Những mẩu chuyện về Bác Hồ

03.04.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Đây là cánh cửa hòa bình

Đêm đó, Bác Hồ rời Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ) bằng xe lửa đặc biệt để thăm thành phố Bom Bay. Đông đảo đại diện ngoại giao các nước và quần chúng Thủ đô Ấn Độ ra tiễn Bác. Các thành viên của đoàn ta lên các toa trước để khi Bác đến là tàu có thể chuyển bánh được ngay. Bác đến, rồi đi chào các đại diện ngoại giao đang xếp hàng ngang trong phòng khách của nhà ga. Khi ra sân ga chỉ có Bác, Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru và ông Vụ trưởng Vụ lễ tân của Ấn Độ. Bước đến toa dành riêng cho Bác, Bác không vào ghế ngồi ngay mà đứng lại ở cửa, nói một vài câu chuyện với Thủ tướng Nê-ru. Khi còi tàu nổi lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, Thủ tướng Nê-ru thân mật và ân cần nói với Bác:

- Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đó.

Tươi cười và rất hiền hòa, Bác Hồ nói với Thủ tướng Nê-ru:

- Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cửa của hòa bình.

Nghe Bác nói, Thủ tướng Nê-ru cười vui vẻ, cảm kích và trả lời Bác:

- Thưa Chủ tịch, cửa hòa bình luôn luôn rộng mở.

Câu chuyện rất thân mật này giữa hai người đứng đầu hai quốc gia, đồng thời cũng là hai người bạn yêu chuộng hòa bình, luôn đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, đã làm cho các nhà báo Ấn Độ và nước ngoài có mặt hôm ấy rất chú ý.

Sáng hôm sau, các báo lớn của Ấn Độ đăng lại cuộc đối thoại lí thú này và làm cho dư luận vô cùng chú ý. Nhiều báo nhắc lại câu nói của Bác: Đây là cánh cửa của hòa bình.
------------------------------------------------------------------------------
 
Bữa cơm đầu tiên ở Hà Nội

Sau Cách mạng tháng Tám, Trung ương giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh đón Bác Hồ từ Tân Trào về Hà Nội. Bác đi đò qua sông Hồng đến làng Gạ (tên chữ là làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội)(1),  và ở nhà một cơ sở của “an toàn khu” Trung ương. Đó là vào tối ngày 23 tháng 8 năm 1945. Anh chị em tự vệ xã đã nhanh chóng chuẩn bị bữa cơm tối đón đoàn cán bộ chiến khu về kịp ăn sau một chặng đường xa mệt nhọc.

Bữa cơm hôm đó có gần 20 người dự, chia làm ba mâm đặt trên hai chiếc phản và trên bàn. Cụ già nhất ngồi trên phản cùng anh em. Bữa cơm có cơm gạo đỏ nấu hơi khô, thức ăn có canh mướp và muối vừng. Ai cũng ngại cụ già không ăn được, nhưng cụ vẫn dùng cơm ngon lành như người khác.

Ăn xong, một đồng chí tự vệ rót nước nóng bưng lên mời cụ uống, cụ bảo:

- Cứ để ấm chén ở phản. Ai uống thì rót lấy.

Tất cả anh em tự vệ có mặt hôm ấy không ai biết rằng bữa cơm đạm bạc đón đoàn cán bộ chiến khu về là bữa cơm đầu tiên ở Hà Nội của Cụ Chủ tịch nước mà ít ngày sau đó họ mới nhận ra trên lễ đài trong ngày Độc lập.

(1) Nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------------------------------------------
 
Việc nào dễ nhất
Thời gian ở Việt Bắc, cơ quan thường đóng trong rừng sâu. Thỉnh thoảng, anh chị em phải lấy gạo ở một kho nào đó. Một lần, có đoàn gồm các bác sĩ, giáo sư, kĩ sư và một số chị em văn nghệ sĩ tham gia chuyển gạo về cơ quan. Đi từ sáng đến chiều tối mới về. Người gánh, người gồng, người đeo ba lô đầy gạo, người quấn bao gạo qua vai, qua lưng, đủ kiểu. Mọi người mồ hôi ướt đầm.

