Thơ Lương Hoàng Hạc, hoa trái thơm ngời

06.08.2022
Huỳnh Văn Hoa

Thơ Lương Hoàng Hạc,  hoa trái thơm ngời

Nhà thơ Lương Hoàng Hạc (thứ 2 từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ trong buổi ra mắt tập
truyện Dấu xưa.

Lương Hoàng Hạc yêu và đến với văn chương khá sớm, làm thơ lúc từ 12 tuổi, hơn 50 năm nay. Một thứ tình yêu trong sáng, đằm thắm, đầy duyên nợ. Một thứ tình yêu mang tính chất thiêng liêng, trân trọng, viết cho đời, cho bạn. Thơ vốn là tiếng nói của tâm hồn, tiếng nói của tình cảm con người, thuộc phương thức trữ tình. Thơ lấy điểm tựa là sự bộc lộ thế giới nội tâm của người làm thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim nghệ sĩ trước cuộc đời. Vì thế, thơ là tiếng lòng, đi ra từ trái tim bát ngát tình. Tâm hồn con người là cả một thế giới phong phú, vì thế, thơ phản ánh đa sắc cái nhìn về hiện thực khách quan. Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống (Nguyễn Đình Thi). Thơ Lương Hoàng Hạc là vậy.

Có thể chia thơ Lương Hoàng Hạc thành hai giai đoạn, trước và sau 1975. Trước 1975, như bao người trẻ khác, Lương Hoàng Hạc có những thao thức về tình cảnh của quê hương, đất nước, có khát vọng cho một ngày mai, hòa bình, thống nhất. Trái tim người làm thơ dễ rung cảm với số phận con người và hoàn cảnh chiến tranh, ly tán. Đọc những bài thơ viết vào những năm 1972, 1973, 1974 ký bút hiệu Lương Chiêm Trinh, ta thấy trái tim đa cảm, chạm vào những vấn đề thế sự, dễ thường không thể hững hờ của Lương Hoàng Hạc.

Lương Hoàng Hạc, khúc tâm tình cho quê hương

Trên Văn Lang số 1, phát hành ngày 15-09-1974, ta thấy một Lương Hoàng Hạc thao thức về những vấn đề thời sự. Bài viết Tinh thần hùng tráng trong thi ca tiền chiến Việt Nam, một bài viết mà Lương Hoàng Hạc đi về một phía khác của Thơ mới, phía về tình yêu quê hương, đất nước, muốn thắp sáng lên ngọn lửa của hào khí đất Việt. Bài viết không đề cập nhiều đến những Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư viết về tình yêu. Tác giả nói đến Ải Bắc của Thao Thao, Bài ca sông Dịch của Vũ Hoàng Chương, Kinh Kha của Huy Thông, Tống biệt hành của Thâm Tâm, Tráng sĩ hành của Phan Văn Dật, Tâm sự của Khổng Dương và lời nguyện ước: "Xin tự nguyện với lòng ta cũng là người của ngày mai: Nước nhà Độc lập, Dân tộc hùng cường".

Khi Rừng dậy men mùa của Đông Trình do Đối diện xuất bản, 1972, ra đời, nhiều bài thơ được đón nhận, trân trọng, tạo nên hiệu ứng tích cực trong học sinh, sinh viên và trí thức tiến bộ. Chẳng hạn, như bài Hạo khí ca. Bài thơ gần gũi đời thường, đấy là hạt cơm trời mỗi ngày ta ăn ba bữa, đấy là dòng sông hằng ngày ta vẫn tắm, đấy là đỉnh núi quê hương, đấy là cây rừng, thôn xóm. Bài thơ là sứ điệp truyền thông về sức mạnh kiên cường, tiềm tàng của dân tộc ta.

