Ấn tượng Kolkata

03.04.2009

Ấn tượng  Kolkata

MAI HỮU PHƯỚC

Bút ký

 

 Kolkata là tên gọi mới của Calcutta kể từ ngày 01/01/2001. Thành phố này nguyên là thủ đô thời Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947, thủ đô dời về New Delhi. Hiện nay Kolkata là thủ phủ của vùng Tây Bangal (West Bangal). Đây là thành phố lớn thứ 3 của Ấn Độ (sau Mumbai và New Delhi) với dân số hiện nay gần 15 triệu người.

Cuối tháng 01/2009, Kolkata có hai sự kiện văn hóa lớn là Festival thơ Quốc tế lần thứ 3 và Hội chợ sách Quốc tế lần thứ 33. Chúng tôi là những người may mắn hiện diện trong thời điểm này.

Nào cùng nhau lên đường

Khi mọi người đang nô nức đón chào xuân mới thì chúng tôi lại tư trang hành lý đi xa. Tất nhiên phía trước mùa xuân không đón chào chúng tôi, nhưng tất cả đều hăm hở vì những mục đích lớn lao khác. Thành phố Hồ Chí Minh đang trong những ngày cuối cùng của năm âm lịch. Không khí chuẩn bị mừng xuân, đón Tết đang rộn ràng, hối hả và tràn ngập khắp nẻo đường. Đà Nẵng không có tuyến đi sang Ấn Độ, nên tôi và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (Cả hai được Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng cử đi theo lời mời từ ban tổ chức Festival thơ Quốc tế, thông qua Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt) đã phải vào trước hai hôm, một phần để chơi với các bạn văn nghệ, phần khác là để gặp những người cùng có mặt ở Kolkata, Ấn Độ để tham dự sự kiện giao lưu văn học lớn này.

 Hai nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cử đi gồm các anh Trần Hữu Dũng và Nguyễn Trọng Tín, bay hãng hàng không Thai Airway khởi hành trước chúng tôi 5 phút. Chúng tôi bay bằng Việt Nam Airlines. Khoảng thời gian bay là 1h05 phút. Sang đến phi trường Bangkok, Thailand cả hai nhóm chúng tôi không gặp nhau vì phi trường quá rộng, không biết hai anh đến trước đã lẫn vào nơi nào. Loay hoay tìm nhau một hồi không thấy, chúng tôi tìm đường ra phía trước sân bay để gặp những người bạn Thailand chuyện trò và đi chơi trên đất Thái. Chúng tôi đã có email liên lạc và điện thoại hẹn trước với nhau rồi.

Khi đến quầy làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên bảo các anh mang hộ chiếu công vụ (Offical passport) được đi lại tự do mà không cần phải có visa nhập cảnh hay bất cứ thủ tục nào. Khoảng thời gian transit (quá cảnh) 8 tiếng tại sân bay Bangkok qua nhanh khi có những người bạn để chuyện trò và ăn uống. Vì từ sân bay vào trung tâm của thủ đô Bangkok đi suốt 2 giờ xe hơi, nên khi tính lại chúng tôi không thể di chuyển được bởi thời gian không cho phép và khả năng kẹt xe có thể xảy ra. Chúng tôi chỉ ngồi chơi ở nhà hàng trên tầng hai và đi ra cổng trước để nhìn ra xa lộ bên ngoài với một ấn tượng xứ Thái sạch đẹp.

Khi vào đổi vé lên máy bay, nhân viên phòng vé yêu cầu chúng tôi nộp tiền xuất cảnh vì đã nhập cảnh vào đất Thái. 1400 Thai Bahts cho cả hai người, tương đương với 42 USD mà chúng tôi đổi tại quầy bên cạnh và nộp tại Offical ticket. Tất nhiên hai anh Dũng và Tín không “mất” khoảng tiền này vì không ra bên ngoài. Cả bốn chúng tôi lại gặp nhau trong phòng đợi để qua cổng C1 và đi cùng chuyến bay của hãng Air India đến Kolkata. Khoảng thời gian bay là 2h30 phút. Khi ra cổng phi trường Kolkata có người trong đoàn gặp rắc rối nhỏ do việc thực hiện kiểm soát ra đứng không đúng nơi quy định. Mặc dù đã được nhân viên đóng dấu thị thực nhập cảnh nhưng nhân viên gác cổng ra “xì nẹt”. Hai bên đôi co bằng tiếng Anh, ban đầu với... ai nói nấy hiểu. Nên một lát sau mới có sự đồng cảm.

