Bố, con

03.04.2009

Bố, con

THANH HƯƠNG

 

Truyện ngắn
 

Chà chà, làm gì mà ông già phải đập tay xuống bàn để đến nỗi mấy cái chén uống nước bật lên rơi xuống nền nhà vỡ tan thế nhỉ? Trông kìa, thật không giống với ông già lâu nay vốn ít nói, hôm nay “người” đang gắt ỏm tỏi kia.

- Thôi, đủ rồi. Bố làm thầy, con đốt sách, tài cán gì cái lũ chúng mày. Chỉ tài khoác lác. Mới được có mấy triệu bạc mà cứ như là thánh tướng. Nào có phải là mồ hôi nước mắt của mình đổ ra đâu cơ chứ !

Mặc kệ ông ta  - Tĩnh nghĩ thế và vẫn nhẹ nhàng từ tốn:

- Thì bố cứ nhỏ nhỏ lời thôi, việc gì phải gắt to lên thế. Chúng con sẽ nghe bố nói. Bố vẫn dạy chúng con là nóng nảy sẽ hỏng hết việc đấy thôi!

- Anh con nói đúng đấy bố ạ! - Thắng tiếp lời - lẽ ra bố phải quân sư cho chúng con cách làm ăn, bố không làm được thì chúng con sẽ làm. Chúng con không làm cán bộ nhà nước thì làm dân thường có chết đâu. Làm gì thì cũng chỉ để có miếng ăn mà thôi. Đất nước mà toàn những quan hoặc toàn những dân với lính thì có mà… loạn !

Ông già vẫn chưa dịu gọng một tí nào: Anh em  mày mà dám lý luận với tao à? Làm gì cái văn hóa lớp 7 ấy mà cũng đòi lao vào thương trường. Không có vốn liếng mà dám liều mạng buôn bán. Có mà buôn cứt bán cho chó.

Hai thằng con trai nháy nhau kệ cho bố nói, chúng nó cứ ngồi im rồi lặng lẽ rút lui. Xuống đến bếp, chúng nó cười hô hố làm cho bố chúng càng bực mình…

… Ông Hiền buồn lòng và lo nghĩ từ chục năm nay : Mình đường đường là một trưởng phòng cấp tỉnh, có hai bằng đại học. Một bằng chính quy từ lúc mới 23 tuổi, ở tuổi 35 có thêm bằng đại học tại chức, mà lại toàn bằng đỏ hẳn hoi. Trong khi đó thì hai thằng con trai tệ quá, hai chị gái nó đều cử nhân, hai thằng em thì chưa hết lớp 7 đã bỏ học. Mà nhà mình có nghèo hèn gì cho cam - nhà mặt phố, bố làm to, nhà cho thuê, mẹ buôn bán! Không thiếu gì mà chúng nó không chịu học. Hết nặng lại nhẹ, chúng nó cứ trơ mặt ra. Sáng nay, nhắc chúng là mới hơn 20 tuổi, vẫn chưa muộn, chịu đi học bổ túc văn hóa mà đi đại học thì chúng nó lại nhe răng ra mà cười mới tức chứ. Thằng em còn nói:

- Bao nhiêu người học xong đại học còn đứng đầy đường kia. Chúng con học làm gì cho tốn cơm của bố mẹ, cho mòn mông đít ra hả bố. Cứ làm ra nhiều tiền là được. Lương tháng của bố có hơn triệu bạc thì nhằm nhò gì, mà bố cứ bắt chúng con đi học?

- Tao nói mà không nghe, anh em mày từ nay ăn riêng, ở riêng ra. Xem chúng mày tài đến đâu mà cứ leo lẻo cái mồm.

Thằng anh nghe thế lại cười hề hề, trông cái mặt nó thật đáng ghét, nó dám nói:

- Hai anh em con ra sau bếp ở cũng được bố ạ. Nay mai con sẽ đập bỏ cái nhà này của bố, sẽ xây bốn lầu cho bố xem. Con thề đấy. Rồi bố sẽ thấy các con trai của bố không phải là những thằng hèn!