Lương Hoàng Hạc cảm xúc từ những hình ảnh trong Hạo khí ca, đã viết nên Trong nỗi vui bây giờ với những câu thơ: Tiếng cuốc tiếng cày vang lên mạch sống/ Nghe ngọt nghe ngào chiều vọng dân ca/ Trong nỗi vui chừ ta dang tay đón/ Từng giọt thiêng liêng đổ xuống ruộng đồng/ Trong nỗi vui chừ ta nghe ngây ngất/ Lời mẹ hiền ta ngọt lịm muối vừng và kết thúc bài thơ với niềm tin:

Đọc xong bài thơ ngợi ca hào khí

Hạo khí tràn sông, hạo khí ngát đồng

Niềm tin theo vui về trong muôn ý

Luân lưu trong tim, rần rật máu hùng

Trong nhiều bài thơ viết vào những năm 1973, 1974, Lương Hoàng Hạc thể hiện khá rõ về chức năng xã hội của văn học. Quan điểm này thấm vào nhiều câu thơ mang tình tự dân tộc, cấy niềm tin hồng vào lịch sử, trầm hùng tiếng hồn thiêng nước Việt. Nằm trong mạch này, có Quê hương ngày em lớn: Tiến lên, nối tròn vòng sinh tử với những câu thơ:

- Cờ Trưng Vương lộng gió

Đất Mê Linh rợp rợp triệu binh hùng...

- Lửa đỏ rừng khuya gươm ngời hạo khí

Bài tiến quân ca giục điệu sa trường

- Hãy nêu danh Hồng Lạc nghìn thu

Hãy tiến rập vạn lòng như vũ bão

Dân ta ơi ! Vung tay cho đều xóa tan giông tố ...

Cho đất nước còn xanh cho rừng còn lá ...

Cho kẻ thù ta vỡ mật tan hồn

Cho Tổ quốc thiên thu sáng người oanh liệt

(Tiến lên, nối tròn vòng sinh tử)

Những người thân em, viết đầu năm 1973, 12 khổ, nhân vật trữ tình, xưng EM, có bao nỗi niềm. Em là biểu tượng của niềm tin, của yêu thương và gửi gắm:

Em có mẹ già rưng rưng lệ nhỏ/ Em có cha già trong tay giáo mác, Vót nhọn tầm vông đánh đuổi quân thù/ Em có anh trai chân chưa biết mỏi/ Em có chị dâu thay chồng cày cấy/ Em có đàn em mái đầu đã trắng, Nặng những vầng tang của người thân yêu/ Em có bàn tay không hồng những ngón/ Em có bờ vai thon tình yêu nước/ Tải đạn lên rừng từng sớm tinh sương/ Chân trần đã quen tiến lên phía trước/Mang cờ hồng về cắm giữ quê hương. 

Đưa em về thăm quê hương viết vào ngày 26-3-1973 là bài thơ đan quyện giữa tình yêu và tình quê: Buổi chiều mây đùa trên trời quê hương/ Như đón em về ca lời tình tự/ Cho quê hương nghe ngọt giọng ru hời/ Của người ngày xưa về  từ viễn xứ. Ở đó, có mẹ, có con đường cỏ may, có hương bay theo gió:  Ta nghe quanh em ngát mùi phương thảo/ Thơm nếp, thơm đường, thơm chuối ba hương. 

Một bài thơ trữ tình, bài Em hát bên đời (11.5.1974), có đề từ: Bài ca em hát bên đời, Vang vang chính khí ngát lời trầm thiêng, 7 khổ nói về những ca khúc sẽ hát: hát cho tình cờ rộn chân hoa/ hát khi mặt trời vừa dậy/ hát khi hoàng hôn xuống núi để:

Mai ngày ca dao bay tròn nỗi nhớ

Lời ru em bé ngủ rất thiên thần

Và tình ngát hương nghe thơm từng hơi thở

Trên ngọn đồi hồng tuổi lớn bâng khuâng ...

