Một thoáng Hòa Mỹ

03.04.2009

Một thoáng Hòa Mỹ

Tôi hòa vào dòng người đang rảo bước về đình làng. Dọc đường Nguyễn Huy Tưởng, những câu chúc xuân viết theo kiểu thư pháp, những khuôn mặt hân hoan như thấm vào cây cối, vào nắng xuân, tạo nên không khí thật linh thiêng đến khó tả. Đó là sự linh thiêng của tình người, của sự hội tụ, và một sự hội tụ thật đầy đủ. Các bậc Tiền Hiền gây dựng nên làng đã về đây, đang tham quan quê hương, đang chiêm nghiệm những thành tựu của con cháu. Chắc các vị mãn nguyện lắm! Và đây, những người con làm ăn xa xứ với tấm lòng hướng về tiên tổ, nào trẻ, nào già, người và cảnh, âm và dương, quá khứ và hiện tại, hư vô và hữu hình… tất cả đang quy tụ nơi đây, trên mảnh đất máu thịt này. Sự linh thiêng tỏa ra trên những khuôn mặt của biết bao con người đang tề tựu trước ngôi đình chờ tiếng trống khai lễ. Những tia nắng xuân, những hạt sương mai đến những cây hoang cỏ dại đều đang được tắm trong không khí thiêng liêng. Trước tết, tôi có ghé qua đình, lúc ấy, sự đợi chờ mòn mỏi của tạo vật lan tỏa khắp hồn người. Nhưng nay, nhìn những nhành mù u đầy lộc biếc, những đọt cau lung linh trong nắng sớm… và thử hỏi xem trên dương gian này có cái đẹp nào hơn cái đẹp của sự hội tụ trong tình nghĩa thủy chung, của lòng người quấn quýt bên nhau?

 Lễ hội đình làng không bắt đầu từ việc thả hoa đăng trôi bồng bềnh trên sông trăng và những hồi trống gọi hồn tiên tổ về ngự trị. Lễ hội bắt đầu từ cõi lòng nô nức sau những tháng ngày mòn mỏi vì chờ đợi của mỗi một con người đang hiện diện trên mảnh đất Hòa Mỹ này. Một thứ men lạ kì đang dậy lên từ những cử chỉ, nụ cười, ánh mắt của người tham gia lễ hội. Nhìn những bước chân nhịp nhàng của ban tư lễ trong trang phục cung đình đang tiến về bàn thờ tiên tổ với mâm ngũ quả, với hương, hoa, đèn, với trà với rượu cùng Ngư, Quy, Long, Hạc và muôn tạo vật như đang thắp lên ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn đang hướng về nguồn cội. Một cụ trong ban tư lễ móm mém: “Những người trong ban tư lễ đều phải tắm gội sạch sẽ và không được ngủ với vợ một tuần trước ngày diễn ra lễ hội. Các học trò lễ phải là trai tân”.

      Phần lễ bắt đầu bằng lễ Vọng. Tôi tranh thủ lia mấy bô ảnh rồi hỏi một người bên cạnh: “Vọng là gì hả anh”? Anh ta nói một cách rành mạch: “Vọng là cầu mong, chờ đợi, trong suốt thời gian diễn ra lễ Vọng, người dân cầu mong tiên tổ về ngự trị ở đình và chứng giám chút lòng thành của con cháu dâng lên các vị”. Không khí trang nghiêm vẫn bao trùm tất cả, mọi ánh mắt đang hướng về những bước chân của ban tư lễ, cứ một cụ là ba học trò lễ đi theo gióng hàng ứng với ba gian đình. Người xem lễ lúc nãy vừa chỉ vừa nói nhỏ với tôi: “Đang lễ Cầu Quốc Thái Dân An đấy”. “Nghĩa là gì vậy anh?". Anh ta ghé vào tai tôi: “Đó là tâm tình với cuộc sống, với đất trời bao la của ngày xuân, thể hiện khát khao một cuộc sống ấm no hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, đầu xuôi đuôi lọt”. Rồi đến phần Dâng Lễ Tiên Linh, nhìn hình ảnh cúi vái cung kính của các cụ, những ly ruợu ly trà được rót ra từ những đôi tay nâng niu của học trò lễ không thể không nhận ra lòng biết ơn sâu nặng với ông cha muôn kiếp trước của lớp con cháu hậu sinh. Lời văn tế lúc thì bay bổng, lúc lại trầm trầm và sự yên lặng bao lấy sân đình, rồi những ngọn lửa thiêng đi vào hư vô, mang theo bao tâm tình của con cháu gửi tới các bậc tiền nhân.

