Lo tròn chữ Hiếu
P.BUCK
Bữa ăn trưa đang được dọn lên. Ông chủ, bà chủ, hai cô con gái nhỏ và mẹ ông chủ lần lượt ngồi vào bàn. Hai tay đặt lên đùi, bà nhìn chăm chăm những món ăn chị làm bếp mang đặt lên bàn, cố giữ vẻ thản nhiên, dù thấy có món ăn mà cụ ưa thích. Bà biết rằng đó là do tình cờ thôi chớ người ta không làm món đó… vì bà!
Vợ chồng con trai bà vẫn nói là họ không thể ăn những món bà thích, vì họ cho đó là những món ăn quê mùa.
Chợt thấy món đậu nấu tiêu mà mình vẫn thích, không ngăn được, nước bọt ở miệng bà trào ra. Bà đang rất đói, rất muốn cầm đũa gắp cho vào chén nhưng cố dằn lòng, vì bà từng được người ta nói rằng không nên… làm thế.
Quả thật vậy, gần bốn năm ở cùng con trai và dâu, bà được học nhiều điều nên biết kiên nhẫn chờ… chờ cho đến khi chị làm bếp dọn xong hết, lui ra, người con dâu lên tiếng mời.
- Mời mẹ cầm đũa!
Người con dâu đưa các món ăn cho mẹ chồng gắp, chị ta cố ý cho cụ thấy là mỗi tô, dĩa đựng thức ăn đều có đũa riêng và sẵn sàng nhắc nếu bà thọc đũa của bà vào các tô, dĩa ấy. Lúc đầu bà khá lúng túng vì chuyện phải dùng đũa riêng để gắp thức ăn song rồi cũng dần quen. Dù sao, bà vẫn thắc mắc vì suốt thời còn thơ ấu cho đến ngày làm vợ, làm mẹ bà chưa hề bị ai bắt bẻ, chê cười khi dùng đũa của mình đang ăn gắp thức ăn.
Hừ, chỉ có vợ chồng con trai bà nghĩ ra cách ấy và làm khác mọi người. Chậc! Hẳn là vì chúng du học ở nước ngoài về, dân xứ đó còn lạc hậu, bẩn thỉu nên chúng hét toáng lên khi thấy mẹ cẩn thận liếm đôi đũa thật sạch trước khi nhúng vào dĩa thức ăn. Thoạt nghe tiếng hét bà ngẩng lên, vẻ sửng sốt, đôi đũa trên tay còn đưa ra trên đĩa thức ăn, chưa chạm tới. Bà hỏi:
- Cái gì vậy, hở con?
Bà ngờ là có vật gì lẫn trong đó. Con trai bà kêu lên:
- Mẹ phải dùng đũa công cộng chứ đừng thọc đôi đũa đã ngậm vào miệng vào dĩa thức ăn.
Bà rất bình tĩnh, nói với vẻ giận dỗi:
- Dễ con cho là mẹ bị bệnh truyền nhiễm chăng?
Con dâu và con trai cố giải thích cho cụ hiểu là có những con sâu tí xíu, nó nhỏ đến nỗi mắt thường không sao nhìn thấy, nhưng chúng lại có thể lây từ người này sang người khác những căn bệnh hiểm nghèo. Bà ngồi thẳng đơ, thảng thốt, nửa tin nửa ngờ. Bà lẩm bẩm:
- Mẹ không tin là mẹ có những con sâu đó trong mình, mẹ chưa hề thấy nó.
Hai người cố giải thích thêm:
- Vi trùng nhỏ lắm, làm sao thấy được!
Bà không chịu thua:
- Nếu vậy sao hai con biết là mẹ có những con vi… gì đó trong mình!
Nói xong, bà nghĩ là con bà đã chịu thua. Không ngờ giọng con trai rắn đanh, giọng của một người chủ:
- Thôi! Không cần phải bàn cãi gì thêm về vấn đề này nữa. Từ nay, con không muốn duy trì lối ăn uống dơ dáy như vậy ở nhà này.