 

Em hát à ơi tình đơm cổ tích

Kể chuyện ngày xưa cha đuổi giặc thù

Vơi nỗi buồn lên, em lời phấn khích

Cho mây nhạt chiều đọng nắng biên khu.

Cho đại cuộc nở hoa, viết ngày 18-5-1974, là hành ca dân tộc, thể hiện chí trai: Mai dù thân ta xương tan máu hết/ Chí vẫn hùng, tim vẫn ấm mùa đông. Một niềm tin "hiến dâng cho đất", "điểm hồng lịch sử", "hoài bão khí thôn Ngưu", mượn tích trong Thuật hoài (Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu/ Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu/ Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu) của Phạm Ngũ Lão (1255-1320), bày tỏ ý chí nam nhi thời có loạn.

Lương Hoàng Hạc sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn, con sông một đời thao thiết chảy qua những phận người, những vui buồn của quê hương, tác giả gọi đó là Dòng sông quê mẹ. Dòng sông quê mẹ là một bài thơ dung dị, nghĩa tình, như bao lớp phù sa bồi đắp tâm hồn: mang tình lúa xanh đi về khắp nẻo. Dòng sông chảy qua quê mẹ, đầy  thương mến, như con thuyền thơ rung rinh bóng nhẹ, như bờ tre xanh lay động trên đầu, như xuôi nước thuận dòng đưa thuyền con đi, như em gái cười tươi đưa người sang sông,...

Một bài thơ viết cho em và quê hương, bài Quê hương ngày em lớn, với những hình ảnh: Gió may sáng về thu bay gờn gợn/ Bướm trở cười hoa cỏ ngạt ngào hương/ Khi em về đôi mươi tròn sức sống/ Đồng của mẹ cây xanh trái ngọt hiền. Quê hương và em hòa trộn, tôn vinh nhau, ánh lên vẻ đẹp của tình đất thương yêu. 

Sau 1975, Lương Hoàng Hạc viết về người công nhân dệt với biết bao thiết tha, trìu mến: Em mang đến cho đời nỗi ấm/ Và cho áo anh thôi sứt chỉ đường tà/ Tiếng máy reo là tiếng hát yêu đời/ Gọi ấm áp về cho tình yêu cuộc sống/ Và những ngón tay hồng nhẹ lướt trên tơ/ Êm ả dệt cho đời hy vọng (Em dệt cho đời những ấm áp thanh xuân). Một góc khác, "tôi lại làm thơ về nông trường, giữa mùa thơm ngát hương". Hình ảnh thân thương về mùa thơm (dứa), ấm áp thân thương, nghe lắng đọng tình yêu cuộc sống, nghe tiếng cười hạnh phúc xôn xao,...

Đất nước, quê hương bao giờ cũng là mảnh đất thu hút nhiều cây bút vun xới, cày vỡ và gửi gắm yêu thương. Không gian thân thuộc đó là nguồn thơ không bao giờ vơi cạn. Nguồn cảm hứng ngọt ngào này hiện ra bồi hồi, xúc động, để rồi, xuất hiện những hình ảnh, vóc dáng về Tổ quốc, trung thực và sinh động. Thơ Lương Hoàng Hạc, ở góc độ mỹ học, có thể ghi nhận sự chân thành, mộc mạc trong một số câu thơ, bài thơ:

Ta hát lời vang hành ca dân tộc

Cho mặt trời lên vụt sáng đêm tù

Soi rõ mưu thù sâu như lòng đất

Cấy niềm tin hồng vào cõi sầu tư

(Cho đại cuộc nở hoa)

Lương Hoàng Hạc và điệu thơ lục bát

Lương Hoàng Hạc yêu thích thể thơ lục bát, đã in Lục bát tình, 2014, gồm 37 bài. Lục bát vốn thể thơ dân tộc, quen thuộc với mọi người. Lương Hoàng Hạc có nhiều bài lục bát về tình yêu, về bạn bè, cuộc sống.    

