổi đầu triều ta, phong tặng bà là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần”.[1]

Ngoài ra, còn có nhiều truyền thuyết khác về nữ thần Thiên Y Ana, chẳng hạn người Chăm cho rằng: “Pô Inư Nagar là một nữ thần do ánh mây và bọt nước biển biến sanh. Bà sinh ra với một tấm thân cân đối, một khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời và chói rọi hào quang. Bà sinh ra tận ngoài biển khơi. Nước biển dâng cao đưa bà vào bến Yjatran. Sấm trời và gió hương nổi dậy báo cho muôn loài biết tin Bà giáng thế. Liền đó những khe suối trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống mừng Bà, và núi hạ mình thấp xuống để đón rước Bà. Bà bước lên bờ. Cây cong cành xuống sát đất để tỏ lòng thần phục. Chim muông kéo nhau đến chầu hai bên đàng. Và hoa cỏ vươn lên để điểm hương vào bước chân Bà đi. Nơi hậu cung bà có 97 ông chồng. Nhưng chỉ có ông Pô Yan Amư là có uy quyền và được trọng vọng hơn cả. Bà sanh được 38 nữ thần, người nào cũng xinh đẹp. Song chỉ có ba người được Bà ban cho nhiều quyền phép là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih, nữ thần vùng Phan Rang và Pô Bia Tikuk, nữ thần vùng Phan Thiết”. Chính vì vậy mà trong một bài hát của người Chăm đối với vị thần Mẹ xứ sở của mình đã ca ngợi: “Thần có tên là Pô Yan Inư Nưgar Taha, nữ thần vĩ đại của xứ sở. Thần có tên nữa là Muk Juk (Bà Đen), là Patao Kumây (chúa tể của phụ nữ). Thần sinh ra từ mây và bọt biển. Thần có 97 chồng, mà nổi tiếng nhất là Pô Yan Amư (ngài thần cha). Thần sinh ra 38 con gái. Thần sinh ra cây lúa, phù hộ cho những người làm ruộng”.[2]

Từ đó có thể nói rằng, nữ thần Thiên Y Ana là vị nữ thần bản địa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Trải dài theo thời gian, vị nữ thần người Chăm đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt trên vùng đất mới. Giữa họ có sự giao thoa, tiếp nhận qua lại giữa các yếu tố văn hóa phù hợp giữa hai tộc người Việt - Chăm, Chăm - Việt cho dù những vùng đất mà sau này khi người Chăm rút dần vào phía Nam, người Việt đến khai phá vẫn bảo lưu những tín ngưỡng văn hóa dân gian của họ và được Việt hóa, thể hiện sự thờ kính, giữ gìn, tôn trọng sự linh thiêng của thần, trong đó có dân làng Phước Thái, thành phố Đà Nẵng.

Tại thôn Phước Thái, có hai ngôi miếu thờ nằm sát nhau, một miếu là thờ Bà Thiên Y A Na, một miếu là thờ ông. Ông nào thì họ không biết. Theo chúng tôi thì có thể đây là miếu thờ Ông Cậu - con trai của thần Thiên Y Ana (?).

Miếu Bà - Ngôi miếu được lưu truyền nhiều câu chuyện tâm linh

Ông Lê Kỉnh - một bô lão ở (tổ 2 thôn Phước Nhơn, xã Phước Thái, huyện Hòa Vang) cho biết: Miếu Ông Bà ở làng này đã có từ lâu lắm rồi, từ hàng 3,4 thế kỷ trước. Hai ngôi miếu này ngày xưa nằm bên bờ sông nhưng sau sông xâm thực, sụt lún nên nhân dân trong vùng dời lên phía trên này. Hai ngôi miếu này thờ Bà Thiên Y A Na và Ông thần. Theo trí nhớ của ông thì ông bà lưu truyền nhiều huyền tích về vị nữ thần của ngôi miếu này. Ngày trước, miếu còn nằm ngoài bờ sông, nơi có con đường làng ngang qua. Có một bà nọ hàng ngày đi chợ đều đi qua miếu, ngày xưa mấy bà thường đội thúng đựng vài món đồ ra chợ. Thế là có cô đi chợ về đội thúng thấy nặng, không hiểu sao về đến nhà thì có một cái đầu bò trong thúng. Tối đó bà về báo mộng rằng đi qua miếu phải cúi đầu, nếu còn không biết ngưỡng vọng bà sẽ còn trách phạt. Sau này khi sông lấn vào bờ, ngôi miếu có nguy cơ sạt lở, bà về báo mộng cho người làng dời miếu vào bên trong bà phù hộ cho không thì trôi hết cả làng. Sau đó dân làng mới dời miếu về vị trí như ngày nay.

Dân làng Phước Thái còn lưu truyền một sự linh ứng về bà như sau: Thời Pháp thuộc, có một ông quan Pháp cưỡi ngựa đi qua miếu mà không chịu xuống ngựa. Bà khiến con ngựa hất ổng xuống và con ngựa quỳ phủ phục trước miếu. Rồi có chuyện khác cũng kỳ lạ là có ông không tin vào sự linh hiển của bà, một hôm đi qua miếu nói tục, xúc phạm đến bà. Thế là về tự nhiên dương vật bị đau nhức và đi nhà thương thì không chữa được. Mấy ngày sau thì chết. Từ đó, người dân càng tin vào điều tâm linh: “có kiêng có lành”.

Hàng năm, tại hai ngôi miếu này, người dân địa phương tiến hành cúng tế thành kính theo nghi lễ tế thần truyền thống vào dịp Xuân Thu nhị kỳ. Phần nghi lễ tế Bà trong các lễ cúng gồm: Lễ tế Âm linh, Lễ Cáo, Lễ Chánh. Ba năm một lần người ta tổ chức đại lễ. Lễ vật dâng cúng gồm hương hoa, áo giấy, đồ ăn chay và đồ ăn mặn, có nơi thì cúng heo quay, có làng thì cúng cả con bê. Lễ do ông chánh tế và các học trò lễ thực hiện: sau khi tẩy uế, xin keo thì dâng lần lượt từng mâm lên bàn thờ.

Vào ngày lễ vía Bà, ngày 4/5 Âm lịch hàng năm, nhân dân tập trung đông đủ tại miếu và cùng chuẩn bị các đồ lễ dâng lên Bà. Trong ngày này, họ đến đây để tỏ lòng kính nhớ tới Bà và cầu an, cầu Bà giúp cho “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, mùa màng bội thu, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi.

Từ đó có thể thấy, tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana của cộng đồng cư dân người Việt ở thành phố Đà Nẵng là bộ phận quan trọng, chủ đạo, là một tổng thể văn hóa và là những di sản quý báu trong đời sống văn hóa của cư dân Đà Nẵng suốt bao thế kỷ qua. Thông qua hình thức thờ Thiên Y Ana, phần nào đã phản chiếu được quá trình phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây từ thuở khai hoang lập ấp cho đến ngày nay. Nó còn biểu hiện của quá trình giao lưu và dung nạp văn hóa giữa cộng đồng các tộc người đang sinh sống trên mảnh đất Đà Nẵng.

Đ.T.T

Chú thích

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Tập 1. (Hà Nội: Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012), 644 - 646.

[2] Ngô Văn Doanh. Tháp cổ Chămpa - Sự thật và huyền thoại. (Hà Nội: Văn hóa - Thông tin, 1994), 154 - 157.