Thu Bồn viết về nghề văn, nhà văn và chuyện làm thơ

03.04.2009

Thu Bồn viết về nghề văn, nhà văn và chuyện làm thơ

NGUYỄN KIM HUY
 

Thu Bồn (1935-2003), tên thật Hà Đức Trọng - nhà thơ đất Quảng, giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu 1965, giải thưởng Văn học Quốc tế Bông Sen của Hội Nhà văn Á Phi 1973, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001, là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ thời  chống Mỹ.       

Thu Bồn cũng là một trong số ít các nhà thơ Việt Nam hiện đại viết với một ý thức nghệ thuật rõ ràng, có những quan điểm nghệ thuật nhất quán và đã có những bài viết bày tỏ những quan điểm về thơ ca, về văn học và nghệ thuật của mình. Tập tiểu luận cuối đời Đánh đu cùng dâu bể (2002) thêm một lần nữa, khẳng định lại những quan điểm nghệ thuật của ông, qua những bài viết giới thiệu các tác giả, tác phẩm mà ông tâm đắc, trân trọng.

Những quan điểm của Thu Bồn về văn chương, sứ mệnh và vai trò, vị trí của nhà văn trong cuộc sống đã được ông trình bày rất rõ trong tham luận Nhà văn tại Đại hội IV của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989. Với tư cách một nhà thơ có gần nửa thế kỷ “làm thơ và viết văn trên báng súng”, ông cho rằng điều tối quan trọng của một nhà văn thời đại trước hết là ở trái tim và bản lĩnh giữ gìn trái tim ấy giữa mọi biến cố của cuộc đời: “Tôi không bao giờ biến tôi thành người khác có thể móc trái tim mình vứt xuống đường đi để chân mình giày xéo lên”. Và trái tim nhà văn phải là một trái tim nồng nhiệt, trong sáng, biết yêu thương bảo vệ điều chân thiện mỹ nhưng cũng phải biết căm ghét đả phá lên án cái ác, cái xấu đang ngóc đầu dậy khắp nơi trong cuộc sống; một nhà văn chân chính không thể thoát ly hiện thực cuộc sống là mảnh đất nuôi dưỡng tài năng và tác phẩm của mình: “Đời sống tác động đến nhà văn rất nhiều, nó là mảnh đất nuôi dưỡng nhà văn. Yêu thương và căm giận, xây dựng và phá hủy. Đó là thái độ của những nhà văn chân chính, yêu thương xây dựng những cái gì tốt đẹp, căm giận phá hủy những cái gì xấu xa cũng là yêu thương xây dựng”. Nhà thơ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống cũng như trong một tác phẩm văn học, xem đó là yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài của bất cứ điều gì: “Những cái gì không thuộc về nhân dân sẽ tan nhanh như bèo bọt. Nhân dân là dòng sông, bèo bọt tan đi chỉ làm cho dòng sông trong ra mà thôi”. Mỗi nhà văn phải biết chấp nhận cả những vinh quang lẫn điều cay đắng cho số phận đặc biệt của mình, từ điều bình thường như “suy dinh dưỡng, đau thần kinh, cao huyết áp, còng lưng, đãng trí”... đến những bi kịch cá nhân và xã hội lớn lao khác, và phải biết giữ được niềm tin vào cái cao cả của cuộc sống dẫu phải trả giá vì nó, phải biết hy vọng, bởi vì “Còn rất nhiều thời gian và khoảng trống cho những ai tha thiết với sự nghiệp văn học cách mạng, với con người”.