Quan hoài, bài thơ mang không gian lữ thứ. Cảnh buổi chiều có sương mù giăng trên ngọn núi xa, nhìn ra, quê nhà ở phương nào? Gác trọ đìu hiu, bóng con chim nhỏ trên trời cao lượn vờn, cô đơn. Trời xanh hơn sau cơn mưa rào, cảnh còn mờ mịt và tương lai nghẹn ngào:

Chiều xuân sương mỏng lên ngai

Ru hồn lữ thứ, lạc loài cõi mong

Bài khác, Xót thương với bốn câu lục bát: Xót thương tiếng hát người xưa/ Xót thương kỉ niệm cũng vừa ra đi/ Xót thương tuyệt sức xuân thì/ Xót thương lòng mãi nặng ghi tình sầu. Mỗi cung bậc xót thương về tiếng hát - kỉ niệm - xuân thì -  tình sầu là mỗi tiếng vọng của người xưa, trở về với bao kỉ niệm, với xuân thì không phai và lòng thì mãi ghi nặng tình sầu.

Bài thơ có hơi hướm ca dao, dân ca là Lục bát về em. Chiếc áo qua cầu đánh rơi dễ liên tưởng với chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen: Em nào đã nói gì đâu/ Chỉ thương chiếc áo qua cầu đánh rơi. Những kiểu nói dân gian "gì đâu", "nào chẳng", "vâng, thì... có", "chẳng qua... bây giờ" với không khí tàn thu, trời đẫm heo may, lá úa rơi đầy vườn tôi, diễn tả niềm riêng về tình yêu.

Lương Hoàng Hạc đưa toán học vào tình yêu, bài Lượng giác cuộc tình, đó là hàm số, đồng dạng, tịnh tiến, đồng quy, vô định, đúng là Cuộc tình lượng giác rã rời vòng tay. Lương Hoàng Hạc có những câu thơ lục bát hay, làm người đọc khó quên:

- Người về phố cũ buồn tênh

Bước chân mòn mỏi gập ghềnh buông tay

(Lời buồn trở lại)

- Thấu đau nghe rã trận cười

Khúc thu ca lệ muôn đời chưa thôi

(Thu ca)

- Nỗi vui trong gió chợt đầy

Vườn xưa nở đóa tương lai thật hồng

(Tình vui ngỏ lời)

- Nhớ xưa phượng nở thật hồng

Ồ, bây chừ đó, nỗi lòng buồn tênh

(Huế, phố vàng tình âm)

- Bây giờ muôn dặm mù sương

Tiễn tôi chỉ có nỗi buồn tiễn tôi

(Tiễn)

- Tôi về định nghĩa lại mình

Câu thơ như ngọc, mối tình như sương

Mới sơ khai đã vô thường

Dẫu mong manh vẫn tơ vương  tháng ngày!

(Ngọc Sương 2)

Lương Hoàng Hạc với hoa trái quanh ta

Trong Minh triết của hoa, Ohsawa (1893-1966), Nhật Bản, có viết: "Hoa có tiếng nói của hoa" (Văn nghệ, Xuân Nhâm Thân, số 5 và 6, 1992). Thơ viết về hoa, thật ra là bày tỏ tình yêu với đời. Đó là khía cạnh đời thường trong cuộc sống, như Chế Lan Viên từng nói.