Khi tất cả mang hành lý ra được cổng trước đã gần nửa đêm. Các bạn Ấn Độ thật là chu đáo. Ông Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt và một chàng trai (sau này là liên lạc của nhóm chúng tôi, tên là Arvind) đứng đợi với những vòng hoa trên tay. Thật là cảm động. Chúng tôi được đưa về ở tạm tại nhà khách Assam House, số 8, phố Russel. Vì lo chúng tôi đói nên trái cây, bánh ngọt và nước uống đã được chuẩn bị sẵn. Ở tạm tại đây 2 đêm, chúng tôi được chuyển sang một khách sạn sang trọng hơn khi Ban tổ chức Festival thơ chính thức đón khách về tham dự.

  Ấn tượng Kolkata

Tiếng quạ kêu đầy trời báo hiệu bình minh lên hay hoàng hôn đang dần buông xuống. Trong khi ở các làng quê Việt Nam ngày càng mất dần đi bóng dáng và tiếng quạ kêu, thì ở Kolkata quạ nhiều vô kể. Chúng tụ nhau từng đàn trên các ngọn cây lớn, sống nhờ ngóc ngách của các khu nhà cao tầng và kiếm ăn lang thang trên phố, nhất là những nơi tập trung rác. Chúng dạn dĩ đến hồn nhiên sà xuống bên bước chân người đi, đậu trên các xe hơi dừng lại bên đường. Tuyệt nhiên không thấy ai có ý định bắt hoặc xua đuổi chúng.

      Buổi sáng ra phố thấy các thanh niên hay những người đàn ông đang lắc lư cái cần giếng bơm nước, ngồi làm cá và xả rác ven đường. Gần nhà khách chúng tôi ở có một xe bán nước trà. Nước trà ở đây trông giống như cà phê sữa. Giá 3 Rupees một ly (khoảng hơn 1000 đồng Việt Nam). Những người qua đường dừng lại mua trà đứng uống. Uống xong đập ly xuống vệ đường rồi tiếp tục rảo bước. Ly đựng trà được làm bằng đất sét nung. Cũng không hiểu vì sao người ta lại không rửa để tái sử dụng cho tiết kiệm?

      Lưu thông trên phố chủ yếu là xe hơi, xe bus, tàu điện và taxi. Taxi ở đây hình như chỉ có một hãng. Bởi thấy xe sơn toàn màu vàng. Có những lúc tôi thấy có đến cả vài chục chiếc cùng dừng lại trước trụ đèn giao thông. Rồi vụt chạy vàng rực cả một đoạn phố dài. Đâu đó tiếng xe lam đang nổ lình bình. Tôi không thể lẫn tiếng động cơ của loại xe này với loại động cơ nào khác bởi hồi nhỏ tôi đã đi nó rất nhiều. Chỉ có điều xe lam ở đây nhỏ gọn, màu sắc trang trí rất sặc sỡ, chở chừng 4 người đã chật xe. Thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc xe mô tô hoặc xe đạp. Đôi khi thấy có xe vespa đời cũ của Ý. Chỉ có mô tô phân khối lớn chứ không thấy xe honda loại phân khối nhỏ chạy đầy đường như ở Việt Nam. Và trong suốt một tuần lễ đi khắp phố phường tuyệt nhiên không thấy có một người phụ nữ nào điều khiển phương tiện giao thông. Ở các hàng quán và khách sạn tất cả đều do nam giới phục vụ, từ chuyện bếp núc cho đến vệ sinh phòng… Lang thang ra các chợ chồm hổm trong hẻm phố và các chợ lớn nhỏ khác cũng như các shop thời trang đều thấy các ông dẻo tay cân đo đong đếm bán hàng mà tuyệt nhiên không thấy các bà đâu cả.

