Đi lạc giữa thị thành

03.04.2009

Đi lạc giữa thị thành

Bút ký
 
1-

Bốn mươi lăm năm trước tôi theo gia đình tản cư ra Đà Nẵng. Từ một làng quê Điện Bàn ra Hàn chỉ cách nhau 20 cây số mà như đã lạc vào một thế giới khác. Nhìn cái rạp hát Trưng Vương bên cạnh khu Giải trí và nhà lao Con Gà, cứ như bây giờ nhìn thấy nhà hát Con Sò bên nước Úc, như một kỳ quan. Còn cái làng quê của mình chỉ nhỏ như lòng một bàn tay! Chừng ấy năm trôi qua, bây giờ cha tôi đã ngoài 80 tuổi, đi lại khó khăn. Mỗi bận tôi chở ông đi quanh thành phố, chạy hết con đường thênh thang ven vịnh Thanh Bình lên Nam Ô, ra Mỹ Khê rồi quay lại những khu phố mới ở Khuê Trung, Hòa Cường để cho ông thấy sự thay đổi nhanh chóng của một đô thị, ông lại nói: "Đà Nẵng hồi nớ chỉ như lòng bàn tay. Giờ, thả tau đi một mình, chắc lạc!”.

Câu nói của ông cụ khiến tôi giật mình. Mới cách tuần trước, chính tôi cũng đã bị lạc trên đường Lê Duẩn rồi còn gì! Chạy xe máy từ phía sông Hàn lên, định rẽ vào lối Ông Ích Khiêm để ghé chợ Cồn mà thế nào lại phóng đến tận Ngã ba Cai Lang mới giật mình quay lại. Té ra trong tâm thức vẫn cứ nghĩ là chưa tới Cầu Vồng và quên khuấy rằng con dốc đó đã bị san bằng từ lúc nào rồi! Lại một hôm đưa anh bạn Việt Kiều đi tìm mua đất làm nhà ở khu phố mới dọc đường Phan Đăng Lưu, chạy lung tung vào những khu bàn cờ ngang dọc mà chẳng biết lối ra. Lúc định vị được thì đã thấy mình đang đứng chình ình trước cái Metro siêu thị ở đoạn Đò-Xu Cầu Bà-Xự! Anh bạn hỏi vậy cái chùa Bà Quảng bây giờ còn không? Tôi lại ú ớ chẳng biết đi lối nào để tới đó…

Tôi sống liên tục ở xứ này từ sau năm bảy lăm mà vẫn có lúc còn đi lạc, huống hồ những ai đi lâu mới về như bạn tôi. Đi lạc giữa phố phường quê hương, nói mà nghe dị òm!

Đà Nẵng thay đổi nhanh quá! Bạn tôi nói. Cái đường Thành Thái (Trần Quốc Toản bây giờ) có mấy quán ăn Tàu. Còn trên đường Phan Đình Phùng có tiệm kem Diệp Hải Dung. Đường Yên Báy có khách sạn OK gần phở Cấp Tiến. Bánh Mì ông Tý, tiệm cà phê Xướng, nhà sách Văn hóa và phở bò viên Thái Ngư ở ngã tư chợ Cồn. Quán cà phê Thanh Long bên hông chợ Vườn hoa. Bình dân thư quán gần nhà thương thí trên đường Hùng Vương. Những Thế giới tửu gia, nhà hàng Thời đại gần nhà thờ Con gà. Mấy khu nhà “chính phủ” dọc đường Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm. Gần Kho Đạn với con đường “ngắn nhất” Đào Duy Từ, còn có khu chợ Hàng Heo. Hãng xe ca Lệ Thủy gần chợ mới Huyện. Lò bún Bà Liệu , ngã tư Chợ Cống, xóm Giếng Bộng, Giếng Đôi, kiệt Tân Lập, khu Thanh Bồ, Đức Lợi, xóm Trẹm, bến Mía, bến Phà, những khu ổ chuột Đường Rầy, xóm Chuối, đường Đất Đỏ, hầm Bứa... bây giờ đâu mất rồi hè? Những cái tên, những địa danh anh bạn tôi hỏi trong nỗi hoài cổ đó đã “thương hải biến vi tang điền” trong những tháng năm quặn mình đứng lên của Đà Nẵng, cũng có chút gì chạnh lòng người nghe, bởi bao nhiêu ký ức lại tràn về…

Tôi xấu hổ những lúc lạc đường trong thành phố mới, nhưng bạn tôi thì khác. Anh đăm đắm với những cái tên đã trở thành thân thuộc của tuổi thơ chúng tôi những năm 50, 60 thế kỷ trước. Và anh nói: “Chính những kỷ niệm, những nỗi nhớ giản dị mà không phai lợt đó đã được định nghĩa là quê hương, là tình yêu của mỗi người. Đó cũng là Đà Nẵng của tôi!”

