Dìu dịu những trào dâng…
THANH QUẾ
“Dìu dịu những trào dâng” câu này trích trong một câu thơ trong bài Đà Nẵng Ngày Tôi của Nguyễn Hữu Hồng Sơn: “Đà Nẵng ngày tôi bừng thức giấc thanh xuân / Gió hăm hở khua miền trẻ mới / Tôi với sông Hàn bao điều không nói / Phả vào nhau dìu dịu những trào dâng…”. Nét đẹp thiên nhiên ban tặng, nét đẹp trên những công trình dựng xây, nét đẹp của gương mặt người Đà Nẵng đã “phả vào” chúng ta bao cảm xúc, bao tình yêu và trong trái tim mỗi người trào dâng lên những câu thơ, và bằng thơ ca mảnh đất và con người Đà Nẵng được thăng hoa.
Viết về Đà Nẵng, tác giả Thanh Vinh không nguôi quên những ngày gian khổ đã qua:
Chuyện ngày xưa lạc muối đói cơm
Khi chợ nhóm trên cồn dâu bãi cát
Đời nô lệ lặng thầm dòng nước mắt
Giọng ru hời mẹ tắt giữa tao nôi
Đấy là một thành phố nhượng địa, là những bãi cát rát bỏng chân người, là những khu nhà lụp xụp bên sông che chở bao thân phận nghèo nàn, nơi giọng ru con của mẹ đã tắt nghẹn giữa tao đời.
Chiến tranh và đói nghèo hàng trăm năm níu kéo bước chân người Đà Nẵng, cho đến một ngày đất nước thanh bình, mỗi người dân thành phố thơ mộng này đã bừng thức giấc mơ.
Khi đi dọc đường Sơn Trà-Điện Ngọc, khi lang thang dọc phố Nguyễn Tất Thành bên phố thị, bên biển xanh nhà thơ Nguyễn Đức Chữ chiêm ngưỡng nét cong tuyệt đẹp của bãi biển và hình dung thành phố mang hình cánh cung đang giương ra nhắm thẳng vào nghèo nàn, lạc hậu cho cái mới, cái đẹp phát triển: “Đây, dây ná Thạch Sanh / Căng hình cung thành phố / Cát trắng bờ lồ lộ / Sóng biển ngời lung linh”, Thành Phố Hình Cánh Cung đó là một trong những hình ảnh của cuộc chiến đấu thầm lặng mà quyết liệt cho thành phố vươn xa hơn, đi nhanh hơn trên con đường dài văn hoá, văn minh.
Viết về Đà Nẵng có những câu thơ trải lòng cảm xúc “Lung linh thành phố trăng ngà / Tiên Sa vẫy gọi, Bà Nà dang tay… (Lê Đào) và có câu thơ cảm xúc nén lại trong nhiều chiều không gian và thời gian: “Đây người thân mơ hồ hương cố quận / Bóng nắng em trăng xinh dợn chớp bể mưa nguồn / Đây dốc miếu thương ngõ chùa thu bạch / Lá vàng rơi loang loáng viện cổ Chàm” (Huỳnh Minh Tâm). Câu thơ giằng xé nội tâm. Tình cảm yêu thương của mỗi người đối với mảnh đất này nhiều khi chỉ mơ hồ một làn hương “cố quận”, một dốc miếu, một ngõ chùa hiu quạnh, một chiếc lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Khi thành phố phát triển đô thị, làn hương quê không còn nữa ; gốc cây cổ thụ kia, dốc miếu chở đầy kỷ niệm kia chìm trong nỗi nhớ khôn khuây. Đó là một tâm trạng mà Thơ cất lên tiếng nói từ trong sâu thẳm những tấm lòng.
Một vùng non nước Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Sông Hàn, cầu Sông Hàn, cầu Cẩm Lệ, Thuận Phước, Phước Mỹ, Nghĩa Trũng, Cổ viện Chàm, Biển Mỹ Khê, Hầm Hải Vân… được thăng hoa trong tình yêu thành phố.
Ngắm nhìn cảnh đẹp của khu du lịch Bà Nà, nhà thơ Võ Thị Kim Ngân cảm nhận “Chiều Bà Nà hoàng hôn hào phóng / Rải giọt vàng bay khắp không gian”. Một hoàng hôn Bà Nà thật đẹp, những “giọt vàng” do ánh nắng chiều gieo xuống hay từ lòng người toả ra vậy? Bà Nà còn có sương, sương như một người bạn tri kỷ mà Ngô Phú Thiện ngồi trên đỉnh núi tâm tình “Núi-bên kia núi lặng thinh / Bên này đối ẩm một mình với sương”.