      Buổi tối đi từ phi trường về, có người há hốc mồm suýt la to xe chạy lấn đường sang trái coi chừng phạm luật. Nhưng luật ở đây là xe phải chạy bên trái đường. Suốt cả tuần đi như vậy mà chúng tôi vẫn chưa thấy quen, nhất là những lúc xe vòng qua các ngã rẽ. Kolkata là một thành phố công nghiệp phát triển có các xa lộ cao tầng chồng lên nhau và có hệ thống Metro (tàu điện ngầm) hiện đại với nhiều cửa lên xuống tàu tỏa khắp thành phố, nhưng vẫn còn loại xe mà khi đi người ta phải dùng sức người để kéo như loại xe kéo thời Pháp thuộc ở Việt Nam.

      Ngày đầu tiên lúc 9h30 phút sáng chúng tôi ra đường nhưng thấy các công sở hãy còn đóng cửa im ỉm. Mặc dù 6h trời đã bắt đầu sáng, nhưng ở đây 10h người ta mới bắt đầu làm việc (so với giờ bên mình thì đã là 11h30 trưa rồi). Hình như họ không có thói quen ngủ trưa và chỉ tạm dừng trong khoảng thời gian ngắn để ăn và tiếp tục công việc. Một điều rất lạ với chúng tôi là không thấy cảnh ăn nhậu và dô... dô...đâu cả. Đi qua nhiều phố và vào chợ nhưng không biết họ “cất” bia rượu ở đâu để mà mua. Sau bốn ngày đặt chân đến Kolkata chúng tôi mới dùng cốc bia đầu tiên khi dự chiêu đãi. Nhưng không thấy ai uống nhiều cả. Bia, rượu được đặt ở một bàn riêng có người đứng rót. Ai muốn uống thì phải rời bàn đi lấy. Trong một nhà hàng ăn lớn tôi thử hỏi bia, nhưng họ bảo ở đây không bán bia chỉ có bán nước ngọt hoặc nước lọc.

Khi rời Việt Nam ai cũng nghĩ sang đây mang dollar ra tiệm vàng đổi là có tiền Rupee Ấn Độ để tiêu vặt. Nhưng không thấy tiệm vàng ở đâu cả. Và khi được đưa đến một quầy đổi tiền ở góc phố chúng tôi phải xuất trình hộ chiếu khai báo mới được đổi tiền. Họ viết biên nhận trong đó có số tiền quy đổi, tiền thuế cho nhà nước (2,67%) và số tiền còn lại. Điều đặc biệt đến... sững sờ là không có các dịch vụ internet công cộng, kể cả tại các khách sạn lớn. Mặc dù Ấn Độ là một trong những bộ não phần mềm của thế giới. Chúng tôi ở ngoài vùng phủ sóng của bạn bè và gia đình trong những ngày Tết Việt Nam, vì không thể mua được máy cũ và simcard điện thoại di động để gọi về trong nước. Các dịch vụ điện thoại công không gọi ra được nước ngoài. Hoặc có ở nơi đâu mà chúng tôi không biết. Khi gặp nhân viên Đại sứ quán Việt Nam chúng tôi mới biết thêm nhiều điều thú vị khác...

   Đọc thơ tại Trung tâm Rabindranath Tagore

Festival thơ Quốc tế chính thức diễn ra trong 3 ngày. Từ 24/01 đến 26/01/2009. Ngày đầu tiên khai mạc lúc 4 giờ chiều và làm việc đến 8 giờ tối. Hai ngày còn lại thời gian làm việc từ 10giờ sáng đến 8 giờ tối. Để vào được Trung tâm Rabindranath Tagore chúng tôi phải qua một chốt gác cảnh sát và được săm soi kỹ lưỡng. Hôm đầu tiên trên đường đi qua một khu phố lớn, xe chúng tôi chạy nhầm đường phải rẽ xuống tầng hầm để xe của một cửa vào Metro (tàu điện ngầm) để đổi hướng chạy. Lực lượng an ninh ở đây đã cho dừng xe để rà mìn. Tất cả xe vào khu vực này và một số đường phố lớn khác đều thực hiện việc rà mìn để đảm bảo an ninh chung. Và hình như nơi đâu cũng nhìn thấy cảnh sát và lực lượng bảo vệ.

