Nhớ về quê mẹ
Ngày giỗ mẹ năm nay, anh chị em chúng tôi lại cùng nhau đoàn tụ. Trên bàn thờ, bên di ảnh mẹ, làn khói trầm hương bồng bềnh lan tỏa. Khói hương như quyện vào niềm thương nỗi nhớ của chúng tôi.
Mẹ ra đi thấm thoát đã năm năm rồi. Vậy mà trong tâm trí chúng tôi, hình ảnh mẹ đã bao trùm lên cả quảng đời ấu thơ gian khổ nhưng tràn đầy tình thương của mẹ.
Quê tôi, đất Duy Xuyên, nơi từ thế kỷ XVII đã sản sinh ra người thôn nữ họ Đoàn. Người đã đưa nghề tầm tang dệt cửi trở thành một nghề truyền thống cho đất Duy Xuyên. Dân quê tôi tự hào về bà vì bà không những là một “Đoàn Quý Phi” của triều đình mà còn được tôn vinh là “Bà chúa tầm tang xứ Quảng”.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, dân quê tôi vẫn vui buồn, no đói với nghề dệt lụa xe tơ.
Mẹ tôi sinh trưởng trong một gia đình nho giáo. Nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, Bà ngoại tôi qua đời khi mẹ mới mười ba tuổi. Mẹ tôi là con gái lớn trong nhà, nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình mẹ lại phải thay Bà ngoại tôi gánh vác. Có thể nói mẹ không hề có tuổi thơ, không hề có mộng mơ của thời con gái.
Khi tuổi con gái qua đi với những đêm trăng ươm tơ kéo kén, những buổi chiều gánh nước tưới dâu, mẹ bước chân về nhà chồng được một thời gian thì chiến tranh chống Pháp xảy ra. Mẹ phải tần tảo lo cho gia đình chồng lại phải chăm sóc anh em chúng tôi từ việc ăn, việc học… Ba tôi mất khi tuổi đời còn rất trẻ, vậy là gánh nặng gia đình dồn hết trên đôi vai gầy mòn mỏi của mẹ tôi.
Những chuyến buôn xa
Những buổi chợ gần
Đói no
ấm lạnh
Một thân chống chèo…
Chiến tranh lan đến quê tôi, cũng như bao gia đình khác, chúng tôi phải bồng bế nhau đi tránh giặc. Đây là thời kỳ gian khổ khó khăn nhất của người phụ nữ cô đơn.
Mẹ tôi không còn cách nào hơn là bỏ hai chị em tôi vào hai đầu quang gánh, tay dắt hai con trai, vai gánh hai con gái theo dòng người tản cư kẽo kẹt vào đến An Thành tạm trú.
Nhưng ở đâu cũng chẳng yên. Mẹ con tôi lần lần đi tiếp vào Phù Mỹ - Bình Định, ở đây được bà con thương yêu, đùm bọc và hết lòng giúp đỡ, mẹ tôi đã dựng tạm được một quán nhỏ ven đường buôn bán nuôi anh em tôi và tiếp tế cho ông bà nội ở quê nhà.
Cho đến bây giờ, khi nghĩ về mẹ, tôi đã không sao hiểu nổi sức mạnh nào đã khiến mẹ vượt qua nỗi vất vả cực khổ này.
Trong “Chinh phụ ngâm”, người thiếu phụ trong những lúc cô đơn đã thốt lên lời tâm sự.
“Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già dạy trẻ
Bước quan hoài mang mẻ xiết bao…”
Người chinh phụ cũng đã gánh vác việc gia đình thay chồng đi chinh chiến. Nhưng bà còn có người để gởi niềm tâm sự, còn có người để hy vọng, mong chờ. Còn mẹ tôi… Mẹ tôi biết chia sẻ cùng ai, ngoài những đứa con thơ ngơ ngác trước cuộc đời…
Thế rồi chiến tranh tạm lắng. Mẹ lại chia tay với Bình Định, đưa con trở lại quê nhà.