Trong bài viết Vài kỷ niệm ở chiến trường Khu V, Thu Bồn nhấn mạnh đến quan điểm lập trường và ý thức chính trị của nhà văn, nhất là nhà văn viết về chiến tranh, cho đó là thanh nam châm để nhà văn hút được chất liệu hiện thực cuộc sống: “Người viết phải có một quan điểm lập trường chính trị vững chắc mới tìm hiểu được hiện thực cuộc chiến đấu. Trình độ chính trị là thanh nam châm để hút chất sắt hiện thực ấy”. Ông lại nêu lên tầm quan trọng của hiện thực cuộc sống và vai trò quan trọng của nhân dân như những nhiên liệu để “con tàu” nhà văn chạy được, nhưng khẳng định điều cốt yếu cuối cùng của một nhà văn vẫn là ở tác phẩm: “Người viết văn không thể nào như một con tàu mang đủ năng lượng để đi suốt mà không cần tiếp nhiên liệu ở các ga. Những cái ga nhân dân chiến đấu đầy đủ nhiên liệu cho con tàu đi xa. Nhưng cũng đáng buồn thay cho can tàu chỉ sinh ra để tiếp nhiên liệu ở các ga, vì như vậy có không còn là mục đích của con tàu nữa. Người viết văn cũng vậy. Đi, sống, cuối cùng là để có được những sáng tác tốt.”. Và, ông quan niệm, sáng tác là để phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân, không phải là nhân dân cao xa, trừu tượng mà là nhân dân thiết thực, cụ thể, những con người hằng ngày vẫn yêu quý, nâng đỡ nhà văn viết và rất biết hưởng ứng, thưởng thức những tác phẩm của nhà văn theo cái cách sôi động, yêu mến hết lòng đến cả đôi khi phải trả giá bằng máu như ông đã kể lại trong bài viết Bài ca chim chơ rao và trái tim tôi , khi lũ làng đang vui sướng với tờ báo Văn Nghệ in trường ca thì “Trời như có một đám mây đen đương sầm xuống núi... Một đợt bom bất tận rung lên trong óc tôi. Trong phút chốc cả nhà rông tan biến, tờ báo Văn Nghệ có mang theo Bài ca chim chơ rao của tôi cùng với ba lô đồ đạc và đau khổ hơn hết là máu. Máu của lũ làng đã đổ... Ông già SiuKen và cô HơTó cùng một số dân làng bị thương  Bài ca chim chơ rao cùng với trái tim tôi tan nát.”. Với Đêm thơ bên bờ Đại Tây Dương, ông khẳng định vai trò cao cả của nhà văn đối với đất nước, dân tộc: “Một nhà văn chân chính sẽ mãi mãi là lương tâm của dân tộc” và bày tỏ lòng yêu mến, trân trọng những nhà văn biết cách quên đi những vinh quang để âm thầm, miệt mài lao động nghệ thuật: “Bao nhiêu nhà văn nhà thơ đương âm thầm lặng lẽ như thần Átlata đỡ trái đất trên vai trong thần thoại Hy Lạp. Họ là những người không muốn những vinh quang cập nhật, không ngủ quên trước những lời chúc tụng. Có phải đó là tinh anh văn hiến bốn ngàn năm linh ứng của hồn thiêng sông núi phù hộ cho những ai đương khai phá vào thế kỷ XXI bằng con đường văn chương?”.

Một điều thú vị đáng lưu ý là Thu Bồn trong những năm cuối đời đã lên tiếng đánh động về một hiện tượng đang xảy ra khá phổ biến trong làng văn làng báo nước ta là việc các nhà văn, khi dấn thân vào con đường kinh tế thị trường, đã dần rời xa con đương văn chương và trở thành các nhà báo thực thụ; ông cảnh báo: “chỉ tích tắc và khoảng cách của sợi tóc sẽ đưa bạn xa rời sự nghiệp văn học nghệ thuật. Nghề làm báo thật là hấp dẫn vì nó là đất cho văn chương dụng võ. Nhưng hai thứ đó thật khác nhau vô cùng, một bên là sự thật, một bên là hư cấu. Cả hai đều động não, nhưng phương pháp động não khác nhau một trời một vực. Sự hấp dẫn ngọt ngào sẽ đưa bạn đi xa con đường văn học nghệ thuật lúc nào không biết” (Khuôn mặt đàn bà làm văn học nghệ thuật). Thực tế làng văn biến thành làng báo đại trà ở nước ta hiện nay đã chứng minh lời cảnh báo đúng đắn và rất đáng suy nghĩ này của nhà thơ; dù vẫn bày tỏ sự “đánh giá nhà báo rất cao” nhưng ông luôn canh cánh, lo âu cho làng văn trước “hiểm họa xâm thực” ngày càng mạnh mẽ của làng báo nhạy bén, năng động.

