Mùa biển đầu của tôi - Mùa chíp chíp rộn ràng dưới cát
Chúng tôi dậy từ bốn giờ ba mươi sáng, sửa soạn thật nhanh để có mặt tại bãi biển trước năm giờ. Dừng xe, tắt máy khi trời vẫn tờ mờ, tôi phóng mắt sang bán đảo Sơn Trà lòng đầy kiêu hãnh vì đã… dậy trước cả mặt trời. Cầu Thuận Phước nối sang bán đảo nhỏ nhô nhô như hình người nằm ngủ, mướt mát giữa hơi sương tựa nàng công chúa đang chờ người đánh thức.
Tôi biết lát nữa thôi chàng hoàng tử sẽ đến, một quầng sáng cam hồng ấm áp hay là nụ hôn sẽ đánh thức nàng công chúa của tôi và tôi sẽ được thêm một khoảnh khắc giữa vô vàn khoảnh khắc ngắn ngủi tủn mủn của cuộc đời rất đỗi tầm thường này đắm đuối nhìn phố cảng thân mến của lòng tôi bước qua lằn ranh nhập nhòa giữa ngày và đêm để một lần nữa rạng rỡ ngời ngời. Tôi thấy bình minh thì thầm trên đọt dừa khi những tia nắng đầu tiên vừa chạm tới trong khi tôi cứ ngồi, cứ nghe, cứ nhìn, cứ hít thở như thế. Tôi không mảy may thấy chán trong cuộc đợi chờ đáng yêu của mình, không hề dù chỉ là một giây. Kể từ khi tôi chính thức gọi tên mùa hè này là “mùa biển đầu tiên” tôi đã ấp ủ một điều gì đấy thật hay ho cho những buổi sáng thế này, tôi cũng rạo rực nữa vì mỗi ngày đi qua là một ngày tôi cảm nhận rõ ràng biển hồn nhiên ôm ấp tôi, biển yêu thương tôi, biển cho tôi hơn những gì tôi có thể nghĩ ra và biển cũng giấu tôi cả một kho tàng sau tiếng sóng.
Sóng. Dòng suy nghĩ của tôi chẳng khác sóng là bao, cứ tấp vào rồi dạt ra rồi lại tấp vào không hề mỏi mệt. Tôi ngồi đó và nghĩ cho đến khi có tiếng gọi cắt ngang con sóng đang nhởn nhơ trong đầu.
“Bắt cho vui, con!”
Một dì đã đứng tuổi chìa cho tôi chiếc cốc đại, loại sử dụng một lần, thường dùng đựng trà tắc, dì nhặt được ở đâu đó trên bãi biển. Trên tay dì là một chiếc cốc đại khác nhưng đã đựng gần đầy các hạt nút nhiều màu: vàng đất, vàng xám, hồng ruốc, tím lơ, xanh bóng đêm… Những hạt nút còn dính đầy cát biển. Tôi hơi ngỡ ngàng và tôi cũng không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc thấy vầng cam hồng ấm áp của tôi trồi lên sau khoảng xanh im lìm mướt mát mơ man phía xa kia. Dì nhìn tôi ánh mắt rủ rê đến khó cưỡng.
“Nấu canh rau ngon lắm”.
Tôi đưa tay đón lấy chiếc cốc từ dì rồi đứng dậy đi theo dì, giữ một khoảng cách tối thiểu cần thiết. Đại dịch đã khiến cuộc sống trở nên trầm lắng và đầy rẫy lo toan, bãi biển thì vẫn đông nhưng người với người không còn san sát nữa, ai cũng ý thức về khoảng cách với người đối diện, như lúc nãy, khi dì đưa chiếc cốc cho tôi, dì cũng cố tình đứng xa xa với tay sang chỗ tôi.