Thế có ngang ngạnh không chứ. Thật là một trời một vực - trong cái nhà này hai đứa con gái giỏi giang bao nhiêu thì hai thằng con trai hư hỏng bấy nhiêu. Nhà này có lẽ lụn bại mất rồi ; âm thịnh, dương suy. Đau lòng ta quá mất thôi. Hôm nọ, hai thằng tập tọe chỉ trỏ cái miếng đất ở ngoại ô thành phố, được cái thằng cò nhà đất nó thí cho mỗi đứa năm triệu mà đã vội vênh váo cái mặt.

*

- Tiền đâu mà mỗi anh em mày mua một cái xe a còng thế kia?

- Tiền của ông chủ ứng trước để chúng con đi làm…

- Làm cái gì? Có ai người ta lại ngu dốt như thế? Dám đưa tiền cho chúng mày, những đứa chưa hề quen biết. Hay là chúng mày đã làm việc phạm pháp?

- Bố buồn cười thật đấy. Họ tin hai anh em con vì có bố là cán bộ. Mà con cán bộ thì chắc phải đứng đắn. Ông chủ đã nói thế. Kìa Thắng, em nói xem đúng không!

- Đúng đấy bố ạ. Bố phải tự hào vì chúng con. Cái tuổi 20 của bố ngày xưa làm gì có xe đạp mà đi, nay anh em con có xe máy, lẽ ra bố phải mừng cho chúng con chứ.

- Tao không thể hiểu nổi chúng mày làm gì. Ngày nào cũng từ sáng sớm đến khuya mới về. Tao nói rồi đấy: chúng mày mà làm việc phạm pháp thì đừng vác mặt về đây nữa, tao không có những đứa con như vậy!

- Bố cứ lo xa thế chứ, chúng con có thể dốt nát về mặt chữ nghĩa, không biết triết học với mỹ học, tâm lý học, dân tộc học, rồi thì chính trị, kinh tế học với chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng đường làm ăn chúng con sẽ tuyệt vời đấy!

- Tuyệt vời cái gì? Mới tấp tểnh vài đồng bạc đã hoang phí. Hãy nhìn xem, đống quần áo còn tốt mà chúng mày quăng ở góc vườn. Ngày xưa, bố chỉ có một bộ quần áo đi học, muốn đá bóng thì sợ xấu hổ vì không có quần cộc, nếu có thì là cái quần thủng đít hàng chục miếng…

- Thôi đi bố ơi, bố lạc hậu quá, cứ nhắc chuyện ngày xưa làm gì. Bây giờ thời trang luôn thay đổi, thế giới đang phát triển, hành tinh đang chuyển động dữ dội mà.

- Bao nhiêu người trong xã hội còn nghèo, họ không có đủ quần áo mặc, sao chúng mày không đem ra hội chữ thập đỏ ở phường mà làm từ thiện?

- Chúng con không có thời gian. Bố muốn thì cứ đem. Thưa bố vô cùng tôn quý, người có còn nói gì không, chúng con đi đây. Chào bố ạ!

- Đứng lại, hai thằng kia.

- Dạ, có còn gì để người dạy bảo chúng con nữa không ạ!  - Vừa hỏi chúng nó vừa đi lùi ra ngõ.

Thế có mất dạy không chứ - chúng nó khoanh tay lễ phép chào, lại còn cố ý kéo dài chữ ạ nhẽo nhợt. Kia kìa, ra đến sân là đã mở miệng cười toang toác. Nhân bất học bất tri lý. Không học hành thì làm được cái trò gì. Có lẽ mình phải xin nghỉ phép để tìm hiểu xem chúng nó làm gì. Ai dám chắc những đứa còn ít tuổi như chúng nó tránh xa được cám dỗ…

Thấy vợ đi từ ngoài sân vào, ông trút giận lên đầu bà:

- Lại cả bà nữa, chính bà làm hư hỏng hai thằng con trai rồi đấy !

- Ông nói gì mà lạ thế, tôi đã làm gì để chúng nó hỏng?

- Là cha mẹ thì phải làm tấm gương cho con cái noi theo chứ! Này nhé - cái nồi cơm kia, bà làm gì mà đổ lắm gạo vào thế? Ngày nào cơm thừa cũng đổ hàng đống. Chó ăn không hết, lãng phí quá!