Trong nhiều bài viết của tập thơ và tiểu luận Đánh đu cùng dâu bể, Thu Bồn đã trình bày những quan điểm đáng chú ý của mình về thơ ca. Trước hết, ông khẳng định sức mạnh và sự đóng góp to lớn của thơ ca trong hai cuộc kháng chiến thế kỷ của dân tộc mà “ thơ ca cũng như các bộ môn nghệ thuật khác đều tập trung vào mũi nhọn phục vụ công cuộc kháng chiến của toàn dân” và đến nay, trong hòa bình đổi mới “ trong những ẩn khúc của cuộc sống mới, những thay đổi của thế giới ngày nay qua những phương tiện thông tin làm lòng ta xao xuyến”, thơ ca vẫn có những sức mạnh to lớn từ vẻ đẹp huyền hoặc của nó; và dẫu xã hội hiện đại biến động dâu bể đến nhường nào, mục đích của thơ ca vẫn không bao giờ thay đổi, vẫn thiêng liêng như từ bao đời nay thơ ca đã khẳng định với nhân loại bằng giá trị chân thiện mỹ, niềm tin và tình yêu của mình: “Thơ ca hướng về chân thiện mỹ, niềm tin và tình yêu là mặt trời của thơ ca”. Làm thơ, theo ông, chính là thực hiện “một cuộc kiếm tìm hy vọng”, có thể là một cuộc kiếm tìm dài lâu, bất tận, hạnh phúc xen lẫn đau đớn để “tìm lại cội nguồn tìm cái mới, tìm lại chính mình. Tìm lại những cái gì trong chiến tranh mất mát, tìm thấy những gì trong xây dựng gian lao, tìm thấy những gì trong căn nhà tình nghĩa. Tìm những tình yêu, hạnh phúc và tìm cả trong đổ vỡ những bông hoa mọc lên từ kẽ đá của lòng tin.” ( Thơ Sông Bé 1995). Và trong cuộc kiếm tìm hy vọng gian lao ấy, để có những câu thơ hay, những câu thơ thật sự là thơ, trước hết mỗi một nhà thơ phải có cái tâm. Nối tiếp quan niệm của đại thi hào Nguyễn Du, Thu Bồn đặc biệt nhấn mạnh đến chữ tâm trong văn chương nghệ thuật: ”Ngành nào cũng có cái tâm nhưng văn chương nghệ thuật thì chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; trong xã hội kinh tế thị trường hiện nay, khi mà “đi với văn chương nghệ thuật thật là khó vì một sự thử thách đến khắc nghiệt tinh vi nhiều khi nó đánh mất mình lúc nào không biết” thì việc giữ chữ tâm của nhà thơ lại là điều kiện sống còn để có thơ hay, chữ tâm đứng trên và khó giữ vững hơn cả chữ tài: “Tài năng là cái phải có nhưng sự chi phối của cuộc sống nhất là thời kinh tế thị trường giữ vững cho được cái tâm là điều khó nhất”. Cái tâm, theo ông, rất đa dạng phong phú và mang nhiều ý nghĩa vừa tổng hòa, vừa tách bạch trong thế giới tâm linh của con người: “Cái tâm đây là tâm hồn, tâm linh, tâm trí, tâm tình, tâm sự, tâm trạng, lương tâm... còn bao nhiêu cái tâm khác nữa” (Khuôn mặt đàn bà...)

Với cái tâm cao cả, thánh thiện, trong sáng; cái tâm của chân thiện mỹ ấy, nhà thơ sẽ biết cách để trải nghiệm cuộc sống, biết đau “nỗi đau trần thế”, biết “bơi lội trong cuộc sống, thấm đẫm nước mắt mồ hôi” là những điều không thể thiếu được, bên cạnh cái tâm cái tài, để có được những câu thơ hay. Một lần nữa, Thu Bồn lại nhấn mạnh yếu tố quan trọng của hiện thực cuộc sống đối với thơ ca, dù ông nhắc nhở: “cuộc đời không dễ dãi phẳng lặng đối với những con người giàu tình cảm tình yêu và mơ ước” (Miền đất thấm ngàn cơ cực).

