Thư từ Khu V

13.04.2025
Hà An

Thư từ Khu V

Di cảo của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Trọng Định do nhà báo Trần Mai Hạnh lưu giữ

Trên những lá thư từ Khu V gửi ra miền Bắc, ghi những hòm thư Làng Tuấn, Làng Tuyên, K40, 3105, C6 Vinh Quang, B110 Tương Lai, miền Trung Trung Bộ… Những bức thư thời chiến ngày ấy viết trên đủ loại giấy khác nhau, thấm đẫm máu của người viết và người đưa thư. Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, mỗi dòng chữ là từng khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Họ đã sống, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến…

Nguyễn Trọng Định: “Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận”

Theo tài liệu của cố nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh lưu lại, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định là phóng viên Báo Nhân dân. Trọng Định hy sinh lúc mờ sáng ngày 26/8/1968, khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim chảy theo đường đạn ướt sũng cả một ba lô.

Trong ba lô đó, có những bút tích và di cảo còn lại, phác thảo bài thơ “Gửi em” thấm đẫm máu nhà thơ. Không một con chữ, một nét chữ nào là không nhòa máu. Không thể nào đoán đọc được, dù chỉ một câu thơ. Bức ảnh anh và người yêu bị thủng một chỗ ở nơi ngực trái của Định, vết máu loang ở đó. Những dòng cuối cùng trong nhật ký với nét bút vội vã, nguệch ngoạc: “... Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này. Mong em Kim của anh trên đường đời luôn hạnh phúc. Và luôn trong sáng, đẹp đẽ như mối tình giữa đôi ta. Nếu anh có không may... nhưng chắc chẳng bao giờ có chuyện đó đâu phải không em thân yêu. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra mặt trận đây!”.

Dương Thị Xuân Quý: “Đường ra mặt trận vui ghê lắm”

Điều đặc biệt nữ nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, năm 1967 khi nhà thơ Bùi Minh Quốc vào chiến trường thì đến tháng 4/1968, chị gửi con gái mới 16 tháng tuổi cho bà ngoại để vào chiến trường miền Nam.

Ngã xuống giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời không chỉ là tác phẩm, trang nhật ký, thư từ là tài sản quý giá về lòng trung thành, về tinh thần bất khuất của một nữ nhà báo kiên trung đã xông mình vào nơi lửa đạn, ghi lại những câu chuyện xúc động nhất của thời chiến.

Trong nhiều thư gửi bạn thân và gia đình, cô gái có tên Nhàn là bạn thân của chị, trong một bức thư đề ngày 5/11/1968 “Mình gầy và xanh. Tuần nào cũng sốt rét nhưng cắt cơn, lại đi gùi, cõng gạo, ngô từ đồng bằng về ăn. 4 tháng mình đi tới 10 chuyến. Mỗi chuyến từ 3 đến 10 ngày. Đi mỗi ngày 8 đến 10 giờ đường leo dốc là thường. Mình cõng khỏe: 30 kg. Đi cũng dẻo dai lắm. Người ta rất lạ là gầy gò như mình mà sao chịu đựng giỏi vậy? Mình đã một mình đi giữa rừng và một mình ngủ giữa rừng vắng trên đường đi cõng gạo. Một lần mình chờ ở ven sông qua đò nước lũ đến, không còn nơi ẩn nấp, mình phải leo lên cây khế ngồi giữa đêm đen, mưa và rét, Nhàn bảo có kinh không? Trước đây bọn mình ăn 1,5 lon bắp và nữa lon gạo một ngày. Bây giờ không có gạo nữa. Gạo phải dành cho các anh em đau dạ dày và ốm đau. Chúng mình ăn 3 bữa ngô hầm 1 ngày với mắm cái đun vào nước lã và muối. Thỉnh thoảng thêm một chút rau rừng. Mình vào chiến trường giữa lúc chiến trường gặp nhiều khó khăn quá nhưng mình rất mau “nhập chiến trường”... Ngoài nỗi nhớ Ly và Hà Nội ra, mình không sợ gì cả…Anh em Chi hội Văn nghệ Khu V (nơi mình công tác) rất yêu thương, đùm bọc. May mắn.

Mình viết được 2 cái truyện ngắn: Hoa rừng; Niềm vui thầm lặng và một cái ký Tiếng hát trong hang đá.