 
2-

Ngồi nhớ lại những câu ca dao xưa của Đà Nẵng…

Chiều chiều mây phủ Sơn Chà

Lòng ta thương nhớ bạn, nước mắt và trộn cơm…

Là nhớ lại trận bão Chan-chu cay xé lòng vài năm trước. Cuồng phong và biển khơi đã cướp đi sinh mạng bao nhiêu ngư dân trẻ từ trong lịch sử Đà Nẵng cho tới bây giờ? Bao nhiêu những thiếu phụ hồn treo cột buồm ngóng trông về phía mặt trời mọc mỗi ngày vắng xa? Những dải mây màu lụa nõn phía xa kia đẹp bao nhiêu dưới cái nhìn của các thi sĩ thì cũng chừng ấy nỗi lòng của những người tình quê biển ngóng chờ bạn ở khơi xa. Một nền kinh tế biển bao giờ sẽ trở thành niềm kiêu hãnh cửa người Đà Nẵng? Chỉ thu gọn vào chuyện khai thác hải sản thôi thì bao lâu nữa sẽ có những đội hải thuyền với những trang thiết bị đánh bắt, chế biến, cung ứng dịch vụ hiện đại có thể ở lâu dài vài ba tháng giữa đại dương? Lúc đó, những chiếc thuyền gỗ vài mươi sức ngựa chắc sẽ nghỉ chân ở một góc bảo tàng nghề cá và du khách sẽ phải mua vé vào xem như một di sản của quá khứ…

Giữa những bước nhảy vọt về hạ tầng đô thị, người lao động xứ biển Đà Nẵng rõ ràng đang còn lạc bước trên đường đến tương lai là như vậy đó. Câu ca cũ lắm rồi. Số phận những ngư dân từ rất lâu vẫn chưa thay đổi bao nhiêu…. Đến đây, ta chợt nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng viết, đại ý một đất nước có trên ba ngàn cây số bờ biển mà sao suốt trong lịch sử cứ nhìn ra biển với bao nhiêu điều úy kỵ, lo âu?

Sao mà buồn thế! Nhà thơ Phạm Hầu lên Ngũ Hành Sơn, đứng ở Vọng hải đài nhìn ra bốn hướng cũng buồn rười rượi:

Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận

Hỏi phía xa lòng có những ai?

Những ai ở phía xa lòng quanh ta xin đừng lạc bước. Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân vẫn tâm đắc với bài Tỉnh quốc hồn ca của cụ Phan Châu Trinh lắm. Nhà văn nói: Trước Phan Châu Trinh, chưa một ai vận dụng lý trí sắc bén để luận giải thật rành mạch những mặt yếu thâm căn cố đế trong hiện trạng văn hóa, xã hội và tâm lý dân tộc, trình bày chúng thành hệ thống, và gọi hẳn ra tên của từng loại "bệnh", chỉ cho mọi người biết đấy là những cơn bệnh tiên thiên của người Việt Nam. Chỗ quan trọng hơn, cũng chưa một ai dám lần đến tận cội nguồn, xác định những căn bệnh ấy đều là hậu quả của tệ nạn trầm kha lâu đời của xã hội phong kiến.

Hãy đọc lại cụ Phan của năm 1922:

Người khanh tướng kẻ tấn thân,

Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào?

Chẳng qua là quơ quào ba chữ,

May ra rồi ăn xớ của dân.

Khoe khoang rộng áo dài quần,

Tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe.

Còn bậc dưới ngo ngoe vô kể,

Học cúi luồn kiếm thế vơ quào.

Thầy tư lại, bác kỳ hào,

Gặm xương, mút đũa lao nhao như ruồi:...”

Và:

… "Thử xem các bậc học hành

Nương hơi, dựa bóng, tập tành đã quen.

Người nói phải, đua chen rằng phải,

Người nói không, dám "cãi” rằng không.

Học hành còn lắm lông bông,

Đã toan xách gậy xưng ông đem đàng.

Người Á chẳng am tường sử Á,

Học Âu chưa khám phá tình Âu.

Vậy mà tự đắc tự cao,

Tưởng mình như thể ngôi sao giữa trời”…

Ông Xuân bảo : “Gần một thế kỷ qua rồi, mà mỗi lần đọc lại Tỉnh quốc hồn ca vẫn thấy tính thời sự đầy ắp. Đó cũng là một tuyên ngôn đổi mới còn nguyên giá trị cho đến bây giờ của một nhà đại trí thức…”

