Xuân Thiều bên dòng sông xanh
Biển Xuân Thiều
Anh là người con vùng cách mạng, cả gia đình tham gia kháng chiến, mới năm ngày
tuổi, mẹ bị giặc truy lùng phải gửi anh cho cô Bảy nuôi dưỡng. Cha đi tập kết. Mẹ hy sinh khi anh mới sáu tuổi đầu…
Anh Nguyễn Văn Đến đưa tôi về thăm quê. Qua cầu Nam Ô, chúng tôi rẽ vào con đường ven theo bờ Bắc dòng sông xanh. Anh nói ngày xưa ông cha mình kỹ lắm, bao nhiêu yêu thương chăm chút từng bờ ao lối xóm gắn với tên làng: Xuân Thiều, Xóm Vạn, Cồn Dâu, Thổ Trại, Thuỷ Tú, Trường Định, Nam Yên… những cái tên dễ đọc, dễ nhớ, đặc biệt với người đang ở và từng gắn bó nơi đây. Con người hay có kỷ niệm gắn với dòng sông, bến nước, đường làng. Anh chỉ vào ngọn núi nhỏ Xuân Dương rồi trầm giọng xuống như để chia sẻ với mọi người một kỷ niệm tuổi thơ. Có lần mải chơi trên bãi biển Xuân Thiều mênh mông cát, trong cái nắng chang chang cả nhóm quên con đường về nhà đã nhờ ngọn núi Xuân Dương đứng thoi loi ngoài bãi biển mà biết hướng để quay trở lại bến sông xanh. Nhìn những mành lưới trên sông phơi trong nắng gió là nghĩ ngay tới làng chài Xóm Vạn.
Phía bên kia là chợ cũ Nam Ô nay là cổng vào khu đô thị mới. Những nhà tầng mọc lên làm đổi thay diện mạo, nay chỉ còn một công trình kiến trúc theo mô típ cổ, được đặt tên nhà thờ thần nông, nơi ấy còn giữ lại cây đa trăm tuổi, hồi nhỏ anh cùng đám bạn bè hay tới đây chơi trò leo trèo rồi rủ rê ra sông ngụp lặn. Xe chạy quanh một vòng lên điểm cao đồn Quan Nam nơi giặc Pháp dựng lên để canh gác trông coi dân mình. Từ đây thả tầm mắt nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Ngày xưa chắc biển ăn sâu vào bên trong cửa sông, qua thiên niên vạn đợi bồi đắp tạo nên cánh đồng Xuân Thiều màu mỡ. Tôi hỏi con sông Cu Đê do nước thủy triều từ biển dâng lên hay từ đâu chảy tới mà nước ở đây trong xanh quá. Anh thành thạo: Nguồn nước trong từ Trường Sơn chảy qua A Sầu, A Lưới rồi men theo sườn Nam Hải Vân hòa vào dòng chảy phía Nam thành sông Cu Đê đổ ra vịnh Đà Nẵng. Dòng sông xanh uốn lượn quanh co theo cảnh quan non nước hữu tình khó nơi nào sánh được. Cảnh sắc biển xanh sóng vỗ, núi non hùng vĩ, mây trắng vờn bay lọt tầm mắt vua Lê. Nhà vua ngự lại ở ghềnh, đêm nằm mơ thấy điềm lành: “Hỗn nhất xa thư cộng bức viên/ Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên/ Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền.” dịch rằng: Giang Sơn trọn bức dư đồ/ Hải Vân giang rộng mở cờ vượt Nam/ Đồng Long vằng vặc trăng rằm/ Con thuyền Lộ Hạt canh năm dập dềnh. Vua Lê đã biến giấc mơ thành hiện thực, vượt qua Hải Vân chinh phạt quân chiêm giành thắng lợi. Mấy trăm năm sau vua Minh Mạng xây dựng Hải Vân Quan ngay tại vị trí đắc địa, tưởng như nơi giao hòa của trời đất “núi ấp ôm mây, mây ấp núi”. Một di tích để lại tầm nhìn xuyên thế kỷ, hình khối giản đơn, không gian mở, hướng Bắc nhìn về kinh đô Huế khắc chữ “Hải Vân Quan”. Hướng nhìn phương Nam khắc chữ: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Trải qua mấy trăm năm rồi vẫn vậy, gạch đá rêu phong mặc cho thử thách của con người và trời đất, cổng Quan Hải Vân vẫn là dấu ấn không phai trong sử sách văn thơ tới thực địa hiện trường.