Bà chết điếng, lặng lẽ nhai cơm lạt, không cho đũa vào bất cứ món ăn nào, dù rất thèm thịt, cá, rau.
Nói cho công bằng, về già bà ăn ngon miệng lắm. Sở thích độc nhất của bà bấy giờ là hai bữa cơm.
Sau lần cãi cọ ấy, bà phải tuân lệnh con trai.
Đã có lần bà bị con dâu tỏ ra cứng rắn về chuyện ăn uống này. Hôm đó, chị làm bếp dọn một bát canh dưa hồng, thứ canh bà rất ưa ăn. Thoạt thấy bát canh, mắt bà sáng rỡ, nôn nả đến độ quên giữ ý trước con dâu và tệ hơn nữa, bà vục cái muỗng vào bát canh, múc lên húp đánh soạt một cái với vẻ thích thú. Khi bà định múc lần nữa nhưng chưa kịp thì người dâu đã nhanh tay bưng bát canh lên, lại gần cửa sổ đổ hắt ra sân. Trời ơi! Mất cả tô canh ngon ngọt ! Bà tức lắm, kêu lên:
- Coi! Tại sao con làm kỳ vậy?
- Tụi này không thể ăn thừa…
Giọng người con dâu đanh đá, sát sạt. Bà rất giận (lúc đó bà còn có gan để giận), gằn giọng:
- Tao không bỏ thuốc độc trong đó đâu mà bay sợ dữ vậy!
Người con dâu nói với giọng lạnh ngắt:
- Cả đời mẹ không hề cầm đến cái tăm mà!
Bà mẹ run rẩy:
- Mỗi ngày tao súc miệng ba lần lận, sáng sớm vừa thức giấc và sau mỗi bữa cơm. Vậy chưa đủ hay sao! Cả đời tao, tao chưa nghe ai chê bai về…
Đúng lúc đó, người con trai chen vào câu chuyện với giọng miệt thị lộ liễu không cần che giấu:
- Thôi! Mẹ đừng nói gì về đời mẹ! Xưa quá rồi! Giờ phải lo đổi mới tất cả để thiên hạ không còn có thể chê đất nước mình lạc hậu, nghèo nàn.
Bà không sao hiểu những lời riết róng của con trai mình. Hồi đầu, bà cho là con mình nghe người ta nói nên lặp lại chứ không ý thức được, nghĩ thế bà cười xòa.
Song rồi thấy vẻ mặt con lạnh ngắt đầy bất mãn trước nụ cười của mẹ cùng lúc bà nhớ đến vẻ khâm phục của mọi người xung quanh đối với con, bà khựng lại ngay. Thật tình mà nói thì… thật là không thể cười trước vẻ nghiêm nghị của kẻ khác, dù kẻ đó chính là con mình đi nữa.
Từ đó về sau, bà còn hiểu thêm nhiều điều khác, không cần chờ nhắc nhở, chẳng hạn như phải ăn uống từ tốn, chậm rãi, chờ người ta đem đến và không… nên ăn no.
Sau khi ăn xong chén cơm, bà lặng lẽ về phòng dù còn thấy đói, và rồi đến trước cửa phòng bà chần chờ, dừng lại. Vốn là nông dân khỏe mạnh, bà thường ăn ít ra cũng cỡ ba chén. Giờ phải nén lòng, ăn có mỗi một chén, bà thấy lỏng lẻo, lưng lưng thế nào ấy. Ở thôn quê, thông thường có câu cửa miệng: chén to kho mặn. Mà cái chén thì, trời ơi, loại chén đất lớn không như nhà con bà, theo thói quen thị dân, ăn thứ chén kiểu nhỏ hơn. Chén đã nhỏ lại không dám bới thêm nên bà đói. Thật vậy, không dám ăn thêm vì bà rất sợ phải nghe con trai bà nói nửa đùa nửa thật:
- Mẹ ăn sao giống lực điền ở quê quá! Con chưa thấy một phu nhân nào ăn như mẹ. Mà nào mẹ có làm công lên chuyện xuống gì cho cam!