Sau bài hát theo lối dân ca kiểu Ấn, do một nữ nghệ sĩ tự đệm đàn cổ và hát là lời phát biểu chào mừng ngắn gọn của ông trưởng ban tổ chức Festival giáo sư Ashis Sanyal và lời phát biểu khai mạc của tiến sĩ Karan Shin, chủ tịch Hội đồng Ấn Độ về các mối quan hệ văn hóa (ICCR). Lời phát biểu của các đại biểu khác cũng rất ngắn gọn, kể cả ông Đại sứ nước Ý là cơ quan tài trợ chính cho sự kiện này. Dường như tất cả muốn dành thời gian cho việc đọc thơ. Cứ khoảng mỗi giờ là có một đoàn lên sân khấu gồm 10-12 nhà thơ với một người giới thiệu chương trình riêng (gọi là compere). Người giới thiệu chương trình gọi tên các nhà thơ lên bàn cử tọa, rồi giới thiệu từng người đọc thơ. Họ không nói chi dông dài về tác giả hoặc tác phẩm. Các nhà thơ cũng không nói chi thêm về mình hoặc bài thơ ngoài việc lên là đọc.

 Ấn Độ là một nước đa ngôn ngữ, đa dân tộc nên các nhà thơ về từ bang nào thì đọc ngôn ngữ chính của bang đó và đọc bản dịch ra tiếng Anh. Hầu hết họ đều dùng song song và thành thạo tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Các nhà thơ là khách mời Quốc tế được “biên chế” lần lượt vào các nhóm để lên đọc thơ. Thấy có sự hiện diện của các nhà thơ Ý, Iceland, Bangladesh, Bungari và các nhà thơ gốc Ấn về từ các nước Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức...

Một số đoàn như Australia, Nepal, Serbia vì trục trặc gì đó giờ phút chót không đến được. Đoàn Việt Nam được mời cử đại diện tham gia đọc trong tốp đầu tiên. Người ta đọc thơ say sưa và hồn nhiên. Có một số ngâm nga kiểu như mình ngâm thơ. Không thấy có sử dụng một loại nhạc cụ nào trong quá trình đọc hay ngâm. Có người đọc bài thơ dài, nhưng cũng có những người đọc rất ngắn, phần lớn mỗi tác giả chỉ đọc một bài. Phía các nhà thơ Ấn Độ thấy có vài người không nói và đọc tiếng Anh mà chỉ dùng tiếng mẹ đẻ của họ thôi. Hội trường thì rộng, nhưng khán giả không nhiều, vì ban tổ chức không thông báo và không mời rộng rãi. Nghe đâu hai lần Festival trước cũng thế. Những người ngồi đây đều là những người yêu thơ và khát khao các giai điệu đến cháy bỏng. Đến giờ ăn trưa thì ra trước tiền sảnh để lãnh cơm và cà phê hoặc nước trà. Tất cả đều xếp hàng trật tự, không thấy có sự phàn nàn hay than vãn. Các nhà thơ Quốc tế thì được “đặc ân” miễn xếp hàng và lãnh trước xuất ăn là cơm hoặc bánh mì. Ăn đứng, ăn ngồi ở tiền sảnh hoặc ra sân tùy thích. Rồi nhanh chóng trở lại hội trường.