- Ôi dào, ông chỉ lo hão! Tiền gạo một tháng thì đáng bao nhiêu. Tiền tiếp khách, tiền điện thoại, tiền xăng xe, tiền nọ tiền kia mới hết nhiều. Có một tí cơm nguội mà ông làm ghê quá! Cứ kèn kẹt như con dâu với mẹ chồng vậy?

- Bà không nhớ hai mươi năm trước ăn cơm độn sắn mà không đủ no hay sao, sao chóng quên thế? Đây này, cái đồng hồ Xi-ti-zen tôi sắm từ ngày giải phóng đến nay vẫn còn tốt, trong khi đó tôi đủ tiền mua cái khác tốt hơn nhiều.

- Thì khổ mãi rồi, đến lúc sướng phải mở mày mở mặt ra chứ! Chính ông làm khổ ông chứ ai làm khổ ông?

Thế thì thua rồi. Mẹ mà thế thì con cũng phải thế. Hoang phí, ngông nghênh, chúng nó định phá nát cái nhà này mất thôi. Đấy, hai thằng trời đánh lại vác mặt về kia rồi. Ơ hay, lại cái gì nữa đây? Chết thật, đằng sau mỗi thằng là một đứa con gái. Bẩn mắt chưa kìa, con gái gì mà mặc váy cũn cỡn trên đầu gối, áo thì hở nách, mỏng tang nhìn thấy cả làn da mịn. Trên làn da, thỉnh thoảng điểm cái nốt ruồi hay cái tàn nhang, lại còn môi đỏ mắt xanh. Lũ này chắc là gái ca ve nhà hàng chứ không sai. Hỏng, hai thằng con ta hỏng rồi.

- Chúng con chào bác ạ, chúng con là bạn của anh Tĩnh và anh Thắng nhà bác. Ô này, bác cũng có huân chương kháng chiến chống Mỹ cơ đấy! Anh Thắng nói với con, bác là người bố tuyệt vời, nghiêm khắc nhưng độ lượng. Nghe nói bác có giọng hát rất hay để cánh phụ nữ sồn sồn phải mê say. Hôm nào bác đi hát karaoke với chúng con nhé. Nay mai đứa con gái nào mà được làm dâu của bác thì nó sướng đến phát điên lên mất.

Nghe cái giọng mà phát ghét. Hắt xì  - gớm cái mùi nước hoa ở đâu mà nặng quá, nó xồng xộc vào mũi mình làm muốn ói mửa. Lại kia nữa, con bé thứ hai bắt đầu mở máy:

- Bác có hai con trai, anh nào cũng đẹp trai như diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín. Bọn con gái đứa nào cũng mơ tưởng được nâng khăn sửa… dép cho các chàng. Đẹp trai lại thông minh...

- Thôi thôi tôi xin các chị, cho tôi hỏi đây, các chị làm việc ở đâu, quen hai thằng con tôi từ bao giờ?

- Dạ, chúng con là hướng dẫn viên du lịch ở thành phố biển này đây bác ạ, à quên bố ạ. Việc quen hai anh, thì dễ quá, hai anh ấy như hoa đẹp đi ngoài đường ai mà chả nhận ra, phải không bố?

Mình phải đứng dậy mà vào trong nhà thôi, không chịu nổi với lũ ít học này. Hướng dẫn viên du lịch gì cái loại chúng nó. Đẹp mà tư cách rồi ăn mặc và nói năng như thế thì vứt. Thế mà không hiểu sao hai thằng ranh nhà mình lại rước nó về…

… Ở ngoài phòng khách, chúng nó làm gì mà cứ rúc rích cười, rồi lại to nhỏ thì thầm cái gì vậy. Đấy, chúng nó lại ré lên cười thật to, con gái gì mà vô duyên vậy. Con trai mình rồi đến hỏng vì hai đứa này thôi. Chẳng lẽ lại đuổi cổ chúng nó ra. Nhưng mà như thế thì mang tiếng mình là cán bộ mà không có chút văn hóa nào, phải dạy con mình trước mới đúng, phải cách ly chúng nó ra.