Có đúng là nó nói đùa không! Nó không tiếc gì với mẹ, tiền lương dạy học của nó một tháng còn nhiều hơn vợ chồng bà lao tác, cày cấy trong một năm. Đúng là nó không tiếc, bà biết, nhưng mà nó xấu hổ vì bà; khi nào nhà có khách dùng cơm, vợ chồng nó thường nói xa nói gần để bà ăn riêng một mình trong phòng. Dẫu sao, bà cũng cảm thấy thích tự do ăn uống như vậy hơn.
Bà đi vòng cửa sau, qua sân, xuống bếp. Rồi bà dọn một nụ cười lấy lòng đám bồi bếp đoạn lấy chén xúc đầy cơm trong cái nồi gần đó. Trên bàn thức ăn vẫn còn, cái món đậu nấu tiêu kia còn ít nên bà không dám đụng đến. Bà chỉ nhón ít bắp cải vì thứ này còn nhiều. Bà ý tứ, không muốn ăn bớt những gì ngon hơn của đám bồi bếp. Bà chỉ cần cơm, mà cơm thì không thiếu.
Không dám nhìn lui sợ bắt gặp ánh mắt dè bỉu của đám bồi bếp mà cũng sợ con trai hay con dâu bất ngờ đi ngang, bà vội vã lập cập bước nhanh về phòng. Bà thừa biết tụi bồi bếp chỉ không thích bà ăn thức ăn ngon thôi chứ cũng thương hại bà, dễ dãi khi bà lấy cơm. Chúng giễu bà do vô tâm chứ chúng cũng ngầm bênh vực bà trước thái độ bạc bẽo, hỗn láo của con dâu (chủ chúng).
Về đến phòng, bà thở phào nhẹ nhõm, cài then cửa rồi ngồi ăn. Bà ăn rất ngon, nhai ngấu đến hạt cơm cuối cùng đoạn cẩn thận lau chén ngay trong phòng để khỏi bị tụi bồi bếp cằn nhằn vì phải rửa cho bà. Xong rồi bà mở cái tủ nhỏ đặt trên bàn, lấy ít cơm nguội mà bà đã để dành từ hôm qua, ăn tiếp, nhai thật kỹ. Bà có thói quen cất dành những thức ăn nào có thể nhón lấy được, đem về phòng cho vào tủ, phòng khi đói giữa hai bữa ăn.
Ngồi xỉa răng một lúc bà lại đứng lên mở cửa nhìn ra hiên. Bà mong gặp hai cháu nội lắm mà không dám gọi chúng khi có mặt cô con dâu vì biết cô không ưng cho con mình vào phòng bà nội. Bà có phàn nàn thì cô ta chống chế:
- Mẹ không chịu mở cửa sổ phòng, phòng mẹ bí rị, không khí không lưu thông, có hại cho lũ trẻ. Với lại mẹ ưa giữ mớ áo quần cũ, ẩm. Mẹ còn tích trữ đồ ăn nên chuột bọ đầy phòng…
- Quần áo đó là của cha tụi nó, mẹ không nỡ bỏ, nó còn tốt con ơi! Quần áo cũng như đồ ăn không nên bỏ phí. Khi con già bằng mẹ, con sẽ biết…
Nhưng bà đột ngột ngưng bặt khi thấy nụ cười lạnh nhạt, khinh khỉnh của con dâu.
Dâu bà mà thấy hai đứa nhỏ đến phòng bà nội là tức khắc sai người vú đến dắt đi liền. Vì vậy bà luôn phải lén lút đón đợi hai cháu đến chơi.