 Trong quá trình diễn ra festival thơ ai đọc cứ đọc, ai vào ra cứ vào ra, nhưng rất yên lặng và tôn trọng. Không thấy có sự hô hào hoặc la ó. Đôi khi vang lên vài lời tán dương từ bên dưới. Tôi có cảm tưởng rằng đối với các nhà thơ Ấn Độ, được đứng trong hội trường Trung tâm Rabindranath Tagore đọc thơ là cả niềm vinh dự, sung sướng và tự hào cho dù có người nghe nhiều hay ít, hiểu hay không cũng không quan trọng. Điều này có lẽ đối với các nhà thơ Quốc tế cũng vậy. Có khoảng 300 nhà thơ đã tham gia đọc. Festival cũng dành thời gian trao đổi những vấn đề liên quan trong việc dịch thơ sang tiếng Anh. Các nhà thơ cũng tranh thủ lân la làm quen với nhau, xin địa chỉ email và tặng thơ. May mà chúng tôi đã “tự sản xuất” vài chục tập thơ song ngữ Anh-Việt và hàng trăm tờ rơi khác mang theo. Inra Jaka (con của nhà thơ Inrasara) đang học bên đó cũng làm cuộc hành trình dài hai đêm một ngày bằng tàu hỏa để về góp mặt. Sau Festival thơ đoàn Việt Nam còn tham gia hội chợ sách quốc tế và được mời đọc thơ tại đó một lần nữa. Một nữ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi, là Phan Thanh Thủy (bút danh Hàm Anh, từng học ở Trường viết văn Gorky) cũng bay đến tham dự.

Festival thơ Quốc tế lần thứ ba tại Kolkata, Ấn Độ đã để lại những dư vị ngọt ngào, thấm đượm tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thơ ca đã thực hiện quyền năng mang con người đến gần với nhau hơn cho dù bạn thuộc bất cứ màu da nào, bất cứ dân tộc nào và ở bất kỳ nơi đâu.

  Lang thang hội chợ sách Quốc tế

  Ngay sau khi Festival thơ quốc tế kết thúc, Hội chợ sách quốc tế mở ra. Thật khó mà nói hết sự cảm nhận của mình khi lang thang ở cái chợ sách khổng lồ đến choáng ngợp này. Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam rất muốn quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và văn học Việt Nam với bạn bè các nước và nhất là nhân dân Ấn Độ nên họ đã cố gắng “bỏ tiền túi” và công sức ra xây dựng một quầy sách tuy khiêm tốn nhưng nhiều ý nghĩa, nằm cùng dãy với các quầy sách Thụy Điển, Cu Ba và Tổ chức Y tế thế giới.

Trước khi lên đường, các bạn phía Ấn Độ có đề nghị chúng tôi tìm mang sang một số tác phẩm văn học Việt Nam bao gồm thơ, truyện, lý luận phê bình... bằng bản dịch tiếng Anh cùng một số tranh ảnh để thực hiện góc trưng bày. Chúng tôi đã lùng sục khắp các hiệu sách lớn nhỏ ở Đà Nẵng nhưng không đào đâu ra những cuốn sách theo yêu cầu đó, nên chỉ có thể mang theo tranh vẽ và một số sách hướng dẫn du lịch về Đà Nẵng và Hội An. Nghe nói có 3 người sẽ là đại biểu chính thức của Hội chợ sách đến từ Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội. Tiếc rằng họ lại đến sau ngày khai mạc. Không biết họ có mang theo nhiều sách văn học bản dịch tiếng Anh đáp ứng mong muốn của các bạn phía Ấn Độ không? Chúng tôi chỉ ở Hội chợ sách 2 ngày đầu.

Một số báo Tết và sách mà các bạn văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tặng mang theo đọc, chúng tôi cho ra đứng hết ở quầy cho thêm màu sắc và đông vui. Thấy có tập thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, gồm 10 bài do phía bạn chọn dịch ra tiếng Anh và tiếng Bangali. In đẹp và trang trọng dưới nhan đề “Do you remember still”. Chỉ tiếc là không có phần văn bản tiếng Việt để thành một bản “tam ngữ”. Nhà thơ Hàm Anh mang từ New Delhi sang những tập thơ song ngữ Anh - Việt của mình, với nhan đề “Màu tự nhiên” (Natural color), bản dịch của dịch giả Trịnh Lữ (Hà Nội). Bí thế tôi và Khiêm cũng góp với kệ trưng bày 15 tập thơ sản xuất thủ công, có tên “Mùa xuân gõ cửa” (Spring calls on your door), được dịch bởi Thiếu Khanh (thành phố Hồ Chí Minh), Võ Thanh Liêm (Úc), Phương Loan (Đà Nẵng) và được hiệu đính bởi Thạch Nguyễn (Mỹ), cùng nhiều tờ rơi in đẹp để tặng bạn yêu thơ. Riêng nhà báo Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt đã kịp thời cho phát hành tập sách “Viet Nam Today” để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam, thanh bình và hiếu khách.