Tôi thấy dì ngồi xuống, đào cát rồi vốc lên mấy con, dì rửa sơ qua khi sóng tấp vào bờ rồi thả chúng vào cốc. Hay quá. Tôi reo lên. Dì ngước lên thoáng nhìn tôi, có lẽ là nhìn như nhìn một sinh vật lạ. Phải rồi, tôi là một sinh vật từ vùng đồi nương nào đó bỗng dạt về đây, trên đường bờ biển cong như hàng mi con gái tuổi dậy thì này. Tôi cũng ngồi xuống, cũng bắt đầu đào cát. Tôi tìm và nhặt chúng dưới lớp cát mát rượi và cả trên bề mặt lớp cát nữa, khi sóng tấp vào để lại đâu đó vài con bất động, có lẽ vì… say sóng. Như đứa trẻ vừa được bày trò chơi mới, tôi quên luôn vầng sáng cam hồng ấm áp của mình, cho đến khi nhìn lại, thấy bóng mình đổ dài trên cát và dì cũng đã đi mất. Thật ngớ ngẩn. Tôi cười chính tôi khi nhìn quanh chẳng thấy dáng người dày dặn chất phác của dì đâu. Tôi mãi bắt mà quên luôn chuyện hỏi xem chúng là con gì. Dĩ nhiên, với hai mảnh vỏ úp vào nhau thế kia, tôi biết chúng là động vật thân mềm gần giống con chíp chíp tôi đã ăn trong một vài quán hải sản, nhưng chúng cũng cần phải có một cái tên, và tôi nghĩ phải là một cái tên thật đẹp thật rộn ràng.
Tôi hỏi chồng, anh cũng không biết. Mặc dù không biết chúng tôi vẫn bắt thêm rất nhiều con nữa. Suốt quãng đường từ bãi tắm Nguyễn Tất Thành qua Nguyễn Sinh Sắc, Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thái về nhà, chúng tôi nói với nhau về bữa cơm với món canh rau nấu cùng con gì đó, con gì đó là con gì đó chưa biết nhưng chắc chắn phải ngon hết sẩy. Về đến nhà, tắm táp xong xuôi, với một chút vui, một chút rộn ràng, một chút lo lắng rằng mình không biết sẽ phá hỏng bữa ngon, tôi chụp vội tấm hình cập nhật ngay dòng trạng thái ngắn ngủi “cầu cứu” bạn bè trên Facebook và nhận liền sau đó mọi thông tin cần thiết từ tên gọi, cách nấu, cách ăn… Giữa một ngày yên ắng trên mức bình thường vì đại dịch, một việc nhỏ thế này thôi cũng đủ để tôi thấy nhộn nhịp, khoảng cách giữa con người và con người xa chỉ bằng một cái nhấp chuột trái.
Hôm sau, tôi ra biển mang theo hẳn hai chiếc túi nilon, tôi cẩn thận thử trước dưới vòi nước để chắc chắn rằng chiếc túi không bị thủng. Vầng sáng cam hồng ấp áp của tôi vẫn chưa chịu thức, nhưng tôi không ngồi đợi nữa. Cuộc đợi chờ ấy vẫn dễ thương, chỉ là tôi vừa tìm thấy một thứ khác cũng vô cùng quyến dụ, chẳng hạn như khoảnh khắc tôi thấy mình trở về nguyên vẹn là đứa con gái năm xưa chạy băng băng trên đám ruộng tay le te cầm cọng cỏ gà có xâu đầy một xâu châu chấu, giờ đây tôi cũng le te chạy nhưng là le te cái túi nilon và tôi chạy dọc bờ biển. Đến một quãng có đông người đang bắt chíp chíp, tôi dừng lại quan sát và nhào xuống những nơi tôi thấy một vài cái lỗ nhỏ xíu xiu trên nền cát ẩm. Tôi đào cát, tóm lấy những tên chíp chíp đã “trưởng thành” và tha cho những tên còn quá bé. “Ừm, lớn nhanh, tao chờ nhé!”. Tôi nói với những tên tôi quyết định thả đi. Một học viên cũ của tôi, người mà gia đình đã mấy đời làm nghề biển trên vịnh Đà Nẵng, chỉ cho tôi cách “bắt sống” bọn chíp chíp lém lỉnh này và cũng nhắc tôi “mắt nhắm mắt mở” cho những “bé” hỉ mũi chưa sạch vì chúng nó chẳng có tí thịt nào đâu, tốt hơn là hãy đợi chúng lớn. Tôi cũng không còn hồn nhiên đến ngớ ngẩn mà nhặt những con chíp chíp chết còng queo trên bãi đem về nhà nữa. Cách tôi một quãng, anh bạn cùng nhà của tôi dùng chân đãi cát dưới nước để bắt chúng, bên cạnh đứa con gái nhỏ cũng đào cát lên để làm lâu đài hay thứ gì đó tương tự thế. Thỉnh thoảng anh reo lên khi đãi được một tập đoàn chíp chíp. Đãi được chúng cũng dễ thôi, nhưng tóm được hết chúng lại là chuyện khác, thân thủ phải nhanh nhẹn mới trở tay kịp trước khi sóng tấp vào và chúng biến mất ngay trước mắt mình. Tôi chẳng bắt chúng bằng cách ấy nên tôi trung thành với những lỗ nhỏ như hình một ống khói tí hon tôi tìm được trên mặt cát ẩm nơi sóng chỉ bén vào đôi chút thôi. Tôi hình dung dưới lớp cát êm ru này là một mê cung huyền bí mà tôi sẽ khám phá. Để làm gì ư? Để viết về chúng, cái thế giới mát rượi rộn ràng dưới chân tôi trong một sáng tác nào đó, gần thôi.