Hai đứa cháu của bà nó đẹp làm sao! Chúng mập mạp, thơm ngát, hồng hào… Bà ưa chúi mũi vào cổ chúng làm chúng nhột, cười khanh khách từng hồi, tiếng cười giòn tan, trong vắt!.
Thật hạnh phúc khi có những đứa cháu như vậy. Bà vốn yêu trẻ, dù lúc nhỏ có chồng nghèo, tay làm hàm nhai mà lúc nào cũng mở rộng cửa đón trẻ con hàng xóm. Bà nuôi tất cả trẻ con nhà nghèo đói đến tá túc, chỉ trừ một năm đói kém, mất mùa, nhà không đủ ăn nên mẹ chồng phải ngăn bà làm điều đó. Đó là năm làng quê có nhiều người chết đói, nhiều như rạ ngoài đồng.
Trong số hai con của bà, người mà bà đang ở là người độc nhất còn lại. Người con trưởng chết vì bệnh thiên thời cách đây đã tám năm. Người con gái út thì có chồng nghèo lắm, chắc là không cưu mang nổi mẹ già. Cho nên bà chỉ nương nhờ có mỗi mình người con trai này. Đó là một cậu trai được cưng nhất vì xinh đẹp, thông minh và cũng rất cứng cổ.
Vợ chồng bà đều thống nhất là nó phải được học hành đến nơi đến chốn.
Khi lên mười, cậu bé được cha đưa đến trường của người ngoại quốc gần làng ăn học. Cậu học ở đó đúng mười năm. Học phí nhẹ, cậu học giỏi, cha mẹ không quan tâm đến điều cùng với việc học, cậu theo một tôn giáo khác với truyền thống gia đình.
Cậu chỉ về nhà vào dịp tết và hè, nhưng chỉ vài năm sau, cậu không về nữa vì đã trở thành thị dân, không thích về quê.
Thế rồi người ngoại quốc lại nhồi nhét cho cậu cái ý định xuất ngoại để học tiếp. Họ giúp cậu một số tiền nhưng chưa đủ.
Lúc này đây, bà còn nhớ như in ngày cậu về bất ngờ, chạy tuốt ra đồng giữa lúc cha mẹ đang làm ruộng. Cậu hấp tấp nói:
- Mẹ ơi, con phải ra nước ngoài học thêm. Trường chu cấp cho một ít nhưng không đủ. Xin cha mẹ cho con thêm để đủ theo đuổi việc học. Sau này thành tài con sẽ lo cho tuổi già của cha mẹ được yên vui.
Ông bà nhìn nhau rất đỗi ngạc nhiên: đi học tận nước ngoài! Tuy vậy sau khi bàn tính và trao đổi với nhiều người trong làng, ông bà cũng xiêu lòng. Họ bảo: Nếu ông bà cho cháu du học sau này đỗ đạt cao, lương lớn ông bà tha hồ nhàn nhã khỏi lo lắng, chỉ việc ngồi dưỡng già.
Có lý quá đi chớ! Họ đồng ý cho tiền con đi học nước ngoài. Vả lại, lúc đó người con trai trưởng đang mạnh khỏe, có cửa hàng ở thị xã, việc buôn bán hanh thông, đủ sức lo cho gia đình anh ta.
Việc xảy ra chóng vánh, đột ngột nên họ quên phắt chuyện trọng đại: tìm một cô gái xứng đáng để hứa hôn cho con trai theo tục lệ thời bấy giờ. Một phần cũng do họ thấy con trai có vẻ thông thái, trí thức và bướng bỉnh, khó mà thuyết phục được nó nghe theo.
Thế rồi, cậu ta cưới vợ lúc nào họ không hay biết, cậu ta có hỏi ý kiến cha mẹ đâu! Cậu cưới trong lúc đang du học kia mà. Vợ cậu, một phụ nữ trắng trẻo, kiểu cách, nhà trải thảm trên sàn và cửa sổ luôn có màn treo, mỗi ngày đều tắm cho con làm như lũ trẻ dơ dáy lắm vậy!