Thu Bồn đặc biệt đề cao giá trị của thơ ca đối với con người và cuộc sống. Ông cho rằng, bên cạnh bao “nỗi đau thể xác” còn tồn tại những “nỗi đau tinh thần” lớn lao, khắc nghiệt, một bác sĩ chỉ có thể chữa được những cơn đau thể xác “nhưng còn nỗi đau trần thế làm sao anh chữa nổi, thôi thì phải đến với thơ vậy” (Miền đất thấm ngàn cơ cực). Đó chính là “lý do ra đời” và cũng là giá trị đích thực của thơ ca, nguồn thuốc thiêng chữa những nỗi đau tinh thần và đôi khi cả thể xác nữa của con người, khi con người còn có thơ để tin yêu, để hy vọng. Bởi lẽ, theo Thu Bồn, thơ có khả năng làm cho trái tim trẻ lại dẫu vầng trán sẽ hằn lên những nếp nhăn đăm chiêu khi con người tiếp cận với thơ; thơ có sức mạnh giải tỏa cho con người ra khỏi, quên đi những gian khổ đời thường, và thơ còn có khả năng chắp cho con người trần tục đôi cánh trí tưởng để bay qua mọi nỗi nhân tình thế thái u uẩn đắng cay, thơ đốt lên cho con người ngọn lửa hy vọng, yêu thương mơ mộng rạo rực sức sống, thơ có khả năng đưa con người ra khỏi cảnh cô đơn bằng trí tưởng tượng của mình: “Thơ làm con người trẻ lại; vầng trán càng nhăn quả tim càng trẻ... Trong những gian khổ của đời thường thơ giải tỏa cho con người... Thơ bay là là trên cuộc sống nhân gian, thơ cho con người đôi cánh để bay qua nhân tình thế thái... Để rồi yêu thương mơ mộng rạo rực sức sống... Trí tưởng tượng của thơ đưa con người ra khỏi cảnh cô đơn” (Người thầy, người bán bếp ga, nhà thơ). Mặt khác, Thu Bồn quan niệm cái đẹp của thơ ca rất đa dạng, nhiều hình nhiều vẻ. Trong nhiều vẻ đẹp đó , thì “giãi bày” và “ nhân ái” cũng là cái đẹp của thơ, khi thơ bộc lộ tình yêu thương con người, quê hương đất nước ngọn cỏ lá cây, và đôi khi cả sự cay đắng cũng làm nên vẻ đẹp thơ ca như một loại canh làm mát dịu tâm hồn: “Trong thi ca giãi bày và nhân ái cũng là cái đẹp vì không có gì hơn tình yêu thương con người quê hương đất nước ngọn cỏ lá cây... Trong thi ca sự cay đắng giống như một loại canh khổ qua của tâm hồn. Nó là thức ăn nhưng cũng có thể chữa được bệnh vì đó là một loại rau hiền mang đầy dược liệu” (Mạch nguồn). Những quan điểm vừa có chất cổ điển, vừa có những nét hiện đại, mới mẻ táo bạo; tưởng như đối lập nhau nhưng thật sự rất thống nhất trong bản chất cái đẹp và giá trị thơ ca của Thu Bồn càng được nâng lên khi ông khẳng định thơ là khát vọng của tâm hồn, là giếng nước trong sa mạc tâm linh; thơ có sức mạnh cứu vớt những cơn mơ của con người trong thực tại dâu bể lắm nỗi hoài nghi chán nản: “Thơ là khát vọng của tâm hồn, là giếng nước trong sa mạc tâm linh để con người vươn tới cuộc sống hiện tại... Trong khi lương tâm và niềm tin bị pha chế bằng sự hoài nghi và chán nản, thơ có thể không cứu vớt được thực tại nhưng ít ra cũng cứu vớt được những cơn mơ” (Người thổi sáo).

Thu Bồn còn có một cái nhìn khá chuẩn xác khi ông cho rằng, trong việc hình thành nên phong cách của một nhà thơ, yếu tố nguồn gốc gia đình, quê hương có tác động rất lớn và con đường đi đến văn chương không phải độc đạo, cứng nhắc nhưng không hề dễ dàng với những ai không đủ bản lĩnh, tài năng và tinh thần “kiên nhẫn thơ” để đi đến cùng: “Con đường đến với thơ ca mỗi người mỗi kiểu. Nguồn gốc xuất xứ của từng người có ảnh hưởng đến sự nghiệp, tâm lý, nguồn cảm hứng chủ đạo... Có người ra đời trong nhung lụa được nhiều may mắn do số phận nuông chiều nên dễ thành đạt. Cũng có người sống trong sự nghèo khổ và bất hạnh nhưng vẫn cố vươn lên để giành lấy phần cao đẹp của tâm hồn Nhưng nói chung con đường gian khổ để đi đến sự nghiệp văn chương không phải cứng nhắc như vậy. Có một điều là để lọt vào mắt xanh của nữ thần thi ca là điều không dễ dàng với bất kỳ ai” (Kiên nhẫn thơ).