Với Lương Hoàng Hạc, mỗi loài hoa là một biểu tượng của cái đẹp, một thông điệp, một ngôn ngữ thầm kín, ghi lại tình yêu và cảm nghĩ của người làm thơ. Đó là hoa sen, một loại hoa quen thuộc với mọi người Việt Nam, hoa không chỉ đẹp về hương sắc mà còn tượng trưng cho sự thanh khiết, tinh tế, thanh cao, trang nhã, thoát tục. Sen là quốc hoa của Việt Nam. Sen có mặt trong các tác phẩm thơ ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc… Người đời thường ví sen với những phẩm chất cao quý của người Việt Nam, thanh sạch, có sức sống bền bỉ, có đạo đức và lương tâm trong sáng. Lương Hoàng Hạc viết về sen:

Hoa quân tử có nắm tay bồ tát

Trong lòng: hương một sớm thoát trần

Cả hồ hoa thơm bay ngào ngạt

Chuyện phàm trần một thoáng phân vân

Đây là hoa hồng: Hương em thơm ngát lòng người/ Đẫm trong tinh huyết ngời ngời tình yêu. Và nữa hoa lan: Một sáng mùa xuân khoe sắc thắm/ Khẽ gọi mùa lên hương thoảng ngây. Này Phượng hoàng hồng gắn với một kỷ niệm về tự xa xôi, như nụ tình nhân:

Em là kỳ hoa trong vườn tôi

Phượng hoàng hồng về tự xa xôi

Xòe trăm cánh mỏng mờ sương sớm

Như nụ tình nhân thắm thắm môi

Các bài thơ ngắn khác, bốn câu, qua cảm xúc về hoa, thể hiện niềm tin vào cuộc sống. Ở miền Trung, mai có mặt vào những ngày Tết, nhiều loại: hồng mai, bạch mai, hoàng mai, mai tứ quí, mai chiếu thủy: Em mang màu trắng liêu trai ấy/ Tiết tháo của người trải gió sương/ Cho hoa xinh xắn rung cánh mỏng/ Cao quý tỏa thơm mùi trầm hương (Mai trắng), Trinh trắng hồn ai, trinh trắng ơi /Cúi soi bóng nước kẻo quên lời/ Hò hẹn xưa sau nghìn kiếp ấy/ Và ngát thơm mùa khi xuân vơi (Mai chiếu thủy). Những cành mai vàng, mai trắng gợi nhớ cành mai trong Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư (1052-1096), bày tỏ trải nghiệm về cuộc đời: Nhẹ nhàng gom góp mùa thơ cũ/ Đình tiền tạc dạ hồn sắc không.

Hoa giấy ít vào thơ, không như hoa hồng, hoa sen, hoa cúc. Hoa giấy là loại hoa có vẻ đẹp giản dị. Hoa giấy thích hợp với vùng khí hậu nóng ẩm, nhiều ánh sáng. Tình của Lương Hoàng Hạc với loài hoa này: Sắc thì tuyệt đẹp mà không hương/ Là bóng hình tiên ở xa vườn/ Cho hương bay mất ngoài vạn dặm/ Mà dỗi hờn ai thắm muôn phương.

Đây, những cánh hoa mười giờ (hoa tý ngọ), đời hoa ngắn ngủi, mới đó, hoàng hôn đã đến, ngả sang màu li biệt, buồn hắt hiu: Tý ngọ trong vườn dân dã/ Đam mê màu trắng của trời/ Ngả chiều sẩm màu li biệt/ Hoàng hôn rơi buồn hắt hiu. Viết cho hoa hay viết cho người? Đời hoa hay đời người? Những dòng thơ tiên cảm, buồn. Nhà thơ đã mượn cảnh vật thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng, bộc lộ nội tâm.

Lương Hoàng Hạc, những khúc tình hồng

Trong thơ văn Lương Hoàng Hạc, tình yêu là một hợp âm chủ đạo, trở thành tiếng nói chính qua các giai đoạn sáng tác, chiếm tỷ trọng lớn trong số các bài thơ. Tình yêu bao giờ cũng thiết tha, nồng cháy, đong đầy cảm xúc. Niềm giao cảm kỳ diệu, những rung động xao xuyến. Có một bài thơ, Đầy mấy sông Tương, dài đến 10 khổ, viết theo thể 4 chữ xinh xắn như dòng sông trôi theo nỗi nhớ, như bông cỏ hiền hòa, đâm nhánh trong mơ. Buổi chiều nào, buổi mai nào, cũng vẫn: Em như dòng sông/ Chia xa biền biệt/ Đợi từng buổi chiều/ Ta vợi buồn trông/ Em như thiên đường/ Ta run tay với/ Nước mắt người yêu/ Đầy mấy sông Tương. Bài thơ xinh xắn, dễ thương.