Trước khi cậu hồi hương, cha cậu bỗng qua đời. Ông là một người vạm vỡ, khỏe mạnh thế mà chết đột ngột vào một ngày đông rét buốt. Bà chỉ vừa nghe ông than thở là buốt ở ngực, tức thì mời thầy thuốc, nhưng ông tắt thở trước khi được khám. Bà lo tang lễ rất chu đáo, sắm một áo quan tốt và may cho ông một bộ đồ mới màu xanh để mặc khi liệm. Đó là bộ đồ đẹp nhất ông được mặc trong suốt cuộc đời lam lũ, chăm chỉ của ông. Để được như vậy, bà phải bán bớt đi ít đất cho đủ chi phí vì tất cả tiền dành dụm được đã gửi ra nước ngoài cho cậu quý tử.
Còn lại một mình đơn lẻ, người mẹ không đủ sức canh tác nặng nhọc nên lại bán thêm chút đất nữa để sinh sống.
Mùa thu năm ấy, người con trai trưởng lâm bệnh và chết. Vì không có con nên vợ anh ta ở với cha mẹ ruột. Bà càng trơ trọi. Thế là bà còn có mỗi mình người con trai thứ ở nước ngoài.
Lại có thư con trai xin tiền thêm, không do dự bà bán thêm miếng đất cuối cùng. Lúc bà sắp gửi tiền cho con, một người láng giềng can:
- Dù là con trai độc nhất còn lại, bà cũng nên đề phòng, bán hết gửi cho nó sau này lấy gì dưỡng già! Bà nên suy nghĩ kỹ trước khi…
Không hề nao núng, bà nói:
- Con tôi, tôi biết, làm sao nó dám xử tệ với tôi? Vả lại, đất này là đất của nó và nó đang cần. Tôi không ngại gì cả, tôi sẽ có một chỗ ở tốt trong nhà nó sau này.
Quả thật bà rất tin tưởng ở người con trai mà bà coi là quý tử. Chợt nhớ lại điều này, bà thở dài não ruột. Đúng là bà có một chỗ ở trong nhà con trai. Nhà thật đẹp, sang trọng nữa chớ! Khách đến chơi trầm trồ không ngớt. Nhưng bà chưa bao giờ lên tầng trên vì nếu cố gắng leo lên, khi xuống ắt phải có người dìu. Khi nào không thích dằn mặt bà, vợ chồng con cái kéo lên lầu, bỏ mặc bà thơ thẩn tầng dưới một mình.
Chúng cho là bà đã lẩm cẩm không còn sáng suốt để hiểu gì về chúng song sự thật… trái lại, bà biết rõ thâm ý chúng…
Bà đang mơ màng suy nghĩ thì hai đứa cháu đi ngang. Vừa thức dậy, hai đứa hồng hào, mát mẻ… Rồi chúng ngồi xuống sàn, chơi với mấy món đồ chơi xinh xắn. Bà rất yêu cháu, chỉ hơi tiêng tiếc một điều: chúng đều là gái cả. Một lần bà tỏ ý tiếc: “Giá chúng là con trai thì tuyệt quá”. Tức khắc con trai bà sừng sộ:
- Gái hay trai thì cũng như nhau, mẹ thì cứ mãi nghĩ theo cái lối cổ lỗ!