Về thi pháp, thể loại, xu hướng trường phái sáng tác, Thu Bồn ghi nhận một thực tế “những năm gần đây trong thơ ca người ta bàn đến nhiều về các thể loại và nhất là thi pháp. Các xu hướng hiện đại, cấu trúc, lãng mạn...”, nhưng ông cho rằng, thực ra trong mỗi nhà thơ đều có sự tổng hợp ảnh hưởng của rất nhiều xu hướng, trường phái khác nhau trước khi nhà thơ ngả theo một xu hướng, trường phái hợp với mình hoặc mình tâm đắc nhất: “Thật ra nhà thơ nào mà không lãng mạn, không hiện thực, không siêu thực... Không có những cái đó làm gì có thơ. Chỉ có điều là anh nghiêng về xu hướng nào trường phái nào mà thôi” (Đời đã thu rồi). Nhưng, điều quan trọng không phải là ở xu hướng nào, trường phái nào, mà là ở những câu thơ hay, rung lên được mọi xúc cảm hồn nhiên chân thật sâu thẳm của tâm hồn con người, tự nhiên như mối quan hệ giữa cây cỏ và đất đai: “Điều ta dễ hiểu vì sao củ khoai, hạt lúa cũng như cây cỏ đều mọc lên từ đất thì ta cũng dễ hiểu những rung động trong tâm hồn của nhà thơ”, thơ phải nói lên được “thân phận con người trong cõi nhân sinh như mơ như thực” (Mạch nguồn); dẫu rằng đôi khi “chỉ có biển mới có thể hiểu được nỗi cô đơn của thi nhân” (Chén cuối cùng anh uống với mênh mông) nhưng ông vẫn một lòng tin vào “những nhà thơ với tâm hồn trong sáng và đôn hậu làm nên những vầng thơ chiến đấu lao động tình yêu. Những nhà thơ được dấy lên từ đất” (100 bài thơ của 100 tác giả Miền Đông). Và đặc biệt, sống với thơ hết lòng, nên Thu Bồn tỏ thái độ dứt khoát không chấp nhận những câu thơ nhạt nhẽo không mùi vị, những câu thơ như “gạo sình” chưa đủ độ chín tới và phản ứng gay gắt những kiểu tung hứng lấy lòng giả dối cùng những giải thưởng, tặng thưởng cho thứ thơ “sống sít”, thứ thơ làm dáng, kết quả quái gở của “cả một trời văn hóa ngoại lai từ phương Tây và cả phương Đông đã ngoại lai” cộng với sự bất tài thiếu tâm của kẻ làm thơ giả chuyên nghề ảo thuật chữ nghĩa: “Ta bỗng sợ những câu thơ không mặn không ngọt xuất hiện nhan nhản, những câu thơ như gạo sình vì không đủ lửa để thành cơm. Những sự tâng bốc lên mây xanh ngôi thứ trạng nguyên cho những bài thơ õng ẹo làm duyên làm dáng làm trò ảo thuật chữ nghĩa” (Hái một chùm sao cài trong đáy giỏ).

Gần nửa thế kỷ cầm bút, với những suy nghĩ tâm huyết về nghề văn, nhà văn và cuộc sống, về chuyện làm thơ như thế, Thu Bồn đã để lại cho đời những tác phẩm xứng đáng, bao gồm cả thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết... Nhà thơ  Thanh Thảo nhận định: “Những gì Thu Bồn đã làm được cho thơ ca... đã đủ cho anh một chỗ đứng, một đóng góp không hề nhỏ cho văn học nói chung, cho thơ nói riêng... Anh xứng đáng là một trong những cánh chim chơ rao đầu đàng của nền văn học chống Mỹ” (Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng). Nhà thơ Ngô Thế Oanh, gọi Thu Bồn là Người hiến mình trọn vẹn cho thơ khi đề tựa cho tuyển tập “Thu Bồn  thơ và trường ca” ( Nxb Đà Nẵng, 2003) và nhấn mạnh đến tình yêu say đắm trong thơ Thu Bồn: “... sẽ còn mãi những gì Thu Bồn đã viết về tình yêu. Những gì thật xuất thần, thật máu thịt... những khát vọng thật đẹp, thật rộng lớn, cả những cô đơn, những tan nát trong tình yêu của ông.. Ông bộc lộ tất cả. Nhưng cũng vì thế mà ông mãi mãi vẫn là bí ẩn. Sự bí ẩn này in dấu vào những dòng thơ ông viết. Và đó chính là hấp lực không dễ ai cũng có được trong thơ như ông” ”.

Và những gì ông viết ra thật đáng để chúng ta ngẫm ngợi, khi ngồi trước trang giấy trắng với những ý văn, câu thơ chưa thật định hình...
 

                             Đà Nẵng tháng 2 – 2009