Lá thư đề ngày 2/3/1969, gửi anh Tiến (Trần Tiến - Chu Cẩm Phong): Tôi đi Xuyên Hòa kịp thời. Chiều 21/2/1969 thì tới Xuyên Hòa sau khi suýt chết vì tàu rà bắn rốc kết… Đêm 21/2, tôi làm việc với anh Bí thư Đảng ủy và cậu Bí thư Đoàn. Không khí hiệp đồng chiến đấu hối hả. Tôi ngủ và ở cùng nhà với Trung đội du kích xã…Sáng 22.2 và những ngày tiếp đó thì liên tục chạy càn. Sáng 22.2 tôi đang mải làm việc với chị hội trưởng phụ nữa xã ở lại chỗ ngủ đêm trước, thì Mỹ ập tới. Tôi lướt theo anh bí thư chạy… Bom: chạy. Mỹ: chạy đi đâu cũng chạy ca nông. Mỹ vẫn ở Nỗng bà Tình và càn chốt ở Nỗng cao từ hôm tôi tới. Tuy vậy tôi vẫn ra được sát đồn Kiểm Lâm, sang La Tháp về Phú Lạc, thôn nằm 2 bên đường cái - Xuyên Hòa kiên cường lắm, tôi bắt gặp nhiều điều xúc động.

Tôi định không lên Xuyên Phú. Nhưng ta đánh An Hòa như vậy mà mình ở cạnh, không lên thì vô lý quá. Tôi quyết định vượt đường lên Xuyên Phú… Tôi thấy cứ điểm An Hòa và gặp được bộ đội công tác mở ra cửa Xuyên Phú. Ở Xuyên Phú địch phản ứng gay gắt hơn. Nó lội vào, vừa bắn cối, DK, ca nông xung quanh và tàu rà phóng rốc két. Tôi theo anh em chạy càn trong tình trạng đó. Cũng hoảng anh Tiến ạ, nhưng vui tuyệt diệu. Xuyên Phú - Xuyên Hòa đánh mìn, đánh Mỹ đều giỏi…Tôi muốn viết một cái ký về Xuyên Phú, Xuyên Hòa, đợt tiến công đầu xuân này và một cái ký về Xuyên Châu.

Đêm 3/3/1969, từ dưới hầm bí mật của vùng đông Duy Xuyên, trong thư gửi nhà văn Chu Cẩm Phong, chị đã viết “Tôi đã đến H2/K532 sáng nay.

Đi xuồng hơi vất vả. Địch vừa phục và bắn chết 1 đồng chí của mình hôm kia và hôm qua bắn bị thương 2 đồng chí lúc qua đường… Nhớ gửi thư ngay cho tôi anh Tiến nhé.” Nhưng rồi chỉ vài hôm sau, vào đêm ngày 8/3/1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật tìm cách thoát ra khỏi vòng càn...

Chu Cẩm Phong: “Em dẫu có ngã xuống hy sinh trong cái đêm trước ngày thắng lợi đó, cũng thỏa lòng mong ước...”

 Nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, khi đang học năm thứ 3 đại học, sinh viên Trần Tiến được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1964, tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, ông về làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại mặt trận Quảng - Đà trong những năm chống Mỹ cứu nước. Anh hy sinh để lại cho đời gia tài đồ sộ, những trang nhật ký đầy máu lửa và thư gửi đồng đội và người thân yêu!

Ngày 09/11/1968, trong thư của Chu Cẩm Phong, gửi anh Cước, chị Tâm (bác sĩ): “…Dẫu người có gầy và yếu hơn dạo trước, nhưng em vẫn làm việc rất hăng, rất xông xáo và vẫn ôm những hoài bão, vẫn mơ đến một ngày về Đà Nẵng, mơ đến một ngày trở lại những con đường Hà Nội có 2 hàng cây cao vút và những con đường rụng đầy lá sầu vàng… Em vẫn có thể thức trọn đêm, không hề ngủ một giây, để viết một cái truyện ngắn, một cái ký sự hay một bài báo. Và sắp đến em sẽ theo các đơn vị bộ đội viết các đợt tấn công mới ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

… Anh chị ạ, trong này đang trải qua những ngày ác liệt chưa từng có, và đó cũng là những ngày vinh quang chưa từng có. Không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được cái ngày vinh quang đó. Ngày ấy đang đến gần. Em dẫu có ngã xuống hy sinh trong cái đêm trước ngày thắng lợi đó, cũng thỏa lòng mong ước...”

Trong thư gửi người yêu Huỳnh Thị Phương Liên ngày 1/4/1971: “…Anh sẽ mang theo hình ảnh đằm thắm, dịu dàng, ngọt ngào và tha thiết của em ra chiến trường cùng với những thương nhớ cháy bỏng trong tim anh. Anh sẽ đi xa, đến nơi đến chốn, sẽ sống xứng đáng. Anh không bao giờ muốn hai đứa mình là những kẻ tầm thường, tình yêu của mình chật hẹp… Yêu nhau chúng ta sẽ chiến đấu không mệt mỏi, suốt đời. Chúng ta càng yêu nhau càng nhìn vào những thằng giặc, đối diện với chúng mà ngang dọc”.

Đúng tháng sau anh đã hy sinh trong một cuộc chiến không cân sức với địch vào ngày 1 tháng 5 năm 1971, bên dòng sông Thu Bồn tại thôn Vĩnh Cường, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên.

H.A