Bà im lặng, không thèm nói gì nữa, chỉ mắng thầm: “đồ ngu! Phải có đủ trai lẫn gái chớ”. Bà chăm chú nhìn hai cháu. Bỗng đứa bé sau nhìn bà. Bà rất yêu đứa bé, vì nó xinh hơn chị nhiều, bà náo nức muốn âu yếm nó. Bà tặc lưỡi, con bé nhìn bà do dự khiến bà nghĩ đến cách chiêu dụ nó. Quay vào phòng, bà mở tủ lấy ra một miếng bánh đã cất khá lâu, một lớp mốc phủ quanh miếng bánh. Hại gì đâu, bà thổi phù cho nó bay đi và lấy tay xát đi, xát lại cho sạch. Bà cầm bánh ra đưa lên dứ dứ trước mặt cháu và con bé nhìn thấy bánh liền đứng lên chập chững đi lại gần bà nội. Mới biết đi nên nó không thể đi mau được, nó đưa cả hai tay với đến tấm bánh. Bà nội giơ tay đón cháu và đưa bánh cho nó. Bà bế cháu vào phòng, nhìn nó ăn một cách thích thú, chúi mũi vào cổ cháu, hít lấy hít để. Chao ơi! Cháu yêu, cháu quý của bà đây! Bà khép cửa phòng để tự do âu yếm cháu.
Tuy nhiên bà đâu được tự do lâu với cháu! Đứa cháu lớn đã đi mách ngay với mẹ và… cánh cửa vụt mở: người con dâu xuất hiện như một hung thần.
Giọng cô ta lễ phép và lạnh như đá:
- Thưa mẹ, đã đến giờ cháu phải ra vườn.
Nói xong, nhác thấy chút vụn bánh dính trên mép con, cô ta kêu lên, quên cả giữ ý:
- Kìa, mẹ cho nó ăn cái gì vậy?
Bà hơi giật mình song trấn tĩnh lại ngay:
- Một chút bánh, ít ít thôi…
- Trời ơi! Bánh hạnh nhân! Người dâu vạch miệng con ra và kêu thất thanh. Rồi không nói một lời nào nữa, giật đứa bé trong tay bà nội nó, quay ngoắt ra ngoài, dáng bộ hung hãn đến nỗi con bé hoảng sợ, khóc thét lên.
Ngồi lại một mình, bà hết sức bất bình, vì bà cho là mình đâu có làm gì tội lỗi? Tuy nhiên, vốn đã quen nhịn nhục suốt bốn năm qua nên bà áy náy lắm, cứ lẩm bẩm một mình: “Cho cháu một chút bánh ngọt, có gì mà…”.
Vừa nói bà vừa nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Bà liếc nhìn ra: trước cửa phòng, đứa cháu lớn còn đứng đó. Thế là, quên phắt chuyện vừa xảy ra, lại đưa tay ngoắt cháu với một nụ cười thân thiện. Đứa bé lắc đầu, bỏ đi ngay làm cho lòng bà đau nhói, bà buông tay xuống, thở dài: “À thì ra chúng dạy cháu ghét cả bà nữa kia!”. Nụ cười của bà lần này như mếu! Bên ngoài, con bé tiếp tục chơi một mình, chốc chốc lại quay nhìn trộm bà nội.
Đêm ấy, đứa cháu nhỏ sốt. Không biết có phải vì miếng bánh? Người con dâu thức canh chừng con và con trai bà cũng mất ngủ. Gần sáng đứa bé đỡ nhiều và ngủ yên. Hỏi thăm gia nhân biết được điều này, bà nhẹ cả người, suốt đêm bà cũng lo không kém con dâu, mỗi khi nghe tiếng động trên lầu vọng xuống, bà thắt cả ruột.