Hải Vân Quan
Hòa Hiệp quê cha, Hòa Liên quê mẹ, vùng đất ven đô Đà Nẵng, kết nối với Hải Vân, Trường Sơn, đây là vùng an toàn cho những người cộng sản lui tới như ông Trần Thận - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, ông Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa) - Bí thư khu 1 Hòa Vang… Là cái nôi của lớp người tham gia kháng chiến: Ông Nguyễn Bá Phát nổi bật tài trí cầm quân, Đà Nẵng lập trung đội vũ trang đầu tiên ông là Trung đội trưởng. Quảng Nam lập trung đoàn đầu tiên ông là Trung đoàn trưởng, và ông cũng là Tư lệnh Hải quân đầu tiên của quân chủng Hải quân Việt Nam.
Trên con đường vòng vèo qua xóm cũ, câu chuyện tuổi thơ của anh trải dài theo năm tháng. Xóm Thổ Trại thời chống Mỹ chỉ có mười bảy gia đình.
Nhà nào cũng có hầm bí mật. Cuộc chiến đi qua bốn chín người con là liệt sĩ, hai mốt người mẹ Việt Nam anh hùng. Nỗi đau này không của riêng ai. Ngày ấy cả nhà anh theo Cách mạng. Bác Nguyễn Dân, Nguyễn Thêm, Nguyễn Kình, chú Nguyễn Còn, bốn trụ cột trong gia đình nhà nội hy sinh. Cả nhà chưa hết bàng hoàng thì thím Ngô Thị Mây, dượng Phạm Tấn Đưa cũng ra đi, từng người thân lần lượt ngã xuống, bảy người con nhà nội hy sinh thành liệt sỹ.
Anh Đặng Đình Cơ đưa chúng tôi về Hòa Liên quê ngoại anh Đến, tới thắp hương ở nhà thờ họ Đặng. Cây xoài ngoài cổng ra hoa dày đặc như lấn át màu xanh của lá, hứa hẹn một mùa trĩu quả. Đã qua rằm tháng giêng mà những chậu hoa cúc trước hiên vẫn còn vàng rực. Không gian thờ cúng trang trọng, ở trung tâm là tấm ảnh thờ Cụ Ngoại - Đặng Đình Diễn, trên tường treo năm tấm bằng tổ quốc ghi công. Cậu Đặng Đình Kiệt hy sinh thời chống Pháp, cậu Đặng Đình Chư hy sinh thời chống Mỹ. Cậu Bảy Đặng Đình Vân hy sinh khi làm Bí thư Khu 1 Hòa Vang, tên cậu được Hội đồng thành phố Đà Nẵng gắn tên đường và một ngôi trường ở Hòa Liên đang hoàn tất thủ tục để mang tên trường Trung học cơ sở Đặng Đình Vân. Bà Đặng Thị Thẫn, mẹ anh Đến là người phụ nữ đầu tiên tham gia Huyện ủy Hòa Vang. Anh Cơ kể: Cô tôi mang bầu vẫn theo nhiệm vụ, để sinh con cô về nương nhà ngoại, mới ở cữ năm ngày thì cơ sở mật báo tin bọn giặc chuẩn bị săn lùng, ngay trong đêm cô Thẫn nhắn với chồng tình hình cấp bách… Dượng Bến cùng em gái tới bồng Đến còn đỏ hỏn chạy về bên nội. Cô Thẫn vội vàng khăn gói thoát khỏi nhà trốn vào rừng…
Ngày 2 tháng 10 năm 1959 cô cùng ông Đào Ngọc Chua - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang và mười đồng chí khác về họp ở Hòa Liên để phân công cô tôi