- Ái ái, ái… đau, đau em…

Lại thế nữa, chúng nó làm gì mà kêu thế. Loạn thật, giữa ban ngày ban mặt mà làm cái trò mèo, trò khỉ. Lại im lặng rồi. Sao mà im lâu thế. Lũ quỷ này bậy thật. Ngày xưa mình có dám nắm tay bà ấy một cái nào đâu, mặc dù chỉ còn một ngày nữa là cưới. Thế mà lũ trẻ bây giờ cứ tự nhiên như chỗ không người. Chẳng lẽ thời đại mới thì cái gì cũng mới hay sao? Vẫn im lặng, im lặng đến tuyệt đối…

- Bố ơi, chúng con đi nhé… é… é.

- Bác ơi, chúng con chào bác ạ… ạ… ạ.

Đi đi, xéo cả đi. Ta không chịu nổi chúng mày nữa rồi. Hai con bé này không hiểu là con cái nhà ai, ta phải tìm cho ra mới được. Chỉ là gái ca ve mới thế, chứ hướng dẫn viên du lịch người ta ăn mặc lịch sự, áo dài duyên dáng, không ai lại hớ hênh như chúng nó. Hai thằng mãnh nhà này chắc là bị chúng bỏ bùa mê thuốc lú rồi. Con ơi là con ơi. Chí anh hùng rồi sẽ phải rữa nát trong hơi thở đàn bà mà thôi. Không thể được, phải làm ngay không thì muộn mất - phải nghỉ phép để thăm dò chúng xem sao.

                                                            *

- Sao ông nằm cả buổi chiều như vậy?

- Bà hãy để cho tôi yên.

- Sáng nay ông đi đâu mà không xem truyền hình của tỉnh mình? Thằng Tĩnh và thằng Thắng nhà ta giỏi lắm ông ạ.

- Sao? Bà nói cái gì?

- Hai đứa nó giỏi lắm.

- Chúng nó chỉ giỏi nêu lổng và giỏi hoang phí thì có.

- Đó là vì ông cứ thành kiến với chúng nó. Ông là cán bộ mà không chịu theo dõi chương trình phát thanh truyền hình địa phương cho nên không biết gì là phải. Ông chỉ ham bóng đá với chương trình thời sự quốc tế mà thôi.

- Bà nói lại xem nào, tôi không hiểu?

- Sáng nay truyền hình người ta giới thiệu cái công ty TNHH của ông Hoàng Quý, làm ăn có lãi, đóng thuế đầy đủ, có uy tín với đồng nghiệp và khách hàng, tạo nhiều việc làm cho con em nhân dân. Đặc biệt có hai người cộng sự trẻ tuổi đã đóng góp cho ông Quý nhiều sáng kiến, đích thân ông giám đốc thưởng cho hai người 100 triệu đồng, đó chính là thằng Tĩnh, thằng Thắng, người ta còn phỏng vấn chúng nó. Ông chẳng chê chúng nó dốt nát mãi đi.

- Có thật thế không?

- Sao lại không thật?

Đấy, vừa nhắc đến thì hai thằng đã về đến sân, lại kéo theo hai con bé nào kia. Đúng là mình không quan liêu ở cơ quan thì lại quan liêu ở tại gia đình. Hai thằng đang ríu rít khoe mẹ, rồi đưa tiền cho mẹ giữ hộ. Chúng nó còn mua quà tặng mình bằng một chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Rolêx. Còn hai đứa con gái kia, chính là hai đứa đã đến tuần trước, hôm nay chúng nó ăn mặc lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, không son phấn. Sai lầm của mình là cố chấp con trẻ, không tin con trẻ, chỉ nhìn bên ngoài để đánh giá bản chất của sự việc và con người. Thắng và Tĩnh của bố ạ - các con nói đúng, không phải ai cũng học được chữ, và không phải ai có chữ cũng làm được việc theo ý muốn của mình. Mà cái cơ bản của mỗi người là làm đúng khả năng, đúng công việc của mình, có thế mà quá nửa đời người bố mới nghĩ ra.