Chi hội nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đà Nẵng với trách nhiệm nâng tầm cao nghệ thuật
LÊ HUÂN
Nghệ thuật múa đang trải rộng trong hiện thực cuộc sống, trong nhịp điệu của Thành phố trẻ, thành phố biển công nghiệp-du lịch vươn tới tầm cao trung tâm đô thị của miền Trung. Trong các liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp độ, trong các lễ hội văn hóa du lịch, nghi thức lễ cưới ở nhà hàng, khách sạn, múa chiếm phần ưu thế trong chương trình nghệ thuật biểu diễn. Lực lượng diễn viên múa được phát triển thêm với một số nhóm múa, đoàn múa. Một loại hình múa đương đại (hip hop) cũng sinh sôi phát triển gây được sự thích thú cho thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ Thành phố. Múa trong sinh hoạt giao tiếp cộng đồng như các điệu nhảy múa tập thể, khiêu vũ quốc tế ngày thêm mở rộng.
Anh chị em nghệ sĩ múa bao gồm công tác trên các mặt: sáng tác, giảng dạy, biểu diễn ở thành phố Đà Nẵng đã có thể sống được với nghề.
Tuy vậy, qua nghiên cứu một vấn đề lớn được đặt ra: Thực trạng trình độ biểu diễn của nghệ sĩ múa của Đà Nẵng là đang thua kém rất xa so với trình độ biểu diễn tầm cao trong nước. Lấy tiêu chí cuộc thi tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa toàn quốc do Hội nghệ sĩ múa Việt
Ở cuộc thi tài năng nghệ sĩ múa Việt Nam lần thứ nhất (1998) khu vực Đà Nẵng có 2 diễn viên múa của Đoàn ca múa Quân khu 5 (Hiền Trang và Hồng Hà) lọt được vào chung khảo. Cuộc thi tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa lần thứ 2 (năm 2002) hai hội viên nghệ sĩ biểu diễn thay mặt cho Hội Nghệ sĩ múa TP Đà Nẵng (Dương Ngọc Lai và Hội An) tham gia không qua được vòng loại. Đến cuộc thi tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa năm 2008, như tất cả các diễn viên múa từ đèo Hải Vân trở vào đến hết dải miền Trung - Tây Nguyên không còn ai đủ sức tham gia !
Không thể tham gia bởi trước hết ở khả năng trình độ kỹ năng, kỹ thuật diễn viên. Nhìn thẳng vào sự thật trước hết phải thấy hoạt động biểu diễn của diễn viên nghệ sĩ biểu diễn múa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lâu nay không có điều kiện được diễn tập qua tác phẩm múa đòi hỏi thể hiện ở trình độ cao, không có tấm gương diễn viên thật sự tâm huyết với nghề với ý thức phấn đấu cho tài năng biểu diễn. Diễn viên mải lo chạy sô biểu diễn nơi khách sạn nhà hàng, đóng thế vai múa cho quần chúng, hoặc tập sự đạo diễn phong trào để nâng cao thu nhập hơn là việc tu thân cho tài năng biểu diễn trên sân khấu múa chuyên nghiệp.
Điểm lực lượng chi hội nghệ sĩ múa Đà Nẵng hiện nay, thành phần nghệ sĩ biểu diễn chỉ còn đôi ba người, đôi ba người này hình như cũng ở giai đoạn cuối thời diễn viên, dù tuổi đời còn trẻ. Tuy vậy hầu hết hội viên chi hội là nòng cốt cán bộ múa của các đơn vị nghệ thuật có trách nhiệm quản lý số diễn viên trẻ, nếu chúng ta ý thức được tầm quan trọng trong việc cần thiết phải nâng tầm cao nghệ thuật biểu diễn múa chuyên nghiệp trước tình hình thực tại, hãy tìm cách để vực dậy tinh thần nghề nghiệp cho lớp trẻ đi lên.
Tổ chức chi hội Trung ương và Hội Nghệ sĩ múa Thành phố kết hợp với nhiều biện pháp nhằm kích thích cho diễn viên múa say mê, chú trọng tới việc rèn giũa tài năng biểu diễn như đề ra cuộc thi trong địa bàn thành phố, hoặc liên kết khu vực theo tinh thần xã hội hóa, tìm kiếm nhà tài trợ cho cuộc thi này. Cuộc thi tổ chức định kỳ trước thời gian tổ chức của thi tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa toàn quốc, nhằm tìm ứng viên cho cuộc thi toàn quốc.
Kiến nghị với các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan có chức năng quản lý văn hóa nghệ thuật, lãnh đạo địa phương có chính sách khen thưởng cho những diễn viên múa đoạt được giải thi.
Nâng tầm cao cho nghệ sĩ biểu diễn múa sẽ là nâng tầm cho các sáng tác phẩm múa, biên đạo múa có điều kiện để thực hiện tốt hơn ngôn ngữ tác phẩm.
Nghệ sĩ múa của thành phố Đà Nẵng góp phần vào công cuộc đổi mới xây dựng nền văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường như tinh thần nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đề ra.
L.H