Năng động một cây bút lão thành
TRƯỜNG LƯU
Ông phê phán “Con rồng An Nam” viết hồi ký tự tâng bốc mình và xuyên tạc lịch sử, cũng như tìm tòi tư liệu bổ sung vào cuộc đời ông Vua yêu nước Duy Tân. Ông bác bỏ luận điểm “đổi mới” quá đà, cố ý làm lẫn lộn giữa tư tưởng văn hóa dân tộc với tư tưởng cầu cạnh thực dân của một vị đại quan triều Nguyễn, đi đôi với lời ca ngợi theo nhận thức riêng về nhiều nhà văn và nhà văn hóa lớn… Sự kiện và nhân vật tuy cũ song nhờ tư liệu được bổ sung, bài viết của Đặng Minh Phương vẫn có sức hấp dẫn do luôn đặt nó trong dòng suy nghĩ mới.
Vốn là người “sở trường” trào lộng và thành thạo các thể loại văn châm biếm, dù viết hàng loạt bài báo với đủ thể loại, Đặng Minh Phương không quên sáng tác liên tục những vần thơ đả kích vào các tệ nạn xã hội, góp phần chống tư tưởng quan liêu, tham nhũng của số cán bộ, viên chức thoái hóa. (Chống tham nhũng sao khó khăn/ Vì cây gỗ chống mối ăn vài phần/ Cải cách hành chính là gì/ Là cứ nói tới làm thì vội chi, hoặc: Khi ngồi cao chẳng gần dân/ Đến khi xuống thấp thì dân chẳng nhìn; v.v…).
Bản thân tiếng cười theo ý nghĩa tích cực và nhân bản là thái độ của kẻ tôn trọng đạo lý và tự tin, đứng lên trên sự xấu xa và ươn hèn, là vũ khí của dòng văn học phê phán, nhưng đồng thời, tiếng cười trong nhiều trường hợp còn ẩn khuất một cái gì không thể diễn tả bằng lời. Nhà thơ Thanh Quế trong lời bạt tập thơ và câu đối Thoáng ánh sao văn (Nxb VHTT, 2003) của Đặng Minh Phương, đã khá chí lý khi nhận xét rằng, Đặng Minh Phương “chỉ mượn cái vỏ vui cười bên ngoài để nói lên nỗi lòng đau đáu ở bên trong. “Nỗi lòng” với bao xúc cảm, suy tư về lẽ đời và thân phận đã là khối điểm cho thơ, dù cuộc sống không ngừng biến đổi. Đặng Minh Phương có sáng tác được tuyển vào Thơ miền Trung (Nxb Đà Nẵng, 1995…) và có thơ được in thành tác phẩm riêng, bên cạnh nhiều tác phẩm văn học và báo chí là không có gì ngược với chất trào lộng ở con người và trong thơ châm biếm của ông; trái lại, đấy là sự thống nhất của một hợp chất được tỏa thành hai hình thái tư duy. Không thể và không nên đơn giản hóa cách lý giải máy móc về trữ tình và trào lộng, bởi tư duy con người là vô cùng đa dạng, tùy theo mỗi tình huống và sự việc, người cầm bút có thể hướng vào điểm nhấn tích hợp để vận hành chữ nghĩa vào thể loại tương ứng. Bạn đọc và bạn bè thân thiết của Đặng Minh Phương thường nhắc đến bài thơ Ta xin chào của ông, vừa trữ tình, vừa pha chất hóm, song rất đau khi liên hệ cảnh sống ở chiến trường Trung Trung Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt: Ta xin chào/ Các nhà văn nín vợ/ Các nữ sĩ nín chồng/ Xưa/ “Mặc Địch thấy sợi tơ trắng mà khóc/ Dương Châu thấy đường hai ngả mà thương”/ Nay/ Ta thấy vành tai tía của các nhà văn trẻ mà khóc/ Thấy gương mặt đỏ của các nữ sĩ mà thương… Đúng là cái đau do hoàn cảnh tạo nên đã lặng vào bên trong cái “tinh nghịch” và kiểu chơi chữ theo vần điệu bài thơ.
