Lưu Trùng Dương - nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh “Bộ đội Cụ Hồ”

03.04.2009

Lưu Trùng Dương - nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh “Bộ đội Cụ Hồ”

NGUYỄN THÀNH LONG

 
Tôi thuộc thế hệ nhỏ hơn Lưu Trùng Dương gần một giáp. Thuở còn chăn trâu cắt cỏ ở quê nhà, trong vùng bị địch tạm chiếm, tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ địch vận của anh Mấy lời tâm huyết gởi người lính ngụy. Nhiều lính ngụy nghe thơ của anh qua loa địch vận, hoặc qua truyền đơn, rồi chép, chuyền tay cho nhau, đã bớt hung hăng khi đi càn quét, một số bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. Việc lính ngụy bỏ hàng ngũ địch, dùng bài thơ nói trên làm giấy thông hành ra vùng tự do, trở về với nhân dân, trở thành chuyện kể rất đặc biệt, rất thú vị về công tác binh, địch vận ở Liên khu 5 thời kháng chiến chống Pháp.

Tôi vẫn còn thuộc lòng bài thơ nói về nỗi đau mất mẹ của anh hơn nửa thế kỷ trước:

… Con còn nhớ mười năm về trước

Má gác chân lên nước sông Hàn

Gối đầu lên dải Trường Sơn

Hai tay ấp ủ xóm thôn quê nhà

Năm 1952, tôi vào bộ đội, ở tiểu đoàn huấn luyện 45 thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Những anh lính lớp đi trước đã chuyền tay cho tân binh chúng tôi đọc những bài thơ viết về người lính của anh. Trong đó tôi thích nhất và thuộc nằm lòng bài thơ viết về người chính trị viên:

… Anh là kẻ đi đầu khi cần vào cõi chết

Anh là người hậu vệ lúc lui quân

Gánh vác gian nguy, hứng chịu nhọc nhằn

Vui sau hết mà lo toan trước hết

Từ những năm 50 của thế kỷ XX, thơ Lưu Trùng Dương đã được giải thưởng Phạm Văn Đồng của miền Nam Trung bộ, đã được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy ở nhà trường. Một số bài khác được chọn dịch ra tiếng nước ngoài, nhiều bài được phổ nhạc. Đặc biệt trong sổ tay người lính, người yêu thơ, đều có thơ Lưu Trùng Dương. Riêng bài thơ Thương nhất anh nuôi là một trong những bài thơ được bộ đội yêu thích nhất, có đêm văn công biểu diễn phải ngâm lại 4 lần theo yêu cầu của khán giả…

Tôi được nghe câu chuyện cảm động của anh Nguyễn Bá Tùng, cán bộ phát hành báo chí thành phố Vinh, Nghệ An kể nhân dịp tôi đi phép vào Đức Thọ, Hà Tĩnh, năm 1959: “… Chính mắt tôi đã được đọc trang đầu quyển nhật ký của anh Nguyễn Văn Thịnh, hòm thư 54543 Nghệ An, đã ghi câu cuối cùng của bài thơ Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng của Lưu Trùng Dương. Anh Thịnh tâm sự: “Câu thơ ấy, bài thơ ấy là ngọn đuốc soi sáng trên con đường tăm tối. Chính nhờ câu thơ ấy, bài thơ ấy mà tôi tránh khỏi một việc làm xấu xa, tội lỗi…”.

Thơ Lưu Trùng Dương rất phong phú về thể loại, đề tài, nhưng rất hồn nhiên, chân thật như con người anh vậy. Đọc thơ anh, dù là nhà trí thức học vấn uyên thâm hay người binh nhì, người dân lao động đều cảm nhận được và đều đọng lại trong lòng họ tình yêu lý tưởng, tình yêu nhân dân, yêu đồng đội, yêu Tổ quốc, kính yêu Bác Hồ, hoàn toàn khác xa loại thơ “tắc tị”, chơi chữ, đố chữ mà đọc xong bài thơ người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì. Cánh cựu chiến binh chúng tôi, không mấy người không thuộc bài thơ ngắn 4 câu, có tính chất minh triết về đạo làm người của Lưu Trùng Dương, trong tập Thơ tặng anh bộ đội Cụ Hồ (in lần thứ 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2003):

Đến Trường Thành, ta được làm hảo hán

Chễm chệ ngai vàng, ta được làm vua

Mua tấm vé, ta làm gì cũng được

Nhưng… để làm Người, có thể nào mua?

Lưu Trùng Dương đã dành trọn đời mình để đóng góp cho nền văn học cách mạng nước nhà những tác phẩm thật đáng quý, đúng như những lời bình luận xác thực mà thơ anh đã nhận được: quý “như cơm đến với cơn đói, như nước đối với cơn khát, như thuốc đối với cơn đau”, (Đông Trình). Thơ Lưu Trùng Dương là thơ viết vì nhân dân, viết cho nhân dân, với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Thơ Lưu Trùng Dương cũng chính là thơ viết vì anh “bộ đội Cụ Hồ”, viết về anh “bộ đội Cụ Hồ”. Lưu Trùng Dương xứng đáng được gọi là nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh “bộ đội Cụ Hồ”.
 

                                                N.T.L