Cái đẹp có mất đi?

13.04.2025
Tuệ Mỹ

Cái đẹp có mất đi?

(Đọc bài thơ “Đâu có gì ngoài cỏ xanh mây trắng” (*) của Phan Hoàng)

 

 

Đâu có gì ngoài cỏ xanh mây trắng

Ngàn năm trước dưới đất cỏ vẫn xanh

Ngàn năm sau trên trời mây vẫn trắng

 

Bỗng nhiên đến con người bỗng nhiên đi

Hạnh phúc khổ đau ngọn gió thiên di

Đất cỏ vẫn xanh và trời mây vẫn trắng

Phan Hoàng

(Đọc trong Lễ hội Thơ Quốc Tế Thượng Hải lần thứ 8, năm 2023)

( *) Bài thơ này được viết theo thể thơ 1-2-3 do Phan Hoàng khởi xướng. Quy tắc của thể thơ này như sau: Một bài thơ gồm 3 đoạn 6 câu. Đoạn I chỉ có 1 câu tối đa 11 chữ đồng thời được xem là nhan đề bài thơ. Đoạn II gồm 2 câu đối nhau, mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn III gồm 3 câu, mỗi câu tối đa 13 chữ. Câu cuối hô ứng với câu đầu.

 

Lời bình của Tuệ Mỹ:

Có lần đọc báo thấy có câu hỏi này:“Cái Đẹp có bao giờ mất đi?”. Một câu hỏi thú vị khiến tôi không ngừng nghĩ suy tìm cách trả lời. Cho đến khi tình cờ đọc được bài thơ “Đâu có gì ngoài cỏ xanh mây trắng” của nhà thơ Phan Hoàng, tôi rất vui mừng bởi đã tìm được lời đáp cho câu hỏi trên.

Ngay từ câu thơ đầu tiên, Phan Hoàng đã khẳng định:

Đâu có gì ngoài cỏ xanh mây trắng

Dùng cụm từ mang ý phủ định “Đâu có gì” để khẳng định đối tượng muốn nói: “Cỏ xanh” “Mây trắng”. Tại sao khi nói đến thiên nhiên, thi sĩ không chọn những hình ảnh kỳ vĩ, tráng lệ như núi, sông, biển, trời, mặt trời, mặt trăng… mà lại chọn “cỏ”, “mây”? Chẳng phải những hình ảnh kỳ vĩ kia luôn bất biến, trường tồn còn “Cỏ” thì nhỏ nhoi, đời sống ngắn ngủi và “Mây” thì mong manh dễ tan bay? Sự lựa chọn nào cũng có cái lý của nó. Hẳn đây là những tín hiệu nghệ thuật để chủ thể sáng tạo thể hiện ý tưởng bài thơ.

Xem ra, ngòi bút của Phan Hoàng muốn xoáy vào tính chất của hai thực thể thiên nhiên này là Xanh (cỏ) và Trắng (mây). “Cỏ xanh” tươi tốt mang vẻ đẹp bình dị, gợi lên sự sống sinh sôi. Còn “Mây trắng” gợi lên vẻ đẹp thanh thoát, lãng mạng, bay bổng. Có phải trong cảm quan của tác giả, “Cỏ xanh”, “Mây trắng” là biểu tượng cho Cái Đẹp bình dị. Bình dị, giản dị cũng mang nội hàm của Cái Đẹp mà.

Có thể nói, qua hai thực thể thiên nhiên này, Phan Hoàng bộc lộ một quan điểm thẩm mỹ mới.

Sau khẳng định vẻ đẹp của Cỏ, Mây, tác giả tiếp tục đặt hai đối tượng này vào quỹ đạo thời gian (ngàn năm) để khẳng định giá trị hiện hữu của chúng:

Ngàn năm trước dưới đất cỏ

vẫn xanh Ngàn năm sau trên trời mây

vẫn trắng

Chắc chắn không ai biết được “cỏ” “mây” hiện diện từ bao giờ và đến bao giờ sẽ mất đi. Nên, “Ngàn năm” chỉ là con số ước lệ tượng trưng cho sự trường cửu của thiên nhiên. Trọng tâm thông tin ở hai câu thơ này hầu như quy tụ vào từ “vẫn”. Từ “vẫn” xuất hiện đã phủ định cái yếu tố thời gian “ngàn năm” để khẳng định cái tính chất “xanh” của Cỏ, “trắng” của Mây. Thông thường sự vật sẽ biến hóa, chuyển màu khi chuyển dịch từ thời gian này sang thời gian khác nhưng với “Cỏ” “Mây”, thời gian dù chuyển trôi vào thẳm sâu trong quá khứ hay sẽ vời vợi trong tương lai thì “Cỏ vẫn xanh”, “Mây vẫn trắng” tức là vẫn vẹn nguyên bản chất. thiên nhiên vẫn là thiên nhiên. Mà thiên nhiên là cội nguồn của Cái Đẹp. Nên, Cái Đẹp cũng là cái vĩnh cửu.

Hai câu thơ trên đối nhau rất chặt. Về thời gian (ngàn năm trước/ ngàn năm sau), về vị trí không gian (trên trời/ dưới đất), về tính chất của đối tượng (cỏ vẫn xanh/ mây vẫn trắng), về thanh điệu (trước/ sau; đất/ trời; xanh/ trắng). Thực hiện lối đối chặt, chỉnh như thế hẳn chủ thể sáng tạo muốn hoàn chỉnh một thông tin: thiên nhiên luôn bất biến, Cái Đẹp thì vĩnh hằng.