Hai anh tôi cũng đã lớn và cũng đều từ giã mẹ để đi theo kháng chiến. Giờ đây, ngoài nỗi lo cho gia đình lại thêm một nỗi nhớ con canh cánh bên lòng. Mẹ đã không ngại ngần tham gia vào công tác giao liên, đưa đón các anh bộ đội đi qua vùng địch chiếm.
Vậy là gia đình tôi lại bị bọn Quốc gia quy cho là Cộng sản. Đêm đêm phải ôm mền chiếu vào trại ngủ tập trung, hàng ngày bị theo dõi khắt khe. Việc làm ăn buôn bán nuôi con quả là gian nan vất vả. Cùng đường, mẹ lại phải dìu dắt chị em tôi trốn ra Đà Nẵng sinh sống. Tại nơi đây chúng tôi đã được mẹ chăm nuôi cho đến trưởng thành.
Giờ đây mẹ đã không còn nữa. Chúng tôi vẫn thường xuyên về lại Duy Xuyên.
Đất Duy Xuyên quê tôi năm xưa nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
“Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều
Ban mai dệt cửi, buổi chiều xe tơ.”
(Ca dao)
Nếu có dịp đến Duy Xuyên, bạn hãy ghé thăm một lò ươm tơ kéo kén. Đến đây, bạn sẽ thấy những chảo nước sôi nghi ngút khói.
Những cô gái cầm đôi đũa tre vớt những sợi tơ vàng gảy vào xa quay. Tiếng đũa tre như gõ nhịp cho những đôi tay đưa lên hạ xuống nhịp nhàng thoăn thoắt, mờ ảo trong làn hương khói. Bạn sẽ có cảm giác như được xem một điệu luân vũ kỳ ảo, thần tiên.
Nhưng Duy Xuyên đâu chỉ có ươm tơ, dệt lụa? Ba con sông Chiên Đàn, Vu Gia và Thu Bồn hợp lưu đã ôm gọn vào lòng các huyện Hòa Vinh, Diên Phước, Duy Xuyên. Mở ra các cửa Đại Chiêm và Cu Đê một thời nổi tiếng. Phù sa từ hợp lưu sông Thu Bồn bồi đắp nên những màu sắc kỳ thú cho quê tôi: Nương bông trắng xóa như mây trời bềnh bồng trôi, sà xuống ngắm dòng sông Thu lấp lánh. Nương dâu, bãi bắp xanh mướt ngút ngàn. Nắng chiều điểm xuyết trên cánh đồng những màu đỏ, màu vàng kỳ ảo. Xa xa vọng lại câu hò điệu hát vi vút giữa không trung.
“Dừng chân Duy Phước, Duy An
Ngỡ mình lạc giữa biển vàng mênh mông”
(Ca dao)
Bây giờ đây, về Duy Xuyên chúng ta được đi trên con đường nhựa rộng thênh thang. Đèn cao áp hai bên đường soi sáng những bước chân du khách. Có ai nghĩ rằng xưa kia, trên con đường này, chỉ là một con đường gồ ghề, chật chội. Bước chân mẹ tôi liêu xiêu, run rẩy với gánh bánh chưng, bánh ú oằn vai.
Chợ Hàm Rồng sầm uất không kém gì một trung tâm thương nghiệp lớn, có đủ của ngon vật lạ của mọi miền. Nhưng chắc rằng có một loại đặc sản của miền quê Duy Xuyên không nơi nào có được.
Đó là những chiếc bánh tráng phồng rợp như những viên bi thủy tinh lăn tăn trên mặt trăng tròn.
Rồi nữa, nếu bạn ghé thăm một gia đình nào đó, chắc chắn bạn sẽ được mời ăn món mì quảng nấu với cá tràu.