Bữa trưa, chúng tôi được thưởng thức tô canh chíp chíp thương hiệu vịnh Đà Nẵng đầu tiên. Tôi làm theo chỉ dẫn tỉ mỉ từng khâu như kiểu lần đầu học nấu ăn: luộc chíp chíp, đợi chúng há miệng thì lấy đũa khuấy, đợi một chút thì bắc xuống, lấy thịt cho ra chén, nước cho vào tô để yên đợi lắng cặn… Vỏ dĩ nhiên là bỏ. Tôi nhìn đám vỏ cứ thấy lòng tiêng tiếc. Chúng đẹp thế kia, nhiều màu sắc thế kia… Nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra phải làm gì với chúng trong khi bụng bắt đầu kéo còi, đành xuống tay cho vào túi rác.
Thịt chíp chíp không nhiều, không dày dặn chỉ được một miếng nhỏ xíu xiu phải ăn chầm chậm để ngậm nghe thứ hải sản đậm đà phong vị biển quê hương. Tôi còn ngậm nghe vì một lý do khác nữa. Vì đó là thứ hải sản do chính tay chúng tôi vừa quần quật vừa vui chơi cả buổi mới bắt được. Tôi đã để mặc cho quầng sáng cam hồng ấm áp của mình chiếu đến chói chang mới chịu rời bãi, vậy nên tôi không thể ăn nhanh nuốt vội món canh chíp chíp này được. Khi tôi ngậm nghe vị đắng rất nhẹ từ gan chíp chíp, khi tôi cảm nhận các tế bào vị giác của mình đang phấn khích với vị ngọt đằm của nước luộc, tôi ý thức nó không phải chỉ là một món ăn, nó phải nhiều hơn thế như kiểu một thứ gì đó đang đi vào lịch sử của đời tôi vì từ đây tôi sẽ không nói rằng mình thích biển nữa, thay vào đó tôi nói rằng mình yêu biển, trong hiện tại biển là một phần cuộc sống của tôi mà hiện tại là một món quà, “the present is a present.”
Chíp chíp. Chíp chíp.
Tôi muốn nói về cái tên tôi dùng để gọi chúng giữa khá nhiều lựa chọn mà tôi có. Ngao. Nghêu. Nghiêu. Ngao chép. Chíp chíp. Tôi thích hai tiếng “chíp chíp” nhất vì khi tôi phát âm chúng, môi tôi mấp máy linh hoạt, hơi bật ra từ đầu khoang miệng tạo thành gió và “chíp chíp” tự mang trong nó sự rộn ràng tôi kỳ vọng. “Chíp chíp, chíp chíp”, âm thanh truyền đến tai tôi như có sự nhún nhảy nhịp nhàng mới mẻ tươi vui. Chỉ vậy thôi cũng đủ để “chíp chíp” trở thành phần ký ức xinh xắn rôm rả cho riêng tôi, và ấm áp nữa, ấm áp chẳng khác gì quầng sáng cam hồng của tôi.
Nhưng tôi sẽ không bao giờ muốn chúng khép lại như cách tôi khép một trang nhật ký. Không đâu. Tôi muốn viết và viết tiếp những trang đời rộn ràng tiếng sóng, như hôm nay, ngay lúc này, giờ phút này, những con chíp chíp của tôi vẫn đang hì hục làm một thứ gì đó trong mê cung dưới lớp cát êm ru mát rượi ngoài kia và tôi vẫn nợ chúng một ý tưởng, một sáng tác chưa đến lúc để bắt đầu.
L.H