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, xưa nay vốn đã gợi cho nhà thơ nhiều cảm xúc mãnh liệt. Thi sĩ Phạm Hầu, khi đứng trên Vọng Hải Đài từng viết “Giơ tay ta vẫy ngoài vô tận / Hỏi ở xa lòng có những ai”, câu thơ tạo nhiều tàng liên tưởng sâu xa. Hôm nay trở lại Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Hoàng Thọ nhìn thấy một thế đứng bên góc trời thành phố “Lặng lẽ bên trời đá dựng / Uy nghi thế đứng ngũ hành”. Non Nước Ngũ Hành Sơn là một cụm núi chứa trong lòng nó giá trị văn hoá phương đông, văn hoá Chàm, văn hoá Phật giáo. Từ những giá trị văn hoá đó, Trần Hữu
Dưới một góc cạnh khác, Nguyễn Quang Cân phát hiện “Bất ngờ giữa động Tàng Chơn / Bàn tay vũ nữ gọi cơn gió nồm”. Các vũ nữ trên mặt đá kia đã gọi được những cơn gió từ quá khứ thổi về mang theo bao huyền bí và nét đẹp xưa cho người hôm nay.
Tiên Sa và Sơn Trà không chỉ là những địa danh ghi dấu ấn lịch sử chiến đấu hào của thành phố, mà còn là nơi tạo cảm hứng cho thơ ca. Tiên Sa - huyền thoại về một bầy tiên nữ bay xuống trần rong chơi nơi đây, tắm nơi đây khơi dậy nhiều ý thơ đẹp “Trời chiều buông xuống màn sương / Tiên Sa se lạnh vấn vương nhớ người” (Xuân Thành).
Một nguồn mạch cảm xúc chính về tình yêu thành phố đã sinh ra từ dòng sông Hàn thơ mộng. Sông Hàn chở trong lòng bao nguồn sử thi, bao huyền thoại, và dòng sông ấy cũng chở bao ước mơ ra biển lớn. Nhà thơ Phan Minh Mẫn viết về sự đổi thay của thành phố: “Ba mươi năm đất nước thanh bình / Cồn cát trắng giờ hoá thành những phố / Sông Hàn ơi! Thêm mấy nhịp cầu / Phố rồi sẽ mai này tiếp phố”. Mới hơn 30 năm kể từ ngày giải phóng, mới hơn 10 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương, mà bao cồn cát trắng ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phố xá hiên ngang ; bao vùng đất sình lầy nước đọng ở Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hoà Vang nhộn nhịp phố phường. Sự đổi thay diệu kỳ của Đà Nẵng trong thời gian qua là một bài thơ lớn trong lịch sử phát triển của thành phố.
Trên dòng sông Hàn soi bóng nhiều hình ảnh rạng rỡ, nhưng chiếc cầu Sông Hàn là một hình ảnh thấm đượm tính nhân văn, đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của cuộc sống mới. Nhà thơ Trương Quang Sinh giãi bày: “Cầu quay ai hẹn ai chờ / Đêm đêm gió hát bài thơ Sông Hàn”. Từ khi có chiếc cầu quay đã đánh thức vùng đất Sơn Trà ngủ vùi trong cát bỗng chốc “bừng thức giấc thanh xuân”. Chiếc cầu Sông Hàn ngay sau khi vừa khánh thành đã trở thành biểu tượng của sự đổi đời trong mỗi trái tim người dân thành phố. Nhà thơ Trần Trúc Tâm nhìn chiếc cầu dang hai tay nối liền đôi bờ đã nghĩ đến tấm lòng trời biển của người Mẹ hiền: “Cầu mang dáng mẹ, mẹ ơi / Dang tay mẹ nối liền đôi bến bờ”. Nhà thơ Nguyễn Quân không nén được xúc động: “Cầu sông Hàn nối hai phía đông tây / Như bàn tay nắm bàn tay xiết chặt / Tôi đọc được niềm vui trong từng khoé mắt / Nụ hôn đầu mọng đỏ cháy bờ môi…”
Bên cạnh cầu Sông Hàn, cây cầu Cẩm Lệ “nối lại nhịp xưa” đã tạo thêm nét son phía Nam thành phố: “Sáng nay cây đã đơm hoa / Cầu xưa nối nhịp người qua lại người / Bên sông em nở nụ cười / Môi em vạt nắng hồng tươi sắc trời / Vai em quang gánh nỗi đời / Qua sông, qua những nhịp cầu yêu thương” (Hoàng Quyên)
Các nhà thơ ý thức được rằng “Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai bắn lại chúng ta bằng đại bác”. Trên đường bứt phá đi lên phía trước không được giẫm đạp lên những giá trị văn hoá đổi bằng máu xương của cha ông. Trong tình cảm thiêng liêng đó, Nguyễn Văn Tám nhìn mây trắng quần tụ trên đỉnh núi Sơn Trà như linh hồn của các nghĩa sĩ tụ về: “Mỗi tất đất thấm máu cha ông đã chết / Nghĩa trũng nghìn thu tụ lại thành mây trắng Sơn Trà”. Thu Di cảm nhận về Nghĩa Trũng một ngày đầu mùa đông: “Tôi về, nghĩa đã trũng đầy thu / Sương tự nguồn đông chớm sa mù / Thịt da chưa rét, lòng nghe lạnh / Nghe rợn cung đàn gió âm u”.
Tập thơ Đà Nẵng Yêu Thương xuất bản nhân Ngày Thơ Việt