Hội chợ sách quốc tế (International Kolkata book fair) được tổ chức lần thứ 33 do Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Guild tổ chức (Publishers and Booksellers Guild). Có tổng cộng 11 nước tham dự với 700 gian hàng trưng bày và bán sách với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Nhưng chủ yếu vẫn là tiếng Anh, Pháp và các ngôn ngữ chính của Ấn Độ (như tiếng Bangali, Hindu...). Năm nay Hội chợ sách mời Scotland đứng làm chủ điểm nên quầy sách của họ cũng được thiết kế như một ngôi nhà bê tông cốt thép trông từ xa rất lộng lẫy. Chúng tôi lang thang qua quầy sách của Mỹ thấy họ thiết kế như một ngôi nhà trắng thu nhỏ kích thước, có dựng hình tổng thống mới đắc cử là Obama đang đứng phía trước vẫy tay chào mọi người.

Một số quầy sách của các nước khác và nhiều nhà xuất bản của Ấn Độ cũng đẹp không kém. Lại có cả quầy thu ngân với hệ thống máy tính tiền và in hóa đơn cho khách. Điều đáng nể là tất cả đều được làm tạm bằng gỗ tạp, ván ép, giấy và tre. Do địa điểm tổ chức năm nay thay đổi nên trong ngày khai mạc hãy còn tiếp tục hoàn thiện và bề bộn. Hội chợ sách diễn ra trong vòng 12 ngày (từ 28/01 đến 08/02/2009). Khi viết bài này chúng tôi nhận được thông tin mỗi ngày có đến 90 ngàn lượt người tham dự. Vào hội chợ sách quốc tế có cảm giác như trôi giữa biển người và biển sách. Đường vào hội chợ sách và ngay cả trong khuôn viên có rất nhiều cảnh sát và lực lượng an ninh làm nhiệm vụ. Bên khu vực gần quầy sách Việt Nam, có cả một trại đóng quân của cảnh sát. Một cảm giác vừa thú vị, vừa hồi hộp khi trong đầu thoáng qua chuyện ở Mumbai (Bombay). Nhưng quả thật đối với chúng tôi, được đến ở những nơi như vậy là chuyện rất khó quên trong đời...

Khi tiễn chúng tôi ra phi trường để về lại Việt Nam, người liên lạc của chúng tôi là Arvind, chàng sinh viên năm thứ tư trường thương mại, nói giỏi tiếng Anh đón đưa và đi lại như con thoi với 6 đoàn đến từ 6 nước bằng một sự nhiệt tình hiếm có. Từ lần gặp đầu tiên đến lúc chúng tôi ra về chàng trai này gầy đi nhưng nụ cười vẫn nở trên môi. Anh ta bảo với chúng tôi rằng đi với 6 đoàn nhưng thích nhất vẫn là Việt Nam, có lẽ tất cả chúng tôi đều còn trẻ và vui tính. Tôi bảo với chàng trai rằng bạn sẽ được “wellcome” khi đến Đà Nẵng, Việt Nam. Anh ta đáp khi nào có công việc ổn định và lấy vợ sẽ đi hưởng tuần trăng mật. Dù cho đây chỉ là lời nói có tính xã giao hay là một ước mơ đầy lãng mạn của chàng trai mới lớn thì chúng tôi vẫn cứ thấy vui và riêng dành cho anh ta nhiều thiện cảm.

      Xin chào Kolkata, nhớ mãi Kolkata, nhớ mãi những người bạn Ấn Độ và những người bạn đến từ khắp bốn phương trời. Cảm ơn thơ ca đã mang chúng tôi đến Kolkata một lần để nhớ mãi không quên./.

 

Kolkata, cuối tháng 01

ĐàNẵng đầu tháng 02/2009