Sáng ra vào phòng ăn chỉ thấy con trai, bà hỏi:
- Cháu khỏe rồi phải không con? Trẻ con nào cũng có lúc như vậy. Mẹ nhớ khi con còn nhỏ…
Con trai bà nhìn mẹ một cách nghiêm khắc đến độ bà không nói hết câu và cũng không nuốt trôi bữa sáng. Không! Bà cố ngăn sự sợ hãi và cố gắng để nghĩ rằng đó là con bà, nó từng được bà ôm ấp, vuốt ve, âu yếm, nó là đứa yếu đuối, lúc nào cũng sà vào lòng bà nhay vú cho đến không còn lấy giọt sữa. Nó là…
Nhưng vô ích, trước mặt bà là một nhà trí thức, luôn kiêu hãnh về sự quảng bác, về kiến thức của mình với bộ com lê sang trọng và đôi kính gọng vàng chói lọi. Con bà đã khác xưa: nó không hề nhìn bà với ánh mắt dịu dàng, không biết mỉm cười với mẹ, nó đã quên chăng? Bà cảm thấy tuyệt vọng khi con trai bà rứt ruột đẻ ra và hết lòng yêu quý lại lạnh nhạt với bà, nhất là vào lúc này, lúc bà rất cần tình thương của nó.
Đột nhiên, bà ao ước sao có mặt con dâu lúc này để dù không thương yêu gì bà nhưng chắc cũng ngăn chồng thốt những lời cay độc, tàn tệ với mẹ. Bà nhìn quanh như đứa trẻ muốn cầu cứu nhưng trong phòng chỉ còn hai mẹ con, chị làm bếp đã được lệnh rời phòng. Nó sẽ hành hung ta? Nó sẽ làm gì đây? Nó dám…! Bà run rẩy, lo lắng đến nỗi cổ bà khô khốc.
Với giọng đầy uy quyền, sau khi đằng hắng một cái, người con nói:
- Con không muốn bất công với mẹ. Con biết bổn phận của con: mẹ có chỗ ở trong nhà này. Có điều là… nếu ở đây thì mẹ phải làm theo ý con, không được cưng chiều hai đứa trẻ. Hôm qua mẹ đã trái lời con: mẹ cho cháu ăn thứ bánh mẹ cất giữ đã mốc meo, mẹ làm như là con để mẹ đói… - Anh ta dừng lại chừng để dằn cơn giận đang bốc lên, khi nói tiếp thì giọng anh ta rắn đanh, lạnh lùng hơn: Mẹ cho cháu ăn cái bánh mà ngay lúc nó còn mới tụi con vẫn không đụng đến.
Không dám phản ứng mạnh, bà cụ lầu bầu:
- Có chút rẻo bánh ngọt thôi, làm gì như là…
Người con gắt to:
- Nhưng con đã bảo mẹ rồi, không được cho chúng ăn bất cứ món gì.
Bỗng nhiên bà mẹ thấy tủi thân quá dù cố nén vẫn òa ra khóc nức, vừa khóc vừa lải nhải:
- Mày khó dễ mẹ, mày muốn đuổi mẹ phải không? Thôi, để mẹ đi, mẹ không thể ở đây, mẹ hết chịu nổi…
Người con có vẻ kiên nhẫn, chờ cho mẹ nguôi nguôi mới nói:
- Mẹ nên biết điều một chút. Bây giờ mẹ tính đi ư? Đi đâu kia? Ai chứa mẹ?