Tình cờ gặp Bác đang ngồi nghỉ chân bên bờ suối, mọi người vui vẻ và sung sướng đi đến bên Bác. Ai cũng muốn khoe để Bác biết là giới trí thức cũng mang vác không kém gì ai.

Đang ngồi nói chuyện vui vẻ, thân mật, Bác quay sang hỏi mấy người bên cạnh:

- Đố các chú biết trong nghề nông việc nào làm dễ nhất?

Nhiều người trả lời, nhưng không ai trả lời giống ai. Người thì cho rằng làm dễ nhất là gieo mạ, gặt hái. Người thì cho là xay lúa, giã gạo. Một đồng chí nữ liền hỏi:

- Thưa Bác, Bác chấm cho ai trả lời đúng ạ?

Bác tươi cười nói:

- Theo Bác, việc làm dễ nhất là đi đến kho lấy gạo về nấu ăn.

Mọi người cười vui vẻ, nhưng cũng rất thấm thía trước câu nói của Bác.
------------------------------------------------------------------------------------------
 
Cốc nước nóng

Đồng chí Phùng Thế Tài là một trong những vị tướng của quân đội ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ, ông được giao nhiều trọng trách như Tư lệnh Binh chủng Phòng không, Phó Tổng tham mưu trưởng… và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ngay từ tuổi thanh niên, ông đã được đoàn thể tín nhiệm giao cho nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Được sống gần Bác và được nhận nhiều sự giáo dục, uốn nắn của Bác, ông tiến bộ rất nhiều, tuy nhiên cái tính nóng như lửa thì chưa sửa được mấy. Có lần bị Bác phê bình, ông tiếp thu nhưng vẫn nói là do cha mẹ đẻ ra đã quen nên rất khó sửa chữa. Thời gian ông là Trung đoàn trưởng một đơn vị quân đội chuẩn bị tham gia chiến dịch, đang luyện quân thì nhận được lệnh đến gặp Bác, lúc này đang là tháng nắng nóng nhất mùa hè. Đồng chí phụ trách trạm đón tiếp không đưa vào ngay mà bảo đồng chí chờ một lúc. Khi được đưa vào gặp Bác, ông cứ đứng và nói to như quát:

- Đề nghị Bác kỉ luật mấy thằng cha ở trạm đón tiếp, đuổi cổ hết đi. Bác đã hẹn rồi mà bảo không có người dẫn.

Bác cười không nói gì, rồi rót cốc nước nóng bốc hơi nghi ngút đặt lên bàn:

- Chú uống đi !

- Trời ! Nóng vã mồ hôi thế này, Bác lại cho cốc nước nóng thì uống làm sao được.

Đang nóng bừng bừng thấy Bác cứ lặng thinh cười, ông đã bắt đầu thấy chột dạ.

- Nóng quá à? Thế thì uống nước nguội nhé!

Chú có thích uống nước mát không?

- Dạ thưa Bác, có ạ!

Bác nhìn đồng chí Phùng Thế Tài, nói:

- Nước đang nóng, cả chú, cả Bác đều không thể uống được. Uống vào chỉ phỏng lưỡi. Khi chú nóng quát tháo, mắng mỏ người ta vuốt mặt không kịp thì hỏi cấp dưới, chiến sĩ của chú có tiếp thu được không? Khi người khác có khuyết điểm hoặc làm việc gì đó trái ý chú, nếu chú hòa nhã, điềm đạm mà xử lí thì họ sẽ thoải mái, dễ tiếp thu hơn giống như uống cốc nước mát ấy!

Vừa lúc đó mâm cơm được đưa lên, trên mâm có hai cái bát, hai đôi đũa, Bác tươi cười bảo:

- Nào Bác cháu ta cùng ăn cơm!

                       

(Trích trong cuốn “Những mẩu chuyện về Bác Hồ” NXB Giáo dục)