Tôi lượn nhanh đến bên người hát bài chòi. Người nghệ sĩ ngả nghiêng trong điệu hô thai cùng tiếng nhạc inh ỏi. Những câu hát dân giã sao lại dễ đi vào lòng người đến vậy! Trời Hòa Mỹ hôm nay cao lồng lộng, chỉ một vài đám mây trắng bồng bềnh trên tầng không. Nắng Hòa Mỹ hôm nay thật khó tả, không gắt mà cũng không dìu dịu, không vàng phai hay vàng sẫm. Nắng tắm hàng cau, hàng mù u và muôn cây hoang cỏ dại quanh sân đình; tắm hồn người ngất ngây và gợi lên một cái gì thật mới mẻ, rộng mở đến không cùng…

 Đằng kia, tiếng trống cùng hàng ngàn âm thanh cổ vũ trò kéo co mỗi lúc càng rầm rộ. Một vận động viên hổn hển: “Zui quá! chờ suốt năm trời mới có một lần, mệt nhưng mà zui!”. Những khuôn mặt đẫm mồ hôi và cát, thứ mồ hôi nhuốm cát rồi được tắm dưới nắng xuân hiện lên làm tăng thêm ý nghĩa của lễ hội. Không ai biết trò chơi kéo co sinh ra từ lúc nào, chỉ biết rằng nó là một trò chơi dân gian đã trở nên quen thuộc với mỗi người, mỗi thế hệ con cháu ở phố phường. Trò chơi đập om tìm báu vật cũng vậy, nó đang là món ăn tinh thần không thể thiếu của buổi sáng hôm nay. Nhìn những người bịt mắt, tay cầm cái dùi, nhảy lên đập từng cái om treo lơ lửng dưới cành mù u trong tiếng reo hò, vỗ tay lẫn tiếng cổ vũ của người dẫn chương trình; nhìn những điệu xoay người, gật gù của nghệ sĩ trong điệu hô thai, rồi những cái bặm môi, đưa hết sức ra mà kéo của các vận động viên, tôi mới ngộ ra một điều, đó là sức sống mãnh liệt của hồn quê giữa phố phường - nơi vốn chỉ dành cho sự đua chen của kinh tế thị trường. Tôi tìm gặp anh Phước - Chủ tịch UBMTTQ phường Hòa Minh, anh đang mải mê kể về làng cho quan khách. Anh Phước tâm sự: “Lễ hội mang tính cộng đồng, chính vì thế, mọi sinh hoạt và mọi vấn đề của lễ hội đều phải thể hiện được tính tập thể cao, với tâm tình uống nước nhớ nguồn, đoàn kết cộng đồng, chung tay góp sức xây dựng quê hương”.

Đứng xem cuộc thi cắm hoa chưng quả, nghe ban giám khảo đọc tên những tổ, những tộc phá đoạt giải thưởng về cuộc thi gương ông bà mẫu mực, dâu hiền rể thảo, giúp đỡ người nghèo, người đau ốm…thế mới biết vai trò của hội đồng các gia tộc của làng quan trọng đến mức nào, giống như thứ vữa gắn kết mọi thế hệ trong làng thành một khối thống nhất, là ngọn lửa cháy hằng ngày giữa cuộc sống vốn nhiều cạm bẫy dễ làm mất đi thuần phong mỹ tục. Đối với con người Hòa Mỹ thì việc đề cao vấn đề gia tộc đã trở thành tâm lí chung từ bao đời. Cụ Nguyễn Nghĩa, trưởng hội đồng các gia tộc trong trang phục của ban tư lễ tâm sự: “Điều đặc biệt nhất của hội đồng các gia tộc là hướng mọi thế hệ trong làng luôn sống có tôn ti, lễ nghĩa, tránh xa những cám dỗ bên ngoài xã hội, nó là chỗ dựa vững chắc nhất để giáo dục con cháu trong làng. Trong từng tộc phái, giữa các tộc phái, luôn có sự đua tranh với nhau về các vấn đề như anh vừa nghe ban giám khảo công bố đó, thi đua hằng ngày và đến ngày diễn ra lễ hội thì mới đọc kết quả”. 

      Tôi bước vào khu trưng bày, tất cả đều là những kỉ vật của làng, nào tranh ảnh, các bài báo viết về làng, những sắc, những chỉ…và đình ban đầu được xây lên tại xứ Sa Càn bằng những cây tre, cây nứa nhằm thờ cúng các vị tiền nhân đã có công khai phá làng. Đến năm 1946, giặc pháp đánh phá đổ nát đình, mái đình chỉ còn vài cái cọc chơ vơ, người dân như đứt từng khúc ruột. Từ đó, việc thờ tự các vị được đưa về miếu xóm Hòa Nam. Đến năm 1970, dân làng góp mỗi nhà một ít để xây lại đình tại xứ Tràng Chuỗi, ngay bên cạnh miếu thờ ngũ hành- vị trí hiện nay. Năm 2007, dân làng một lần nữa chung tay góp sức cùng với tiền của nhà nước ủng hộ, một ngôi đình lừng lững được xây lên giữa mảnh đất rộng hơn một ngàn mét vuông, trả lại những giá trị nhân văn vốn tồn tại lâu đời của một vùng đất.

      Tôi rời lễ hội trong ngất ngây men tình, thứ men tình kì lạ của lễ hội, của lòng hân hoan đến bất tận. Tiếng nhạc, tiếng trống theo về trong giấc mơ.
 

TRẦN PHÚ YÊN