Ba câu cuối:

Bỗng nhiên đến con người

bỗng nhiên đi Hạnh phúc khổ đau ngọn gió

thiên di Đất cỏ vẫn xanh và trời mây

vẫn trắng

Ở khổ cuối, tác giả dành hai câu đầu nói về con người. Từ “bỗng nhiên” hiện diện hai lần trong một câu thơ tựa như luồng sáng đột ngột xuất hiện dọi vào sinh thể “con người” gây cảm giác thảng thốt, bàng hoàng về điều dự cảm. Con người tuy bé nhỏ nhưng lại là một thực thể quan trọng nhất trong vũ trụ (theo chủ nghĩa duy con người). Thử hỏi, nếu không có con người thì liệu có cuộc sống? Có trần gian? Mà nói đến trần gian là nói đến cái vô thường. Con người “bỗng nhiên đến” rồi “bỗng nhiên đi” chẳng phải là vô thường đó sao? Khái niệm “con người” luôn gắn liền với khái niệm “hạnh phúc” “khổ đau”. Phan Hoàng lại tiếp tục về cái triết lý vô thường đó: “Hạnh phúc khổ đau ngọn gió thiên di”. Câu thơ này thực chất là cách nói khác của thuyết tính Không (Phật giáo) với cặp phạm trù Sắc-Không. Nhưng cách nói của triết thì khô khan làm sao có sức ám ảnh bằng cách nói của thơ. Hình ảnh “ngọn gió thiên di” quả là có sức nặng ám ảnh về thuyết Sắc-Không này.

Câu kết của bài thơ “Đất cỏ vẫn xanh và trời mây vẫn trắng” hô ứng tương hỗ với câu mở đầu. Nội hàm câu thơ này cũng không ngoài khẳng định lại ý: Thiên nhiên thì bất biến, Cái Đẹp không bao giờ mất đi. Nhưng ý câu kết lại tương phản với ý hai câu đứng trước nó: đời người thì hữu hạn, vô thường. Tổng thể bài thơ có sáu câu, nhưng chỉ có hai câu nói về con người, còn phần nhiều câu thơ nói về thiên nhiên, vũ trụ. Có phải đây là phương pháp đòn bẩy dùng cái vô hạn để làm nổi bật cải hữu hạn? Để từ đây, thông điệp bài thơ hiển lộ: Chỉ có vũ trụ mới vĩnh cửu còn đời người thì hữu hạn, vô thường. Vâỵ nên, ta hãy yêu cuộc sống này, quý trọng từng phút giây mình hiện hữu trên cõi đời. Và, sống, phải sống một cuộc đời có ích cho xã hội, lòng luôn hướng vọng về Chân- Thiện-Mỹ. Sống một cuộc đời như thế cũng tức là sống đẹp. Mà Cái Đẹp thì mãi mãi. Dẫu một mai có về với cát bụi thì cái giá trị tốt đẹp của con người khi ta sống vẫn cờn lưu mãi.

Rõ ràng, hai hình ảnh “Cỏ xanh”, “Mây trắng” chính là tín hiệu nghệ thuật để tác giả thăng hoa cảm xúc thi triển tứ thơ. Hai hình ảnh này chuyển dịch rộng khắp trong không gian bài thơ đã mở ra nhiều chiều kích liên tưởng, tưởng tượng cho bạn đọc: Cỏ và Mây, tuy đời sống ngắn ngủi nhưng một khi đã hiện hữu thì phải “Xanh” phải “Trắng” tức là phải đẹp, phải có ích. Dù có khi Cỏ bị héo, Mây bị đen nhưng “Xanh” “Trắng” thì “vẫn” cứ là bản chất. Cũng như thế, đời người tuy ngắn ngủi nhưng ta phải sống hết mình với lẽ sống đẹp, không làm điều ác, không toan tính, bon chen, tranh đoạt… Dù có lúc rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng “vẫn” giữ gìn bản chất thiện lương vốn có “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Ngoài tín hiệu nghệ thuật, “Cỏ xanh”, “Mây trắng” còn là hình chiếu tâm hồn nhà thơ. Một tâm hồn tràn ngập tình yêu Cái Đẹp, muốn lưu giữ Cái Đẹp.

Một bài thơ ngắn nhưng có nội hàm sâu rộng. Hoà trộn nhiều cảm quan của thi sĩ: cảm quan về vũ trụ, về triết lý Phật giáo, về thuyết hiện sinh. Chắc cũng không ngoài mục đích làm cho thông điệp bài thơ thêm sâu săc và khơi lộ bí ẩn của Cái Đẹp.

Một thể thơ còn rất mới nhưng Phan Hoàng đã tỏ rõ một nội lực thi pháp khi sử dụng nó. Tuân thủ luật thơ đã đành nhưng quan trọng nội lực thi pháp thể hiện rõ ở cách dụng ngôn, kiến tạo thi ảnh, kiến tạo không gian thơ. Ngôn ngữ tinh lọc, hàm súc, đa nghĩa; thi ảnh giàu sức gợi, tạo liên tưởng sâu xa; không gian bài thơ tràn ngập ánh sáng trong lành, thanh khiết, có nhiều khoảng trống mời gọi bạn đọc bước vào để đồng cảm, đồng sáng tạo cùng tác giả.

Bài thơ là lời thầm nhắc con người hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận ánh sáng của Cái Đẹp, của yêu thương.

 

Bình Định, 12/12/2024

TUỆ MỸ