- Tôi đến nhà con gái tôi! Phải! Tôi còn nó mà! Nó nghèo thật nhưng tôi sẽ làm công cho chồng nó, tôi có thể mót lá, hốt phân, coi trẻ, quơ củi. Tôi sẽ làm lụng vất vả để kiếm miếng ăn qua ngày…
Người con cười cay độc:
- Mẹ nghĩ là con không tính đến chuyện đó à? Con đã viết thư cho tụi nó, chịu tiền cho nó nuôi mẹ. Nói riêng cho mẹ biết - giọng anh ta nhỏ lại - vợ con đâu muốn mẹ ở đây, vì mẹ không chịu hòa mình vào nếp sống mới. Mà mẹ à, con gái út mẹ không chịu vì nhà nó đông trẻ quá, không thể…
Đến đây hai bên cùng yên lặng, nhất là bà mẹ, một niềm chua xót, đắng cay dâng ngập trong lòng, làm nghẹn cổ bà. Hừ, vậy mà trước đây mỗi lần giận con và dâu, bà thường nói với gia nhân họ, với khách đến chơi nhà và cả mấy gã hàng rong là bà còn con gái ở quê, bà sẽ về với nó nếu không thích ở đây nữa. Bây giờ thì… đâu thể nói vậy nữa? Con trai và dâu sẽ cười vào mặt bà ấy chứ. Bà cúi gầm mặt xuống, dỏng tai lên. Con bà tiếp:
- Mẹ thấy đó: vợ con thì có học hành, văn minh, còn mẹ… mẹ quá quê mùa, dốt nát. Con phải nói sự thật này vì chỉ có hai mẹ con ta ở đây. Con sẽ giáo dục lũ trẻ theo lối mới. Thời này, không ai để nhà cửa luộm thuộm như mẹ nữa. Không ai khạc nhổ dưới sàn nhà, không thể để gà vịt ra vô trong nhà. Con của con không thể ăn những thứ mà mẹ cho con mẹ ăn ngày trước.
- Chính con, con cũng là con của mẹ… kia mà!
Bấy giờ người con không cần dè dặt tí nào nữa, lạnh lùng, gằn từng tiếng:
- Nhưng mà mẹ ơi! Mẹ quên là mẹ sinh bảy lần mà sống có ba đứa hay sao? Con không muốn như mẹ, không bao giờ!
Hết chịu nổi, không nhịn nữa, bà mẹ trừng trừng nhìn con, nghẹn ngào:
- Hừ! Vậy là mày buộc tội mẹ mày giết con… phải không?
- Con buộc tội mẹ về sự ngu dốt mà lại không chịu học hỏi, chỉ vậy thôi.
Buông mấy lời tàn độc cuối cùng xong, người con trai đứng lên, rời phòng. Khi thấy con ra đến cửa, bà run rẩy, nói to lên:
- Được! Tao sẽ chết! Tao sẽ treo cổ chết cho vợ chồng mày vừa lòng!
Người con trai quay lại, chiếu cái nhìn hung hãn vào mặt mẹ và thấy rõ nét đau đớn cùng cực của mẹ nhưng vẫn không chút xót thương:
- Hừ, mẹ nói như vậy với con hả? Mẹ dám… mẹ làm liều như vậy để làm nhục con chứ gì? Thiên hạ sẽ đồn ầm lên: con bạc ác đến nỗi mẹ phải tự tử!
Người con trai im lặng, bấm chuông. Khi người tớ gái bước vào, giọng người con trai đã trở lại bình tĩnh, tự nhiên như không có gì vừa xảy ra nhưng lạnh lùng cương quyết:
- Cụ cần có một người bên cạnh để hầu hạ. Lớn tuổi nên yếu trong mình. Chị hãy tìm cho tôi một người chuyên nuôi bệnh ở luôn đây, cả ngày lẫn đêm. Tôi giao chị lo việc này.
Người tớ gái cúi đầu dạ. Đâu phải đây là lần đầu tôi tớ nghe họ to tiếng. Chúng nghe hết, hiểu hết. Lệnh ông chủ làm cô tớ gái rất mừng, cô ta có đứa em gái đang không có việc làm.
Bà lảo đảo bước lại gần cô ta, dáng bộ thảm nảo như một đứa trẻ đi tìm an ủi ở một người lớn, miệng lầu bầu:
- Mình muốn chết phứt đi mà cũng không được… Người ta ngăn lại…
Cô gái dìu bà ngồi xuống, an ủi lấy lệ:
- Thôi, cụ đừng buồn, cụ nên nghĩ lại. Cậu là người chí hiếu, lo cho cụ chu đáo: chỗ ở, thức ăn, quần áo, cái gì cũng tốt hết. Cụ có phước biết bao! Ai cũng nói cụ lớn phước lắm đó, cụ ơi!
MINH QUÂN dịch