Mì Quảng vốn là một đặc sản đặc trưng của đất Quảng
Nếu đã được ăn một lần thì mãi mãi bạn sẽ không sao quên được cái vị dẻo dai của mỳ, thơm nồng, ngọt lịm của cá. Bát mì là hội tụ tất cả những gì tốt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho đất Duy Xuyên.
Nghe nói xưa kia lát mì còn được nhuộm màu hoa lý để có màu vàng óng ả của sợi tơ tằm. Có lẽ người xưa đã muốn thể hiện lên những nét độc đáo của quê hương trong những món ăn dân dã.
Trên đường đến thánh địa Mỹ Sơn, du khách không khỏi bàng hoàng trước một vùng mênh mông Núi Chúa: Thánh địa Trà Kiệu uy nghi, sừng sững với hàng trăm bậc tam cấp dẫn đến đền thờ. Đây là thủ phủ của đồng bào Thiên Chúa giáo, cũng là nơi tôn vinh Thánh mẫu Maria. Bước qua cánh cổng dẫn vào khu Thánh địa, một sự tôn nghiêm trầm mặc như đưa ta lạc vào cõi hư vô. Đến đây ta cảm nhận được sự bình yên, thoát tục. Lòng chúng ta như rũ bỏ hết mọi ưu tư xao động của đời thường.
Sông Thu Bồn tinh nghịch đã rẽ một nhánh nhỏ cắt ngang con đường dẫn đến Duy Xuyên. Xưa kia người ta đã bắc một cây cầu nhỏ qua sông. Nhưng cây cầu chỉ có thể qua sông trong mùa khô ráo. Đến kỳ mưa bão, nước ngập mênh mang, cây cầu lại chìm sâu dưới làn nước bạc, việc thông thương đành phải chia cắt đôi bờ. Dân quê tôi đặt cho cây cầu bằng cái tên chua xót “Cầu Chìm”.
Giờ đây, một cây cầu bê tông mười nhịp hiện đại đã được bắc qua sông, cái tên cầu “Cầu Chìm” vẫn còn đó như một kỷ niệm của một thời gian khổ đã qua.
Nếu có ai đó xa quê từ mười năm về trước nay trở về làng hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng, xao xuyến trước những đổi thay.
Làng quê nghèo xưa kia, những con đường mòn gồ ghề, bước chân mẹ tôi ngày ngày lún ngập trong những vũng bùn lầy, nay đã đi vào dĩ vãng. Tiếc rằng mẹ không còn nữa để bốn mùa qua lại ngắm quê hương, ngắm dòng sông mênh mông trong mùa nước nổi.
Duy Xuyên nay như một thành phố nhỏ. Những ngôi nhà hiện đại, cây kiểng xanh tươi đã thay thế cho những túp lều lụp xụp, xiêu vẹo khi xưa.
Đường bê tông trải dài, rộn rịp các loại xe cộ vào ra, các em học sinh khăn quàng đỏ thắm, ríu rít đến trường khi ánh bình minh vừa trải dài trên quê tôi, những tia nắng vàng rực rỡ.
Quê tôi vẫn không ngừng đổi mới từ cuộc sống, con người đến bến sông, phố chợ. Nhưng có một điều Duy Xuyên không bao giờ thay đổi và chắc chắn sẽ còn lại mãi cho đến mai sau. Đó là tiếng thoi dệt cửi âm vang từ đầu làng cuối xóm. Đó là những cuộn tơ tằm được tạo nên từ sự hội tụ muôn vàn ánh hào quang chói lọi của đất trời.
Ôi ! Duy Xuyên quê tôi !!!.
Biết bao niềm thương nỗi nhớ xin gởi trọn về người.
Nơi đã cho tôi một người mẹ tảo tần nhân hậu.
Nơi đã cho tôi một niềm tự hào bởi những gì đã có ở quê tôi.
Xin gửi về đây một chút tình
Nhớ về quê mẹ đất Duy Trinh
Trải bao năm tháng dù xa xách
Vẫn sáng trong tim những bóng hình.
(Nhớ về quê mẹ)
VŨ THỊ HỘI