- Đặng Thị Thẫn, Huyện ủy viên làm Bí thư Hòa Vang thay ông Đào Ngọc Chua về thành phố. Cả đoàn người lọt vào ổ phục kích, cô tôi và ông Chua bị quân địch bắn chết, mười người còn lại bị bắt. Sáng hôm sau chúng dồn dân Đà Nẵng tới hiện trường dựng hai tử thi để bắn lại lần hai với người đã chết nhằm thị uy sức mạnh và răn đe tinh thần người dân. Cô tôi đã chết, bọn ác ôn ập tới nhà “truy tận gốc, trốc tận rễ” bắt luôn ông ngoại nhằm xóa luôn mầm mống cộng sản. Trong nhà giam chúng căng ông ra để đánh, đánh để đòn roi nhắm tới người dân trong làng, làm lung lay mọi ý chí chiến đấu, đánh cho “toàn thân bất toại” rồi thả Cụ Ngoại về nhà nằm chờ chết. Sự tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm bán nước hại dân gây nên làn sóng căm phẫn của nhân dân.
Quê nội ở Xuân Thiều, cha đi tập kết, ở nhà chỉ còn cô Bảy và anh. Trong vòng tay yêu thương, cô Bảy chăm anh lớn lên từng ngày. Mười bốn tuổi, anh lên đường ra Bắc. Lội suối băng rừng về hậu phương lớn anh trở thành “cậu ấm” của Trường học sinh miền Nam số 1. Cậu ấm được học hành, được rèn luyện văn thể mỹ, được ăn no mặc ấm, được bảo bọc yêu thương của thầy cô. Ngày hòa bình anh trở về quê hương. Có một gia đình hạnh phúc, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương rồi sinh con, có cháu… Mới ngày nào tới dự đám cưới cháu Thư, bà Bảy còn chuyện trò hóm hỉnh, vui cười đi lại như tuổi năm mươi. Vậy mà nay đã trở thành bà cụ lưng còng khi quên khi nhớ. Thời gian của lớp con cháu như đủng đỉnh rình rang còn lớp người già thì qua đi nhanh thật. Đời người giữ trẻ và chăm già cái nào cũng nghĩa đạo như nhau. Trẻ chỉ biết ăn biết khóc, biết cười, biết ngủ… cực nhất là khi ốm đau, chăm bé chỉ bằng cảm nhận của mẹ khi ôm bé vào lòng. Anh chăm bà Bảy tuổi ngoài tám mươi cũng như người ra khơi coi gió bỏ buồm. Phải tính trước khi trái gió trở trời. Cô Bảy ruột thịt của cha có chồng là liệt sĩ, máu mủ gia đình chỉ có anh và nay lớp người cha chú trong nhà còn anh sống bên cô. Người cô cũng là người mẹ thử hỏi làm sao không gắn kết, yêu thương. Anh tròn vai cháu vai con, đặt lên vai mình trọng trách hiếu nghĩa như bao người xưa nay…
Rời Xuân Thiều, tôi cùng anh Nguyễn Văn Đến ghé về nhà Hoàng Văn Thụ. Chị Bách Xuân dọn lên những món đặc sản vùng quê còn nóng bốc khói. Ly rượu đầu năm làm ấm tình bằng hữu sui gia. Con cháu nội ngoại tề tựu đông đủ. Tôi nói: anh chị à, mình hãy ngồi với nhau nhiều hơn để chia sẻ niềm vui, để con cháu thêm hạnh phúc. Mọi người cùng nâng ly chia sẻ… niềm vui như được thăng hoa.
P.Đ.N