Đại từ ngôi thứ hai: Em, luôn thắp sáng trong nhiều bài thơ: Em giọt tình nồng nhỏ trên tóc rối (Thắp lại ngày xanh), Con phố lên đèn tưởng môi em đỏ/ Ru anh vào đời em hót thật êm (Một nhịp hư không).

Lương Hoàng Hạc viết cho người tình, người yêu bằng những hình ảnh đẹp, nhiều mỹ từ, thánh hóa tình yêu. Em là ngọc, là sương, là tinh túy của trời, là hồn của đất, là trăng vĩnh cửu... Tất cả, ngưng đọng lạ thường trong tôi (Ngọc Sương 1), khiến tôi về gom nắng, gom trăng, gom hồn, gom tinh túy (Ngọc Sương 2). Vậy mà, cũng chỉ là hình bóng, dẫu có "vâng vâng, nhưng mà", hóa ra, tình yêu và trái tim có những lý lẽ của nó. Cuối cùng, hai câu kết thật hay:

Tôi về biến hạc thành hoa

Kiếp sau xuống cõi ta bà tìm em

(Ngọc Sương 2)

Cõi ta bà tìm em, có gặp không, theo nhà thơ, hy vọng sẽ tái hợp, dẫu mong manh sương khói!

Trong không ít bài thơ tình, ta nghe một giọng nói chân chất, thành thật. Bài thơ tình mười năm là thế: Mười năm thương yêu/ Thư tình cho nhau gần nghìn lần đọc/ Đã lắng lại như nghìn viên ngọc/ Ngày mỗi sáng ngời khái niệm thủy chung. Ân tình và niềm vui. Khúc tình ca của đời. Nỗi buồn phải nhường chân hạnh phúc. Kết thúc bài thơ, ngân vang giai điệu nhạc của đời:

Nên hôm nay

Bài thơ tình mười năm

Dù ngắn ngủi

Vẫn ngọt ngào

Hạnh phúc không phai.

Lương Hoàng Hạc trân trọng hạnh phúc gia đình. Cuộc sống có lúc như dòng sông phẳng lặng, có lúc là thác ghềnh, vấn đề là, nhìn nhận và yêu thương, tương kính và chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông nhau. Lương Hoàng Hạc có những câu thơ ấm áp, chân thành và cảm động, vượt qua những nhọc nhằn của cuộc sống, vượt qua những thử thách của thời gian để có ngan ngát hương đời: Như thơ anh tươi nguyên màu sự sống/ Kỷ niệm mình xanh mãi với thời gian/ Như hơi thở không thể ngừng khởi động/ Tình vẫn đầy theo ngày tháng chứa chan (Tươi nguyên màu sự sống).

Gia đình, góc nhỏ tìm về trong những lần vấp ngã trên đường đời, những khi "nhọc nhằn giông bão" trong đua chen của cuộc sống, vậy mà, vẫn một khoảng trời chung:

Với tấm lòng xanh thắm yêu thương

Em gọi hạnh phúc về mái nhà Lương Nguyễn

Ngày tháng dẫu đầy lên, vẫn lòng xao xuyến

Buổi khai sinh tươi thắm đến vô cùng

(Tấm lòng)

Hạnh phúc gia đình có khi không thể cân đo, đong đếm, không thể nhìn thấy, song, lại là thứ cảm nhận đến xao xuyến, lay động con tim, chạm đến mọi sợi tơ lòng. Lương Hoàng Hạc đếm hạnh phúc đời mình qua năm tháng:

... Mười lăm năm

Sợi tóc có phai màu chút ít

là để cho những gì máu thịt

mãi hồng lên sức sống chung đời

Mười lăm năm

tháng ngày của sông dài biển rộng

của bát ngát lòng mình gió lộng

của thẳm sâu và ngan ngát hương đời

của ta: NGUYÊN VẸN MỘT LỜI

                                      CỦA NGÀY MAI CỦA NIỀM VUI VĨNH HẰNG

(Tuổi 15)

Màu sắc, một phương diện của nghệ thuật. Cảm nhận màu sắc là cảm nhận có tính riêng tư. Màu sắc là tín hiệu phản ánh thế giới tâm hồn của chủ thể sáng tạo, vì thế, qua màu sắc, người ta nhận ra tiếng nói của người nghệ sĩ, Goethe có nói: Hãy cho ta cảm thụ màu sắc theo cách riêng của ta. Trong thơ tình của Lương Hoàng Hạc, màu hồng chiếm tỷ lệ lớn. Tác giả yêu màu hồng. Màu hồng đi vào thơ với nhiều cung bậc khác nhau. Một bài thơ viết năm 1973, có tên Rừng núi hồng với hình ảnh về quê hương, có màu xanh của cây, màu vàng của đất, màu trắng mây trời, đặc biệt màu hồng: nắng mai hồng, sương mai hồng, máu con sẽ hồng, trên bọt biển hồng, nắng sớm mai sẽ hôn lên nơi rừng hồng.                 

Hoa vàng nở trên tóc rối với những câu Ru trên tay từng đọt lá xuân hồng/ Tôi nhón xuân hồng từng lượt đốt luân phiên với lời xin:

Xin thưa em tôi kết lại hoa đèn

Cho một lượt và một người yêu mến

Nghe dung nhan người thơ ta chợt lạ/ Gom lại, thưa em, tặng một giọt hồng (Dung nhan người), Em ở đó mắt hồng nhung nhớ hỏi/ Ta buồn lên đổi cả một lối về (Ru em qua cuộc tình sầu), Giọt sương ngày loãng thu hồng (Em đừng buồn nữa em ơi), Cúc bay trong bụi mưa hồng/ Vàng thương lam khóc mùa đông đi về (Tháng Chín), Ngây thơ em hỡi má hồng/ Ta đang nghe dội trong lòng tình yêu (Thu ca), Ca dao hồng, ngọt bờ môi/ Vầng trăng lụa mượt tình vui ngỏ lời (Tình vui ngỏ lời) ... Tình Lương Hoàng Hạc là thơ cho em dòng cuối giống câu đầu...

Vĩ thanh

Ở trên, tôi đã viết những dòng giới thiệu về thơ Lương Hoàng Hạc, đã cố gắng làm người đồng điệu, lắng nghe những ngân vang từ câu chữ, song, chắc là cũng chưa nói hết những gì tác giả muốn gửi trao cho đời. Đành vậy!

Năm mươi năm, tình yêu với văn chương vẫn như ngày nào. Tiếng thơ yêu người, yêu đời vẫn cháy lên bao khát vọng.

Năm mươi năm, bao vui buồn gửi vào câu văn câu thơ, "giờ đã vào tuổi xế, trăng vơi đầy mấy độ, hoa của thuở hẹn hò, vẫn của thời xuyến xao: Lời thề xưa thành ngọc/ Lung linh cùng thời gian/ Đi qua nghìn bão gió/ Thủy chung màu tươi non (Tình như trăng vừa rằm), vẫn "đọng nhân gian mảnh tình".

Năm mươi năm, sông đã về xuôi, nước chảy dưới cầu nghe sao khắc khoải, chén quan hà xin cạn/ tương kiến ở nghìn sau/ hồ trường cùng gõ nhịp/ tương biệt trong phút giây (Đêm xuân đọc cổ thi).   

 H.V.H