Nhưng cái mà Đặng Minh Phương gây ấn tượng mạnh nhất ở người đọc, chính là câu đối của ông. Đây là một thể loại quen thuộc và nổi tiếng trong văn học truyền thống Việt Nam, được khôi phục và phát triển khá sôi nổi trong mấy năm gần đây mà Đặng Minh Phương là một trong những cây bút tiêu biểu. Ngoài vốn sống phong phú và sự lịch lãm về cốt cách văn chương của đặc trưng thể loại, nhà sáng tác câu đối phải có tài tạo sự đối xứng chặt chẽ cả chữ nghĩa và âm thanh, để từ đó tạo được ý nghĩa ở nội hàm câu đối. Trong cuộc đời làm báo của mình, cả sau khi đã nghỉ hưu, Đặng Minh Phương là người đi nhiều, từng lăn lộn với chiến trường qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến và làm việc với nhiều địa phương trong thời bình xây dựng, quen biết với nhiều trí thức và nhà văn… Tất cả những mặt đó cộng với vốn tri thức về nhiều mặt được tích lũy từ sách báo đã là cơ sở thuận lợi để ông chọn lọc đối tượng và sáng tác câu đối.
Là người trưởng thành từ báo Nhân dân và phần lớn cuộc đời gắn bó với cơ quan ngôn luận chủ yếu này của Đảng, nên ông thường gửi gắm vào đó những tình cảm sâu đậm: Từ gốc đa/ Lớp lớp phóng viên/ Đi mọi miền đất nước/ Trong sâu thẳm con tim/ luôn nhớ về/ Cây đa Hàng Trống/ Nơi trưởng thành/ Bao lớp người làm báo Đảng (Trong Thoáng ánh sao văn). “Cây đa Hàng Trống” đã trở thành ngôn ngữ hình tượng khi nói về địa chỉ một tờ báo, đồng thời cũng là ngôn ngữ “biểu tượng” khi nói về một cơ quan ngôn luận tiêu biểu của làng báo cách mạng Việt Nam. Với câu đối, Đặng Minh Phương trước tiên chọn những nhân vật tiêu biểu của Báo, từng nổi tiếng trên mặt báo chí, văn chương và ngoại giao để sáng tác. Quả là tài năng khi ông viết về Hoàng Tùng: “Kiến thức dồi dào, thuở “Sự thật” lấp lánh ánh tài năng báo lớn/ Tư duy sắc sảo, thời “Nhân dân” lẫy lừng cây chính luận tâm cao”; về Nguyễn Thành Lê: “Nghề báo chí bao năm gắn bó, “Cứu quốc”, “Nhân dân” dồi dào trang ngôn luận/ Trận ngoại giao mấy bận xông pha Pari, Thụy Sỹ… sắc sảo lý đấu tranh”; và về Thép Mới: Ngòi bút xông pha, hiên ngang Cu Ba, hùng tráng Trường Sơn, trang báo trang văn, chứng nhân lịch sử/ Cuộc đời sôi nổi, quật khởi Đà Nẵng, lẫy lừng Hà Nội, dặm trời dặm biển phẩm giá quê hương v.v…
Qua câu đối, ta thấy rõ đặc điểm sự nghiệp, tài năng và sự cống hiến, trong đó bao hàm sự xâu chuỗi giai đoạn trưởng thành và tác phẩm của nhân vật, tất cả đều được đối xứng chặt chẽ giữa ý nghĩa và nghệ thuật ngôn từ. Nhiều trí thức và nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Khắc Hòe, Quang Đạm, Hữu Ngọc, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Hoài Thanh v.v… cùng hàng loạt các cây bút quen thuộc trong làng văn làng báo đã được Đặng Minh Phương khắc họa thành câu đối hoàn chỉnh. Ở Đặng Minh Phương còn có nét độc đáo là không chỉ khắc họa nhân vật mà còn khắc họa cả sự nghiệp chung, chẳng hạn như Báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam: Bao cuộc bình văn, truyện dài, truyện ngắn, truyện đắng truyện cay, vì điều ngay lẽ phải, thật giả rạch ròi, hướng sáng tác vào chân, thiện, mỹ/ Mấy kỳ tranh luận, thơ cổ thơ nay, thơ say thơ tỉnh, tránh búa lớn đao to, lý tình tỏ rõ, cùng đấu tranh, chống ác, gian tà.
Mỗi độ Tết đến Xuân về, câu đối của Đặng Minh Phương càng tươi tắn góp vào khí vị mùa Xuân của dân tộc. Cầu chúc cho ngòi bút ông luôn năng động, bất chấp tuổi tác và thời gian./.
1-2009