Nhìn quẩn quanh, nghĩ cho hết nước mới thấy trong khi một nhà thơ Quảng đang đặt vấn đề với “phía xa lòng” như một báo động về sự tha hóa, thì một nhà tư tưởng Quảng khác lại nhắm thẳng vào những thói hư của cả dân tộc mà lên án. Thế nhưng, vẫn còn đó trên những con đường thân quen của Đà Nẵng, những bước chân đi lạc ngay trong tư duy, cách sống của bao nhiêu người quanh ta. Bởi vậy, cái câu “Tôi vẫn còn nặng nợ với đời” mà ông Xuân nói trong một cuộc phỏng vấn lúc sinh thời có lẽ bộc lộ rõ nhất nhân sinh quan của một trí thức, một nhà Quảng Nam học luôn biết rõ lối đi của mình. Nhận xét sau đây của nhà phê bình Đặng Tiến về cụ Nguyễn Văn Xuân thật đáng cho ta suy nghĩ: "Nguyễn Văn Xuân là một tài năng lớn, một học giả công tâm, uyên bác, ngay thẳng. Trong một thời gian dài, anh là lương tâm văn hoá của chúng tôi trong một bối cảnh xã hội và Iịch sử nhập nhằng…”
 

Ôi, một sự thất lạc về lương tâm cũng khiến ta đau lòng bao nhiêu là năm tháng!

 
3-

Tôi đứng lặng nhiều lần ở nhiều nơi trên các phố Đà Nẵng. Không phải để tìm đường vì đi lạc. Nhiều khi đứng yên một chỗ mà vẫn còn lạc. Lạc thần! Đầu óc mụ mị đâu đâu…

Này nhé! Ở trước cái trung tâm thể thao Nguyễn Tri Phương vừa được đập phá cho con đường lớn chạy về phía sông Hàn và ra tới biển. Vị trí của hai ngôi mộ của Phó Quản cơ Nguyễn Thượng Chất và Tiền bảo nhị vệ Quản cơ Nguyễn Việt Thứ, những vị anh hùng của cuộc chiến tranh 1858-1860 nay mai sẽ lọt thỏm giữa lòng một con đường mới. Cây đa và nhà bia nghĩa trủng Phước Ninh sẽ được dời về đâu? Có lẽ khắp trên đất nước ta chưa có đâu như ở đây: 1.500 liệt sĩ là tướng, là quân, là dân binh từ khắp mọi miền đã nằm xuống vì sự tồn vong của cả dân tộc. Nơi yên nghỉ của họ đã ghi một dấu ấn sâu đậm vào lịch sử Đà Nẵng và lịch sử Việt Nam cận đại. Cùng với nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh có một giá trị lịch sử rõ rệt và xác tín nhờ các văn bia lưu dấu. Nhưng số phận của nó không yên ổn chỉ vì địa điểm này trở thành khu đất vàng nội thị, trung tâm thành phố!

Khi niềm hãnh diện nào đó của bạn bị xúc phạm, bạn sẽ làm gì? Khi những sai lầm cứ chồng lên nhau ta có cơ hội nào để sửa chữa? Di tích lịch sử cấp quốc gia nghĩa trủng Phước Ninh có được nhắc tới trong chương trình dạy môn lịch sử bậc phổ thông như một bằng chứng lịch sử thuở đầu sóng ngọn gió? Mai đây, những ai còn đứng chỗ tôi đang đứng để nhớ về Đà Nẵng của hai thế kỷ trước? Con đường rộng mở 4 làn xe sẽ giúp người ta phóng nhanh từ sân bay ra biển chỉ trong mười phút bằng ô tô đời mới. Đó là sự tiện lợi của thời đại mới và từ đó giúp ta vượt qua và quên lãng một địa chỉ, quên lãng những số phận mà lịch sử từng xưng tụng như những anh hùng !
 
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai có lần kể với tôi chuyện sau đây: Lúc xây dựng lại cái miếu đặt bia nghĩa trủng phía sau Trung tâm thể thao hồi đầu những năm 80 thế kỷ trước, hai người thợ rước từ Hội An ra hàng đêm phải kê một tấm ván ép trên tấm bia (đang để dưới đất) để ngủ. Suốt ba đêm liền, hai ông đều bị hất văng ra khỏi tấm ván ấy mà không hiểu vì sao? Sau, phát hiện mình đã nằm trên tấm bia, hai ông phải thắp nhang tạ lỗi mới yên! Chuyện này cũng đã đến tai vài quan chức Đà Nẵng lúc đó, nhưng đã được giấu kín! Nếu đó là chuyện có thật, thì lần này, những gì còn lại của nghĩa trủng Phước Ninh cần được xem xét chu đáo, cẩn tắc khi mở con đường đi ngang qua đó. Sự cẩn tắc là để gìn giữ những gì còn lại ít ỏi của một di sản quí giá cấp quốc gia đã được bảo vệ bởi luật pháp và cũng để tỏ lòng tôn kính tiền nhân…
 

Đó cũng là cách để người Đà Nẵng không đi lạc trên chính lịch sử của mình.

 
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG